Các kịch bản cho năm 2005

11:50 SA @ Thứ Sáu - 22 Tháng Bảy, 2005

Kịch bản thứ nhất: Việt Nam được phê chuẩn là thành viên của WTO

Gia nhập WTO sớm đối với nước ta là một mong ước và là mục tiêu phấn đấu trong suốt 10 năm qua. Việc gia nhập WTO vào năm 2005 sẽ tạo ra cho Việt Nam những thời cơ mới thúc đẩy cải cách kinh tế, tạo ra bước phát triển mới trong xu thế toàn cầu hóa.

Lợi ích WTO mang lại

Thúc đẩy công cuộc cải cách kinh tế xã hội: Là một quốc gia đang phát triển ở trình độ thấp, việc tham gia WTO sẽ tạo sức ép từ quá trình hội nhập, buộc chúng ta phải đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế, cải cách luật pháp, đổi mới công tác đào tạo nhân lực, tăng cường các quan hệ quốc tế phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Cải thiện môi trường kinh doanh: Khi gia nhập WTO và cam kết thực hiện các nguyên tắc tự do hóa thương mại, môi trường kinh doanh sẽ trở nên lành mạnh hơn, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nước ngoài, giữa các thành phần kinh tế trong nước, giữa đầu tư trong nước và nước ngoài. Nền kinh tế Việt Nam sẽ ít bị tổn thương bởi những hành vi bảo hộ mậu dịch hoặc trừng phạt kinh tế của các quốc gia khác trong trường hợp có tranh chấp kinh tế, thương mại hay những lý do chính trị nào đó.

Mở rộng thị trường xuất khẩu: Hiện nay, thương mại giữa 148 nước thành viên WTO chiếm tới 90% khối lượng
thương mại thế giới. Năm 2005, nếu 25 quốc gia được kết nạp, số thành viên WTO có thể lên trên 170 nước, nghĩa là tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới sẽ là thành viên WTO. Vì vậy, sau khi gia nhập WTO, rào cản về thuế quan và hạn ngạch sẽ được khắc phục, hàng hóa Việt Nam sẽ được cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ khác.

Nâng cao năng lực cạnh tranh: Khi tham gia WTO, các doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên để cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài trên thị trường quốc tế và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cũng phải cạnh tranh với nhau ngay trên thị trường trong nước. Quá trình cạnh tranh sẽ làm giảm chi phí kinh doanh, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ, tạo thêm công ăn việc làm và kết quả là nâng cao chất lượng của cả nền kinh tế.

Thách thức

Mặc dù lợi ích lớn lao và lâu dài đối với sự phát triển của đất nước là không thể phủ nhận, song trong những năm đầu khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức không nhỏ:

Cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn: Khi gia nhập WTO, Việt Nam phải giảm thuế quan và phải dỡ bỏ các hàng rào phi thuế. Mức độ cam kết giảm thuế phụ thuộc nhiều vào kết quả đàm phán đa phương và song phương đối với các mặt hàng cụ thể. Vì vậy cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn ở thị trường nội địa. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là nông nghiệp và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và vốn. Những xí nghiệp nội địa không đủ năng lực cạnh tranh sẽ phải đóng cửa. Tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng.

Sức ép cải cách sẽ lớn hơn: Trong giai đoạn đầu gia nhập WTO, khu vực nhà nước sẽ chịu nhiều sức ép hơn cả. Do độc quyền bị loại bỏ, bao cấp và trợ cấp của nhà nước bị cắt giảm, trong khi hầu hết doanh nghiệp nhà nước còn nhỏ về quy mô và năng lực cạnh tranh thấp, một số doanh nghiệp còn yếu kém, làm ăn thua lỗ sẽ thu hẹp sản xuất, đóng cửa hoặc chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới. Nguy cơ phá sản đối với doanh nghiệp tăng lên.

Lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ phải chịu những sức ép không nhỏ. Diện tích canh tác bình quân trên một lao động thấp, phương thức canh tác lạc hậu nên giá thành nông sản nhìn chung cao hơn mặt bằng giá thế giới. Khi những rào cản thương mại được bãi bỏ hay giảm thiểu, nông sản nhập khẩu từ các nước phát triển với giá thấp sẽ gây sức ép lớn cho kinh tế nông thôn, nhiều đơn vị kinh doanh nông nghiệp có thể sẽ bị phá sản. Số người này sẽ di chuyển về thành phố làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, hiện tại, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng gia công, chúng ta sẽ ít được hưởng lợi khi gia nhập WTO, vì quy định quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi là trị giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa tại nước được hưởng phải thấp hơn 65%.

Thách thức trong việc thực thi các cam kết: Trong gần 20 năm thực hiện chính sách mở cửa và đổi mới, và 10 năm chuẩn bị cho việc gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận trong việc chuyển sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sau khi tham gia WTO, thách thức đối với việc thực hiện các cam kết về luật pháp, thể chế và đặc biệt là mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ nhạy cảm như tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, điện lực... chắc chắn sẽ rất lớn. Nhiều quy định luật pháp cần tiếp tục được cụ thể hóa và bổ sung, sửa đổi. Trình độ tổ chức, quản lý của cán bộ cơ quan quản lý nhà nước cần phải được nâng cao cho phù hợp với trình độ quốc tế. Đặc biệt là đội ngũ luật sư - những người sẽ chịu nhiều thách thức khi phải tham gia các vụ đàm phán, tranh tụng, giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại phù hợp với các quy định của WTO.

Kịch bản thứ hai: Việt Nam chưa đủ điều kiện gia nhập WTO

Nếu không gia nhập WTO vào năm 2005 thì có nghĩa là chúng ta bỏ lỡ một cơ hội quan trọng đẩy nhanh quá trình mở cửa và thúc đẩy kinh tế, và do đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn hơn. Nguy cơ tụt hậu ngày càng xa là không tránh khỏi do chênh lệch phát triển giữa Việt Nam và các nước ngày càng tăng thêm. Việc gia nhập WTO sẽ trở nên phức tạp hơn, các cuộc đàm phán sẽ khó khăn hơn do các quy định và điều kiện gia nhập WTO ngày càng chặt chẽ, yêu cầu ngày càng cao.

Thứ nhất, thời điểm 2005 cũng là thời hạn chót của vòng đàm phán thứ 9 về vấn đề thương mại toàn cầu (vòng đàm phán Doha). Khi đó các quy đinh về thương mại sẽ chặt chẽ và hoàn chỉnh hơn, yêu cầu cao hơn, việc áp dụng những điều kiện tự do hóa thương mại của Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn. Nếu Việt Nam không nhanh chóng có những thay đổi phù hợp với những quy định của WTO thì quá trình gia nhập có thể bị kéo dài hơn nữa, công việc sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, khi không là thành viên của WTO, hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện phải chịu mức thuế 30-40%, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình áp dụng cho các thành viên WTO (các nước thành viên phát triển trong WTO giảm thuế trung bình 3,8%, các nước đang phát triển là 12,3%). Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn về xuất khẩu hàng dệt may. Nếu chưa được gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải chịu hạn ngạch nhập khẩu theo quy định của các nước và sẽ không phát huy hết khả năng xuất khẩu của mình.

Thứ hai, cải cách kinh tế là cuộc cải cách quan trọng nhất làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu không có sức ép từ việc gia nhập WTO, tiến độ cải cách kinh tế, cải cách pháp luật, thể chế, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp... có nguy cơ chững lại, trong khi các nước thành viên WTO ngày càng hội nhập sâu hơn trên thị trường thế giới. Chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ chậm đổi mới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, việc gia nhập WTO trong năm 2005 đồng nghĩa với việc Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của hội nhập theo con mắt của cộng đồng quốc tế. Nó chứng tỏ Việt Nam chưa đủ năng lực và các điều kiện tham gia sân chơi chung và trở thành lạc lõng trong xu thế hội nhập. Lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ bị giảm sút, kéo theo sự suy giảm về đầu tư nước ngoài, các nguồn viện trợ, giảm động lực phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam và kéo dài tình trạng trì trệ, lạc hậu của đất nước.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: