Độ vượt khó của chữ Tình
Đang đi trên phố nhỏ Hà Nội, cặp vợ chồng từ Sài Gòn ra cùng một người bạn phải dừng lại. Người vợ nhìn chồng, vẻ ái ngại nói: “ Xin các vị, đã không đến thì thôi, bây giờ đi qua ngay cổng chùa, không vào không được”. Thế là chị băng qua đường. Người chồng và anh bạn đi phía sau, nói nhỏ với nhau: người yêu đầu tiên của “nàng” để ở chùa này.
Đã quá trưa, chùa nhỏ đóng cửa. Chị bối rối nhìn ông sư đang sắp khuất dạng ở hàng cây nhỏ, nói lời xin xỏ gì đó, để được bước vào phía trong. Chùa vắng tanh vì không phải ngày lễ hay rằm, chỉ có mấy vị Tây ba lô đang đứng ở sân nhòm ngó mấy pho tượng.
Ba người bước vào phía trong. Chị đi dọc phía bên phải¸ rồi lại đi dọc phía bên trái, tay cầm nén nhang lạy bâng quơ trước hàng trăm tấm hình nhỏ li ti. Sao lại không biết đích xác “người ấy” nằm ở đâu, mà cứ vái vọng cả hai bên thế này? Chính anh chồng cũng không biết rõ câu chuyện. “Cô ấy chỉ kể là người nhà mới cho biết anh ấy được gia đình đưa lên thờ ở chùa này đã lâu lắm. Khi mất, anh ấy không gia đình, không con cái vì cuộc hôn nhân tan vỡ…”.
Người phụ nữ ấy chợt trở nên “bí ẩn” vì mang một câu chuyện tình quá xa xưa. Gia đình hiện nay của chị tương đối hạnh phúc, trọn vẹn, con cái ngoan ngoãn. Cuộc đời bận rộn tối mắt tối tai, vậy mà không ngờ vẫn có những góc riêng. Ai chẳng có góc riêng, nhưng mà cứ nhớ mãi, giữ cái tình cái nghĩa trong hư không như vậy, tình yêu thời tuổi trẻ, không vì một lễ nghi bắt buộc nào phải giữ. Nhưng đó là cách đối xử với đời, với người. Một ngày cũng nên nghĩa, dù cái ngày ấy xa xách hàng mấy chục năm, cả người ấy và ngày ấy đã là hư vô, biệt tăm tích. Anh chồng cũng chẳng bao giờ quan tâm chuyện tình thời trẻ dại. Cuộc sống đã đặt vợ chồng anh vào những bài toán khác trong thực tế, lo toan đến nỗi quá khứ xa lắc ấy như không hề tồn tại.
Có lẽ người phụ nữ ấy là một trong số người “còn sót lại” của thế kỷ diễm tình. Bao nhiêu câu chuyện tình như thế không còn “ăn khách” nữa trong văn chương, báo chí và trở nên lạc hậu trước các 8X, 9X giờ đây đang có xu hướng coi tình cảm là nhân tố ít quan trọng nhất trong hôn nhân. Mọi việc tìm hiểu cũng khoán cho công ty mai mối, trái tim không cần phải làm việc cho mệt. Báo chí thường đưa những tin tức như thế. Mà việc ấy đang phổ biến ở… Hàn Quốc, nơi ta cứ tưởng tình yêu lãng mạn nhất thế giới qua các bộ phim tình cảm cao thượng đẫm nước mắt.
Có ai ngờ xứ sở của các nam nữ thanh niên đẹp đẽ, ăn mặc thời trang, hay bị ung thư, làm phim lâm ly lấy nước mắt của khán giả nữ- lại là nơi có tỷ lệ ly hôn cao thứ ba trên thế giới! Nơi các cuộc hôn nhân vật chất được cân đong đo đếm theo tiêu chuẩn chứ không do tình yêu quyết định. Ôi, các con số thống kê, các tin tức như thế thật khó tin…
“Độ vượt khó” cũng đã bắt đầu hiếm hoi dần trong nhiều lĩnh vực. Hy sinh cho lý tưởng nghề nghiệp cũng thưa vắng, chỉ còn những người quyết vươn lên lo cho cuộc sống no đủ là được. Sự mưu mô để vượt lên người khác, giàu hơn người khác bằng mọi giá, làm mọi cách cho có tiền… hình như đó không phải là một chí hướng tử tế, mà là sự thực dụng trần trụi, lo lắng cho cá nhân. Ở “mặt trận” ấy thì luôn sôi động. Còn độ vượt khó để cho một lý tưởng, cho sự tốt đẹp không vụ lợi, kiểu như làm điều tốt “để gió cuốn đi” như lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chỉ còn là vẻ đẹp để ngắm chứ ít ai còn dám làm.
Nói thế có người mắng ngay: bi quan, nhìn đen tối, lệch lạc. Bao nhiêu người đang vượt khó đó thôi. Nhưng chị phụ nữ vào chùa viếng người tình cũ xa xưa như thế, hỏi còn được mấy người? Lại còn dám cả gan “mời” cả chồng mình đi theo…
Chuyện ấy nhỏ thôi, có thể. Nhưng có những chuyện lớn quan trọng cả đời, bây giờ người ta cũng chẳng muốn bỏ ra chút xíu cố gắng. Họ “cho đi tàu suốt” luôn cả cuộc hôn nhân chỉ vì một chuyện cự cãi nhỏ. Mình có học, kiếm ra tiền, sống hiện đại, còn trẻ, hà cớ gì phải chịu một người yêu, vợ, chồng không vừa ý? Cái tôi lấn át, mâu thuẫn vớ vẩn là vỡ, và chẳng hề đau buồn lâu.
Cuộc sống căng thẳng đến nỗi bài thuốc hiệu nghiệm là hãy sống với giây phút thực tại. Không quá khứ, không lo việc ngày mai chưa đến. Việc ngày mai đã có ngày mai lo…
Cứ xem xét thực tế ấy mới thấy chị phụ nữ nói trên thật là hiếm hoi. Không phải chị đã làm gì to tát. Mà vì chị có sức chịu đựng với thời gian, giữ được cái tình với thời gian. Người bạn nửa đùa nửa thật bảo: “Bà ở trong số người cuối cùng còn sót lại của thế kỷ XX. Dù là ta mới bước sang thế kỷ XXI được mấy năm…”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh