Giấy chứng nhận ... Người
Câu chuyện trên chuyến xe khách dưới đây "Giấy chứng nhận làm... Người" được kể một cách hàm ý và bao quát nhưng với nghĩa văn hóa- giải trí và một thông tin thời sự pháp luật- xã hội tôi vừa đọc tại Vnexpress về "Trung tá công an bị tố đánh dân gãy cổ" (ngày 2/3/2011), "Cựu trung tá công an bị bắt để điều tra" (ngày 10/3/2011), tại Báo Công an Nhân dân "Khởi tố bị can nguyên Trung tá Nguyễn Văn Ninh, liên quan đến cái chết của anh Trịnh Xuân Tùng" (ngày 10/3/2011) đều viết tương đối cô đọng nhưng hơi khô khan, có vẻ giảm nhẹ tính chất vụ việc thành sự cố "nhỏ nhặt" và các phóng viên đều hoàn toàn không bày tỏ thái độ, quan điểm về sự việc đã diễn ra từ 10 ngày trước (ngày 28/2/2011). Hai câu chuyện nghệ thuật, thực tế xã hội khách quan nêu trên đều rất đáng để chúng ta suy ngẫm và đưa ra một vài kết luận ban đầu... Do nhịp sống hiện đại rất gấp gáp, thông tin tuôn chảy hàng giờ, những sự việc như thế này dễ bị ta bỏ qua, thờ ơ, vô cảm, không suy nghĩ gì. Sự thể chưa đủ giật gân, chưa đủ câu khách, chưa đáng phải chú ý ngay(?!). Đáng lẽ chúng ta phải rèn luyện thói quen tập trung, để tâm, nhận diện rõ những vấn đề của xã hội qua những tiêu cực, éo le, oan trái. Từ đó ta sống cân bằng hơn trong truyền thông, trong phản ứng và đề phòng. Hai câu chuyện được tôi lấy làm ví dụ, nếu suy xét kỹ sẽ thấy là những sự việc có ảnh hưởng đến sự sống, sinh mạng của con người, chính tôi, bạn và những người quanh ta rồi có thể sẽ gặp nhiều lần, gặp tức thì ngay sau đây. Trước hết, hai câu chuyện đều diễn ra công khai, thường nhật (một ở môi trường giao thông công cộng, một ở “nơi công quyền” cỡ nhỏ nhất là trên một chuyến tàu hỏa,...), ở mức độ quyền lực, mức độ trách nhiệm và tình huống khác nhau, với quy mô tham dự của nhân dân và nhóm công quyền, chức sắc khác nhau (một là các hành khách, người thương binh, cô soát vé, vị trưởng tàu; một là người lái xe ôm, người đi xem ôm, gia đình người bị nạn, trung tá công án, “dân phòng viên”, các chiến sĩ, cán bộ công an tại đồn CA…).
Như vậy, với vỏ ngoài "chính đáng" là người được giao nhiệm vụ, giữ trách nhiệm thực thi công vụ, khá nhiều "công bộc" đi ngược lại đạo lý "tôn kính, hiểu biết và thương cảm lẫn nhau" với nhân dân, vi phạm đạo đức, kỷ luật ngành nghề, lạm dụng quyền hạn ác tâm, ác ý với người dân. Giới công quyền dễ bị kích động đột ngột, rơi rụng tính người, vô cảm, nhẫn tâm, ức hiếp, hành hung, tàn bạo đối với người dân, coi thân phận người dân như thân phận của "thú vật". Rất tiếc là những câu chuyện gây khổ, gây oan cho dân còn có sự tiếp sức của việc bao che, che dấu, thông tin không đầy đủ làm cho người dân, cùng lãnh đạo đất nước không kịp thời rút ra những bài học sâu sắc, nghiêm khắc. Đáng lẽ ra những câu chuyện như trên chuyến tàu hỏa, những chiếc "hố tử thần", cán bộ hành chính "hành dân", cán bộ công an đánh dân đến tử vong... phải là những tiếng chuông báo động "cấp 1" với tất cả chúng ta về nạn vô cảm, vô trách nhiệm, rơi rụng nhân tính trước ý nguyện, quyền lợi và quyền lực của nhân dân trong thực tế. Chậm trễ trong nhận thức tính trầm trọng cái thực tế này, coi thường, nhu nhược, giả dối trước cái đúng, bỏ qua trừng trị cái sai làm cho cái sai tiếp tục lấn át cái đúng trong xã hội ta như những câu chuyện minh họa vừa qua có lẽ chính là một sai lầm lớn nhất của chúng ta. (Bùi Quang Minh) |
Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách: -Vé tàu!
Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.
Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:
- Đây là vé trẻ em.
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bằng mặt, nhỏ nhẹ đáp:
-Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?
Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:
-Anh là người tàn tật?
-Vâng, tôi là người tàn tật.
-Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:
-Tôi... không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em
Cô soát vé cười gằn:
-Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?
Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên - Anh chỉ còn một nửa bàn chân.
Cô soát vé liếc nhìn, bảo:
- Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ "Giấy chứng nhận tàn tật", có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật!
Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích:
- Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định...
Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.
Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật ...
Trưởng tàu cũng hỏi:
- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?
Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình.
Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:
- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.
Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có bốn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc:
- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.
Trưởng tàu nói kiên quyết:
- Không được.
Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu:
- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.
Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý:
- Cũng được.
Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:
- Anh có phải đàn ông không?
Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:
- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?
- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?
- Đương nhiên tôi là đàn ông!
- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?
Mọi người chung quanh cười rộ lên.
Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói:
- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?
Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói:
- Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.
Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.
Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành:
- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.
Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng:
- Cô hoàn toàn không phải người!
- Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:
- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?
Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:
Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận "người" của cô ra xem nào...
Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.
Chỉ có một người không cười.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá