'Hãy quay về với giá trị truyền thống'
"Khi đạo đức có dấu hiệu đi xuống, chúng ta nên quay về với những giá trị truyền thống, những chuẩn mực về đạo đức và nét đẹp thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt", nhà văn Toan Ánh - người cả đời tâm huyết giữ gìn nét đẹp truyền thống dân tộc, tiếp nối thuần phong mỹ tục - tâm sự.
- Ông có thể cho biết chi tiết bản hợp đồng NXB Trẻ đã ký hợp đồng xuất bản tác phẩm của ông cuối tháng 5/2004?
- Trước đây sách của tôi cũng đã được xuất bản lẻ tẻ ở một số NXB. Riêng với NXB Trẻ, chúng tôi ký hợp đồng nhượng quyền có thời hạn để họ độc quyền xuất bản trên toàn quốc Toan Ánh toàn tập (gồm 124 tác phẩm đã in và chưa in) trong thời hạn 10 năm (2004-2015).
Trong đó có nhiều bộ sách giá trị và quan trọng như bộ Nếp cũgồm 11 cuốn, nói đầy đủ về vòng đời của một con người Việt Nam (từ lúc thai nghén, sinh ra, đi học, đi làm, lập gia đình, chết, cải táng v.v..., đã in 6 cuốn). Bộ Việt Nam chí lược gồm 5 cuốn mới in được 3: Người Việt đất Việt, Miền Bắc khai nguyên, Cao nguyên miền thượng (2 cuốn còn lại là: Miền Trung kiên dũng, Miền Nam phú cường). Nếu tập truyện Trong lũy tre xanh (viết năm 1957) phê phán hủ tục làng quê thì Phong lưu đồng ruộng (1958) ca tụng nét đẹp của đời sống tinh thần nơi thôn xóm. Nếu Bó hoa Bắc Việt (1958) đề cao phẩm chất hiền thục, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam thì Tiết tháo một thời (1957) nêu gương khí phách của sĩ phu Việt Nam. Cuốn Hương nước hồn quê (1999) dùng những câu chuyện tình để giải thích ca dao. Lại có 2 tập truyện ngắn khá thú vị là Những chuyện ăn trộm và Nghệ thuật bắt trộm, rồi Cầm ca Việt Nam, Hồn muôn năm cũ, Trong họ ngoài làng, Ta về ta tắm ao ta...
"Bó hoa Bắc Việt" gồm những câu chuyện về thuần phong mỹ tục Việt Nam qua các nhân vật là các cô gái chàng trai ở các miền quê Xứ Bắc, qua công việc, nghề nghiệp của họ: nghề thủ công, trồng trọt (trồng chè, trồng hoa, trồng cói dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, lái đò, nội trợ, thêu thùa…). Sách được biên khảo sưu tầm rất chi tiết.
"Thú vui tao nhã" nằm trong bộ "Nếp cũ" của nhà nghiên cứu Toan Ánh, kể về những thú chơi của người Việt từ thời xưa: chơi hoa, cây cảnh, chọi gà, chơi chim, cá cảnh, thả diều... Từng thú chơi được kể rất tỉ mỉ, chi tiết, giúp người đọc có thể hình dung đầy đủ về các trò tiêu khiển xưa, hiểu thêm một nét văn hóa trong đời sống người Việt.
- Trong những tác phẩm của ông, đặc biệt có cuốn hồi ký "Nhớ thương" rất cảm động, viết sau khi người vợ qua đời ở tuổi 46. Tình nghĩa sâu đậm như thế hẳn có nhiều nguyên do?
- Thời trẻ tôi cùng các trai làng đi hát quan họ thâu đêm suốt sáng với các liền chị xinh đẹp, duyên dáng vùng quê nhưng chẳng có cô nào làm tôi rung động. Ấy thế mà khi tôi đến vùng Vĩnh Yên (Vĩnh Phú) công tác thì thật sự bị "sét đánh" ngay lần đầu tiên thoáng nhìn thấy cô bé chung xóm: "Biết em năm ấy tuổi mười lăm/ Mơn mởn trăng tơ giữa buổi rằm/ Cô nữ học sinh trường tỉnh lỵ/ Nhiều chàng trai trẻ vẫn yêu thầm... Biết em cách đó chẳng bao lâu/ Anh đến anh xin bỏ miếng trầu/ Bà nội bảo là em nhỏ quá/ Nhưng thôi, đôi trẻ đã thương nhau/ Nghỉ học vắng em cô giáo mong/ Kém vui lớp học lạnh như đông/ Hỏi thăm lũ bạn tranh nhau đáp/ Chị ấy, thưa cô sắp lấy chồng". (Biết em năm ấy).
Đã "bỏ miếng trầu" tức là đã đính hôn, thế nhưng cả hai đứa chưa bao giờ nói với nhau được nửa lời hoặc gặp riêng nhau. Mỗi khi tôi đến nhà thì cô ấy vụt chạy vào nhà sau, mà cô ấy có muốn ngồi lại cũng không được bởi thế nào cũng bị bà nội đuổi vào nhà trong (cô ấy mồ côi mẹ từ lúc 6 tuổi, ở với kế mẫu và bà nội). Tôi không buồn bởi lúc nào cũng bắt gặp đôi mắt đen láy của cô ấy đang nhìn trộm sau bức màn. Đôi mắt của cô gái từng được tôn xưng là hoa khôi Vĩnh Yên ấy trao gởi cho tôi biết bao điều... Chỉ đến lúc bà nội từ trần, chúng tôi mới được phép làm lễ cưới chạy tang. Chàng rể đứng chờ cô dâu ra lễ gia tiên mãi mới thấy cô dâu thẹn thùng bước ra trong chiếc áo dài xanh nước biển... cũ nát, rách lòi khuỷu tay. Lập hôn thú rồi vẫn chưa "động phòng" mà phải gìn giữ đến ngày đón dâu về mới thực sự là của nhau trọn vẹn. Khi ấy nhà tôi 17 tuổi. Sống với nhau 20 năm, có 11 người con. Nhà tôi đột tử vì đứt mạch máu dạ dày ngay trong ngày cưới đứa con gái thứ hai.
Tôi viết Nhớ thương khoảng 1 năm thì hoàn thành. Sau khi đọc cuốn sách này, nhà thơ Bàng Bá Lân đã viết cho tôi một bức thư dài, có đoạn: "...Tình chăn gối ở đây không cũ với thời gian. Hay đôi lứa là lứa đôi lý tưởng. Nếu không thì phải có cái gì khác thường. Cái gì ấy, tôi đã suy nghĩ nhiều mà không tìm ra. Anh có thể cho tôi biết được không"? Tôi đã trả lời : "Tôi cho rằng chúng tôi có cái gì là do sự giáo dục của cả đôi bên. Nền giáo dục đã phối hợp sự ăn ở giữa chúng tôi, luôn luôn kính trọng nhau. Thực ra gia đình hòa thuận bình yên, bền vững là ở trong tay người đàn bà...".
"Cầm - Kỳ - Thi - Họa" là những ghi chép về nghệ thuật cầm ca của Việt Nam (các loại nhạc khí, các điệu hò điệu hát..), các môn cờ, thơ ca và họa... được thuật lại qua các câu chuyện hấp dẫn, và dồi dào về chi tiết.
- Ở tuổi đại thọ, điều gì khiến ông hài lòng và còn điều gì phải băn khoăn?
- Điều hài lòng là lúc cuối đời cũng đã tìm được nơi để ký gởi toàn bộ tác phẩm của mình bởi đã nhiều năm rồi cứ ngồi nhìn chồng bản thảo chưa in mà... thở dài. Băn khoăn là xã hội Việt Nam thay đổi quá nhanh, những nét đẹp truyền thống ngày mỗi mai một trong khi đó lại du nhập nhiều thói quen sinh hoạt theo ngoại quốc, nhưng lại không chắt lọc những cái tốt mà lại thu nhận cả những điều xấu.
(Theo Thanh Niên)
Nhà văn, nhà nghiên cứu phong tục Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toánsinh năm 1915 (Ất Mão) tại Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh. Ông bắt đầu viết lách từ năm 1934, và sáng tác trên nhiều lĩnh vực như thơ ca, văn xuôi, kịch bản và biên khảo phong tục học với các bút danh: Đào Vân, Kinh Vũ, Minh Chúc, Hảo Lân, Vương Quốc Sủng, Thành Nghĩa, Hiển Vi... và nhiều nhất là Toan Ánh.
Trong hơn 70 năm cầm bút sáng tác và hoạt động văn học nghệ thuật, ông đã cộng tác với hàng chục tờ báo khắp trong Nam ngoài Bắc. Ông cũng trải qua nhiều vị trí như: làm chủ nhà in, nhà xuất bản ở Hà Nội (trước năm 1954), thành viên Trung tâm Văn bút Quốc tế (Pen Club), giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học và cao đẳng như Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, Đại học Văn khoa Huế, Đại học Văn khoa Cần Thơ, Đại học Đà Lạt, Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn... về các môn phong tục học, văn hóa xã hội Việt Nam, lịch sử nghệ thuật và nếp sống dân tộc Việt Nam.
Ông mất ngày 15/5/2009, tại TP HCM, hưởng thọ 95 tuổi. Từ năm 2004, Nhà xuất bản Trẻ đã được tác giả và gia đình đồng ý trao quyền xuất bản từng phần tất cả tác phẩm của ông.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015