Đôi nét về tư duy đa phức

02:40 CH @ Thứ Hai - 05 Tháng Giêng, 2009

“Chúng ta còn luôn ở trong tiền sử của trí tuệ con người. Chỉ có tư duy đa phức mới cho phép văn minh hóa tri thức.”

Nhận thức khoa học đã từ lâu và nay vẫn được quan niệm là có nhiệm vụ xóa sạch cái bề ngoài phức tạp, của các hiện tượng nhằm bộc lộ cái trật tự mà các hiện tượng tuân thủ.

Nhưng, dường như những phương thức giản ước về nhận thức đã làm hiện tượng trở nên què quặt, hơn là trình bày sát đúng, gây ra mù mờ hơn là soi rõ. Thế là nảy sinh vấn đề: làm thế nào có thể đối diện, xem xét sự phức tạp mà không giản ước, không theo cách đơn giản hóa? Bài toán này không phải lập tức buộc người ta chấp nhận mà bắt buộc chứng minh tính cách chính đáng hợp lý của nó. Bởi cái từ “phức tạp” hoặc “đa thức” đâu có được thừa kế một di sản triết học khoa học, khoa học luận nào đâu. Ngược lại nó còn mang nặng tì tật về ngữ nghĩa, bởi vì nó nói đến “phức tạp” là nói đến mù mờ, lẫn lộn, rối rắm, không trật tự, không chắc chắn. “Phức tạp” là không thể tóm gọn bằng một từ chủ chốt, không thể qui vào một qui luật, không thể trình ra một ý tưởng giản dị. Phức tạp là một từ - đặt vấn đề, một từ - nêu bài toán, chứ không phải một từ - giải quyết vấn đề, từ - giải đáp bài toán.

Và như vậy, để thích ứng với vấn đề phức tạp, phải có tư duy phức tạp, và để khỏi rơi vào hiểu lầm, hiểu sai "tư duy phức tạp" xin dùng "tư duy đa phức" (la penseé complexe).

Với hiện tượng đơn giản, ta quan sát, tìm nguyên nhân tìm biện pháp giải quyết, theo luật nhân quả, tư duy như vậy là theo lối đơn tuyến. Và trên giả thiết - vốn đã trở thành niềm tin rằng đó là hiện thực - mọi việc đều theo qui luật, đều xác định được (determinism). Với hiện tượng phức tạp như mớ bòng bong, chằng chịt tùm lum, thành một cái mạng (réseau), không còn có thể dùng tư duy đơn tuyến (linéaire) để tiếp cận nghiên cứu hiện tượng được nữa. Phải dùng một lối tư duy thích hợp. Đôi mươi năm trước, cụm từ “tư duy xi-bec-nê-tic” đã được dùng, nay thấy dùng cụm từ "tư duy đa phức" của triết gia lẫy lừng danh tiếng Edgar Morin. Từ những phát hiện mới của nhiều môn khoa học tự nhiên ví như vi vật lý, sinh học phân tử... mà ra những thuyết mới tạo nền cơ sở cho tư duy mới. Đó là những thuyết như thuyết về Hỗn độn (Chaos), về Tai biến (Catastrophes), về Ngẫu nhiên (Hasard), về Bất xác định (Indéterminié). Phạm vi bài nhỏ này không sao dung nạp việc trình bày, dù rất sơ lược những thuyết đó, chỉ xin thưa một điều: đi vào những cái mới nhất của phương Tây trí tuệ này, gặp lại khá nhiều điều cốt lõi là phương Đông trực giác đã nói. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khác: hai mặt oái ăm của sinh vật gọi là Người. Một phương trời thảo luận khác.

Bây giờ đang nói về tư duy đa phức. Dường như trước hết có hai chuyện phải xua đi cho đỡ phần ảo tưởng. Đa phức không có nghĩa là hoàn toàn vứt bỏ giản ước mà chỉ vứt bỏ những khiếm khuyết của giản ước: què quặt, đơn chiều, thô mộc, mù mờ ở kết luận vốn lấy cái được phản ánh làm cái thực tại để giữ lại những gì đã thành tựu được: trật tự, phân minh, sáng sủa, chính xác ở tiến hành nhận thức - Đa phức không có nghĩa là bổ sung thứ này thứ khác cho nhiều lên để ra vẻ phức tạp, dĩ nhiên, tư duy đa phức vứt bỏ cái lối chẻ chặt chia cắt, cô lập, tìm đến những cái gì móc nối liên kết, tương tác, tương sinh, lấp những chỗ đứt đoạn hẫng trống giữa các môn khoa bọc. Nhưng, tư duy đa phức, ngay từ đầu, biết rằng con người không thể có được một tri thức hoàn bị, tuyệt đối đầy đủ. Khẳng định của Pascal: "Mọi sự vật đều được gây nên và gây nên vật khác, được phù trợ và phù trợ vật khác, vừa trực tiếp vừa gián tiếp và tất cả đều tồn tại bởi một dây liên hệ tự nhiên và vô cảm nối liền nhau những sự vật xa nhau nhất và khác nhau nhất".

Như vậy, nhận dạng đầu tiên đối với tư duy đa phức là vươn đến một tri thức không cục bộ, không ngăn cách, không giảm thiểu, giản ước, và thừa nhận mọi tri thức đều bất kết thúc và bất hoàn bị. Một tri thức đa chiều, đa tuyến, cũng là có dạng mạng. Mạng tư duy đối diện tiếp cận mạng hiện tượng, tìm cho ra một điểm nào đó mà bám vào đó là tháo gỡ được mớ bòng bong. Edgar Morin viết: "Cái từ "đa phức" đến với tôi là do được chuyển tải bởi các lý thuyết về tin học, về xi-bec-nê-tic, về hệ thống, về tự tổ chức... nối liền trật tự với vô trật tự, với tổ chức, trong tổ chức có một và có nhiều khái niệm... những khái niệm đó thao tác với nhau, vừa bổ sung vừa tương khắc, tương tác, và kết chùm những mối quan hệ giữa kinh nghiệm thực chứng, lô-gic với hợp lý... tư duy đa phức không né tránh hoặc vứt bỏ thách thức, mà góp phần trợ giúp việc tiếp nhận thách thức, và có khi vượt qua thách thức..."

Năm tháng hiện nay và sắp tới dồn dập quá nhiều thách thức, có những thách thức đối với vận mệnh của quả đất, của loài người. Cấp thiết và xiết bao quan trọng tư duy gỡ được bòng bong, vượt qua được thách thức, và nguy hiểm biết bao nếu vẫn chống gậy già nua đi trên đường đơn tuyến nhân quả đơn giản.

Khoa học quả đã đem lại cho chúng ta những hiểu biết tuyệt vời “sánh tày Thượng Đế”, nhưng hằng ngày vẫn xảy ra vô số chuyện mù quáng, phi lý, dốt nát, sai lầm. Nhỏ như biết hút thuốc lá là bị ung thư mà vẫn thích thú hút. Lớn như một dân tộc dùng sức mạnh quân sự đày dọa một dân tộc khác vào thảm cảnh mà chính dân tộc mình là nạn nhân hàng thế kỷ?

Theo E.Morin, những đe dọa lớn nhất đối với loài người đều gắn liền với tiến bộ mù quáng và không kiểm soát được của tri thức( như vũ khí hạt nhân, hư hỏng sinh thái...). Những sai lầm, dốt nát mù quáng đó có một tính chất chung vốn là kết quả của "một kiểu thức tổ chức tri thức đã lỗi thời, bất lực trong việc nhận thấy và nắm bắt sự đa phức của thực tại".

Có phải chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng, khó hiểu khi nghe những cái tin đại loại như thiếu niên làm giám đốc công ty tin học, chỉ đạo kinh tế bằng bất đối xứng, cừu mang gien người? Và bao nhiêu tồi tệ, man rợ cũng đến khó hiểu: ma túy vào học trò tiểu học, cuồng dâm với trẻ con, khỏa thân và đồng tính luyến ái là "thành tố văn hóa".

Liệu lối tư duy theo cơ khí, sản phẩm của thời cơ khí, có thể lý giải và giải quyết mọi mặt hiện tượng đó, giải quyết một cách tốt đẹp cho con người, nhân loại? 10 tuổi, 14 tuổi đã làm giám đốc công ty tin học, có thu nhập, đấy là chuyện tốt, đáng mừng, hay chuyện đáng lo sợ, sẽ xảy ra cái gì? Sẽ xảy ra cái gì sau con cừu mang gien người?

Từ thời Descartes tách đôi chủ thể tư duy Ego Cogitans với khách thể ngoại tại Res Extensa, tức tách triết học rời khoa học, và nhiều thế kỷ, tư duy chúng ta theo những nguyên lý về phân ly về rút gọn, về trừu tượng hóa. Tóm lại là Giản ước. Nhờ đó, khoa học và triết học thu được nhiều thành tựu lớn lao, nhưng đến giữa thế kỷ XX trở đi bộc lộ nhiều khiếm khuyết sai lạc. Triết học không theo kịp khoa học, không tổng kết được hiện thực là điều có lẽ được thấy ra đầu tiên. Tách chia triết học rời khoa học, là làm tắc nghẽn giao lưu giữa tri thức khoa học với tư duy triết học, làm cho triết học bất lực tới mức không thể tự nhận định về mình một cách khoa học.

Do nguyên lý phân ly mà cắt chia 3 lĩnh vực trọng đại của tri thức khoa học là vật lý học, sinh học và nhân học - Các môn học càng chuyên sâu càng cắt rời manh mún hiện thực, việc cắt rời độc đoán này thao tác trên hiện thực, lại được xem là hiện thực. Thế là dẫn tới "thông minh mù quáng" nó không sao quan niệm nổi cái Một với cái Đa (unitas multiplex), hoặc tìm đến cái Một thì loại trừ cái Đa, hoặc chồng chéo cái Đa mà không hay ở đó có cái Một - "Thông minh mù quáng" hủy hoại mọi tổng thể, mọi tập hợp, cô lập mọi vật rời môi cảnh, không nhận ra mối liên hệ giữa người quan sát với vật được quan sát - Khủng khiếp nhất là dẫn đến chỗ ngay ở các bộ môn gọi là khoa học nhân văn mà lại chẳng thấy con người, chẳng cần khái niệm con người.

Thế giới hiện tượng là phức tạp, đa phức, là những cái đan lồng vào nhau, những sự kiện, biến cố, hành động, quyết định, tương tác, phản hồi... luôn biến đổi, không biết trước, không ngờ tới. Nhìn vào, đó là chằng chịt, lộn xộn, vô trật tự, nước đôi hai mặt, mơ hồ, mù mờ, bấp bênh... trông đến dễ sợ. Tư duy phải xua dẹp đi những gì là mất trật tự, hỗn loạn. Phải làm cho sáng tỏ, phải đem lại trật tự... nhưng coi chừng lại bị mắc vào "thông minh mù quáng". Bởi vì, chẳng hạn, có nhũng cái hỗn độn, mất trật tự, phải xua đi, phải sắp xếp nhưng có những cái hỗn độn, mất trật tự - lại phải được duy trì tìm hiểu trong môi cảnh và mọi liên hệ, tác động của chúng. Ở thế giới vật lý, đã phát hiện nguyên lý về suy giảm và về hỗn loạn vô trật tự (nguyên lý thứ nhì của nhiệt động học). Ở thế giới vi vật lý, hạt không phải là "viên gạch cơ bản" đầu tiên, mà là một biên cương cho một đa phức khác có lẽ khó quan niệm được. Vũ trụ không còn được xem là cỗ máy vận hành hoàn hảo mà là một quá trình luôn đồng thời giải thể và tổ chức. (Ở đây nhắc lại một chút vũ trụ của phương Đông gồm cả không gian và thời gian, vũ trụ của phương Tây (univers, cosmos) vốn chỉ có mỗi không gian, nay đang kết thêm thời gian). Rõ ràng, không thể nào có chuyện rút gọn, giản ước trừu tượng hóa ở đây nếu muốn hiểu biết đúng đắn. Thay thế cho phân ly- rút gọn- đơn chiều là chẳng hạn, phân ly- liên hợp, đơn chiều- đa chiều. Thay thế cho Một- Đa là Một trong Đa và Đa trong Một…

Bệnh lý trước đây của tư tưởng là đưa lại sự sống độc lập cho thần thoại và thần thánh mà con người tạo ra. Bệnh lý hiện đại của trí tuệ là cực - giản ước khiến ta mù mịt trước thực tế phức tạp. Bệnh lý của ý tưởng là huyền bí hóa thực tại và xem đó là thực tại duy nhất.
Bệnh lý của lý luận lý thuyết là chiết trung và giáo điều vốn khép kín lý thuyết và làm nó hóa đá. Bệnh lý của lý tính là hợp lý hóa nó, nhồi nhét cái có thật vào trong một lô ý mềm mạch lạc nhưng phiến diện, cục bộ, đơn phương, không biết rằng có một phần nào đó của cái có thật là bất khả hợp lý hóa, và rằng hợp lý hóa có nhiệm vụ đối thoại với chính cái bất khả hợp lý hóa.

Kết thúc phần "Sự cần thiết của tư duy đa phức", E.Morin viết: "Chúng ta còn luôn ở trong tiền sử của trí tuệ con người. Chỉ có tư duy đa phức mới cho phép văn minh hóa tri thức".
Hỗ trợ cho ý kiến trên, xin dẫn ý sau đây của người rất nổi tiếng trong giới lý luận Mác-xít, Coeorge Lukács: "Đa phức phải được quan niệm là yếu tố bậc tồn tại. Do đó, trước hết phải xem xét cái đa phức với tư cách là cái đa phức rồi chuyển tiếp từ cái đa phức đến những yếu tố của nó, đến những quá trình sơ đẳng của nó".

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hợp trội luận và Quy giản luận: đối lập và song hành

    24/10/2018Đỗ Kiên CườngLà quan niệm trung tâm của lý thuyết các hệ thống phức tạp, emergence đang được ca ngợi một cách toàn diện (và đúng đắn). Phải chăng reductionism đã mất hết khả năng nhận thức, như một số nhà tư tưởng nghi ngờ?
  • Xây dựng một khoa học mới – Khoa học về cái phức tạp

    16/05/2018TS. Phan Đình DiệuViệc phát hiện ra các hiện tượng hỗn độn hay các fractal, đã tạo ra một “khoa học mới”, khoa học về các hệ thống phức tạp, và nhìn trước rằng đó sẽ là khoa học của thế kỷ 21. Thế giới tự nhiên và xã hội hiện ra trước mắt ta phức tạp hơn rất nhiều những gì mà “khoa học” đã hình dung trước đó...
  • Nghiên cứu phức hợp về con người

    18/08/2015Hồ Sĩ Quý"Hình tượng con người bị vỡ ra hàng nghìn mảnh, cần phải được tập hợp sắp xếp lại" (M. Scheler). Tiếp cận phức hợp về con người không phải là phương thức nghiên cứu hoàn toàn mới. Người ta biết tới lối nhận thức này ngay từ thời cổ đại...
  • Khoa học thế kỷ XXI: Vượt ra ngoài quy giản luận

    16/03/2015Đặng Mộng LânChúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ được chờ đợi sẽ xuất hiện cuộc cách mạng khoa học mới. Cuộc cách mạng khoa học lần thứ ba này sẽ là như thế nào?
  • Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy

    26/03/2014GS. TSKH. Phan Đình DiệuThế kỷ 20 vừa đi qua và những thành tựu khoa học to lớn mà loài người đạt được trong thế kỷ đó đã làm đảo lộn nhiều hiểu biết vốn có của chúng ta về những vấn đề cơ bản như không gian và thời gian, vật chất và vũ trụ, sự sống và con người, rồi tiếp đến là kinh tế và xã hội... Từ những hiểu biết mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau dần dần đã hình thành một quan điểm mới, một tư duy mới về thiên nhiên cũng như về xã hội của chúng ta...
  • Edgar Morin và giáo dục trong thế giới biến đổi

    10/06/2010Nhà văn Nguyên NgọcVừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã có cuộc Hội thảo về giáo dục với chủ đề Adgar Morin và Triết học Giáo dục với sự tham gia của một số nhà văn hóa, giáo dục và nhiều bạn trẻ. Bài viết dưới đây là tham luận của nhà văn Nguyên Ngọc tại Hội thảo...
  • Nghiên cứu tư tưởng theo quan điểm phức hợp

    26/05/2008Cuốn sách này là tập thứ tư trong bộ "Phương pháp" (gồm 6 tập), nghiên cứu Tư tưởng trên quan điểm văn hoá và xã hội (sinh thái học về tư tưởng), quan điểm về cuộc sống của tư tưởng, về tính tự chủ/ phụ thuộc của thế giới tư tưởng (trí quyển) và quan điểm tổ chức của tư tưởng (trí học)…
  • Những thách đố của tính phức hợp

    09/11/2006Edgar Morin (Chu Tiến Ánh - Vương Toàn dịch)Tính phức hợp là một vấn đề, một bài toán, đó là một thách đố chứ không phải là lời giải đáp. Thế nhưng tính phức hợp là gì?
  • Tư duy hệ thống

    25/04/2006Ngô Trung ViệtNhân loại đã thành công qua thời gian trong việc chinh phục thế giới vật lý và trong việc phát triển tri thức khoa học bằng việc chấp thuận phương pháp phân tích để hiểu vấn đề. Phương pháp này gồm bẻ vấn đề thành các cấu phận, nghiên cứu từng phần cô lập và rồi rút ra kết luận về cái toàn thể. Loại tư duy tuyến tính và máy móc này đang ngày một trở nên không hiệu quả khi đề cập tới các vấn đề hiện đại...
  • Một phương thức tư duy mới

    19/04/2006Edgar Morin (Nhà xã hội học)Ngày nay trong bối cảnh mọi tri thức chính trị, kinh tế, nhân chủng học, sinh thái học đã trở thành toàn cầu, đòi hỏi phải đặt mọi nhận thức về thế giới theo một hình thức tư duy mới...
  • Tư duy hệ thống: Quản lý hỗn độn và phức hợp

    27/09/2005Cái mới trong khoa học quản lý là quản lý tình thế hỗn độn và phức hợp, trên cơ sở quán triệt tư duy hệ thống. Nhà khoa học quản lý Jamshid Gharajedaghi cung cấp cho các nhà tổ chức và quản lý, cho giới kinh doanh và đông đảo độc giả những kiến thức cần thiết về tư duy hệ thống, bao gồm triết học hệ thống, các lý thuyết hệ thống và phương pháp luận hệ thống, đồng thời trình bày những ứng dụng cụ thể các lý thuyết nói trên vào việc nghiên cứu và thiết kế một số dự án ở các công ty và các cơ quan chính phủ nhiêu nước, mà bản thân tác giả đã tham gia và có vai trò tư vấn chủ chốt...
  • xem toàn bộ