Giới thiệu sách - Có phải đã đến lúc chúng ta cần một sự thay đổi?

10:39 SA @ Chủ Nhật - 20 Tháng Ba, 2016

Một cuốn sách tiếng Việt ra đời. Sách còn thơm mùi mực mới nằm trong những thùng giấy chứa nơi nhà xuất bản - nếu đó là sách của một tác giả đã thành danh, được một nhà xuất bản nào đó nhận in ấn và phát hành; hoặc nằm ở nhà tác giả, đợi tác giả tìm cách tiếp thị nếu sách là của một tác giả chưa thành danh. Đấy là nói đến những cuốn sách ra đời khi mạng internet còn chưa phổ biến. Đến thời buổi bây giờ, khi các mạng tiếng Việt trở nên hết sức thông dụng thì sách đọc được hay không đọc được đều chịu chung số phận ế ẩm như nhau.

Người viết nhìn nhau lắc đầu. Viết ư? Vì cái nghiệp đã lỡ dấn vào nên đành phải tiếp tục. Ngừng viết thì không được mà tiếp tục viết thì bụng có chút gì ấm ức vì sức lao động của mình đã không được đền bù tương xứng với công lao bỏ ra.

Thôi thì cứ cho rằng đây là một cách vận dụng trí óc với hy vọng tránh được căn bệnh lãng trí lúc tuổi già chăng? Thế là người viết mặc kệ văn chương của mình có bán được không, cứ mặc cho chữ nghĩa tuôn ra. Có điều nếu chữ nghĩa cứ đều đặn tuôn ra như thế thì đến lúc nào đó cũng phải nghĩ đến chuyện cho in thành sách. Khi đã in rồi mà để sách nằm chất đống thì vô lý quá. Cuối cùng, người viết đành phải nghĩ đến cách tiếp thị để sách có thể đến tay độc giả, hay nói thẳng ra là khiến độc giả phải bỏ tiền túi ra mua cuốn sách.

Muốn sách được độc giả biết đến, người viết có thể quảng cáo sách qua các tờ báo qua các trang báo, qua việc điểm sách, qua các diễn đàn liên mạng, v.v… Tuy nhiên, cách tiếp thị mà đa số người viết thường làm là tổ chức một buổi ra mắt sách rồi kêu gọi (nói cho oai) chứ chính thực là năn nỉ bạn bè, người quen đến tham dự buổi ra mắt sách. Dĩ nhiên, khi mở miệng năn nỉ tức là người viết đã nhận vai trò thứ yếu và cảm tưởng như đã chịu hàm ơn dầu người đến tham dự là bạn bè hay người quen không hề nghĩ đến chuyện làm ơn cho mình. Đó là trường hợp may mắn gặp người biết điều. Còn nếu chẳng may gặp người không biết điều, coi việc đến dự buổi ra mắt sách là gia ơn, người viết cũng đành phải chấp nhận dù trong lòng không khỏi chua chát. Còn tệ hơn nữa, có khi gặp phải kẻ chanh chua, chẳng những không thèm đến còn phán một câu xanh rờn đại loại như thế này: “Thôi, đi tới mấy chỗ đó vừa tốn tiền mua sách vừa phải nghe nói mà phát mệt, để thì giờ làm những chuyện khác tốt hơn”, thì người viết cũng đành làm mặt lì để chịu đựng.

Một số tác giả tương đối đã thành danh có thể vì muốn tránh cảnh phải o ép bạn bè đến buổi ra mắt sách để mua sách giùm mình hay không muốn chứng kiến thái độ trịch thượng của người đến tham dự, hoặc không muốn nghe những lời không được êm tai như thế, nhiều tác giả đã chọn thái độ không thèm ra mắt sách, mặc cho sách chất đống ở nhà. Và nếu kẹt lắm thì gửi ở tiệm sách (dù nhiều khi cũng gặp phải thái độ trịch thượng làm ơn nhận giùm sách của chủ hiệu sách mà chưa chắc tác giả đã có thể thâu được tiền) để ai biết thì mua, không biết thì thôi.

Nhưng cũng có một số tác giả khác đã thành danh hay chưa thành danh, tuy biết có thể gặp những điều bất ý như vậy, vẫn hiểu hành động tiếp thị là cần thiết nên không nề hà khó khăn, tự tổ chức hay nhờ bạn bè người quen tổ chức buổi ra mắt sách. Tuy nhiên, muốn làm giảm nhẹ hành động tiếp thị, hay muốn chứng tỏ sách của mình có giá trị, hoặc muốn lợi dụng tên tuổi của người đã thành danh để câu khách, các tác giả đó sẽ tổ chức một buổi ra mắt sách mang đầy tính chất “văn học” sang cả, nghĩa là mời những tay cao thủ trong làng viết lách đến để nói về tác giả và tác phẩm. Nếu là sách văn học thì mời những tác giả đã nổi tiếng về văn học; nếu tác phẩm thuộc dạng chính trị thì mời những ông bà có tiếng tăm trong lãnh vực này đến để tâng bốc tác giả hay tác phẩm. Nói tóm lại, buổi ra mắt sách dầu sách thuộc thể loại nào, nhất định phải có những người tương đối có tiếng đến để nói về tác giả và tác phẩm, làm như người nói về tác phẩm càng nổi tiếng thì tác phẩm có thể thay da đổi thịt mà thêm giá trị chăng? Buổi ra mắt sách nào mời được nhiều người nổi tiếng chừng nào thì được xem là thành công nhiều chừng nấy, dầu cho khách tham dự ít ỏi hay số sách bán ra khiêm tốn đi nữa. Dĩ nhiên đa số diễn giả được mời, khi đã nhận lời, dầu tác phẩm hay hoặc dở đều phải hết lời khen tặng tác giả cũng như tác phẩm (đôi lúc cũng qua đó để tự khen mình), và trong một số trường hợp dường như diễn giả đã khen quá sự thật hoặc chỉ cầm micro lặp lại nhiều đoạn trong sách đã viết, thay vì để độc giả tự tìm hiểu qua việc mua sách về đọc. Nhưng cũng có những diễn giả được mời đến, bất kể lịch sự, mang đầy mặc cảm tự tôn, xem mình có đủ uy quyền phê phán, chẳng ngần ngại chê bai tác phẩm nếu gặp tác giả đang còn ì ạch đi vào con đường văn chương chữ nghĩa như một trường hợp người viết được biết.

Chỉ khổ cho lỗ tai của người đến tham dự buổi ra mắt sách phải ngồi nghe hết người này đến người kia lên phát biểu. Gặp người phát biểu ngắn gọn không nói làm gì, gặp người nói dài nói dai nói dở, nhưng vì lịch sự hay vì tình bạn bè với tác giả phải cố gắng ngồi nán để nghe, mà hậu quả là sau hôm ra mắt sách đó, khách trở nên dị ứng với việc ra mắt sách nên mỗi lần có ai mời đến tham dự buổi ra mắt sách đều tìm cách tránh né hay từ chối.

Kinh nghiệm của những lần ra mắt sách như thế, người tham dự đâm ra sợ nên những buổi ra mắt sách vắng dần. Còn nếu có đến dự thì cũng đến dự với thái độ ban ơn, trịch thượng. Điều này làm cho nhiều người viết tự trọng có cảm giác việc ra mắt sách chẳng khác gì buổi ngửa nón xin tiền, nên mặc dầu sách bị ế ẩm nhiều khi vẫn phải lắc đầu nguầy nguậy đối với lời đề nghị ra mắt sách.

Cũng may một số tác giả và độc giả cũng hiểu bản chất thật của việc ra mắt sách. Hiểu rằng, trong một số giới hạn nào đó, tác giả có thể phổ biến được tác phẩm của mình, và độc giả nhờ đó có thể làm quen với mặt sách cũng như gặp gỡ tác giả, cho nên một số tác giả vẫn thực hiện việc ra mắt sách nhưng với thái độ trông chờ vào sự may rủi và trông nhờ vào số bạn bè quen biết. Vì thế, khi ra mắt sách, tác giả không nắm vững được số người tham dự buổi ra mắt sách cũng như kết quả của nó, nên cũng có lắm trường hợp xảy ra là sau buổi ra mắt sách tác giả thường rơi vào tâm trạng ê chề.




Nhìn vào thực trạng của việc ra mắt sách như vậy, liệu chúng ta có nên dẹp bỏ những buổi ra mắt sách chăng? Hay nên thay đổi hình thức của nó?

Mặc dầu văn chương cốt để nuôi dưỡng tinh thần, nhưng nếu mổ xẻ công việc làm văn chương một cách trần trụi thì văn chương chẳng khác công việc lao động tạo ra sản phẩm, cũng cần “thuận mua vừa bán”, nên sách ít nhiều cũng chịu quy luật cung cầu. Thời buổi này, người viết tiếng Việt rất nhiều, nếu tính riêng ở hải ngoại cũng lên đến số ngàn, mà số người đọc vì nhu cầu mưu sinh, vì thì giờ eo hẹp, vì có quá nhiều phương tiện giải trí… nên ngày càng thu hẹp, trong khi lượng viết lại tràn ngập trên mạng internet. Theo luật cung cầu, cái gì ít thì quý, có thể bán giá cao, nhiều thì rẻ, bán giá thấp, còn nhiều nữa thì cho không. Tình trạng bài vở đầy dẫy như vậy, món hàng văn chương đã trở thành món hời cho giới tiêu thụ vì nhiều lúc không mất tiền vẫn có sách để đọc.

Đây là tình trạng đáng buồn cho người viết nào có lòng. Nhưng xét cho cùng thì không thể hoàn toàn trách giới tiêu thụ là người đọc, bởi khi mua hàng ai lại chẳng mong mua được giá rẻ hay không phải trả gì cả. Cho nên chúng ta buộc phải đi tìm nguyên nhân gây nên tình trạng này. Người gây nên tình trạng cung nhiều cầu ít này là ai? Còn ai nữa nếu không phải là người viết. Đối với những người viết mới, vì muốn tiếp thị, họ đưa bài vở của họ lên internet đã đành; ngược lại, người có chút tên tuổi, vì tự ái hay vì muốn được thêm nổi tiếng, hoặc sợ bài viết của mình bị mốc meo chẳng ai đọc, v.v… cũng sẵn sàng đưa món hàng là những bài viết của mình lên internet để người đọc có thể đọc không mất tiền. Một khi người đọc không còn dành nhiều thời giờ cho việc đọc, lại có thể dễ dàng vào ngay mạng để lấy bài xuống đọc, như thế họ làm sao còn nhu cầu mua sách. Do đó, khi người đọc không có nhu cầu sách vở mà bị buộc đến tham dự buổi ra mắt sách để mua sách, thử hỏi làm sao họ không đóng vai trò làm kẻ gia ơn cho được. Chả trách văn chương bị xem thường và những buổi ra mắt sách bị ế ẩm cũng vì vậy.

Thế chẳng lẽ người viết chịu bó tay để sách của mình nằm đóng bụi, bị nhét vào một xó nhà xe và để cho người đọc thiếu đi cơ hội chọn lựa đọc hay không đọc cuốn sách của người viết hay sao? Người viết không thể dễ dàng chấp nhận điều đó, buộc phải động não tìm cách tiếp thị. Cách tiếp thị quen thuộc gần gũi và dễ dàng nhất là làm thế nào có thể tụ hội được nhiều người đọc cũng tựa như một cửa hàng quảng cáo bán sale với mục đích lôi kéo người mua bước vào cửa tiệm. Khi nhìn các cửa hàng bán saleđể lôi kéo khách hàng, ta không thấy có điều gì đáng phàn nàn cả. Thế mà khi người viết nào muốn tiếp thị cuốn sách của mình bằng cách này lại dễ bị phê bình là đem bán rẻ văn chương.

Dầu sao vẫn hy vọng người viết và người đọc hiểu rõ vấn đề để không thốt ra lời phê bình đó. Vì những lời phê bình như thế nếu xét kỹ thì quả thật nông cạn và thiếu tính thực tế. Bởi khi thực hiện buổi ra mắt sách, trước đó, người viết buộc phải nghĩ đến cảnh tránh cho người đến tham dự mang cảm giác không thuận mua vừa bán. Nếu người tham dự đến vì cuốn sách mà phải nghe những lời ca tụng tác giả và tác phẩm một cách quá đáng, chưa kể phải vác về nhà một cuốn sách không lấy gì làm hay, thì thái độ ban ơn cho tác giả của người đến tham dự không thể xem là thái độ đáng trách. Ngược lại nếu người đến tham dự không nhất thiết phải mua sách, chỉ tham dự với tâm trạng đến ăn mừng đứa con tinh thần của tác giả, vừa chia vui với tác giả, vừa được một buổi mặc đẹp, vui chơi, ăn uống, hát hò, nhảy nhót… thì người tham dự sẽ mất đi cảm giác thi ân, ngược lại còn mang cảm giác thoả mãn vì “thuận mua vừa bán”. Việc mời gọi đến để giới thiệu cuốn sách của tác giả qua hình thức tiếp thị tương tự như thế lại chính là giúp nâng cao giá trị của hành động giới thiệu sách và khiến tác giả tránh được cảm giác phải năn nỉ hay nhận ân huệ vì việc giới thiệu sách đã mang tính chất của một hành động thương mãi thuận mua vừa bán. Khách đến dự buổi giới thiệu sách được vui chơi, ăn uống… đương nhiên phải chấp nhận việc móc tiền túi ra trả, và trong buổi vui chơi đó, món hàng là cuốn sách được trưng bày, nếu khách thấy có nhu cầu đọc, khách sẽ mua, nếu không cũng không bị thúc ép phải mua cho bằng được. Được như thế, khách sẽ thấy thoải mái và người viết cũng thấy dễ chịu.

Nhân tiện đây, người viết cũng muốn đề cập đến một trường hợp ra mắt sách mà sử dụng tiền bán sách xung vào quỹ từ thiện. Dĩ nhiên đây là hành động đáng khen ngợi của tác giả nào có đủ năng lực tài chánh và xem viết như một thú vui, nên sẵn sàng in sách để phát không hay xung vào những quỹ từ thiện. Tuy nhiên sau đó có ý kiến, một mặt khen ngợi rất mực rằng hôm ra mắt sách đó không cần lồng phần văn nghệ mà vẫn có đông đảo người tham dự, đồng thời lại tỏ ý xách mé những người tổ chức ra mắt sách đã sử dụng văn nghệ hay vui chơi thay vì có nhiều diễn giả lên phát biểu để ca ngợi cuốn sách hay tác giả. Người đưa ra ý kiến đó đã quên rằng hành động từ thiện này thật ra cũng chỉ là một trong những phương tiện để sách được tiếp cận với độc giả, vì nếu đó là hành động hoàn toàn từ thiện thì tại sao không sử dụng thẳng tiền in sách để tặng vào quỹ từ thiện? Tại sao lại đi vòng vo làm gì? Và tại sao không nghĩ rằng độc giả đến chưa chắc vì một cuốn sách hay mà có thể vì muốn đóng góp vào công việc từ thiện qua việc mua sách? Vậy nên có sự xách mé đó chăng?

Không có nhiều độc giả Việt đọc sách, điều này đã được nhiều người viết khá tên tuổi ở hải ngoại cũng như trong nước đề cập đến, và dầu muốn dầu không, nhìn vào số sách được bán ra, khó ai phủ nhận được sự thật này. Cho nên, thúc đẩy việc đọc sách là điều cần thiết. Thế thì, nếu tác giả có áp dụng nhiều phương tiện khác nhau, miễn không phải cách bá đạo để sách đến tay người đọc, chẳng phải là điều đáng khuyến khích hay sao? Vậy thay vì người viết công kích người viết về cách thức để sách tiếp cận độc giả, tại sao các tác giả không ngồi lại với nhau để tìm ra những phương cách tương đối chấp nhận được, nhằm thúc đẩy cũng như nâng cao nhu cầu đọc sách nơi độc giả? Chưa kể có khi còn tránh được tình trạng dở khóc dở cười không biết phải trả lời những người quen biết như thế nào khi phải nghe câu hỏi thiếu tính công bằng là: “Có sách mới ra, sao không tặng cho một cuốn?”, làm như tác giả dư tiền không biết làm gì nên in sách phát chẩn, thay vì câu: “Tôi muốn mua một cuốn, vậy mua sách ở đâu?”.

Nêu ra sự thật một cách trần trụi là điều bất đắc dĩ, tuy nhiên nhiều lúc chúng ta cũng cần đến những viên thuốc đắng. Thiếu những viên thuốc đắng giúp loại bỏ căn bệnh mặc cảm, căn bệnh trịch thượng, căn bệnh kiêu ngạo, v.v… còn lẩn khuất trong đầu của người viết và lắm khi của cả người đọc sẽ là điều hết sức đau lòng cho chữ nghĩa tiếng Việt biết bao!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đọc sách, đừng làm con mọt sách

    20/07/2015Sau những phản hồi nhiều chiều của bạn đọc về bài viết Sự khốn cùng của “tư duy triệu phú”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - tổng giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà, đã có những chia sẻ về sách self-help...
  • Đọc sách như một bản năng

    26/09/2019Nguyễn Trần BạtNgoài việc phấn đấu trở nên giàu có người ta còn phải phấn đấu để trở nên hiểu biết và cao hơn nữa là phấn đấu để trở nên cao thượng. Trong quá trình phấn đấu ấy, sách là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người và là công cụ không thể thiếu...
  • Tại sao trên báo chí lại thưa vắng các bài điểm sách?

    13/01/2018Vương Trí NhànMột mặt trong tâm thức của nhiều người, văn chương là một cái gì ghê lắm, danh giá để đời, tên tuổi đi vào lịch sử. Mặt khác thông tin trên mặt báo về văn học lại nghèo nàn nhạt nhẽo. "Kính nhi viễn chi", người ta lảng tránh. Trong sự thông tin kém cỏi như vậy, riêng phần đọc sách vì không màu mỡ riêu cua câu khách được tí nào, nên càng bị ghẻ lạnh.
  • 9 mẹo giúp cải thiện thói quen đọc sách

    10/03/2016Phương LyBạn yêu và hiểu tầm quan trọng của văn hóa đọc nhưng lại chật vật với việc kết thúc trọn vẹn một cuốn sách? Bài viết này chính là thứ bạn cần để tạo thói quen đọc sách tốt hơn...
  • Người thành công thường tò mò và thích đọc sách

    02/03/2016Đinh LộcĐiều gì giúp một người đạt được thành công? Điều gì làm cho họ có động lực thành công và trở thành người lãnh đạo giỏi?
  • Thú đọc sách - một quyển sách hay

    23/11/2015Lê Văn Nghệ"Sách và tôi hầu như chưa bao giờ lìa xa nhau trong trí nhớ của tôi… Tôi thích mùi mực giấy, và say sưa với cảm giác sờ chạm vào cuốn sách..."
  • Giới trẻ đọc sách như thế nào?

    05/11/2015Vũ Thu VânHọ không xa lạ với Internet, nhưng thường chỉ tiếp cận với mục chơi là chính. Thư viện của các trường đại học ngày càng vắng hơn, thậm chí có những sinh viên chưa từng vào thư viện. Và có lẽ không đến 1% số sinh viên biết Thư viện Quốc gia ở đâu. Có một thực tế là nơi đây cũng chung số phận như thư viện ở các trường đại học...
  • Vợ chồng Bill Gates đọc sách gì cho con cái nghe?

    23/10/2015Huỳnh MaiThật bất ngờ khi vợ chồng tỉ phú Bill Gates đến nay vẫn đọc sách cho con cái và chia sẻ cùng chúng những quyển sách hay...
  • Làm thế nào để kích thích việc đọc sách?

    04/09/2015Đinh Bá AnhTình trạng không ham đọc sách của người Việt Nam hôm nay phải tìm nguyên nhân đầu tiên từ hệ thống giáo dục. Giáo dục không dạy cho học sinh từ bé thói quen đọc sách, thói quen chủ động ghi chép, thói quen tóm tắt các ý tưởng trong sách. Giáo dục không dạy cho học sinh tư duy độc lập, tư duy phê phán, thói quen đặt ra các câu hỏi. Giáo dục chỉ thiên về áp đặt chân lý, luân lý, không khuyến khích học sinh nghi vấn, tìm hiểu, phiêu lưu, sáng tạo...
  • Chi 230 tỷ để ham đọc sách:Người dân bận lo cơm áo

    25/08/2015Bảo BảoVấn đề không phải là có bao nhiêu kinh phí mà cái quan trọng là có chiến lược bài bản để thực hiện hiệu quả hay không?
  • 10 lợi ích không ngờ của việc đọc sách

    29/05/2015Lần cuối cùng bạn đọc một cuốn sách hoặc tạp chí là khi nào? Có phải thói quen đọc hằng ngày của bạn đều xoay quanh những thông tin cập nhật từ Facebook, hay thậm chí chỉ là bảng hướng dẫn sử dụng trên các gói mì tôm? Nếu như bạn là một trong vô số người không có thói quen đọc sách hằng ngày, có nghĩa là bạn đã bỏ qua rất nhiều lợi ích của việc đọc sách. Dưới đây chỉ là 10 lợi ích trong số đó.
  • Đọc sách đúng cách, bạn đã biết chưa?

    01/04/2015Đọc sách là công việc vô cùng cần thiết với mọi người, đặc biệt là đối với các bạn học sinh. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, mình đã biết đọc sách đúng cách hay chưa?
  • Mark Zuckerberg: Đọc sách nhiều hơn thay vì lướt Facebook

    09/01/2015Nguyễn Thảo (Theo BBC)Một câu lạc bộ đọc sách được khởi xướng bởi ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã nhận được gần 140.000 lượt “like”...
  • Khám phá những thư viện -nơi bạn không đến để đọc sách

    07/01/2015Phan HạnhĐịnh nghĩa về thư viện đang dần thay đổi khi các nhà quản lý loại bỏ sách và thay thế chúng bằng các cuốn sách điện tử, máy tính bảng và cả một bộ sưu tập tài nguyên được số hóa...
  • Thú đọc sách

    04/12/2014Lê Minh QuốcNghĩ cũng lạ. Suốt một ngày ngồi ru rú trong phòng mà không biết chán. Bốn bề sách vở. Muốn tìm đọc quyển này lại nhặt được quyển kia. Loạn xà ngầu lên cả. Sách nhiều quá. Rồi để làm gì?
  • Giới trẻ hào hứng với trào lưu Book bucket challenge: Thách nhau điểm sách

    08/11/2014Nguyễn LiênTrào lưu Ice bucket challenge “dội nước đá” làm mưa làm gió trên các trang mạng xã hội đang dần lắng xuống, giới trẻ Việt Nam lại rộ lên trào lưu Book bucket challenge...
  • xem toàn bộ