Chi 230 tỷ để ham đọc sách:Người dân bận lo cơm áo
Vấn đề không phải là có bao nhiêu kinh phí mà cái quan trọng là có chiến lược bài bản để thực hiện hiệu quả hay không?
Phải xem xét phân loại sách theo từng tầng lớp, đối tượng
Bộ VHTT&DL vừa xin ý kiến về đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030", với số tiền 230 tỷ đồng, nhằm hình thành thói quen và nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phong trào đọc trong xã hội.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 20/8, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: "Theo tôi, đề án này sẽ khó thực hiện vì để hình thành thói quen đọc sách trong người dân không thể ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, chúng ta ai cũng biết để cho người dân có thói quen đọc sách là cần, dân tộc nào ham đọc sách thì dân tộc đó mới phát triển, thế nhưng không phải cứ chi tiền ra thì dân sẽ thích đọc sách.
Chính vì thế, đề án 230 tỷ đồng này cần phải có nghiên cứu khoa học và tư duy mới trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc mới có thể thực hiện hiệu quả chứ chỉ bày ra mấy cái tủ sách, mua ít sách xếp vào đó mà không biết cả năm có ai tìm tới, muốn đọc hay không thì sẽ lãng phí vô cùng.
Đặc biệt, cần phải quan tâm, mổ xẻ, nghiên cứu xem người đọc cần đọc gì để mang sách tới cho họ. Hàng chục triệu bản sách xuất bản hằng năm vẫn tiêu thụ tốt nhưng chất lượng sách và nội dung đọc không theo định hướng, chủ yếu chạy theo thị trường, thỏa mãn nhu cầu cá nhân người đọc, nhất là nhu cầu giải trí".
Mặt khác, theo ông Dong, hiện nay, nhà nước có chủ trương xây dựng một xã hội học tập, ai cũng phải học, học tập là nhiệm vụ suốt đời, nó thể hiện trước hết ở quyết định 112 của Thủ tướng cho xây dựng xã hội học tập đến năm 2010. Tiếp sau đó, Thủ tướng ký quyết định 89 tiếp tục xây dựng xã hội học tập ở VN đến năm 2020.
Để thấy, không chỉ cần nâng cao văn hóa đọc mà phải nâng cấp thành văn hóa học, nên nếu vận động được người dân học tập một cách văn hóa thì sẽ hay hơn nhiều là chỉ tạo ra thói quen đọc sách, đọc thì có khi chỉ đọc chơi, đọc những thứ văn hóa tầm thường.
Nâng cao hình thành nên một xã hội học tập mới là nét văn hóa cần thiết để mà nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống của mỗi cá nhân, gia đình, cải thiện đời sống cộng đồng, góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Nói về nguyên nhân người Việt lười đọc sách, ông Dong nhìn nhận: "Trước hết, người dân chưa thấy tri thức có tác dụng như thế nào đối với xóa đói giảm nghèo, đối với phát triển nghề nghiệp, phát triển nhân cách, nên ít đọc.
Hai là, không loại trừ lý do người dân còn đang đói khổ, lo miếng ăn hàng ngày, không có miếng ăn, đời sống chưa no đủ thì không thể đầu tư thời gian để nâng cao văn hóa.
Nên muốn có văn hóa đọc thì phải lo cho người dân có đời sống tốt, muốn lo đời sống thì phải học những gì cần thiết để cải thiện đời sống. Khi thấy rằng học mới phát triển được, mới sống tốt hơn thì tự nhiên bản thân người dân sẽ phải tìm tòi để đọc. Bởi vì, tỷ lệ đọc ở Việt Nam là thấp bởi 80% dân số sống ở nông thôn, mà ở khu vực này thì chưa thể nói nhiều về văn hóa đọc.
Ví dụ như ông nông dân đang rất nghèo, muốn làm giàu nên phải tìm sách đọc về cách trồng điều, nuôi chim bồ câu, làm phân hữu cơ, kể cả chế tạo được tàu ngầm, được máy bay, cũng là nhờ đọc, nhờ tìm tòi, nghiên cứu.
Ba là,dân nghèo nên không có điều kiện đầu tư vào sách, vào tri thức. Trong khi đó, nhà nước chưa có chính sách mang sách giá rẻ, sách miễn phí về nông thôn. Nếu có mang về nông thôn thì cũng toàn là sách tuyên truyền khô khan không ai đọc, không đáp ứng nhu cầu của nhân dân".
Và để hiệu quả hơn, theo ông Dong, phải phân ra nhiều tầng lớp: người nông dân, công nhân, tầng lớp trí thức, người nội trợ, bởi mỗi tầng lớp có một nhu cầu về đọc nội dung thông tin khác nhau, do đó phân ra nhiều loại, nhiều tầng lớp, đầu tư phù hợp với từng đối tượng.
Không phải chi tiền là người Việt sẽ thích đọc sách |
Khi mua sách cho dân cần tham khảo xem người dân nơi đó muốn đọc gì để tính toán cân đối. Muốn nâng cao văn hóa đọc ở nông thôn, một mặt chúng ta cung cấp sách cho nông dân làm nông nghiệp, sống tích cực, nâng cao sức khỏe và dân trí. Mặt khác, cần cung cấp những sách mà họ thật sự muốn đọc, kể cả sách giải trí.
Bởi, hiện nay không phải đối tượng nào cũng có thể tự chọn lọc được dạng sách để đọc, khi trên thị trường hiện nay tràn lan các loại sách, chưa kể nhiều dòng chỉ đáp ứng văn hóa tầm thường của người dân.
Nên đề án 230 tỉ đồng này phải có các chiến lược bài bản trong việc khuyến đọc để người dân đến với sách, chẳng hạn nên đưa ra chương trình làng đọc sách để tổ chức các cuộc thi giữa các làng nhằm làm cho tri thức được tiếp thu và áp dụng, có sức lan truyền trong đời sống người dân.
Học sinh bị còi tri thức
Trong khi đó, cũng trao đổi với Đất Việt, trước việc tạo ra thói quen và nhu cầu đọc sách cho nhân dân, ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc công ty cổ phẩn văn hóa giáo dục Long Minh bày tỏ quan điểm: "Hiện nay, số lượng giáo viên, giảng viên, học sinh - sinh viên trên cả nước có tới khoảng hơn 20 triệu người, do vậy nên vấn đề lớn nhất trong việc phát triển văn hóa đọc chính là chương trình dạy và học của VN không có yêu cầu quyết liệt bắt buộc người học phải đọc thêm kiến thức ngoài sách giáo khoa.
Trước đây do đất nước ta còn khó khăn, vì chiến tranh, cũng như nền kinh tế chưa phát triển, nên không có nhiều sách vở, từ đó kiến thức được khoanh vùng chỉ trong SGK. Còn thời đại hiện nay, đất nước đã phát triển hơn, phải hội nhập với quốc tế, thì tất yếu phải dạy học sinh tư duy mở, không thể chỉ loanh quanh SGK bởi như vậy giáo dục con người sẽ không thể đảm bảo".
Chính vì vậy, theo ông Sơn, vấn đề lớn nhất của văn hóa đọc hiện nay cũng là vấn đề lớn nhất của giáo dục:
Thứ nhất, việc học sinh rất thiếu sách và không có nhu cầu tìm hiểu thông tin gì mấy ngoài SGK, là nguyên nhân làm cho văn hóa đọc rất yếu kém.
Thứ hai, việc đổi mới thi cử theo hướng mở mới chỉ bắt đầu và yêu cầu kiến thức xã hội của học sinh chủ yếu dựa vào báo chí chứ không phải sách.
Thứ ba, ngành giáo dục chưa thật sự quan tâm tới và chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao văn hóa đọc. Các thầy cô đa phần không có nhiệm vụ để biết được học sinh của mình đọc mấy cuốn sách trong năm học ngoài sách giáo khoa.
Mặt khác, ông Sơn cũng chỉ ra thực trạng hiện nay: "Nếu như ra hiệu sách hiện nay thì sách khoa học, nghiên cứu vô cùng ít ỏi, chỉ có sách cho mẫu giáo thì rất nhiều, đại bộ phận sách nước ta là cho mẫu giáo, còn sách tiểu học chỉ đến lớp 3. Sách dành cho độ tuổi từ 10 - 15 tuổi rất hiếm, đa số các NXB bỏ qua phân khúc này. Do rất thiếu sách đúng tuổi, nên các học sinh từ 10 – 15 tuổi phải đọc sách có kiến thức của người dưới 9 tuổi.
Chính vì thế, mà học sinh hiện nay bị mắc hai bệnh, thứ nhất là bệnh còi tri thức vì đọc sách không đúng tuổi. Thứ hai, bệnh dậy thì sớm tri thức, không có sách đúng độ tuổi từ 10 – 15 tuổi, nên đi đọc sách người lớn, những căn bệnh này cực kỳ nguy hiểm". Biểu hiện của những bệnh này là học sinh thi thoảng có những phát ngôn gây sốc cho người lớn.
Trên thực tế, hoạt động đọc sách thư viện ở đa số các trường học rất yếu kém, nhiều nơi là tê liệt. Chính vì thế mà ở Thái Bình và Nam Định, chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam của ông Nguyễn Quang Thạch và các cộng sự đã phát động cộng đồng phụ huynh học sinh cùng thầy cô giáo và các nhà hảo tâm làm được hơn 4000 tủ sách ở trong từng lớp học. Hoạt động đọc sách ở đây từ chỗ không có gì trở nên rất sôi nổi, học sinh đọc từ 10 – 40 cuốn sách/ năm mà không tốn một đồng ngân sách Nhà nước nào.
Có một vấn đề rất nghiêm trọng là hiện nay các cửa hàng sách của cấp huyện đã biến mất hoặc có chất lượng sách đa phần là rất kém. Các học sinh ham học và phụ huynh yêu con ở nông thôn muốn cũng khó mà mua được sách tốt để đọc.
Đây là một bước lùi rất dài so với thời bao cấp, thời mà hiệu sách phố huyện đã giúp cho rất nhiều học sinh nông thôn lớn lên trong trang sách.
Có thể thấy từ việc mua sách đến việc đọc sách thế nào đều không đơn giản nếu thiếu sự quan tâm, phối hợp của gia đình, ngành giáo dục ngành văn hóa để tạo một môi trường, văn hóa đọc sách đúng ý nghĩa cho lớp trẻ hiện nay.
Nước ta, hiện nay có khoảng 270 triệu bản sách trừ đi khoảng gần 200 triệu bản SGK, còn khoảng 70 triệu bản sách chia cho gần 100 triệu dân, thì ra con số 0,7 bản sách/người/năm, đây là con số mua - bán sách, chứ không phải con số đọc sách, một con số thật đáng buồn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn