Dự cảm xuân này...

07:36 CH @ Thứ Ba - 01 Tháng Hai, 2011

Ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng (PTT), thuộc nhóm những người “cả đời không có Tết”, bởi đặc thù công việc ngoại giao của ông. Trong cái lạnh se se của một chiều giáp Tết Nguyên đán, PTT Vũ Khoan kể về những mùa xuân trong cuộc đời làm công tác ngoại giao của mình....

- P/v: Thưa ông, ông có thể chia sẻ những cảm nhận của ông khi mùa xuân đến?

- PTT Vũ Khoan: Trước hết, tôi nói về những mùa xuân đã qua. Đời người có nhiều mùa xuân. Tôi cũng đã trải qua 73 mùa xuân rồi, mỗi mùa xuân có những kỷ niệm riêng. Xuân đến, tôi hay nhớ về những mùa xuân đã qua. Ví như mùa xuân thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thời bao cấp, chẳng hạn. Thời đó, việc lo Tết cho anh em trong cơ quan rất vất vả, phức tạp lắm vì khoản được cung cấp rất ít nên phải “chạy” ngoài. Đang làm công tác ở Bộ Ngoại giao (BNG), tôi được công đoàn phân công đi “chạy” thịt lợn, gạo nếp để gói bánh chưng. Tết đã đến rất gần, trời tối đen “như đêm 30”, tôi phải xuống Nam Định, đến HTX kết nghĩa với BNG để “chạy” gạo, thịt. Họp xong đã muộn rồi mới đi, mò mẫm giữa đêm tối mãi mới đến nơi.

Thời bao cấp, anh em ở HTX cũng khó khăn lắm, nhưng người ta chiếu cố BNG là đơn vị kết nghĩa. Còn anh em ngoại giao chúng tôi chẳng có thế mạnh gì ngoài khả năng nói chuyện thời sự, cho nên phải đổi “nói chuyện thời sự” lấy thịt lợn và gạo nếp! Cuối cùng, bà con HTX cũng cấp cho một con lợn và chục cân gạo nếp. Lại lọ mọ đến gần sáng mới về tới nhà, giao lại cho công đoàn.

Thời đó đói khổ nhưng vui lắm! Cả đơn vị xúm vào giết mổ lợn, chia nhau mỗi người vài miếng, tiết lợn và lòng lợn được nấu thành một nồi cháo lòng, xì xà xì xụp sao mà ấm lòng đến vậy. Trong gian khó, tình người giữa bà con nông dân với anh em cán bộ, giữa cán bộ nhân viên với nhau sao mà thắm thiết thế. Dù sau này tết nhất có đầy đủ hơn, nhưng những kỷ niệm thời gian khó thì không bao giờ quên được mà cũng không nên quên.

Thật ra, đối với những người làm ngoại giao thì gần như không có Tết bởi vì nhiều nước họ có ăn tết cổ truyền đâu, mọi chuyện vẫn diễn ra như trong ngày thường. Nhất là trong thời gian kháng chiến khốc liệt, chúng tôi phải chia nhau trực 24/24 tiếng đồng hồ để theo dõi và xử lý tình hình. Các cuộc họp hành, tiếp xúc quốc tế vẫn được tiến hành. Nhiều khi Tết đến, chúng tôi vẫn phải khăn gói lên đường. Có năm, tôi đón giao thừa trên máy bay. Đúng là ăn Tết “giữa chín tầng mây”! Lúc đó, tôi thấy nhớ nhà, nhớ nước vô cùng. Tết thì ai chẳng muốn sum họp với gia đình, chen lấn ngoài bờ hồ Hoàn Kiếm để đón xuân sang. Nhưng nhiệm vụ vẫn là nhiệm vụ thôi.

- Vậy còn mùa xuân năm nay - Xuân Tân Mão, mùa xuân sẽ diễn ra Đại Hội Đảng lần thứ XI?

- Người già thường hay suy tư, nhất là năm hết Tết đến. Trên ngưỡng cửa Tân Mão lòng tôi cũng thấy bồi hồi vui lo lẫn lộn.

Vui vì đất nước đã vượt qua những chặng đường cam go, nay đã trở thành nước có thu nhập trung bình, tuy còn ở mức thấp và đang bước vào chặng đường nước rút để trở thành nước công nghiệp. Trong năm Canh Dần, ta đã trụ vững được sau cơn suy thoái toàn cầu, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Niềm vui thứ hai là năm Canh Dần đánh dấu một vị thế mới của Việt Nam. Trong những năm đổi mới, nước ta đã từng bước nâng cao được vị thế của mình đối với thế giới: chúng ta đã từng vui mừng khi chủ trì ASEM, APEC, tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, năm nay lại chủ trì thành công ASEAN... Rồi hội nghị tài trợ vẫn tiếp tục cam kết tài trợ cho chúng ta, dù có ít hơn một chút nhưng trong trong thời điểm khó khăn của kinh tế thế giới mà được vậy cũng là rất quý.

Tuy nhiên, nỗi trăn trở thì cũng còn nhiều vì chính trong cơn khó khăn đó bao nhiêu khuyết tật của nền kinh tế nước ta bộc lộ ra rất rõ. Tuy tốc độ phát triển có cao đấy, nhưng hiệu quả lại thấp vì so với thiên hạ, chúng ta phải đổ quá nhiều vốn, nhiều sức. Cũng chính vì vậy mà kinh tế vĩ mô không ổn định, bội chi ngân sách kéo dài và khá lớn, đồng tiền mất giá, lạm phát cao. Tốc độ tăng trưởng của các nước trong khu vực không kém chúng ta lắm đâu nhưng lạm phát của họ lại thấp. Điều đó làm cho đời sống của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp rất khó khăn. Năm nay đi đâu, gặp ai cũng thấy ca thán vì “bão giá”. Kinh tế tăng trưởng mà đời sống lại khó khăn là hiện tượng mâu thuẫn đáng suy nghĩ.

Năm Tân Mão tới đây là năm khá đặc biệt. Đó là năm kết thúc Kế hoạch 5 năm và “Chiến lược 10 năm” cũ và bước vào Kế hoạch 5 năm và “Chiến lược 10 năm” mới đưa nước ta trở thành nước công nghiệp. Điều đó thật có ý nghĩa lịch sử vì đây là cái mốc mới đánh dấu sự đổi đời sau hàng nghìn năm nước ta đắm chìm trong tình cảnh một nước nông nghiệp lạc hậu. Nhưng cũng trong năm tới, ta sẽ phải giải quyết nhiều việc khó khăn cùng một lúc: vừa phải chỉnh sửa những khuyết tật của nền kinh tế, cơ cấu lại mô hình phát triển của mình, vừa phải thích nghi với nền kinh tế thế giới còn đang ẩn chứa nhiều điều bất ổn. Vì vậy, năm Tân Mão sẽ là năm khó khăn, vất vả chứ không đơn giản.

Nhìn xa hơn thì thấy nếu chúng ta không chỉnh sửa một cách cơ bản mô hình phát triển thì sẽ bị tụt hậu rất nghiêm trọng. Một nước công nghiệp đâu có phải chỉ do tỉ trọng công nghiệp trong GDP đâu. Về mặt này thì nước ta đã là nước công nghiệp rồi vì công nghiệp đã chiếm tới gần 40% GDP. Vấn đề là cơ cấu công nghiệp của nước ta khá lạc hậu: công nghiệp khai khoáng khá cao, công nghiệp chế biến, nhất là chế tạo rất thấp mà chủ yếu là gia công lấy công rẻ mạt làm lãi, về cơ bản ta chưa sản xuất được ra máy móc thiết bị và những sản phẩm hiện đại.

Đấy là về sản xuất chứ còn chất lượng cuộc sống thì còn nhiều chuyện lắm. Nào là ô nhiễm môi trường, nào là kẹt xe, nào là giá cả, nào là học hành, nào là chữa bệnh, nào là an sinh, nào là dịch bệnh… Tiếc rằng, kinh tế cứ tăng mà chất lượng cuộc sống lại cứ xuống. Như vậy, ăn Tết nhìn ngắn hạn thì có không ít chuyện đáng mừng nhưng nhìn dài hạn thì còn nhiều điều đáng quan tâm lắm.


- Đấy là những mùa xuân của đất nước. Còn những mùa xuân của riêng ông về cái Tết đầu tiên ông xa nhà?

- Lần đầu tiên tôi ăn Tết xa nhà là mùa xuân năm 1947. Toàn quốc kháng chiến vừa bùng nổ, tôi rời Hà Nội đúng hôm 19/12 đi tản cư (thời đó gọi là tản cư chứ không gọi là sơ tán như thời chống Mỹ). Năm đó, Tết mà không có Tết vì quân Pháp tràn tới, phải chạy. Khi đó tôi mới 10 tuổi, mẹ mới mất, bố ở lại trong Thành tham gia kháng chiến, hai anh em tôi theo bà bác lang thang, lếch thếch trên đường. Ấn tượng ấy tôi vẫn còn nhớ mãi. Đối với riêng tôi, Tết thường gắn với những nỗi buồn. Trong cuộc đời tôi phải ăn Tết ở nước ngoài đến hơn hai chục lần vì phải làm việc tại Đại Sứ quán nước ta hơn hai chục năm. Và mỗi lần Tết đến nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương vô cùng ray rứt. Tôi chỉ vui niềm vui Tết của đất nước thôi chứ Tết của bản thân thì chẳng có gì vui cả.

- Mùa xuân gắn liền với tuổi trẻ, ông có nhận xét gì về giới trẻ Việt Nam hiện nay?

- Người ta hay nói “tương lai của đất nước trong tay thế hệ trẻ” nhưng theo tôi phải nói: “vận mệnh đất nước trong tay thế hệ trẻ” vì Cách mạng tháng Tám, các cuộc kháng chiến và sự nghiệp kiến quốc trong 65 năm qua đều do thế hệ trẻ làm nên.

Thanh niên ngày nay khác chúng tôi thời trẻ rất nhiều, chí ít là về hai mặt: một là các cháu được tiếp cận nhiều thông tin nên hiểu biết nhiều; hai là mạnh dạn, tự tin hơn chúng tôi thời trẻ rất nhiều. Những người già chúng tôi thường hay ca cẩm, chê bai lớp trẻ, lo các cháu “mất gốc”, không nối tiếp được truyền thống cha anh. Nhưng việc quan tâm tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, chăm lo cho “phần hồn”, tin dùng người trẻ lại chưa đúng mức. Tôi thấy những người có trách nhiệm rất ít tiếp xúc, giao lưu với lớp trẻ.

Bộ Chính trị quy định các cấp ủy Đảng phải có ít nhất 15% là cán bộ trẻ những không một tỉnh, thành nào làm đúng, có nơi chỉ vài ba phần trăm. Lo các cháu “mất gốc” nhưng chẳng có bộ phim lịch sử nào, các cháu chỉ toàn xem phim lịch sử Trung Quốc! Các bài sử thì khô khan, hơn thế nữa còn nhiều khoảng trống trong khi các cháu lại nhận được những thông tin khác qua mạng. Làm sao tạo nên được “hồn Việt” nếu người ta không biết sử ta như Bác Hồ dạy? Cách răn dạy các cháu nhiều khi quá trừu tượng, quá to tát, xa vời, không nhập tâm các cháu, còn những điều đơn giản, đời thường lại không nhắc nhở, răn dạy.

Bản thân tôi chỉ nhắn nhủ các cháu 3 điều nhỏ thôi, đó là: nói chứ đừng chửi thề; nhặt chứ đừng vứt rác; trồng chứ đừng vặt cây. Tôi nghĩ, nên dạy trẻ con yêu ông, yêu bà, yêu bố mẹ, yêu người nghèo khổ, yêu cái cây ngọn cỏ và đó chính là yêu nước. Hôm qua tôi xem phóng sự về việc bà con nông dân ngoại thành trồng cây hoa cải, rồi làm “dịch vụ”, cho thanh niên ra chụp ảnh. Cái đó cũng hay, giúp bà con nông dân đỡ nghèo nhưng rất buồn là các bạn thanh niên đã vặt và dẫm nát cả vạt hoa. Thật đáng buồn và thấy ngượng khi chứng kiến những lễ hội hoa bị dẫm nát, người Nhật mang hoa anh đào sang cũng bị tơi tả... Hoa là sự kết tinh đẹp nhất của tạo hóa. Do đó, tôi rất mong thanh niên trước hết phải trở thành những con người tử tế, có tình thương với cái cây ngọn cỏ, với những con vật bé nhỏ, từ đó mới có được tình thương ông, thương bà, thương cha, thương mẹ...; tất cả những điều bình dị như vậy mới hun đúc nên lòng yêu nước được.

- Xin cảm ơn ông!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tết là cái phúc cho dân tộc

    12/02/2018Đỗ ĐứcCòn nhớ hồi bé, cứ mong bao giờ đến Tết. Đến Tết để có một bộ quần áo mới, Tết để được mừng tuổi, dù chỉ vài xu vài hào. Ngày Tết, có bánh chưng bánh mật, được đi xem hội...
  • Đi tới những chân trời khát vọng

    24/09/2013GS. Tương LaiVăn hoá là ngọn lửa thiêng liêng chiếu sáng hành trình của con người đi tìm chân trời trong sự phát triển vô cùng tận của lịch sử người. Nói đến “chân trời khát vọng”, Phạm Văn Đồng có gợi lên một ý rất hay: “Văn hoá là gợi, là mở, là không thoả mãn cái đã có, là đi tìm chân trời…”.
  • Dặc dài thăm thẳm

    31/01/2011Chu LaiGiống như sau khi leo tới đỉnh một trái núi chạm mây trời nhìn lại bỗng ngỡ ngàng mà không hiểu tại sao mình lại có thể leo cao được như thế; cũng giống như một nhà văn, sau khi viết xong một cuốn trường thiên tiểu thuyết đọc lại cũng lạ lùng mà chẳng rõ tại sao mình lại có thể viết được nhiều như thế? Lịch sử một con người, một dân tộc cũng vậy, sau một chặng đường dặc dài thăm thẳm những đau thương, hùng anh, mất mát, bươn chải, thăng trầm, vật vã, đến hôm nay đứng ngập tràn trong nắng gió thái hoà, mới chợt...
  • Mùa xuân phía trước

    30/01/2011Trí QuânMùa Xuân mới nữa lại về trên dọc dài Đất Nước. Xuân đón chào thập kỷ thứ hai của Thiên niên kỷ thứ Ba. Nhân loại đã đi qua một thập kỷ với thật nhiều sóng gió. Những cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố trên nhiều dải đất...
  • Tết Dân tộc, nghĩ về Dân tộc

    25/01/2011Thanh Giang
    Trong dịp đón mùa xuân mới, mọi người nghĩ đến gia đình một phần thì nghĩ tới nước nhà mười phần. Suy nghĩ ấy tăng dần bởi vận mệnh dân tộc ta đang đứng trước những thách thức lớn trong, ngoài nước; tình hình kinh tế xã hội đang có những thách thức. Thách thức quả là nhiều và đáng ngại, khiến lòng dân phải lo, nỗi lo dân tộc có thể bị tụt hậu, lo cho biên cương tổ quốc, nạn tham nhũng lan tràn, môi trường sống bị thu hẹp, sự phân hoá giàu nghèo tăng dần…
  • Luận về nước

    18/01/2011Đỗ ĐứcMột bạn bảo tôi: Chỉ có người Việt Nam mới tự gọi quốc gia mình là Nước. Ờ, đúng chúng ta thường gọi nước Việt Nam, nước Lào, nước Đức, nước Nga... Toàn là nước nọ nước kia, trong khi đa phần người ta gọi quốc gia của mình là đất...
  • xem toàn bộ