Nghe các tập đoàn lớn nói
Ngày 23.4.2008 trong và bên lề Hội nghị Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, người ta đã được nghe những lời bộc bạch "lấy ngắn nuôi dài" của những người đứng đầu một số "tập đoàn" lớn, các tổ chức được Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng gọi là các "anh cả" của nền kinh tế...
Hầu hết các ông "anh cả" đều kêu rằng mình đầu tư ra ngoài lĩnh vực cốt lõi không đáng là bao, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi lợi nhuận không cao, chậm hoàn vốn. Nhiều ông biện bạch "chúng tôi không đi tìm lợi nhuận". Nghe có vẻ hơi lạ. Kinh doanh mà không tìm kiếm lợi nhuận là nghĩa gì? Không tìm kiếm lợi nhuận thì làm sao lấy ngắn nuôi dài?
Lúc thị trường chứng khoán và bất động sản được "thổi" lên vù vù, cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản rất được ưa chuộng. Bỏ vào vài trăm tỉ tham gia lập công ty trong các lĩnh vực đó, sau một thời gian ngắn có thể bán được cả ngàn tỉ để "lấy ngắn nuôi dài" bù cho hoạt động "cốt lõi chậm hoàn vốn". Họ chỉ nhìn thấy cách kiếm lời quá dễ, quá nhanh trong các lĩnh vực đầy rủi ro này.
Bằng bộc bạch "lấy ngắn nuôi dài" họ đã chẳng ngần ngại nói toẹt ra suy nghĩ mang tính "đánh quả", "đầu cơ" của họ trong việc đầu tư sang các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản. Thật đáng e ngại về tầm nhìn kinh doanh của các "anh cả" qua những lời bộc bạch, than phiền, thậm chí đe doạ nếu "Chính phủ không bổ sung vốn cho các tập đoàn kinh tế" thì "sẽ là thảm hoạ trong tương lai", hay đổ lỗi cho người dân khi thiếu điện. Các "anh cả" đã đầu tư bao nhiêu ra bên ngoài doanh nghiệp?
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, họ đã đầu tư 116.768 tỉ đồng (cỡ 10% GDP và bằng 26% vốn huy động của 70 tập đoàn và tổng công ty!) ra bên ngoài doanh nghiệp, trong đó có 23.344 tỉ đồng vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản. Riêng Vinashin đã đầu tư 3.323 tỉ (bằng 1.1 lần vốn chủ sở hữu!) vào các lĩnh vực nhạy cảm này, thế mà bảo "không tìm kiếm lợi nhuận" để "lấy ngắn nuôi dài".
Tính đến cuối năm 2006, cả nước đã cổ phần hoá (CPH) được khoảng 3.000 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và bộ phận DNNN. Với lộ trình CPH từ năm 2007 đến 2010, theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ có 71 tập đoàn, TCty nhà nước được tiếp tục CPH với giá trị tài sản lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng. |
Đó là chưa kể các ngân hàng quốc doanh bơm bao nhiêu tín dụng cho các "nhà đầu tư" trong các lĩnh vực này? Với những con số như vậy thì việc hình thành bong bóng chứng khoán và nhà đất kể cũng không khó hiểu. Nay bong bóng chứng khoán đã xẹp, bong bóng bất động sản đang xì. Liệu có lợi nhuận mà "họ không tìm" để "lấy ngắn nuôi dài" hay không?
"Tỉ lệ nợ trên vốn của các DNNN còn quá cao. Nhiều công ty có số nợ phải trả gấp 5 lần vốn nhà nước tại công ty. Có công ty vay gấp 20 lần vốn nên có độ rủi ro cao, khả năng thanh toán nợ thấp". Đấy là điều lo lắng của ông Phạm Viết Muôn - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp nhà nước - ở hội nghị cùng tên ngày 7.10.2006.
Nay sau gần 2 năm thì sao? Vẫn theo báo cáo của Bộ Tài Chính đến 31.12.2007 tổng số vốn huy động của 70 tập đoàn, tổng công ty là 448.269 tỉ đồng (số vốn đầu tư ra ngoài 26% của con số này!). Hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu quá cao như TCty Xây dựng công trình giao thông 5 là 42 lần, TCty Xây dựng công trình giao thông 1 là 22,5 lần, Vinashin là 21,8 lần, Lilama là 21,5 lần.
Chẳng hiểu các ngân hàng nào cho họ vay như vậy? Vì với tập quán cẩn trọng thì ngân hàng sẽ rất khó cho vay khi tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt hơn 3 lần. Chắc là Chính phủ vay hộ, hay bảo lãnh hay lệnh cho các ngân hàng phải cho vay? Với tỉ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu như thế, rủi ro là kinh khủng. Và họ lớn tiếng cảnh báo Chính phủ "nếu không bổ sung vốn" cho họ thì quả là "thảm hoạ" đối với họ thật là dễ hiểu.
Căn bệnh nuông chiều các ông "anh cả", làm mềm ràng buộc ngân sách của chúng là căn bệnh đã được biết đến từ lâu nhưng vẫn để cho ngày càng trầm trọng hơn, khiến hoạt động của chúng không hiệu quả. Thắt chặt, cứng hoá ràng buộc ngân sách của chúng (mà có thể hiểu nôm na là không được nao núng trước những lời than vãn thậm chí đe doạ của chúng và tiếp tục ưu ái chúng, cấp vốn, cấp tín dụng dễ dãi cho chúng) là việc cần phải làm nếu muốn chúng hoạt động hiệu quả.
Ngành điện cũng "lấy ngắn nuôi dài" khi đầu tư sang các lĩnh vực khác. Thiếu điện và người lãnh đạo cao nhất của EVN đổ lỗi cho dân, cho người tiêu dùng. Và "giải pháp số 1" hiện nay của ngành là cử "50.000 quân" đi bán bóng đèn copact để tiết kiệm điện! Điện lực Hồ Chí Minh dự kiến chi 250 tỉ đồng để dời điện kế ra khỏi nhà khách hàng. Có bao nhiêu việc bức xúc khác phải làm thì ngành điện lại hồ hởi làm những việc chẳng hề "cốt yếu" gì và còn gây khó khăn cho người tiêu dùng như việc dời điện kế.
Mới chỉ nghe sơ qua những lời giải thích, than vãn, cảnh báo của các ông "anh cả" mà thấy ớn, thấy các ông chẳng đáng mặt "anh cả" chút nào, thấy tầm nhìn của "các anh" rất có vấn đề. "Nuôi quân ba năm, dùng một giờ" theo cách này có lẽ không ổn. Số quân bỏ công ra "nuôi" này không là giải pháp mà chính là nguyên nhân gây ra vấn đề. Nhân cơ hội chống lạm phát, khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô có lẽ nên kiên quyết cải tổ chúng để chúng hoạt động hiệu quả hơn là phải nuôi "ba năm" để dùng "một giờ" mà liệu có dùng được chúng "một giờ" đó?
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng