Để kiểm soát quyền lực

04:09 CH @ Thứ Sáu - 09 Tháng Hai, 2018

Nhân dân, với hơn 93 triệu công dân, chính là “đối tượng” tuyệt đối của mọi quyết định của Nhà nước, nên phải là chủ thể chính của công việc phản hồi, kiểm tra, giám sát...

Cuộc bút chiến cách đây đúng 99 năm (năm 1919) của Nguyễn Tất Thành với Camilơ Đơvila (Camille Devilar) về nội dung bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” là dấu chỉ đầu tiên của khái niệm “Cộng hòa” trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguyễn Tất Thành viết:

Đưa ra những yêu sách trên đây, nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc và đặc biệt tin vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả, tức là của những người đang nắm vận mệnh của nhân dân An Nam, do nước Pháp là một nước Cộng hòa...

Chúng tôi không dám giải thích cho ông Đơvila rằng, thế nào là một nước Cộng hòa, vì môn sư phạm không phải là sở trường của chúng tôi, nhưng vì ông tìm cách bẻ quẹo một câu minh bạch như vậy nên chúng tôi tự hỏi không biết có phải ông đã có danh dự được làm bồi bếp trong một nhà bếp nhà vua nào đó chăng”.

Cộng hòa = việc chung

“Chính nghĩa thế giới” được nhắc đến chính là khái niệm “Cộng hòa” vốn là định chế mang tính xu hướng toàn cầu thay thế định chế phong kiến. Cũng chính vì cùng nhịp với xu hướng đó của thời đại mà vào năm 1945, trong quốc hiệu nước Việt Nam mới giành lại độc lập có danh từ “Cộng hòa”.

Tại sao lại là Cộng hòa? Chẳng qua do từ nguyên tiếng Latin res publicanày trong các ngôn ngữ Âu - Mỹ (republic, république, república, республика...), trong đó res = việc, publica= chung của dân chúng, tức một chế độ mà mọi công việc của đất nước là của nhân dân, của mọi người.

Một khi luôn nhận thức và ý thức rằng “Cộng hòa” có nghĩa là một định chế, trong đó công việc của đất nước là chung của mọi người dân, và đây là một định chế mang tính phổ quát toàn cầu (universal), sẽ tự khắc hiểu và ý thức thế nào là quyền lực, thế nào là độ lớn và giới hạn của quyền lực. Từ đó sẽ dễ hiểu rằng để kiểm soát quyền lực, không gì bằng bám sát định nghĩa “việc chung của nhân dân”.

Chính vì không nhớ hoặc không hiểu ý nghĩa của từ “Cộng hòa” trong quốc hiệu nên đầu thế kỷ 21 này vẫn cứ có những hành xử như thời phong kiến, phổ biến nhất là thói cũ “một người làm quan cả họ được nhờ”, sinh ra một ông bí thư huyện ủy vừa bị “kỷ luật” vì chuyện bổ nhiệm cả nhà làm quan, hay chuyện “nâng đỡ không trong sáng” một nữ nhân viên khiến một phó bí thư tỉnh ủy bị “cho thôi chức”.

Chưa kể những vụ bổ nhiệm thần tốc mà từ mấy mươi năm qua, người dân chép miệng gọi là “CCCCC” (con cháu các cụ cả) song lại được giải thích là “đúng quy trình” và “xếp hồ sơ”. Và đó mới chỉ là một hình thái thể hiện quyền lực như thời phong kiến.

Kiểm tra và cân bằng

Từ nhận thức đúng về khái niệm “Cộng hòa”, sẽ dễ hiểu ra rằng trong chế độ cộng hòa đúng nghĩa, sự kiểm tra là tự động, thường trực, do quyền lực của những người cầm quyền luôn được kiểm tra và giám sát độc lập bởi nhân dân, mà trong thực tế công vụ hằng ngày là những đại biểu nhân dân cùng các cơ quan được thiết lập bởi các đại biểu nhân dân trong hiến pháp.

Quyền lực của người cầm quyền phải trong khuôn khổ của pháp luật, và mọi chế tài sẽ là độc lập dựa trên những quy tắc pháp luật. Chính trong khuôn khổ của luật pháp như thế mới đạt đến điều gọi là “the rule of law”, nghĩa là “sự trị vì của luật pháp”, tức tính tối thượng của pháp luật, mà ngược lại sẽ biến thái thành hành vi “rule by law”, nôm na mà nói là “đẻ ra” các văn bản gọi là luật pháp cho tiện cai trị theo ý mình.

Tình trạng nêu trên được vụ phó Vụ Pháp luật hành chính - hình sự (Bộ Tư pháp) mô tả trong “Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật” như sau: “Để quản lý nhà nước, các cơ quan nhà nước ban hành nhiều loại văn bản khác nhau và với các mục đích khác nhau, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan...

Giai đoạn trước năm 2008, năm ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ hầu như có thể quy định về mọi vấn đề trong luật; còn hiện nay, Chính phủ, các bộ đã bị khống chế về nội dung và phạm vi ủy quyền lập pháp bởi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bởi chính từng đạo luật cụ thể” .

Từ đó, tác giả đề nghị: “Cần làm rõ khái niệm “văn bản pháp luật”, theo Hiến pháp năm 2013 chỉ nên được hiểu là “văn bản quy phạm pháp luật”, để người dân khi nói đến “tính tối thượng của pháp luật”, nói đến yêu cầu tuân thủ đúng pháp luật không bao gồm cả các quyết định của cơ quan hành chính (có thể bị khiếu nại, khiếu kiện), các quyết định của tòa án (phải qua hai cấp xét xử để bảo đảm tính chính xác và tuân thủ đúng pháp luật)” .

Trong hội nghị về “kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền” hôm 19-1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu nhu cầu “lắng nghe phản ảnh của nhân dân về những cán bộ có biểu hiện suy thoái”. VnExpress tường thuật: “Ông Nhân nhấn mạnh việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy và chính quyền cấp trên với cấp dưới, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân, Quốc hội, HĐND có ý nghĩa quyết định” .

Thiết nghĩ, nhân dân, đông đến hơn 93 triệu công dân, chính là “đối tượng” (object) tuyệt đối của mọi quyết định của Nhà nước, nên phải là chủ thể (subject) chính của công việc phản hồi, kiểm tra, giám sát này.

Làm gì để vai trò này của nhân dân được cụ thể hóa hơn nữa bằng luật pháp? Làm sao nhân dân có thể được “tự do thông tin”, được các cơ quan nhà nước công khai những gì liên quan đến cuộc sống cùng quyền lợi của họ? Từ lâu, ta đã có khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, vấn đề là cung cấp phương tiện và cơ hội cho dân biết, dân bàn, dân kiểm tra thực sự.

Làm được điều này, sự kiểm tra và giám sát sẽ trở nên hiệu quả, tạo ra được sự cân bằng cần thiết các quyền lực, gọi là “kiểm tra và cân bằng”. Tính độc lập của công việc kiểm tra và giám sát là điều kiện không thể không thiếu, vì nếu thiếu, mọi việc là vô nghĩa.

Vấn đề hiện nay khiến công việc kiểm tra và giám sát gặp trở ngại, không trọn vẹn, thậm chí nhiều khi là vô bổ, như có thể hiểu qua phát biểu của nguyên phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Dương Thanh Biểu sau vụ xét xử các nguyên lãnh đạo tập đoàn dầu khí:

Các công cụ quản lý nhà nước như thanh tra, kiểm toán không được sử dụng, hoặc sử dụng kém hiệu quả nên không phát hiện vi phạm. Nhiều đoàn thanh tra của các bộ, ngành, thậm chí có tập đoàn được Thanh tra Chính phủ vào nhiều lần như Vinashin nhưng không phát hiện ra sai phạm. Chỉ đến khi vụ án được khởi tố, những vi phạm nghiêm trọng mới được phát hiện” .

Có thể thấy không phải do không có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát mà là do không xác định rõ rằng thanh tra, kiểm tra, giám sát không để cho có, mà phải vì mục đích tối hậu là cân bằng quyền lực, như trong định nghĩa của khái niệm kiểm tra và cân bằng.

Trong một góc độ khác, tối quan trọng, thực tế được mô tả trên (“chỉ đến khi vụ án được khởi tố, những vi phạm nghiêm trọng mới được phát hiện”) dễ tạo cảm giác bất cân bằng. Những dấu hỏi không tránh khỏi từ thực tế đó: 1/Làm thế nào mà những đoàn thanh tra đó lại không phát hiện gì? 2/Làm thế nào mà nếu không có “vụ án được khởi tố”, sẽ không có vi phạm nào cả? Vậy “ai” đã phát hiện những gì để “vụ án được khởi tố” rồi sau đó “những vi phạm mới được phát hiện” và đáng buồn thay, là “những vi phạm nghiêm trọng”? Có phải sự “không phát hiện gì” kéo dài đó là do sự thiếu/không độc lập của thanh tra, kiểm tra? ...

Nếu quả thực như vậy thì quyền lực, trong những trường hợp như thế, là bất cân bằng. Những tổn thất hàng tỉ đôla từ vụ Vinashin tới những vụ vừa xử xong như tập đoàn dầu khí là hậu quả tất yếu của tính không độc lập trong kiểm tra. Khi kiểm tra không độc lập thì quyền lực càng không cân bằng.

Chỉ khi có sự cân bằng quyền lực mới không dẫn đến, hay duy trì sự lạm quyền. Quốc hội độc lập giám sát các công việc của Chính phủ, các hội đồng nhân dân ở các địa phương giám sát các công việc của địa phương. Cũng thế, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, công tố, tòa án, hội đồng quản trị của các tổng công ty, các tập đoàn, thậm chí ở quy mô nhỏ hơn là công đoàn... Tinh thần độc lập đó phải là điều kiện tiên quyết cho mọi công tác kiểm tra, thanh tra, bắt đầu là kiểm toán.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kiểm soát quyền lực bằng quyền lực

    02/02/2018Sỹ PhuGiám sát của người dân là “cái lồng” hữu hiệu nhất để nhốt quyền lực, không cho ai dám lạm quyền...
  • Tham nhũng quyền lực: Luận về con ông cháu cha

    06/01/2018Xuân BaCụm từ "Thái tử" là cách nói nôm, dân dã chỉ con cháu ông to, bà lớn bỗng dưng xuất hiện trong hệ thống quyền lực. Cùng chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, trao đổi, đối thoại về một khái niệm khá mới đó là Tham nhũng quyền lực...
  • Quyền Lực... như thế nào?

    18/06/2017Nguyễn Tất ThịnhNhân loại đi trong hành trình tiến hóa mọi nhẽ, nhưng trên con đường đó là tìm kiếm, tranh đấu …tăng cường Quyền Lực cho mình( cá nhân hay tổ chức) ! Rôi chúng ta đã nghe đến các khái niệm ‘tập Quyền Lực Cứng và Mềm’….Trong đối thoại mới, vừa qua( với các nhà quản lý doanh nghiệp, với bạn hữu giảng viên…) tôi trả lời ba câu hỏi về Quyền Lực…
  • Văn hóa quyền lực

    09/05/2017Nguyên CẩnMột đất nước phát triển như Hàn Quốc mà tam giác nhà nước – thị trường – xã hội còn chịu nhiều hệ lụy từ mối quan hệ nhập nhằng giữa các chaebol và chính quyền thì với chúng ta, hệ thức văn hóa nào khả dĩ xác lập rạch ròi ba chân vạc ấy, nếu không xã hội sẽ phải gánh chịu tất cả hậu quả của việc thị trường bất ổn khi nhà nước tiếp tay hay thông đồng với những tập đoàn trong kinh doanh...
  • Chặn đứng “tham nhũng quyền lực”

    08/02/2014Phi Tuấn thực hiệnKhi quyền lực được trao vào tay một cá nhân mà thiếu đi một cơ chế giám sát hiệu quả, quyền lực ấy rất dễ bị lạm dụng, dẫn đến những hành vi tham nhũng...
  • “Ý chí quyền lực”

    29/07/2011Phan Nguyễn Khánh ĐanTriết gia người Đức Arthur Schopenhauer (1788-1860) khi nghiên cứu về khái niệm “ý chí sống” đã tin rằng động cơ tồn tại căn bản của con người và cả vũ trụ này chỉ là để được sống, để không phải chết...
  • Quyền lực và đạo đức

    22/10/2010PGS - TS Bùi Đình PhongTheo "Từ điển tiếng Việt", quyền lực được hiểu là "quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy"...
  • Sẽ là nguy cơ nếu quyền lực không được kiểm soát

    11/08/2010Nghĩa Nhân - Thu NguyệtMột trong những mục tiêu căn bản của lập pháp là kiểm soát quyền lực nhà nước, mở đường cho nhân dân thành lực lượng kiểm soát quyền lực nhà nước. Chống tham nhũng cũng vậy. Chống tham nhũng mà lại bằng chính cơ cấu nhà nước thì hiệu quả sẽ không triệt để...
  • Tự do cá nhân và quyền lực công cộng

    24/06/2010Cụ HinhCái tháp quyền lực ngàn xưa ở xứ Đông đem đối lập quyền lực công cộng, tạm gọi như vậy, với tự do cá nhân. Đây là một câu chuyện để phải tư duy.
  • Putin 10 năm quyền lực và chúng ta học được gì?

    10/08/2009Nguyễn Tất ThịnhHôm nay chúng ta nói về V.Putin – Một tính cách Nga điển hình, một nhân cách Chính khách kiệt xuất, một người đàn ông có thể làm thần tượng cho nhiều người – ông ấy đã có đúng 10 năm thành công trên cương vị lãnh đạo tuyệt đỉnh của mình...
  • xem toàn bộ