Dạy thế hệ trẻ biết tôn trọng trí tuệ hơn tiền bạc, quyền lực
Để đất nước phát triển nhanh và bền vững, chúng ta cần phải tạo cho lớp trẻ nhiều cơ hội trau dồi kỹ năng và kiến thức ở mức độ cao để họ có thể thực hiện được những nhiệm vụ khó khăn; thế hệ trẻ cần được khuyến khích thể hiện năng lực phán xét một cách tự do theo tinh thần sáng tạo, đổi mới và táo bạo. Đất nước cần tạo cho họ niềm tin vào tài năng và phải có tham vọng với mơ ước của mình.
Cần phải dạy thế hệ trẻ biết tôn trọng tri thức hơn tiền, tôn trọng sự thông tuệ hơn quyền lực. Sự giàu có của một đất nước là bàn tay và khối óc chứ không phải là những két sắt của ngân hàng; là những sản phẩm làm ra hơn là những kỹ năng tiếp thị; đó là những giọt mồ hôi của những người làm việc hơn là những quy định được tạo ra bởi những người quản lý – nếu không có những người lao động thì những người quản lý chẳng thể quản lý ai ngoài chính bản thân họ.
Với tinh thần như vậy chúng ta phải dạy khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học; tôn trọng tất cả các hoạt động sản xuất và sáng tạo của con người, bao gồm cả nhân văn và nghệ thuật. Không có gì phản tác dụng và đáng trách hơn việc dạy thế hệ trẻ rằng có sự phân biệt thứ bậc giữa các lĩnh vực hoạt động của con người. Khác biệt duy nhất về thứ bậc nghề nghiệp là giữa sự xuất sắc và tầm thường. Chúng ta phải dạy cho giới trẻ về sự nghiêm túc, tính chuyên nghiệp, năng lực chuyên môn, đam mê và sự chăm chỉ, những phẩm chất cần thiết cho mọi người dù đó là một nghệ sĩ vi-ô-lông hay một kiến trúc sư, một bác sĩ, nhà toán học, một người nông dân hay một nhà hoá học. Chúng ta phải nuôi nấng tinh thần nhiệt huyết và táo bạo trong suy nghĩ của họ. Chúng ta phải phổ biến những ví dụ như: Alexandre Yersin phát hiện ra trực khuẩn dịch hạch trong một phòng thí nghiệm mà ông dựng lên trong một túp lều nhỏ ở Hồng Kông; Penzias và Wilson, hai kỹ sư vô tuyến, đã khám phá ra những tín hiệu được gửi đến Trái Đất từ Vũ trụ ngay sau Vụ nổ lớn (Big Bang). Chúng ta phải làm cho thế hệ trẻ cảm thấy tự hào về Ngô Bảo Châu đồng thời tạo nên cho họ sự khao khát trở thành một Ngô Bảo Châu khác.
Ngày hôm nay, qua việc tổ chức lễ hội STEM, chúng ta tôn vinh Khoa học và phẩm chất của nó như là một trường học về sự nghiêm túc và tự do. Vào năm 1948, cùng với bác Hồ trong rừng Việt Bắc bác sĩ Hồ Đắc Di, người sáng lập ra đại học hiện đại của Việt Nam, cũng làm điều tương tự. Cho phép tôi kết luật bằng việc trích dẫn một vài lời của ông2:
“Người thầy giáo nào càng đào tạo được nhiều học trò giỏi hơn mình thì càng hạnh phúc. Giảng dạy và nghiên cứu là hai anh em sinh đôi, và nhiều khi giảng đường trang nghiêm chỉ là sảnh chờ trước khi bước vào phòng thí nghiệm. – Trường đại học không chỉ là nơi giảng dạy khoa học đã hình thành, mà còn là nơi đang hình thành khoa học. – Nghiên cứu là làm việc theo nhóm. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ và nhẫn nại. Nó bao gồm những kỹ năng, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi, luôn không ngừng tìm kiếm phát minh để có thể nắm bắt cơ hội. Cùng với công việc, trí tưởng tượng và phương pháp, cơ hội và sự quan tâm sẽ đến trong tầm tay. – Nhà khoa học phải có một phông văn hóa rộng… Đào tạo các nhà khoa học phải chú trọng phát triển cả về trí tuệ và đạo đức, bao gồm cả khoa học và nghệ thuật… Khi học thì phải nghi ngờ và khi làm thì phải có niềm tin. Phải hành động có suy nghĩ và suy nghĩ tích cực.Thật quý giá cho nhà khoa học nào có một công việc kết hợp được cả Khoa học và Lương tâm. Có tài là chưa đủ; mà phải có đạo đức trong sáng.”
---------------------------------------------------------------
Chú thích:
1. Được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 16-17/5/2015 nhân chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 2015.
2. Trích và dịch từ bản ghi chép của GS. Pierre Darriulat về những lời của bác sỹ Hồ Đắc Di tại Việt Bắc trong khoảng thời gian 1947-1949. Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=6&News=3183
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn