"Tính đàn bà"?
"Cái lão ấy tính tình như đàn bà"... đó là một câu nói quen thuộc mặc nhiên được người ta công nhận như một định nghĩa về một phẩm chất có vẻ "yếu kém" của đàn ông. Người nào bị nhận 3 chữ "tính đàn bà" đó thì lấy làm xấu hổ, còn kẻ nói ra thì coi như một sự giễu cợt hay chê trách.
Với các đấng mày râu, như vậy là một sự sỉ nhục, rõ ràng ta oai phong như vậy, đi lại đĩnh đạc, ăn to, nói lớn, đầy mạnh mẽ và nam tính... Thế nhưng rút cục thì thế nào? Đâu đó, một VIP ngự xế hộp hay chú "cửu vạn" ngồi lề đường vẫn sẽ bị nhận một câu gọn lỏn: "Cái đồ đàn bà"! Ức thật!
Nhưng cái sự "ức" này hóa ra lại là sự nhầm lẫn, mà là nhầm to, nhầm chết người. Bởi lẽ, các đấng đại trượng phu không thể ngờ rằng, khi họ nhận được câu ví "y như đàn bà" thì lại là một lời khen không thể tốt hơn được. Nếu nói "tính đàn bà" là một phẩm chất thì trước hết cần phải định nghĩa chính thức ba chữ "tính đàn bà". Tính đàn bà là sao nhỉ?
Làm một cuộc trắc nghiệm rõ ràng với 5 người đàn ông để xem họ định nghĩa thế nào về tính đàn bà? Câu trả lời là im lặng và cười trừ. Vậy thử đi lướt vài tính đàn bà xem sao: Đơn cử người ta nói là: "Cha ấy cẩn thận như đàn bà" hay "cha ấy tỉ mẩn như đàn bà!". Thế tỉ mẩn, cẩn thận là xấu hay sao? Vậy thì phải cẩu thả thì mới đúng là đàn ông, mới là tốt? Lại còn có câu "ủy mị như đàn bà", cái này cũng phải bàn cãi.
Thông thường có câu "nước mắt đàn ông" để nói lên sự hiếm hoi, một sự đau khổ rất lớn. Nhưng thực tế, cứ soi gương và nhìn sang bên cạnh thì tỷ lệ đàn ông khóc cũng tương đối.
Theo thống kê thì trong cuộc đời mình, cứ 1 năm, trung bình mỗi một năm đàn ông khóc khoảng 3,7 lần, một con số bất ngờ chăng? Vậy thì các ông tự đếm lại số lần khóc của mình đi đã. Đấy là chưa kể, khối người đàn ông được mệnh danh là "mít ướt", lại có người khóc như mưa như gió hết lần này đến lần khác cho những chuyện cũng chẳng đâu vào đâu và một số kha khá những ông thuộc loại "lệ tửu", nghĩa là cứ uống một chút men vào là khóc, nước mắt chứa chan, lã chã...
Yếu đuối như đàn bà! Đất nước chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đằng sau những gian khổ, sự mất mát, hy sinh về tuổi xuân và xương máu của người lính nơi trận mạc là sự chờ đợi của những người phụ nữ. Phu nhân của Tôn Trung Sơn - Tống Khánh Linh - đã có câu đúc kết rằng: "Chiến tranh đi qua lấy đi rất nhiều sinh mạng của đàn ông, còn với phụ nữ thì nó để lại những vết thương không bao giờ lành lại được và đau đớn suốt cuộc đời họ".
Nếu để đàn bà đi đánh giặc, chẳng hiểu có bao nhiêu đấng trượng phu nuôi con, nuôi mẹ, lao động và chiến đấu, nhìn tuổi xuân sắc trôi qua, đè nén những ham muốn rất đỗi bình thường, chính đáng và chờ đợi? Nếu cuộc chiến tranh được đo bằng xương máu thì sự chờ đợi tính bằng hơi thở, từng đêm lạnh, từng ngày tháng... Ôi đàn bà! cái thuộc tính chờ đợi, thủy chung của họ mới đáng kính làm sao?
Chi li như đàn bà! Cái thằng cha ấy đếm củ dưa hành, đo lọ nước mắm như đàn bà! Quan điểm ấy có vẻ mâu thuẫn với câu: "Bà ấy hoang tàn lắm". Kể ra cũng lạ, chi li có gì là xấu? Cứ đếm dưa hành, cứ đo nước mắm nhưng biết chi tiêu đúng lúc, tiêu đúng chỗ chẳng hơn là cái thói "bán giời" của Thúc Sinh sao? Lắm điều như đàn bà thì hẳn rồi. Nhưng cứ thử ra quán cà phê ngồi mà quan sát, sẽ thấy độ buôn của các quý ông chẳng kém gì các bà, các cô. Còn về độ lượng thì thử so sánh đi nào. Nếu đối phương có tình ý ở bên ngoài.
Các bà có thể rộng lượng mà bỏ qua cho các vụ mèo mỡ, còn các ông? Rõ ràng là sẽ không thể chịu đựng được bộ sừng dẫu có đẹp như bộ sừng của một chú tuần lộc. Kết cục, một cuộc chia li là nhãn tiền. Nếu phải nói một câu chuyện cho ra nhẽ, thường là đàn bà đi thẳng trực diện vấn đề, không vòng vo, còn các ông thì luôn chọn cách "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" rốt cục thì vẫn lòi cái đuôi hồ li... Còn dũng mãnh, cứ thử động đến chồng, con, gia đình họ mà xem, họ sẽ cho biết "đàn bà dễ có mấy tay" ngay lập tức! Và nếu biết các quý ông biết mềm mỏng như các bà, con đường công danh chắc chắn sẽ bằng phẳng hơn rất nhiều!
Vậy thì tính đàn bà cũng tuyệt vời đấy chứ? Họ căn cơ cho túi tiền của chung. Họ cẩn trọng và tỉ mỉ chăm sóc cho gia đình, chồng con. Họ nhẫn nại và thủy chung. Họ biết tha thứ, biết yêu thương. Rất thẳng thắn và dám đối diện, dám chịu trách nhiệm. Những tính tiêu cực ư? Nói nhiều? Ủy mị? Một chín một mười mà thôi!
Vậy thì đấng mày râu nào đó được nhận một câu "tính đàn bà" thì hãy lấy làm hãnh diện vì đó là một lời khen và một nhắc nhở đến các ông tự hoàn thiện mình. Lẽ dĩ nhiên, đừng có đi lại như đàn bà, bởi cái nguẩy mông, vung tay của họ là trời phú. Dĩ nhiên cũng đừng phục sức lòe loẹt, đeo đầy người trang sức cho dù đắt tiền đến đâu bởi đó là chỉ là những phụ kiện để thu hút kẻ khác giới, ở đàn ông, sự thu hút không phải là sắc đẹp mà là trí tuệ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu