Xếp hạng toàn cầu và sự minh bạch

Phương Anh chuyển ngữ và giới thiệu
12:26 CH @ Thứ Hai - 19 Tháng Bảy, 2010

Xếp hạng đại học đang trở thành một hiện tượng toàn cầu, một phần do sự hữu ích và tiện lợi của nó. Các kết quả xếp hạng cung cấp cho các vị lãnh đạo Nhà nước cũng như các trường đại học một chỉ dẫn nhanh và (được tin là) khách quan về vị thế của nền giáo dục một quốc gia hay uy tín của một trường đại học. Việc chấp nhận tham gia xếp hạng và cung cấp thông tin cho các tổ chức xếp hạng được xem như một bước tiến trong quản trị đại học, vì nó giúp minh bạch hóa hoạt động của một trường đại học đối với các bên có liên quan.

Một điều mà ai cũng nhận thấy là phương pháp xếp hạng của các tổ chức khá khác biệt, dẫn đến những vị trí khác nhau của cùng một trường trong những bảng xếp hạng khác nhau. Không những thế, các tổ chức xếp hạng rất hay thay đổi phương pháp, và thậm chí quan hệ giữa các tổ chức xếp hạng này cũng hay thay đổi, đôi khi đang là đối tác trở thành đối thủ, như trường hợp của Times Higher Education và QS Quacquarelli Symonds. Tuy vậy, sự tin tưởng của các trường đối với các tổ chức xếp hạng này dường như không hề suy suyển vì những việc như vậy, và số lượng trường tự nguyện cung cấp thông tin cho các tổ chức xếp hạng để sau đó biết được vị trí của mình trên thế giới không hề giảm đi mà ngày càng tăng lên. Cho dù chúng chỉ là các tổ chức tư nhân, hoạt động trên cơ sở có lợi nhuận, và không hề có sự giám sát nào của một bên thứ ba, theo nguyên tắc khách quan và minh bạch mà các trường phải chấp nhận khi tham gia xếp hạng.

Liệu các tổ chức xếp hạng này có đáng được hưởng sự tin tưởng tuyệt đối này chăng? Họ làm gì với tất cả dữ liệu mà các trường hằng năm đã cung cấp cho họ? Bài viết của tác giả Kris Olds vừa đăng trên trang mạng Global Higher Education ngày 23/6/2010 vừa qua đã đặt ra những vấn đề đáng suy nghĩ về vai trò của các tổ chức này. Theo tác giả, có lẽ đã đến lúc cần có một cơ chế giám sát và minh bạch hóa hoạt động của các tổ chức xếp hạng, để tránh những sai lầm tương tự như vai trò của các tổ chức xếp hạng tín dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết độc đáo này đến toàn thể bạn đọc.

Vì sao chúng ta rất chú ý đến những ứng dụng thực tế và tiềm năng của đo lường thư mục (“thuật ngữ chung để chỉ các số liệu liên quan đến ấn phẩm”, theo định nghĩa của OECD), và các phương pháp xếp hạng trường đại học trên thế giới, nhưng lại ít quan tâm đến các công ty tư nhân và mối quan hệ giữa các công ty đó – những kẻ vốn đứng sau các hệ thống đo lường thư mục và bảng xếp hạng toàn cầu nói trên?

Tôi chợt nảy ra câu hỏi này khi đọc tờ tạp chí Nature số ra 17/06/2010, trong đó có một bài đánh giá chi tiết về những khía cạnh khác nhau của đo lường thư mục, bao gồm giá trị của các “đo lường khoa học” (science metrics) dùng để đánh giá các khía cạnh tác động khác nhau của thành quả nghiên cứu (VD: các ấn phẩm), và các “thành tựu khoa học cá nhân”.
Số đặc biệt này của tờ tạp chí Nature, và đặc biệt là cuộc khảo sát của Richard Van Noorden về “hệ sinh thái đang tiến hóa nhanh chóng” của đo lường thư mục, thực sự rất đáng đọc. Dù chỉ là một chiều kích rắc rối và mơ hồ trong đời sống học thuật, đo lường thư mục ngày càng được chấp nhận như một khía cạnh trong quản trị giáo dục đại học và nghiên cứu (xét theo nghĩa rộng). Đo lường thư mục đang tạo ra một tác động đa dạng và ngày càng sâu rộng đối với quá trình quản trị đại học trên nhiều phạm vi khác nhau, từ mức độ cá nhân (trọng tâm chính trong số đặc biệt của tạp chí Nature) đến cấp đơn vị/khoa, bộ môn; trường đại học; ngành học/lĩnh vực đào tạo; quốc gia; khu vực; và trên toàn thế giới.

Giờ đây, trong tình hình sự phát triển của “hệ sinh thái” này đang thay đổi nhanh chóng, cùng với việc tồn tại quá nhiều những sáng kiến đổi mới đang phát sinh liên quan đến việc nên hay không nên sử dụng đo lường thư mục vào các ngành học/lĩnh vực khác nhau; để có thể hiểu rõ hơn bản chất và tác động của việc sáng tạo và phổ biến tri thức, có lẽ chúng ta nên lùi lại và suy nghĩ về việc những tổ chức không thuộc Nhà nước, vì lợi nhuận, đang tạo ra một loại công nghệ gắn chặt một cách ăn ý với văn hóa kiểm định hiện nay của chúng ta.

Trong bài viết này, tôi muốn nêu ra hai quan điểm chính trước khi đúc kết với một số câu hỏi cần xem xét.

Trước hết, tôi cảm thấy dường như đang có một số lượng lớn bất thường các nghiên cứu về sự ứng dụng hay lạm dụng các số liệu đo lường, nhưng lại rất ít các nghiên cứu về các công ty tạo ra những số liệu đó, cách thức hoạt động cùng mối liên hệ lẫn nhau giữa các công ty này, và về cách thức chúng tìm cách tác động vào bản chất của hoạt động học thuật trên toàn thế giới.

Tại sao ta không thống nhất thực hiện tất cả các xếp hạng quốc tế vào những năm cụ thể (VD: 2010, 2014, 2018) nhằm giảm áp lực đối với các trường đại học trong việc cung cấp dữ liệu, và cho phép những so sánh kịp thời giữa các hệ thống xếp hạng có tính cạnh tranh. Một nhịp độ được tính toán kỹ lưỡng hơn hẳn là sẽ phản ánh được nhịp độ thay đổi thật trong các cơ sở giáo dục đại học hơn là nhu cầu của các công ty thực hiện xếp hạng.

Tại thời điểm này, tôi không cố ý ám chỉ rằng những công ty như Elsevier (tác giả của Scopus), Thomson Reuters (tác giả của ISI Web of Knowledge), và Google (tác giả của Google Scholar) đang tạo ra những tác động tiêu cực (tham khảo bài ‘Regional content expansion in Web of Science®: opening borders to exploration’, một mẩu tin tốt lành về Thomson Reuters mà chúng tôi đã vui mừng tìm thấy), nhưng tôi muốn nêu ra rằng hiện nay rõ ràng có một sự bất xứng giữa số lượng nghiên cứu về đo lường thư mục và nghiên cứu về những công ty thực hiện đo lường thư mục, cũng như về cách thức mà người ta đã đưa những công nghệ đánh giá đó vào cuộc sống và thị trường. Ví dụ khi tìm kiếm trên công cụ ISI Web of Knowledge của Thomson Reuters những thuật ngữ như Scopus, Thomson Reuters, Web of Scienceđo lường thư mục ta sẽ nhận được một danh sách gần như vô tận những bài viết so sánh những cơ sở dữ liệu chính, những đổi mới có liên quan đến các cơ sở dữ liệu vv, nhưng thật ngạc nhiên là có rất ít những nghiên cứu về Elsevier hoặc Thomson Reuters (tức các công ty tạo ra công cụ đánh giá). Càng ngày càng ít đi, thực vậy, và khá giống với hiện tượng thiếu vắng các nghiên cứu quan trọng có liên quan đến các tổ chức xếp hạng tín dụng như Moody’s hoặc Standard and Poor’s.

Kế đến, và là một vấn đề có liên quan, dường như vai trò của những công ty như Elsevier, Thomson Reuters, chưa kể các công ty QS Quacquarelli Symonds Ltd., và TSL Education Ltd., trong việc cổ xúy cho hiện tượng xếp hạng toàn cầu hầu như đang rất ít được quan tâm, hoàn toàn trái ngược với những tranh luận gay gắt về những phương pháp xếp hạng. Ví dụ, bốn hệ thống xếp hạng toàn cầu chính trong quá khứ cũng như hiện nay là:

Hệ thống xếp hạng của trường Đại học Giao thông Thượng Hải (từ năm 2003 đến nay)

Hệ thống xếp hạng các trường đại học quốc tế của tạp chí Times Higher Education phối hợp với QS Quacquarelli Symonds. (2004-2009)

Hệ thống xếp hạng các trường đại học của tạp chí Times Higher Education phối hợp với Thomson Reuters (từ năm 2010 trở đi)

Hệ thống xếp hạng các trường đại học của QS Quacquarelli Symonds (2010 trở đi), tất cả đều dựa trên cơ sở dữ liệu cung cấp bởi Thomson Reuters và Elsevier.

Xếp hạng hằng năm?

Một trong những khía cạnh thú vị về sự tham gia của những công ty vào hiện tượng xếp hạng là họ đã giúp tạo nên sự mong đợi được được chuẩn hóa là việc xếp hạng diễn ra mỗi năm một lần, cho dù chẳng có bất kỳ lý lẽ rõ ràng (và tất nhiên là không được nêu rõ) nào về tần suất xếp hạng này. Nhưng tại sao lại phải xếp hạng hằng năm?

Ta hãy thử nhìn nhận vấn đề này dưới quan điểm của các công ty thực hiện xếp hạng.

Từ quan điểm của công ty tổ chức xếp hạng, chu kỳ xếp hạng hằng năm cần được chuẩn hóa vì đó là cơ chế để tự do trích xuất dữ liệu từ các trường đại học. Dữ liệu này rõ ràng là dùng để xếp hạng nhưng nó cũng được sử dụng để phát triển các dịch vụ kèm theo và khả năng thực hiện các đối sánh, những dịch vụ này có thể bán lại cho các trường đại học, các hội đồng tài trợ, các quỹ hỗ trợ, các tổ chức khu vực và các tổ chức tương tự (VD: Ủy ban Liên minh Châu Âu đang tham gia mạnh mẽ vào việc đối sánh và hiện nay đang tài trợ cho kế hoạch xếp hạng châu Âu).

Công ty QS Quacquarelli Symonds Ltd., ví dụ thế, đã tiếp thị cho những dịch vụ này (có thể xem mẩu trích từ brochure của QS) tại gian hàng của họ trong hội nghị NAFSA vừa qua tại thành phố Kansas, trong khi Thomson Reuters đang bận phát triển dự án mà họ gọi là Dự án Hồ sơ toàn cầu về các trường đại học (Global Institutional Profiles Project). Dự án này do Jonathon Adams tiên phong, ông là một cựu nhân viên của Đại học Leeds, người đã thành lập một công ty tư nhân (Evidence Ltd) vào đầu thập niên 90, công ty từng tham gia vào các chương trình Đánh giá nghiên cứu (REA) tại Anh Quốc và chương trình ERA của châu Âu trước khi được Thomson Reuters mua lại vào tháng 01, 2009.

Các cổng nhập dữ liệu trực tuyến chuyên nghiệp cũng đang được hình thành. Những cổng này tạo ra một đường lưu chuyển dữ liệu tự do (ít ra là một chiều) giữa các phòng hành chính của hàng trăm trường đại học trên thế giới với các công ty thực hiện xếp hạng.

Nhu cầu về dữ liệu ngày càng tiêu tốn nhiều tài nguyên của các trường đại học. Chẳng hạn, các biểu mẫu của tổ chức QS hiện đang được các trường đại học khắp thế giới sử dụng bao gồm 14 chuyên mục chính và mỗi chuyên mục chính lại có nhiều mục phụ: tất cả bao gồm 60 trường dữ liệu, trong đó có 10 trường rất quan trọng cho hoạt động xếp hạng của QS sẽ được thực hiện vào tháng 10, 2010. Một khi các đường dẫn dữ liệu được thiết lập thì động lực phụ thuộc vào nguồn dữ liệu chắc chắn tồn tại, và mức độ phức tạp của những yêu cầu về dữ liệu có thể tăng dần lên.

Như vậy là mục tiêu chính dường như có liên quan đến việc sử dụng kết quả xếp hạng toàn cầu để cập nhật các cơ sở dữ liệu mà người sử dụng sẽ phải đóng phí, chưa kể là để phát triển các cơ sở tri thức và các tiềm năng tri thức trong nội bộ công ty (sử dụng cho việc tư vấn), hiện đã đang được vận hành trên phạm vi toàn cầu.

Tóm lại, liệu chúng ta có cần quan tâm đến và làm một hành động gì đó về tình trạng không cân xứng đã được xác định giữa các nghiên cứu về đo lường thư mục và về các công ty thực hiện việc đo lường cũng như các công ty dịch vụ thông tin được lắp ghép bên trong chúng hay không?

Đâu là lý do của việc xếp hạng hằng năm so với một cách xếp hạng được phân tích kỹ hơn, xét trên khía cạnh thời gian?

Thật ra tại sao ta không thống nhất thực hiện tất cả các xếp hạng quốc tế vào những năm cụ thể (VD: 2010, 2014, 2018) nhằm giảm áp lực đối với các trường đại học trong việc cung cấp dữ liệu, và cho phép những so sánh kịp thời giữa các hệ thống xếp hạng có tính cạnh tranh. Một nhịp độ được tính toán kỹ lưỡng hơn hẳn sẽ phản ánh được nhịp độ thay đổi thật trong các cơ sở giáo dục đại học hơn là nhu cầu của các công ty thực hiện xếp hạng.

Và cuối cùng, liệu những công ty như Thomson Reuters và Elsevier, cũng như những đối tác của họ (đặc biệt là các công ty QS Quacquarelli Symonds Ltd và TSL Education Ltd), có minh bạch về bản chất các hoạt động của mình như cần có hay không? Có lẽ cần có sự công khai/thảo luận về:

Điều gì xảy ra với những dữ liệu mà các trường đại học tự nguyện cung cấp?

Điều gì được quy định trong các hợp đồng giữa các tổ chức xếp hạng (VD: giữa Times Higher Education và Thomson Reuters)?

Các trường có những quyền lợi gì liên quan đến việc kiểm tra công khai và sử dụng mọi dữ liệu và phân tích có liên quan được tạo ra dựa trên các dữ liệu mà các trường đã cung cấp từ đầu?

Ai sẽ quản lý, hoặc ít ra là quan sát, mối quan hệ giữa các công ty trên và các trường đại học trên thế giới? Có phải mối quan hệ này tốt nhất nên tiếp tục dựa trên cơ sở quan hệ song phương giữa trường và công ty? Hay cách tiếp cận hiện nay không phù hợp? Nếu không phù hợp thì nên chăng cần có một tổ chức thứ ba tham gia vào mối quan hệ này ở phạm vi quốc gia (VD: Bộ Giáo dục Hoa Kỳ hoặc các Hiệp hội đại học quốc gia), ở phạm vi khu vực (như Hiệp hội đại học châu Âu), và/hoặc trên phạm vi quốc tế (VD: Hiệp hội đại học quốc tế)?

Tóm lại, chẳng phải lúc này chính là thời điểm thích hợp cơ chế minh bạch vốn đang được áp đặt cho các trường đại học trên thế giới cũng phải được áp dụng vào các công ty tư nhân đang đứng đằng sau các hệ thống đo lường thư mục và xếp hạng toàn cầu đó hay sao?


* Đo lường thư mục (bibliometrics) là một thuật ngữ mới chưa có từ tương đương ổn định trong tiếng Việt. Trong bài viết của ThS Trần Mạnh Tuấn tại địa chỉ http://vst/ .vista.gov.vn/home/database/an_pham_dien_tu/MagazineName.2004-06-09.1932/2009/2009_00002/MItem.2009-11-17.2146/ MArticle.2009-11-17.3020/marticle_ view, cụm từ “trắc lượng thư mục” được gợi ý như một cụm từ tương đương để dịch từ bibliometrics. Chúng tôi sử dụng gợi ý này nhưng thay “trắc lượng” thành: đo lường” vì dễ hiểu hơn. Có nơi dịch bibliometrics là “hệ đo sách”
1http://globalhighered.wordpress/. com/2010/06/23/bibliometrics-global-rankings-and- transparency/

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ông Nguyễn Trần Bạt giao lưu: Việt Nam gia nhập WTO - Cơ hội và thách thức

    08/10/2015Việt Nam gia nhập WTO là một sự kiện vô cùng hệ trọng. Ngoài cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc Giải phóng Miền Nam ra, tôi chưa thấy việc gì hệ trọng hơn việc nước chúng ta gia nhập WTO. Đây là một quyết định chính trị vô cùng sáng suốt...
  • Đại học: Tiền không mua được đẳng cấp

    11/11/2010Hồ Đắc TúcMột trong các giải pháp của “đề án đổi mới giáo dục đại học 2006-2020” của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo là cho phép thành lập nhiều trường đại học để “đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cao”. Nhưng đại học không phải là địa chỉ để “đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ và dịch vụ chất lượng cao”. Đó là một lối suy nghĩ dễ tính. Thành lập một trường, và rồi hệ thống đại học, phải xuất phát từ sự suy tư thâm hậu và sâu sắc về hiện trạng và tương lai của đất nước.
  • Tranh luận sau báo cáo của Harvard về giáo dục Việt Nam

    29/10/2009Neal Koblitz (Khoa Toán, Đại học Washington, Seattle, USAKhi Intel thông báo các yêu cầu của mình, sinh viên và các trường đại học đã có những đáp ứng có tính xây dựng. Chúng tôi còn cả một chặng đường, nhưng những tiến bộ gần đây là đáng kể.
  • Harvard bàn về khủng hoảng giáo dục đại học VN

    21/09/2009Đại AnTuần Việt Nam xin giới thiệu nội dung cơ bản của bản báo cáo trong khuôn khổ Asia Programs của Trường lãnh đạo Kennedy thuộc ĐH Harvard, do hai tác giả Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson thực hiện với tựa đề: Giáo dục đại học - cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó.
  • Lược sử giáo dục đại học và những vấn đề của trường đại học đương đại

    05/10/2006Ngô Tự LậpKhác biệt lớn nhất giữa trường ĐHHĐ với trường đại học thời trung cổ là ĐHHĐ có một tư tưởng chủ đạo, tạo thành nền tảng cho mọi hoạt động của nó, bao gồm mục đích, triết lý, phương pháp, cũng như quan hệ giữa các khoa và quan hệ của trường với nhà nước. Tư tưởng chủ đạo ấy, với Kant, là lý tính...
  • Đại học đẳng cấp quốc tế, nâng cấp hay xây mới

    11/08/2006Thương TùngXây dựng Trường Đại học Đẳng cấp quốc tế của Việt Nam đạt trình độ đào tạo, nghiên cứu hàng đầu, có khả năng cạnh tranh quốc tế là những nội dung chính trong quyết định số 145/2006/QĐ-Thủ tướng của Chính phủ ban hành ngày 20/6/2006. Việc này nhận được sự ủng hộ của nhiều người nhưng vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận là xây dựng hoàn toàn một trường hay nâng cấp các trường Đại học sẵn có?
  • Dân ta cần Đại học đạt chuẩn thế giới

    15/07/2006Hữu NguyênChất lượng giáo dục đại học hiện đang là một trong những nguy cơ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Nhiều phụ huynh lo xa và có điều kiện đã tìm mọi cách cho con mình đi du học nước ngoài...
  • Đào tạo sau ĐH: Thiếu thực tiễn...

    08/05/2006Mai Minh - Hồng HạnhChương trình đào tạo còn xa rời thực tế, nặng về hàn lâm; Phương pháp dạy học còn lạc hậu, vẫn thầy đọc trò chép... Đó là những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị tổng kết công tác sau ĐH, vừa được tổ chức sáng 4/1/2006 tại Hà Nội...
  • Trường Đại học duy lý và ý tưởng tự trị Đại học

    19/02/2006Ngô Tự Lậpcha đẻ thực thụ của trường Đại học hiện đại chính là Immanuel Kant (1724 -1804), người đã kết hợp triết học duy lý (rationalism) của Descartes với triết học duy nghiệm (empiricism) của Bacon và mở đầu cho thời kỳ Khai Sáng...
  • Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào?

    21/12/2005Nguyên NgọcKhi bàn về giáo dục ở nước ta hiện nay, nhiều người thường thống nhất với nhau: Thôi, không nên nói tình hình nữa, tình hình giáo dục, những căn bệnh của giáo dục đang khiến cả xã hội không thể yên tâm, thì ai cũng biết và nhận ra cả rồi. Vấn đề bây giờ là cần tìm giải pháp nào để thay đổi được. Tôi bây giờ nghĩ khác. Chúng ta có thể thấy rõ điều ta vẫn yên trí là vậy hóa ra không phải là vậy...
  • Muốn trường tốt phải có thầy hay

    16/11/2005Hồ Tú Bảo (GS. Tin học, Viện Khoa học & Công nghệ tiên tiến Nhật Bản - JAIST)Chúng ta đang bàn đến xây dựng ĐH chất lượng cao, nhưng tên gọi chính xác nên như thế nào, tiêu chí cụ thể ra sao, và đặc biệt đội ngũ giáo sư giảng dạy ở đó có thực sự là chất lượng cao hay không? Bài viết ngắn này bàn về một chuyện theo tôi là cốt tử nhất trong việc xây dựng đại học chất lượng cao ở nước ta, nhưng chưa được bàn thảo kỹ lưỡng.
  • xem toàn bộ