Đọc lại báo cáo “Phát triển con người 2005”
Bản báo cáo “Phát triển con người 2005” cần được đọc bằng cái nhìn cầu tiến vì ấm no hạnh phúc hơn nữa cho người dân. Còn bao nhiêu vấn nạn chưa giải quyết xong?
Trước hết, “Phát triển con người” cần được hiểu như là hướng đến “một cuộc sống dài lâu và khỏe mạnh đo bằng tuổi thọ - có kiến thức đo bằng tỉ lệ biết chữ, học tiểu, trung, đại học - có mức sống đo bằng sản lượng tính theo sức mua”. Bài này đề cập đến điểm thứ nhất: sống dài lâu và khỏe mạnh.
Bảng 3 của bản báo cáo cho biết có 9,4% dân số, tức 8 triệu người, không kỳ vọng sống đến 40 tuổi cho dù tuổi thọ hi vọng nói chung đã lên đến 70,5 tuổi (bảng 1). Có liên quan gì đến tỉ lệ 33% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, đến 21,2% dân số trong nhóm nghèo, đến tỉ lệ 27% dân số không có nguồn nước sạch (bảng 3)? Ăn sống uống sít, đắp đổi qua ngày, suy dinh dưỡng vẫn còn là số phận của 33,1% trẻ em VN và của 18,5% dân số VN (bảng 1.4, báo cáo của ADB). 15 triệu/83 triệu người hiện “không có bữa ăn hằng ngày dùng đủ”.
Báo cáo giải thích là do “cái vòng luẩn quẩn sau: Nghèo do thu nhập liên quan chặt chẽ với thiếu ăn. Thiếu ăn làm giảm hệ miễn nhiễm đề kháng của cơ thể, gia tăng nguy cơ bệnh tật, điều này lại làm gia tăng tình trạng thiếu ăn. Trẻ em thiếu cân, cho dù tương đối, dễ chết hơn trẻ em dinh dưỡng đầy đủ gấp bốn lần. Không có nước sạch và các điều kiện vệ sinh cải thiện cũng làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Các bệnh tật lan truyền qua nước uống hay chất thải của người là nguyên nhân đứng thứ nhì gây tử vong cho trẻ em trên thế giới” (báo cáo 2005, tr. 24).
Một ví dụ “vắn số” cụ thể. Theo tổ chức UNFPA (Quĩ dân số LHQ), tỉ lệ tử vong sản phụ ở nông thôn Việt Nam cao gần gấp đôi so với ở thành thị. Tỉ lệ tử vong sản phụ ở miền núi và trung du cao gấp ba ở đồng bằng. Các lý do dẫn đến tử vong sản phụ là: 1/ do một số bà mẹ chậm tìm đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc thiếu hiểu biết về thai nghén và sinh đẻ; 2/ chậm trễ trong vận chuyển sản phụ đến cơ sở y tế (41,3%); 3/ chậm trễ trong điều trị thiết yếu (40%). Hai lý do sau liên quan đến mạng lưới y tế và hiệu quả của nó.
Thành tựu xóa đói giảm nghèo của VN được nhắc đến không ít lần, song cũng có những khuyến cáo như: “Thách thức cho Việt Nam là duy trì tiến bộ này sao cho đến được một số khu vực và nhóm dân số còn ở bên lề nhất” (tr.47). Hay như “để thay đổi bức tranh đáng buồn này cần có những chính sách nhằm vào những bất bình đẳng sâu sắc giữa người giàu và người nghèo, giữa các khu vực thịnh vượng hơn và những khu vực kém thịnh vượng” (tr.24).
Bản báo cáo khuyến cáo các giải pháp sau (tr.64):
1/ Sao cho dễ tiếp cận. Người nghèo thường sống trong những khu vực mà các dịch vụ y tế cơ bản thì thưa thớt hoặc thiếu thuốc men và nhân viên được huấn luyện. Kinh phí hạn chế năm này sang năm khác là một phần nữa của vấn đề. Để cung cấp dịch vụ y tế cơ bản trong một nước có thu nhập thấp, cần chi 30-40 USD/người/năm.
2/ Sao cho vừa túi tiền. Thu viện phí trong những trường hợp chăm sóc y tế cơ bản càng làm tăng bất bình đẳng. Do lẽ chi phí cho sức khỏe chiếm một phần lớn thu nhập của người nghèo, làm họ giảm đến các dịch vụ y tế, bỏ dở điều trị hoặc càng thêm nợ nần. Ở Việt Nam, một lần đi bệnh viện thôi cũng chiếm mất 40% thu nhập hằng tháng của người dân trong nhóm 20% dân số nghèo nhất. Chi phí y tế gia tăng không chỉ làm nản lòng các gia đình. Tháo gỡ các viện phí này sẽ cải thiện công bằng trong xã hội.
3/ Sao cho có trách nhiệm. Đến đây, Ấn Độ được nêu làm thí dụ “ngược”: “Ngay cả khi có các cơ sở y tế, người nghèo cũng không màng sử dụng đến. Thí dụ như ở Ấn Độ, các cơ sở y tế bị đánh giá là “nghèo nàn”... hoặc đóng cửa khi lẽ ra phải mở cửa...” (tr.64).
Liên hệ ba khuyến cáo trên vào thực tế sẽ thấy tại TP.HCM, ba tháng đã trôi qua mà vẫn còn trên 84.000 trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí, tức cứ năm trẻ có một trẻ chưa được hưởng chính sách này. Trong thực tế mới chỉ chi có 6% kinh phí, còn dư đến 94% kinh phí. Thí dụ này cho thấy ngay tại thành phố lớn nhất nước, một chính sách tốt vẫn chưa được thực hiện đúng và đủ, khoan nói đến sốt sắng. Lẽ ra đã phải lên danh sách làm thẻ, cấp thẻ từ lâu trước đó. Có những thủ tục rào cản nào đó cần tháo gỡ để trẻ em dễ dàng được điều trị miễn phí, cũng như chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo sao cho thực chất.
Báo cáo “Phát triển con người 2005” là một văn bản cần được đọc kỹ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt