Đi tìm một hướng nghĩ về sử Việt Nam
Mấy năm nay ở ta có hiện tượng điểm sử của các học sinh trong các kỳ thi trung học kém một cách thảm hại. Và nói rộng hơn, lớp trẻ hiện nay ngán các bài sử ở trường đến tận mang tai, bất đắc dĩ phải học sử, lúc học lên có không biết thi vào trường nào khác mới chịu thi vào sử.
Tại sao như vậy ? Tại sao học sinh kém sử?
Nhiều người nói là các giáo viên chúng ta không biết dạy। Có người dám viết rằng đã gọi là lịch sử thì bao giờ cũng nhàm chán khô khan,khó hiểu lặp đi lặp lại।Họ tính chuyện tăng tính hấp dẫn của môn sử bằng tranh vẽ với lại phim ảnh,bởi tin rằng chỉ các biện pháp kỹ thuật thật xịn ấy mới giúp cho môn học đỡ ngấy.
Nếu chúng ta biết rằng ở các nước, lịch sử vẫn được người ta coi là một môn học sinh động và có sức lôi cuốn bậc nhất với học sinh, thì có thể thấy đầu mối câu chuyện không phải là ở chỗ ấy. Lịch sử sao lại nhàm chán cho được?!
Việc học sinh và người dân ở ta ngán sử,theo tôi có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Các bài sử được giảng khô cứng tẻ nhạt thiếu hẳn chi tiết thực tế.Chuyên ngày xưa được kể lại mà cứ như chuyện ngày .Ngôn từ và cách nói của lịch sử thiếu vắng. Cũng như thiếu hẳn cảm giác về một thời gian đã qua, vừa xa lạ vừa gần gũi.Thế thì ai mà thích được ?
Vỏ đã vậy, còn ruột thì sao? Một môn học chỉ hấp dẫn khi người ta tạo cho người học cảm tưởng ở trong đó có rất nhiều bí mật, kể cả những chuyện có thực mà không một đầu óc nào tưởng tượng nổi.Nó mời gọi người ta khám phá, chứng kiến, lý giải.
Cái hồn này của sử ở ta không có।Ngược lại,người viết sử chỉ cho thấy một thứ lịch sử trên sơ đồ,lịch sử đã chưng cất phục vụ cho một mục đích giáo dục đúng đắn nhưng quá đơn điệu.Thí dụ nói đến nhà Trần đánh quân Nguyên chỉ toàn cho thấy mấy lần vua tôi bàn nhau quyết tâm Sát Thát, nói đến vua Quang Trung chỉ nói đến chiến thắng Đống Đa Ngọc Hồi …Ở trung học cũng vậy,mà lên đại học cũng vậy.Còn chuyện những người cầm quân và làm việc nước lúc ấy quan hệ với nhau ra sao,suy nghĩ cụ thể như thế nào trong hành động,có những chính sách cụ thể ra sao sau chiến thắng – tương tự như hai mẩu chuyện tôi vừa đọc được – thì không bao giờ cho học sinh biết và gợi cho chúng cần biết.
Sau khi học qua chục năm ở trường phổ thông đám trẻ thông minh hiện nay lúc vui đùa thường mang những công thức mà chúng học được trong các giờ sử ra giễu cợt : nào “có áp bức có đấu tranh “, nào “tinh thần yêu nước và căm thù giặc đã tạo nên sức mạnh “.
Khi cảm thấy không được tôn trọng,không cảm thấy cái thiêng liêng trong kiến thức mà vẫn buộc phải học,người ta không có cách phản ứng nào khác.
Muối mà không mặn còn gì là muối, sử mà không có cái phập phồng của đời sống con người trong quá khứ,làm sao gọi là sử được ?
Ghi chép của người yêu sử
Xu thế của con người là muốn hiểu, muốn biết quá khứ của mình. Con người tìm thấy sự hấp dẫn của Sử khi từ quá khứ nhận ra những mối liên hệ với ngày hôm nay, thấy ngày hôm nay là tiếp nối của ngày hôm qua. Tôi cũng vậy, tôi thích sử bởi tôi thấy các vấn đề xảy ra trong trong lịch sử dân tộc đang đổ bóng vào cuộc sống hàng ngày tôi đang sống.
Một lần đọc Hà văn Tấn tôi thấy ông trích dẫn một câu khá hay của nhà triết học B. Russel, "đọc sử để biết những ngu xuẩn của quá khứ, nhờ thế người ta có thể chịu đựng tốt hơn những ngu xuẩn của hiện tại".
Trần Khánh Dư (không rõ năm sinh, mất năm 1339 ),thường được biết tới như một trong những công thần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Có điều ông cũng rất giỏi tham lam vơ vét. Khi làm trấn thủ Vân Đồn, tục ở đấy quần áo đồ dùng còn bắt chước người Trung quốc, ông ra lệnh cho quân không được đội các nón kiểu phương bắc mà phải đội nón của một làng gần đấy gọi là nón ma lôi để phân biệt.Nghe thì có vẻ rất nghiêm ! Có biết đâu,trước đó ông đã sai người nhà mua sẵn nón về bán, mỗi chiếc giá đắt gần bằng một tấm vải, nhờ thế cũng có được một “chiến công tưng bừng” trên phương diện kiếm lợi bỏ túi.
Câu chuyện trên không thấy ghi trong các bộ sử hiện đại, kể cả Việt nam sử lược, tôi chỉ biết được nhờ mấy hôm buồn tình lấy bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ra đọc. Đến khi tìm lại Đại việt sử ký toàn thư thấy có thêm một chi tiết có sức tố cáo mạnh hơn. Có lần người dân đã kiện Trần Khánh Dư đến tận triều đình, nhưng ông không sợ mà còn công khai tuyên bố: “ Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ ? ”.
Câu chuyện về Trần Khánh Dư trước tiên mang lại cho tôi một sự an ủi, hoá ra nhiều chuyện đời nay chỉ là phóng chiếu những chuyện đời xưa.
Về tham nhũng, Đại việt sử ký toàn thư ghi, không phải đến thời vua Lê chúa Trịnh, mà ngay từ đời Lê Nhân Tôn ( sau Lê Thái Tổ và Lê Thái Tôn, trước Lê Thánh Tôn ), tức khi vương triều thịnh trị, đã có hiện tượng “ trên thì tể tướng, dưới thì trăm quan, hối lộ bừa bãi ”.
Về những dễ dãi trong việc ban quan tước, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi: “ Triều Tây Sơn phong tước quá lạm, đến cả phu quét chợ, lính đẩy xe cũng đều trao cho tước hầu tước bá. Danh khí tồi đến như thế ! Muốn cho khỏi loạn,có thể được không ?”.
Chống tham nhũng đang là vấn đề “nóng”. Tôi đọc sử và phát hiện ra trong lịch sử các triều đình xưa đầy rẫy chuyện tham nhũng. Từ đời Lê Thái Tổ trở đi đã có tham nhũng rồi. Một trong những lý do đẻ ra tham nhũng bởi vì lương của quan chức ở ta thời xưa thấp quá, bù lại, triều đình thả ra cho họ tha hồ kiếm chác ở dân. Hay hiện tượng mua quan bán chức cũng sớm phổ biến, thời nào cũng có, từ trong các làng xã ngược mãi lên đến cả triều đình. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số ra đầu 2008, có bài nói về ngoại thương thời chúa Trịnh. Hóa ra bản chất của vấn đề y như bây giờ. Các chúa chỉ tính tới ngoại thương khi yếu quá và muốn lợi dụng khả năng quân sự của nước ngoài để đánh nhau, chứ không phải vì muốn buôn bán gì cả. Lúc thì cấm, lúc thì cho phép, lung tung tuỳ tiện. Những người làm ngoại thương vì xã hội thì ít mà vì chính mình thì nhiều.Các quan chức nghề này thường lợi dụng việc xuống tàu kiểm tra để xin xỏ. Đọc lại tự nhiên thấy cảm ơn các nhà viết sử thời xưa và muốn đi tìm để đọc tiếp.
Quan niệm về sử của chúng ta có vấn đề
Trong số ý kiến ngắn đăng ở Talawas cuối 2007 , có lá thư của Trần Văn Tích, thống kê số sách vở mất mát sau cuộc kháng chiến chống nhà Minh.
Đoạn văn có một chi tiết mà tôi không tìm thấy ở đâu : Khi đưa ra con số này trong Việt nam sử lược, cả Trần Trọng Kim cũng chỉ nói người Minh mang về Trung quốc mà quên đi rằng chính là người nông dân Việt khi vào các kinh thành cũng đã đốt rất nhiều sách. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã viết thế
Chi tiết này gợi cho tôi mấy ý nghĩ
1/ Hóa ra không phải đến các nhà viết sử hiện thời mà cả những Trần Trọng Kim Đào Duy Anh cũng có lối viết đổ cả những kém cỏi trong sự phát triển của xã hội Việt Nam cho người nước ngoài.
2/ Chúng ta có một lối nghĩ về sử khá quan liêu, tức là bằng lòng với những huyền thoại। Chẳng hạn khi nghiên cứu về sử thời giặc Minh ai cũng chỉ nghĩ tới công thức băt dân ta lên rừng tìm thú quý, xuống biển mò ngọc châu mà Thí dụ mà TVT nêu ở trên giúp chúng ta giải huyền thoại này , và chợt nhận ra bao công việc phải làm.
Khi nói về sach vở , người mình chỉ nghĩ đến văn thơ,tính chung trong số người liệt vào loại danh nhân đất nước,cứ một trăm người thì phải đến tám chín chục phần trăm . Trong khi đó, đọc các tài liệu nghiên cứu về Trung Hoa chẳng hạn, thấy trong độ một trăm danh nhân của họ thì số nhà văn nhà thơ chỉ độ 20%.
Học thuật ở ta không được chú ý đúng mức. Chúng ta chỉ thích nói chuyện tình cảm , mà không để ý tới sự nghĩ.
Chúng ta nhìn về quá khứ giống như một khối mờ mờ. Các giai đoạn lịch sử mới được gọi tên nhiều hơn là được nhận thức. Con người VN các thời đại trước đây sống ra làm sao, đi lại, ăn uống, đọc sách như thế nào? Các đô thị hình thành ra làm sao? Các sứ thần mang về những cái gì từ Trung Quốc? Các thuyền buôn nước ngoài đến VN ra làm sao? Những câu hỏi đó chỉ mới được trả lời sơ sài và nhiều khi là chưa được ai đề cập tới.
. Một trong những lý do đẻ ra tham nhũng bởi vì lương của quan chức ở ta thời xưa thấp quá, bù lại, triều đình thả ra cho họ tha hồ kiếm chác ở dân. Hay hiện tượng mua quan bán chức cũng sớm phổ biến, thời nào cũng có, từ trong các làng xã ngược mãi lên đến cả triều đình.
Tôi bắt đầu chú ý tới sử khi muốn tìm hiểu sâu hơn về thực tế đời sống ở VN hôm nay.
Càng đọc lại sử, tôi càng thấy mình có lỗi. Hóa ra nước mình có mấy bộ sử quý như Đại Việt sử ký toàn thư, như Đại nam thực lục. Thế mà mang danh là những người cầm bút mấy ai đã đọc những bộ sử đó.
Nhưng chúng ta chưa có cái Sử đó. Thường xuyên chỉ có những bức tranh chung chung được đưa ra, chúng hết sức xa lạ với mối quan tâm hàng ngày của con người đương thời.
Một trình độ cổ lỗ
Đi sâu vào khoa nghiên cứu lịch sử thấy có quá nhiều chuyện và lý do sâu xa khiến không ai muốn dạy sử, không ai muốn học sử phải tìm ở đấy.
Chúng ta chỉ nhìn quá khứ với con mắt vụ lợi. Cái gì có lợi cho mình, ta nhắc lại. Cái gì có vẻ như không có lợi tức thì, lờ đi. Đó là một thứ chủ nghĩa thực dụng sát mặt đất. Thế thì làm sao có Sử được ? Không ai muốn nhận nhưng rõ ràng chúng ta không nghiêm túc trong nhìn nhận quá khứ. Lại rất quan liêu nữa. May lắm thì trong sử chúng ta đang đọc và dạy nhau hôm nay chỉ có các sự kiện chính trị xã hội. Trong khi đó Trung Quốc người ta có lịch sử ăn mày, lịch sử thương nhân, lịch sử trang phục...Ở Đức, người ta nghiên cứu lại cả những đám cưới thời Hitler. Cách hiểu về quá khứ của ta quá cổ lỗ và đơn điệu. Mình sắp làm phim về Lý Công Uẩn, tôi ngờ lắm. Chúng ta có biết gì về thời gian đó đâu . Cung điện thời đó ra sao ? thành quách thế nào? Con người ăn mặc nói năng ra sao ? Không ai biết. Gần đây nghe nói người ta còn định sang Trung Quốc để thuê ngựa về quay và ông Dương Trung Quốc đã phải nói ngay là dân ta xưa đâu có sử dụng ngựa nhiều. Từ đây mà suy ra, thì khi đối diện với cái cuộc sống hiện ra trong phim, ai còn tin được điều gì.
Hoặc như lịch sử hiện đại. Hoạt động sưu tầm và quản lý sử liệu quá kém, các kho lưu trữ lại không mở ra cho các nhà làm sử tham khảo. Các tài liệu phụ trợ như hồi ký thư từ, không được khai thác, hoặc trong không ít trường hợp là của giả. Nói chung, chúng ta coi mảng lịch sử đó như một cái gì đã thành, chứ không đặt vấn đề nghiên cứu tìm hiểu và phát hiện lại. Nói lịch sử chết cứng trong các công thức cũ là với nghĩa vậy, và việc không có công trình nghiên cứu lịch sử nào ra hồn là chuyện đương nhiên.
Ngay khối lượng thuần túy sách vở về sử ở ta đã không đạt yêu cầu Ở nước ngoài, từng triều đại từng giai đoạn người ta nghiên cứu nát ra. Còn mình mỗi thứ có được vài ba quyển, lại trùng hợp nhau chép lẫn của nhau. Gần đây có một thực tế là người nước ngoài viết về Sử Việt Nam tốt hơn người Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Hán không biết, tiếng Pháp, tiếng Anh... không biết. Kể cả một số thầy đầu ngành vài chục năm nay cũng chỉ mài một số hiểu biết cũ ra viết lại. Các lớp trò sau mỗi ngày kém đi một chút. Hỏi đến học sinh phổ thông, còn được cái gì?!
Nhận thức về quá khứ vốn là nhu cầu chính đáng của con người. Làm như hiện nay tức là chúng ta tước bỏ nhu cầu đó và hướng họ sang những chuyện vô bổ, họ chịu mãi sao được!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn