Đối diện với một “khối im lặng” đáng sợ
Nhà văn, nhà báo, nhà giáo… “ba trong một” cũng chỉ là để chị thỏa sức khám phá con người. Xáp vào lửa, con người đầy trách nhiệm với từng nhịp thở của đời sống nóng bỏng giúp chị phát lộ vẻ đẹp lạ lẫm, âm thầm, dung dị và rất riêng tư của hồn người...
Hơn ai hết, người viết, người thầy đều cần nhất là sự dấn thân, nhưng nhìn vào bức tranh giáo dục và văn chương hiện nay, một màu buồn vẫn là chủ đạo, phải chăng sự dấn thân đã trở nên thiếu vắng?
Thực ra vẫn còn rất nhiều người dấn thân, nhưng không biết tại sao không khí chung không lạc quan. Cảm giác như họ bị cô lập, chỉ còn biết tự thân vận động, cố giữ mình một cách lầm lũi, âm thầm chứ không ai biết đến. Làm để cho mình thôi chứ không vì để được khen thưởng.
Là nhà báo thế hệ trước, chuyên viết về các anh hùng, liệt sĩ, nhà trí thức, văn hóa… cho các tòa báo nếu còn cần mình, tôi vẫn cố gắng viết cho tử tế, lầm lũi với con chữ, sống trọn vẹn với chuyện viết lách. Với nghề dạy học, tôi không được đào tạo bài bản, nhưng trong một thời buổi rất nhiều nghề nghiệp giao thoa nhau, tôi đã phát triển thêm một bước nữa, phục vụ những gì liên quan đến truyền thông, PR, doanh nghiệp, quan chức… Bước chân ra nhiều nghề nghiệp khác giúp mình phương pháp suy nghĩ tốt. Chừng nào mình chưa liệt xuống hẳn thì vẫn đi, vẫn làm, cảm thấy còn có ích cho xã hội, không bị ra rìa khỏi cuộc sống. Đó là niềm vui của tôi, nhưng thực sự rất vất vả, vì môi trường làm báo đòi hỏi luôn phải ở mũi nhọn, thời sự, luôn cập nhật cái mới, có cách thiếp cận mới
Theo chị tại sao người tốt lại trở nên cô lập đến thế? Phải chăng vì những người thầy không được trao cho sự tự do trong giảng dạy?
Nhà giáo nếu nói tự do thì rất tự do. Nghề nào cũng phải đột phá để tạo ra cái mới, mặc dù chương trình chưa phù hợp, lạc hậu với thời cuộc. Xã hội thay đổi triệt để trong khi nhà trường không bắt kịp dù cũng ráo riết trong việc cải cách. Nhận xét qua hơn 1.000 học trò của tôi, thấy các em loay hoay, không biết cái nào hay, cái nào dở. Giáo dục không ổn định, nay đường ray này, mai đường ray khác khiến cho các em phải tự bơi, để tìm cách tốt nhất cho mình.
Tôi là dân tự do quen rồi nên khó mà vào những quy phạm nhà giáo đầy nghiêm luật. Nói cho cùng nghề giáo với tôi là để truyền đạt những điều tốt, những điều mới, và học trò thích nghe. Tôi chỉ là người truyền đạt, người đi kể những câu chuyện hay. Ngay cả những môn “cóc gặm” nhất là giảng về đạo đức nghề nghiệp cũng phải tiếp cận với những vấn đề hiện đại, không phải lý thuyết suông. Đạo đức giống như một công cụ chất lượng để làm việc.
Người ta gọi chị là nhà văn, nhà báo, nhà giáo… chị thích nhất nhà nào?
Tôi chẳng nghĩ tôi là nhà gì, vì nhà nào cũng đòi hỏi cao lắm, không biết mình tới được chưa nên không dám chắc. Tôi chỉ là “ bà loong toong” để mọi người sai bảo. Là người được xã hội sai bảo làm những việc mà xã hội cần. Xã hội giao cho mình là vì tin, nên càng được sai bảo lại càng mừng cho cuộc đời mình
Viết văn có giúp chị tiếp cận với con người nhanh và sâu hơn khi viết báo?
Làm nhà văn lớn phải có tài lớn, nếu nhàng nhàng, viết nhạt nhẽo tội nghiệp người đọc lắm. Một câu chuyện thật có khi cần hơn một tiểu thuyết nhạt nhẽo. Sự giao thoa giữa ranh giới một nhà văn và nhà báo là lời lãi nhất khi cầm bút, vì được gần gũi con người. Con người đẹp hơn tất cả các sự kiện, con người còn lại mãi. Tôi mê viết hồi ký và phỏng vấn nhân vật, tiếp xúc với những hồi ức của các vĩ nhân, tính cách các nhà văn, tôi thấy con người là một thế giới vô cùng biến ảo, chẳng bao giờ cũ. Ở đó luôn tìm thấy niềm vui, sự bất ngờ, ngạc nhiên. Hồn người chẳng có bảo tàng nào giữ được ngoài văn chương. Mình thay bảo tàng giữ được hồn rất sâu của những người Việt Nam tuyệt vời cũng là hạnh phúc
Chị có tìm thấy câu trả lời cho cuộc đời mình trong chính những nhân vật mà mình khám phá?
Tôi có một nghịch cảnh, rất “sợ” người. Chữ “sợ người” của Nam Cao. Tôi luôn đứng giữa sự chênh vênh của nỗi sợ, giống như sợ ma vậy, càng sợ càng hấp dẫn. Nhưng khi càng tiếp xúc với con người, tôi đã nhận được rất nhiều cảm nhận đẹp, kể cả những thất bại của họ cho mình rất nhiều suy nghĩ. Từ đó mình hiểu được tất cả những éo le của cuộc đời, không phê phán “xanh rờn” một cái gì. Tiếp xúc với những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng, thấy dân mình khổ quá, tình thương giúp mình sự hiểu, đem lại cho mình tính thương người. Tôi coi trọng tính thương người nhất.
Chị đã khám phá ra điều gì bí ẩn nhất từ Phạm Xuân Ẩn và Nguyễn Khải, hai con người đầy nghịch cảnh?
Hai người thuộc hai thế giới khác hẳn nhau, nhưng đều rất đẹp, và rất lý trí. Phạm Xuân Ẩn kính trọng đã đành, nhưng rất thương. Một con người thường trực sống trong những tình huống hiểm nguy nhất của chiến tranh. Ông kể cho tôi khi đưa tờ giấy cho đồng đội mà tay run bần bật, dù đầu óc rất tỉnh táo. Đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể mà ông không kiểm soát được. Một con người chịu đựng phi thường. Tôi cứ nhìn vào cổ áo của ông, nghĩ cái cổ áo kia từng đeo thuốc độc để sẵn sàng ngậm vào bất cứ lúc nào, vì ông không chịu được tra tấn… Nếu không bị thử thách như thế có thể ông sẽ sung sướng hơn, nhưng có thể không “ra” được một con người đẹp như thế. Nguyễn Khải lại là chiêm nghiệm của người viết, nỗi buồn đau quá sâu của thân phận người.
Tôi không chỉ khai thác họ, mà chính họ giúp tôi một niềm tin, khiến tôi phải nỗ lực hơn để “với” theo, “chạm vào” vấn đề của họ. Nếu không có nhạy cảm nghề nghiệp khó mà theo được nghề này. Tôi thiệt thòi vì không tiếp cận được với những tài liệu của chính phủ mà chỉ có thế mạnh khai thác con người. Tài liệu của tôi chính là những rung động buồn đau, tính cách, ứng xử của họ trong cuộc đời. Một nhà báo Mỹ đã viết cho tôi: “Trong tất cả những người viết Phạm Xuân Ẩn, bà là người hiểu rõ con người nhân văn của ông Ẩn hơn ai hết”. Đó là câu tôi ưng ý nhất bởi đúng với chất của mình, mục tiêu của mình. Nhưng như thế lại không ăn khách, không thị trường, không giật gân…
Làm thế nào để họ có thể khóc cười với chị?
Thực sự mình cũng chưa đạt tới điều đó, mặc dù ông Ẩn rất tin, nhưng vẫn dè chừng trong tỉnh táo. Hiểu đúng về một con người là khó nhất, không ai dám nói mình hiểu hết về con người. Phạm Xuân Ẩn vẫn mang theo rất nhiều bí mật không ai dám nói đã khai thác hết…
Còn ông Khải thì chia sẻ hơn. Ông muốn trò chuyện với mình như hai nhà văn đồng đẳng cùng tranh luận về thời cuộc. Ông đã đánh giá quá cao về mình, một sự tin tưởng mà mình cảm động nhất. Tôi đã xách khăn gói và máy ghi âm trốn chui trốn lủi vào bệnh viện, bị bác sĩ đuổi tới đuổi lui, để trò chuyện với ông. Được mấy ngày, ông thấy tôi khổ quá nên bảo để mổ xong trò chuyện cho trọn vẹn. Ai ngờ ông đi luôn…
Còn sinh viên bây giờ theo chị, điều gì đáng lo nhất?
