Thú đọc sách - một quyển sách hay

08:15 SA @ Thứ Hai - 23 Tháng Mười Một, 2015

"Sách và tôi hầu như chưa bao giờ lìa xa nhau trong trí nhớ của tôi… Tôi thích mùi mực giấy, và say sưa với cảm giác sờ chạm vào cuốn sách..."

“Cuốn sách này là thành quả của một tình yêu trọn đời dành cho sách. Đọc sách là điều tôi ham thích nhất; sách và tôi hầu như chưa bao giờ lìa xa nhau trong trí nhớ của tôi… Tôi thích mùi mực giấy, và chắc chắn là say sưa với với cảm giác sờ chạm vào cuốn sách. Với tôi, đời không có sách là sự trống rỗng kinh hoàng”.

Đây là lời tự sự của TS Charles Van Doren khi viết quyển sách đồ sộ Thú đọc sách (nguyên tác The joy of reading), NXB Trẻ ấn hành qua bản dịch của Phan Quang Định, Trần Đức Tài hiệu đính.

Tên tuổi của Charles Van Doren đã “bảo chứng” cho tập sách này. Ông là một trong những nhân vật chính tham gia thực hiện những bộ sách tiếng tăm như từ điển bách khoa Encyclopedia Britannica, How to Read a book (Làm thế nào để đọc một cuốn sách)…

Điều đáng ghi nhận ở Thú đọc sách mà trước đây, chưa có ai thực hiện: giới thiệu lịch sử văn học phương Tây từ thời cổ đại đến thế kỷ XX. Không phải là giáo trình văn học, tác giả đã thể hiện bằng cách chọn các tác phẩm “dành cho cả thế giới” của các thế hệ nhà văn tiêu biểu nhất.

Thu doc sach - mot quyen sach hay

Với cách viết này, bạn đọc không chỉ hình dung ra diện mạo thăng trầm, tiến hóa, thay đổi của nhiều thế kỷ văn chương mà còn có dịp tìm hiểu thêm về tính cách, cá tính của các nhà văn.

Thật lạ như chi tiết về văn hào Balzac (1799-1850) khi đưa bản thảo đến nhà in: “Trên bản in thử lần đầu, ông thường thêm vào gấp đôi hay gấp ba độ dài của bản thảo gốc; ông có thể bổ sung có khi cả trăm trang cho bản in thử thứ nhì. Đây là một cách làm tốn kém nhưng Balzac chẳng thèm bận tâm; tất cả những gì ông bận tâm là viết, còn nhà in và những vấn đề của họ thì mặc kệ”.

Đọc sách là sự cảm nhận riêng tư, do đó, Charles Van Doren không ngần ngại đưa ra những nhận xét riêng thú vị. Chẳng hạn, với quyển sách nổi tiếng Robinson Crusoe của nhà văn Daniel Defoe (1660-1731), ông cho rằng:

“Nếu bạn chỉ được đem theo 10 quyển sách đến một hoang đảo, thì đầu sách nào bạn sẽ đặt trước Robinson Crusoe? Quyển sách này không được viết ra bằng một bút lực kỳ tuyệt như Hamlet, câu chuyện của nó không đạt đến tầm vĩ đại bi tráng như Iliad hay Odyssey và cũng không hài hước thâm thúy như Don Quixote. Nhưng chính nó chứ không phải những quyển sách kia, sẽ giúp bạn sống sót”. Lời khen ngợi này dành cho một quyển sách, rõ ràng, tác giả tỏ ra “tri âm, tri kỷ” với người xưa lắm.

Không chỉ trình bày lại những gì đã đọc, Charles Van Doren còn gợi ý cho bạn đọc “Kế hoạch mười năm đọc sách”. Ở đó, ông nêu ra 100 quyển sách cần phải đọc, mở đầu là kiệt tác Iliad của Homer và cuối cùng là quyển Hoàng tử bé của Saint - Exupéry:

“Đọc càng nhiều càng tốt và đừng làm hỏng sự vui thú của bạn bằng cách phấn đấu để “theo kịp tiến độ”. Chúng ta còn nhiều thời gian mà, cho dù bạn phải dành đến 20 năm để đọc 100 quyển sách này, thay vì 10 năm”.

Rõ ràng, ngụ ý của lời gửi gắm này là không chỉ đọc sách để mở mang kiến thức mà người đọc còn phải biết tận hưởng niềm vui, lạc thú khi đối diện với trang sách nữa.

Tuy nhiên, với cả hàng ngàn cuốn sách lừng danh của nhân loại, khó một cá nhân nào có thể tiếp cận hết. Do đó, trong tập sách này, tác giả chỉ đề cập đến danh tác của văn học phương Tây, không đề cập phương Đông với nhiều tác phẩm lẫy lừng không kém.

Có thể nói, Thú đọc sách là một “từ điển” cần thiết, hữu ích cho bất cứ ai muốn tìm hiểu xuyên suốt một hành trình chữ nghĩa đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ người đọc trước đây, hiện nay và cả sau này…

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tin tức có hại cho bạn – Từ bỏ thói quen đọc chúng khiến bạn hạnh phúc hơn

    15/06/2020Elnino dịchBài viết này để cập đến tác hại của tin tức như một bộ phận nhỏ của thông tin nhưng chiếm đa số sự chú ý của người dân...
  • Thói quen đọc sách của người giàu khác người nghèo?

    12/07/2014Theo một nghiên cứu mới được xuất bản gần đây thì đồ vật mà người giàu thường để ở đầu giường chính là sách. Nhưng cách thức đọc sách của người giàu lại không giống với người nghèo...
  • Tạo thói quen đọc sách cho trẻ

    16/07/2005Lê NgânĐọc sách là một việc làm có mối liên quan mật thiết đến sự phát triển của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ có thói quen đọc sách sẽ rèn luyện nhiều kỹ năng. Các bậc cha mẹ nên là người làm gương trước và nếu có thể, nên tạo thói quen kể chuyện vào buổi tối cho trẻ. Dưới đây có vài gợi ý trong việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ
  • Sẽ sai lầm nếu bỏ thói quen đọc sách

    05/07/2005Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuần - Vụ trưởng Vụ Thư việnSau 8 ngày mở diễn đàn, Lao Động đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết bày tỏ sự quan tâm, bức xúc... trước việc thói quen đọc sách đang bị mai một. Trong số báo này, Lao Động xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của bà Nguyễn Thị Ngọc Thuần (ảnh) - Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ Văn hoá - Thông tin để khép lại diễn đàn này.
  • Thói quen đọc bị nhiều thú vui lấn át

    05/07/2005Bùi Vũ Minh, Hải PhòngĐọc bài viết của tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái (báo Lao Động số ra ngày 24.5.2005), chúng ta thấy được một phần thực trạng văn hoá đọc hiện nay. Song, dường như cái sự "lạnh lòng" với văn chương ấy không chỉ có ở giới trẻ và cũng không chỉ bó hẹp trong phạm vi các sách văn học.