Thầy không phải tồi, trò năng động, thông minh, thậm chí quỷ quái hơn, nhưng lại rất hiếm học trò nào thích học. Chuyện trốn học, bỏ học, chỉ đến kỳ thi mới xuất hiện vẫn còn rất nhiều ở đại học. Tôi không thể hình dung nổi môi trường đại học, khi giáo viên phải đối diện với một “khối im lặng” đáng sợ. Đưa ra một vấn đề, hỏi ai đồng ý? Không có ai. Ai không đồng ý? Không có ai. Ai có phương án khác? Cũng không có ai! Một khi học trò không thích học thì người giảng làm sao có lửa? Từ khi tham gia giáo dục, đó vẫn là một câu hỏi mà tôi chưa trả lời được, và cũng chưa thấy ai trả lời một cách khoa học.
Nghĩ cho cùng cũng trở lại với con người. Nói sinh viên bây giờ không tự lập là chưa đúng đâu. Vì nhiều em bố mẹ đâu có úm con được nữa, phải tự đánh vật kiếm tiền đó chứ. Làm thêm có thể cho thêm kinh nghiệm sống, nền giáo dục vỉa hè cũng giúp mình nhiều thứ, nhưng cũng nhiễm cái phức tạp của vỉa hè. Phải chăng có một sự nhầm lẫn, lừa dối về các giá trị sống?
Từng có những bài phỏng vấn mang tính phản biện mạnh mẽ, có bao giờ chị phải… “lách”?
Viết trong dòng tư duy hợp lý, khách quan, xây dựng thì người ta sẽ chấp nhận. Khi thấy những gì khó quá thì tôi từ chối, hoặc tránh những gì phải lách. Tôi chọn những gì nói được đúng ý mình. Có thể vì tôi là một nhà báo tự do không thuộc tòa soạn nào, hoặc tuổi tôi đã quá già để không bị người ta bảo làm gì và không được làm gì. Nhà báo là con người gắn chặt với thời cuộc, với sự đổi thay. Là nhà báo tự do tránh được tiêu cực của làng báo, và cũng chẳng ai mua mình bằng rất nhiều tiền, nhưng cũng thiệt thòi vì không ở trong một tổ chức nào để thẩm định thông tin, tất cả đều phải làm một mình.
Khó khăn lớn nhất mà chị phải vượt qua?
Luôn phải tự lực. Trải qua rất nhiều nghề, từ công nhân đến nhà báo trong chiến tranh, phải xa con cái, đi vào nơi bom đạn ác liệt, lăn lộn những vùng nông thôn… Ngày xưa làm báo phải đi dữ lắm. Lỗi lớn nhất của nhà báo trẻ bây giờ là không đi vào cuộc sống, quá lạm dụng phương tiện kỹ thuật, ngồi xào xáo copy người khác. Giam mình trong bốn bức tường dùng máy móc tra cứu, ngóng thông cáo báo chí thì làm sao gọi là hành nghề được?
Bút danh Quảng Yên và “Chuyện nhà tôi” trên Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần đều đặn suốt 10 năm qua của chị lại là một văn phong rất hiện đại, gần gũi, hài hước và… ngây thơ…
Cũng từ nghề báo mà ra. Làm mục hôn nhân gia đình cho báo Phụ Nữ nhiều năm, tôi đã tìm ra một cách, không viết theo kiểu khuyên nhủ dạy dỗ, mà tìm một câu chuyện hài, rồi nhìn xiên xéo đủ mọi góc hài hước để ra “chuyện nhà tôi”. Nhiều khi cũng bí lắm những vẫn cứ giữ đến hôm nay. Cuộc đời vốn không bao giờ cạn, tôi cứ quan sát nhặt nhạnh ra thôi. Văn hóa gia đình trong đối xử chỉ cần giải quyết bằng một nụ cười nhẹ nhàng hơn là mắng mỏ cái vã, đó là cách giải quyết của tôi. Tôi cứ tung hỏa mù để cuối cùng người đọc tự tìm ra suy nghĩ của mình. Đi đâu cũng dỏng tai nghe chuyện, thiên hạ có chuyện gì hài là tôi lại vỗ tay “nhuận bút đây rồi!”. Mới đây ra công viên, nhặt được một câu của bà tập thể dục kể về ông chồng ngoại tình: “ông ấy ngồi suốt 60 năm nay, vụt đứng dậy, còn chạy mới sợ chứ, rồi bị bồ bỏ giờ tan xác pháo ra…” Một chuyện cười ra nước mắt.
Từng làm lãnh đạo báo Phụ Nữ, những cơ quan rất “nghiêm trọng”, chị vẫn giữ được tính hài hước từ trẻ?
Đến giờ tôi vẫn bị phê là tếu! Tôi cố giữ là người dễ chịu, trung hậu, tử tế, chăm chỉ làm việc. Còn con người làm sao tránh được, cũng đầy thói hư tật xấu. Khi nhìn mọi việc có chất hài trong đó sẽ dễ giải tỏa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn