Đại hội triết học thế giới lần thứ XXIV
1. Vài nét về lịch sử Đại hội triết học thế giới và Đại hội XXIV
10 giờ ngày 13/8/2018 tại Đại Lễ đường Nhân dân trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc, Đại hội Triết học thế giới lần thứ XXIV đã chính thức khai mạc. Đây là lần thứ hai Đại hội Triết học thế giới được tổ chức tại châu Á; lần đầu tiên Đại hội được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc năm 2008. Đại hội lần này diễn ra trong 8 ngày, từ 13/8 đến 20/8. Ngoài phiên khai mạcvà một số ít các phiên tổ chức tại Đại học Bắc Kinh, các phiên còn lại được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Đại hội triết học thế giới (World Congress of Philosophy - WCP) là sự kiện quan trọng và lớn nhất của giới triết học và của các Hội Triết học trên toàn thế giới được tổ chức thường kỳ 5 năm một lần, theo Điều lệ của Liên đoàn quốc tế các Hội triết học (FISP - Fédération Internationale des Sociétés de Philosophie). Lần đầu tiên Đại hội được tổ chức tại Paris, năm 1900. Các Đại hội gần đây là Đại hội XIX Moscow, Nga năm1993; XX Boston, Mỹ năm 1998; XXI Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2003; XXII Seoul, Hàn Quốc năm 2008; và XXIII Athens, Hy Lạp năm 2013. Từ Đại hội IV tại Bologna, Đức năm 1911 phải tới 13 năm sau, năm 1924 Đại hội V mới tổ chức ở Naples năm 1924; cũng như vậy, từ Đại hội IX tổ chức ở Paris năm 1938 phải tới 11 năm sau, năm 1948 Đại hội X mới được tổ chức trở lại tại Amsterdam, Hà Lan. Hai cuộc Chiến tranh thế giới I và II đã làm gián đoạn các kỳ Đại hội.
Chủ đề của Đại hội XXIV được phía Trung Quốc đề xuất từ trước là “Học để làm người” (Learning to be Human 学以成人) dựa trên nền tảng học thuật của triết học truyền thống Trung Hoa. Nhiều báo chí Trung Quốc nhấn mạnh điều này. Chủ đề này được coi là vấn đề lớn, đặc biệt quan trọng,đáng phải xem xét từ góc độ triết học và đã được các Hội triết học không chỉ khu vực Âu Mỹ, mà cả ở Châu Phi, Mỹ Latinh, Ấn Độ… chấp thuận. Theo thông báo của Ban tổ chức, Đại hội nhận được khoảng hơn 5.000 tham luận của hơn 7.000 học giả. Số người đăng ký khoảng 8000 người, nhưng trực tiếp đến tham dự có hơn 6.000, trong đó có khoảng 2.000 học giả từ 121 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là Đại hội đầu tiên mà người tham dự từ nước chủ nhà có số lượng áp đảo.
Chủ trì Lễ khai mạc Đại hội là Lin Jianhua (Lâm Kiến Hoa 林建华), Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh và Chủ tịch Ủy ban tổ chức Đại hội của phía Trung Quốc; GS. Wang Bo (Vương Bác 王博), Bí thư đảng uỷ, Phó hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh, Giám đốc điều hành Ban Tổ chức Đại hội; GS. Dermot Moran, Chủ tịch Liên đoàn quốc tế các Hội triết học FISP; GS. Luca Maria Scarantino, Tổng thư ký Liên đoàn quốc tế các Hội triết học (FISP). Cấp cao nhất từ phía Trung Quốc đến dự và phát biểu tại Lễ khai mạc là Bộ trưởng Bộ Giáo dục GS. Chen Baosheng (Trần Bảo Sinh 陈宝生).
Trong bài phát biểu tại Lễ Khai mạc, GS. Lin Jianhua, Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh đã nhắc lại lịch sử và đặc điểm học thuật của lĩnh vực nhân văn của Đại học Bắc Kinh trong 100 năm qua và giải thích mối quan hệ giữa “học để thành người” với giáo dục đại học ngày nay. GS. Luca Maria Scarantino, Tổng thư ký FISP điểm lại quá trình chuẩn bị Đại hội và bàn luận về mối quan hệ giữa triết học và tinh thần của thời đại. GS. Dermot Moran, Chủ tịch FISP nhấn mạnh trách nhiệm và giá trị của triết học đương đại trước những thách thức mà ngày nay con người phải đối mặt[1]. Bộ trưởng Chen Baosheng đề cập đến tư tưởng về “Hòa nhi bất đồng” (和而不同), “Thành dĩ đạt nhân” (成己达人) và "Tự nhiên vô vi” (自然无为) trong triết học truyền thống Trung Quốc. Theo ông, việc Đại hội tổ chức tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và thế giới và thúc đẩy sự phát triển của triết học Trung Quốc[2]. Các diễn giả chủ nhà đều ít nhiều nhắc tới tầm quan trọng của sự hiểu biết lẫn nhau giữa Triết học truyền thống Trung Quốc và triết học thế giới, giữa Trung Quốc và thế giới.
2. Các phiên hội thảo, hội nghị của Đại hội XXIV
Giống như Đại hội các kỳ trước, các tham luận triết học được trình bày tại 9 hình thức hội thảo, hội nghị: Hội nghị toàn thể (Plenary Sessions); Hội thảo chuyên đề (Symposia): Các tiểu ban của Đại hội (Sections for Contributed Papers); Thuyết trình đặc biệt (Endowed Lectures); Chủ đề được đề xuất hoặc đặt hàng(Invited Sessions); Hội thảo bàn tròn (Round Tables); Hội thảo của các Hội Triết học (Society Sessions); Hội thảo dành cho sinh viên (Student Sessions); và Hội nghị chuyên biệt (Special Sessions). Tại 9 loại hội thảocủa Đại hội lần này, số lượng các phiên hội thảo nhiều hơn.
2.1. Hội nghị toàn thể
Ngoài phiên khai mạc và bế mạc, Đại tổ chức 5 Hội nghị toàn thể với các nội dung:
- Về “Self” (Bản ngã). GS. Suwanna Satha-Anand (Thái Lan) điều hành với các tham luận của Sara Heinämaa (Phần Lan), Ni Liangkang (Trung Quốc) và Theophilus Okere (Nigeria).
- Về “Cộng đồng” (Community). GS. Abdoulaye Elimane Kane (Senegal) điều hành với các tham luận của Roger T. Ames (Mỹ), Kunitake Ito (Nhật bản), Herta Nagl-Docekal (Áo), và Obi Oguejiofor (Nigeria).
- Về “Tự nhiên” (Nature). GS. Demetra Sfendoni-Mentzou (Hy Lạp) điều hành với các tham luận của Guillermo Hurtado (Mexico), Sebastian Rödl (Đức), Peter Singer (Australia) và Yang Guorong (Trung Quốc).
- Về “Tinh thần”(Spirituality). GS. Han Zhen (Trung Quốc) điều hành với các tham luận của Richard Kearney (Mỹ) và Hans-Julius Schneider (Đức).
- Về “Truyền thống” (Traditions). GS. Karan Singh (Ấn Độ) điều hành với các tham luận của Anne Cheng (Pháp), Mercedes De La Garza (Mexico), Paulin J. Hountondji (Benin) và Zhao Dunhua (Trung Quốc).
Gọi là phiên Plenary Sessions, nhưng lại diễn ra đồng thời với các phiên khác, nên một số phiên toàn thể tại Đại hội lần này cũng không thật đông người tham dự.
2.2. Hội thảo chuyên đề (Symposia)
Đại hội lần này tổ chức 9 Hội thảo chuyên đề
- “Nhân, nhân đạo, tình yêu và trái tim” (Ren, Ubuntu, Love, and the Heart). GS. Pia Søltoft (Đan Mạch) điều hành với các tham luận củaGraham Parkes (Scotland), Mogobe Ramose (Nam Phi), Eileen Sweeney (Mỹ) và ZhangXianglong (Trung Quốc).
- “Tâm thức, nãobộ, thân thể, ý thức và cảm xúc” (Mind, Brain, Body, Consciousness, Emotions) GS. Evandro Agazzi (Italy) điều hành với các tham luận củaAmita Chatterjee (Ấn Độ), Shaun Gallagher (Mỹ) và Zhang Shiying (Trung Quốc).
- “Triết học cận biên: Thống trị, Tự do và Đoàn kết” (Philosophy at the margins: Domination, Freedom, and Solidarity). GS. Wu Xiaoming (Trung Quốc) điều hành với các tham luận củaCharles-Romain Mbelé (Cameroon) và Sally J. Scholz (Mỹ).
- “Quyền, Trách nhiệm và Công lý” (Rights, Responsibility, and Justice). GS. Bhuvan Chandel (Ấn Độ) điều hành với các tham luận của Sally Haslanger (Mỹ), Julian Nida-Ruemelin (Đức) và Chaiwat Satha-anand (Thái Lan).
- “Con người, Phi Con người, Hậu con người” (Human, Non-Human, Post-Human). GS. Feng Ziyi (Trung Quốc) điều hành với các tham luận củaSangkyu Shin (Hàn Quốc), Lars Fredrik Svendsen (Na Uy) và Sigridur Thorgeirsdottir (Iceland).
- “Khoa học, Công nghệ và Môi trường”(Science, Technology, and the Environment). GS. Ilkka Niiniluoto (Phần Lan) điều hành với các tham luận củaJ. Baird Callicott (Mỹ) và Helen Longino (Mỹ).
- “Sáng tạo, biểu tượng và mỹ cảm” (Creativity, Symbol, and Aesthetic Sense). GS. Gao Jianping (Trung Quốc) điều hành với các tham luận củaJean-Godefroy Bidima (Cameroon) và Bashshar Haydar (Li Băng).
- “Lý tính, Minh triết và cuộc sống tốt đẹp”(Reason, Wisdom, and the Good Life). GS. Nam-in Lee (Hàn Quốc) điều hành với các tham luận củaSupakwadee Amatayakul (Thái Lan), Maurizio Ferraris (Italy), Pavlos Kalligàs (Hy Lạp) và Xinzhong Yao (Anh).
- “Tính biểu đạt, Đối thoại và Khả năng dịch thuật”(Expressibility, Dialogue, Translatability). GS. Heisook Kim (Hàn Quốc) điều hành với các tham luận củaMichael Beaney (Anh), Paul Healy (Australia) và Andrey Smirnov (Nga).
- “Khác biệt, Đa dạng và Tính phổ quát” (Differences, Diversity, Commonality). GS. Vincent Shen (Canada - Đài Loan) điều hành với các tham luận củaRam Adhar Mall (Ấn Độ), Tan Sor-Hoon (Singapore) và Wang Zhongjiang (Trung Quốc).
2.3. Thuyết trình đặc biệt (Endowed Lectures)
Đại hội lần này dành 7 buổi thuyết trình đặc biệt cho các chủ đề chuyên sâu về triết học.
1) “Về Ibn Roshd”. GS. Bhuvan Chandel (Ấn Độ) điều hành. Người thuyết trình là GS. Hans Lenk (Đức).
2) “Về Kierkegaard”. GS. Jacob Dahl Rendtorff (Đan Mạch) điều hành. Người thuyết trình là GS. Pia Soltoft (Đan Mạch).
3) “Về Maimonides”. GS. Ernest Lepore (Mỹ) điều hành. Người thuyết trình là GS. Ernest Sosa (Mỹ).
4) “Về Dasan”. GS. Heisook Kim (Hàn Quốc) điều hành. Người thuyết trình là GS. Keel Hee-sung (Hàn Quốc).
5) “Về Vương Dương Minh”. GS. Chen Lai (Trung Quốc) điều hành. Người thuyết trình là GS. Tu Weiming (Trung Quốc).
6) “Về Simone de Beauvoir”. GS. Sigridur Thorgeirsdottir (Iceland) điều hành. Người thuyết trình là GS. Judith Butler (Mỹ).
7) “Về Hai trăm năm Các Mác” (Bicentenary Marx). GS. Zhang Yibin (Trung Quốc) điều hành. Người thuyết trình là GS. William L. McBride (Mỹ).
2.4. Chủ đề được đề xuất hoặc đặt hàng(Invited Sessions)
Theo truyền thống, các chủ đề triết học được đề xuất từ phía các Hội triết học của các quốc gia hoặc của các học giả có uy tín, được xếp trong “Invited Session”. Đại hội XXIV dành hẳn 76 Sessions với hơn 80 phiên họp để các học giả trình bày các tham luận dạng này (một số chủ đề được thảo luận tại nhiều phiên họp khác nhau). Có nhiều phiên họp với những nội dung thu hút được sự quan tâm của khá đông người tham dự.
Chẳng hạn, tiểu ban 4. “Tính đặc thù của tri giác”(Perceptual Particularity) do GS. Marietta Stepanyants (Nga) chủ trì với 2 tham luận từ phía các nhà triết học Mỹ. Tiểu ban 8 “Học để thành người liên-văn hóa với truy cập mở” (Learning To Be Human Interculturally: The Role of Open Access) do GS. Marietta Stepanyants (Nga) chủ trì với 4 tham luận từ phía các nhà triết học Italy, Đức và Mỹ. Tiểu ban 9 & 10 “Thông diễn học và triết học Trung Quốc” (Hermeneutics and Chinese Philosophy I & II) do các nhà triết học Mỹ, Đức, Đan Mạch, Trung Quốc, Canada tham gia thảo luận. Tiểu ban 22 “Triết học, văn hóa và xã hội dân sự: một quan điểm Ấn Độ” (Philosophy, Culture, and Civil Society. An Indian Perspective). Tiểu ban này có bốn nhà triết học Ấn Độ, một nhà triết học Canada và một học giả Việt Nam (Thich Nhat Tu). Tiểu ban 24 “Triết học và các biến đổi lý luận, nhận thức luận và phương pháp luận của nó. Tác động đến Khoa học Xã hội ở Châu Phi” (La Philosophie et ses Mutations Théoriques, Epistémologiques et Méthodologiques. Impact sur les Sciences Sociales en Afrique). Tiểu ban này có hơn 30 tham luận phần lớn là của các học giả châu Phi. Tiểu ban 26 “Xúc cảm trong nhận thức luận” (Emotions in Epistemology). Cả 4 tham luận trong tiểu ban này đều là của các nhà triết học Anh. Tiểu ban 32 và tiểu ban 45 “Quan điểm của châu Á về Hòa bình” (Asian Perspectives of Peace). Cả hai tiểu ban này đều có 5 tham luận của các học giả Ấn Độ và 2 học giả khác là Trung Quốc và Mỹ.
Hai tiểu ban thuộc hình thức “Invited Session” có số lượng đông nhất các học giả Trung Quốc tham gia thảo luận là tiểu ban 60 “Tuyên bố của các doanh nghiệp Nho giáo 2018: Chủ nghĩa nhân văn tinh thần là đạo đức phổ quát (phổ biến)cho kinh doanh toàn cầu” (Discourse on Confucian Entrepreneurs 2018: Spiritual Humanism as a World Ethos for Global Business) với 37 tham luận và tiểu ban 71. “Triết học Mác trong kỷ nguyên mới: Hội thảo kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh Các Mác”. Tiểu ban này cũng có 37 tham luận đều của các học giả Trung Quốc do GS. Ziyi Feng chịu trách nhiệm điều hành.
2.5. Hội thảo bàn tròn (Round Tables)
Tại Đại hội XXIV, 134 hội thảo bàn tròn đã được tiến hành. Các chủ đề của dạng hội thảo này cũng rất sâu và đa dạng. Chẳng hạn, phiên 9 “Chủ nghĩa Tư bản, Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tiêu dùng, quảng cáo và tính bền vững về môi trường” (Capitalism, Socialism, Consumerism, Advertising, and Environmental Sustainability). Phiên 12 “Chủ nghĩa Mác và truyền thống triết học phương Tây” (Marxism and the Western Philosophical Tradition). Phiên 32 “Lý tính và tôn giáo” (Reason and Religion). Phiên 45 “Heidegger và châu Á” (Heidegger and Asia). Phiên 100 “Sự hình thành của tâm thức số” (The Formation of Digital Mind). Phiên 127 “Cách tiếp cận sinh học – vũ trụ trong việc đảm bảo và tích hợp hai cực của tri thức lý tính: Bắc (những người theo chủ nghĩa tự nhiên, môn đệ của Aristotle) Nam (những người theo chủ nghĩa nhị nguyên, Môn đệ của Platon)” (Biocosmological Approach in Appreciating and Integrating the Two Poles of Rational Knowledge: of “North” (Naturalist, the Aristotelian); and “South” (Dualist, the Platonic). Phiên 132. “Giáo dục hàn lâm và “Học để thành người”” (Academy Education and “Learning to be Human”). Phiên 133. “Descartes bàn về niềm đam mê, hành động và vấn đề tâm-thân(Descartes on Passion, Action and the Mind-body Problem).
2.6. Hội thảo của các Hội Triết học (Society Sessions)
Trong khuôn khổ Đại hội XXIV, đã có 66 phiên họp của các Hội triết học thành viên. Nội dung đôi khi có bàn đến hoạt động của các Hội, nhưng chủ yếu vẫn là những vấn đề học thuật. Chẳng hạn, phiên 46 của Hội triết học Nga bàn về Hình thức “Đại Hội đồng” của Hội triết học Nga (The Russian Philosophical Society: General Assembly of the Russian Philosophical Society). Hội đồng nghiên cứu giá trị và triết học Hoa kỳ (RVP) tổ chức 7 phiên liên tục (từ phiên 47 đến phiên 53) với các diễn giả khác nhau bàn về “Học mãi để làm người” cho/trong thời đại toàn cầu (Re-Learning to be Human for/in Global Times). Một trong 7 phiên đó, Hội đồng RVP đã dành để vinh danh và tưởng nhớ GS. George F. McLean, Chủ tịch RVP mới qua đời năm 2016 (George F. McLean: A Service to The World Philosophy). GS. Trần Văn Đoàn, học giả Đài Loan gốc Việt đã phát biểu tại đây và một số phiên họp khác nữa. Phiên 60 “Hội triết học Châu Á và triết học So sánh (SACP) Học để làm người: Quan điểm Đông Á và So sánh” (Society for Asian and Comparative Philosophy (SACP) Learning to be Human: East Asian and Comparative Perspectives). Trong chương trình của phiên họp nàycó tham luậncủa một nhà triết học người Việt - Chánh Công Phan.
2.7. Hội thảo dành cho sinh viên (Student Sessions)
Tại Đại hội XXIV, số lượng các Hội thảo dành cho sinh viên cũng lớn đến mức kỷ lục. Đã có 147 phiên họp riêng của giới sinh viên Trung Quốc được tiến hành. Tuy vậy, do các phiên họp dành cho sinh viên quá nhiều nên lượng sinh viên tự do đến tham dự các phiên hội thảo khác mà họ quan tâm lại trở nên ít hơn so với các Đại hội trước.
2.8. Hội nghị chuyên biệt (Special Sessions)
Trong thời gian Đại hội, có 5 hội nghị chuyên biệt chủ yếu là của Liên đoàn các Hội triết học thế giới (FISP) được tổ chức.
2.9. Các tiểu ban của Đại hội (Sections for Contributed Papers)
Theo truyền thống, hình thức chủ yếu để Đại hội công bố tư tưởng mới nhất của các nhà triết học là tham luận tại các Tiểu ban. Hàng nghìn tham luận triết học của Đại hội lần này được trình bày trong 99 tiểu ban. Số lượng 99 tiểu ban cũng là số lượng kỷ lục tính đến nay của các kỳ Đại hội triết học thế giới. Việc phân chia các tiểu ban chủ yếu vẫn là căn cứ vào phân ngành các tri thức triết học[3]. Trong những ngày diễn ra Đại hội, mỗi tiểu ban thường tổ chức đồng thời nhiều phiên họp về các chủ đề khác nhau. Hàng nghìn cuộc hội thảo đã được tổ chức.(Lịch trình cụ thể của các phiên họp tiểu ban đã được ghi lại trên trang web chính thức của Đại hội[4]).
3. Việt Nam tại Đại hội Triết học Thế giới lần thứ XXIV
Việt Nam chưa thành lập Hội triết học, nhưng những năm gần đây, tiếng nói của Việt Nam trong cộng đồng triết học thế giới và trong những hoạt động của Đại hội đã có ý nghĩa nhất định, đặc biệt kể từ khi GS. Phạm Văn Đứcđượcbầu vào Ủy ban điều hành FISP (Member of the Steering Committee of FISP) từ năm 2008. Trong những kỳ Đại hội gần đây, ngoài các nhà nghiên cứu đến từ Việt Nam, nhiều học giả gốc Việt từ các quốc gia có nền triết học mạnh đã tới tham luận tại Đại hội. Tại Đại hội XXIV lần này, các tham luận của Việt Nam đã được bình duyệt và được phép công bố tại các phiên họp tiểu ban là:
1. Phạm Văn Đức.“Hồ Chí Minh và sự nghiệp xây dựng đời sống tốt đẹp ở Việt Nam” (Ho Chi Minh and the Cause of Construction of the Good Life in Vietnam).
2. Nguyễn Tài Đông.“Tranh luận về dân chủ trong Nho giáo” (Debates on Democracy in Confucianism).
3. Nguyễn Tài Đông. “Tinh thần cải cách của Lê Quý Đôn” (黎贵敦的改革精神).
4. Luong Hai. “Các lý thuyết đương đại cho phát triển xã hội trong thời đại của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ” (Contemporary Theories For Social Development in the Epoch of Scientific – Technological Revolution).
5. Hồ Sĩ Quý.“Hạnh phúc trong Tôn giáo, trong Triết học và trong Nghiên cứu định lượng” (The Debate Over Happiness in Religion, in Philosophy and in Quantitative Research).
6. Nguyễn Lan Hương.“So sánh một số nguyên tắc phân phối hiện đại với quan niệm của C. Mác về công bằng trong phân phối trong trường hợp Việt Nam” (Some Modern Distribution Principles in Comparison With Karl Marx's Conception of Distributive Justiceand the Case of Vietnam).
7. Trần Thúy Ngọc.“Ngô Thì Nhậm, nhà tư tưởng “Thời biến” thế kỷ XVIII” (越南18世纪时变之人吴时任).
8 Hồ Mạnh Tùng, Nguyen To Hong Kong, Toan Manh Ho, Vuong Thu Trang, Vuong Quan Hoang. “Làm người trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0: quan niệm từ Việt Nam ” (To Be Human in the Age of Industry 4.0: Perspective from Vietnam).
9. Vuong Quan Hoang, Hồ Mạnh Tùng, Phuong Viet La, Thu Trang Vuong, Hong Kong T Nguyen. “Làm thế nào để Triết học về Khoa học Xã hội có thể được hưởng lợi từ Thống kê Bayes: Những hiểu biết từ một nước đang phát triển” (How Philosophy of Social Sciences Can Benefit from Bayesian Statistics: Insights from a Developing Country).
- Các học giả gốc Việt ở nước ngoài có tham luận tại Đại hội:
1. Trần Văn Đoàn, GS. Danh dựĐại học Quốc lập Đài Loan, hiện là GS.kiêmViện trưởng Viện Thần học thuộc Đại học Chang Jung Christian, GS. Thỉnh giảng Học Viện Công giáo Việt Nam, người trước đây đã nhiều khóa là Ủy viên Ủy ban Điều hành FISP, tại Đại hội này chủ tọa 2 phiên họp và có 5 tham luận tại các Hội thảo: “Quyết định luận, Công lý và Nền Dân chủ tận tâm” (Determinism, Justice, and Caring Democracy) do Hội đồng nghiên cứu triết học và giá trị Hoa Kỳ chủ trì; “Triết học kinh viện và tư tưởng Trung Hoa” (Scholastic Philosophy and Chinese Thought)do Viện hàn lâm Thiên Chúa giáo chủ trì; “Tưởng nhớ GS. Tomonobu Imamichi” do Viện Imamichi, Eco-Ethica, Dan Mach chủ trì; “Đánh giá triết học và sự thực hiện của con người”(Valuing Philosophy and Human Fulfilment) do Hội đồng nghiên cứu triết học và giá trị Hoa Kỳ chủ trì; và “Học mãi để làm người trong thời đại toàn cầu: George F. McLean với triết học thế giới” (Re-learning to be human for/in global times (ii): George F. Mclean: A Service to the World Philosophy) do Hội đồng nghiên cứu triết học và giá trị Hoa Kỳ chủ trì.
2. Chánh Công Phan. Tham luận trong Hội thảo “Học để làm người: Quan điểm Đông Á và So sánh” (Learning to be Human: East Asian and Comparative Perspectives).
3. Thich Nhat Tu. Tham luận tại Hội thảo “Triết học, văn hóa và xã hội dân sự: một quan điểm Ấn Độ” (Philosophy, Culture, and Civil Society. An Indian Perspective).
Nói chung, đây là kỳ Đại hội có khá nhiều học giả Việt Nam đến dự. Tham luận của các nhà nghiên cứu Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm nhất định của những người tham dự.
- Các nhà nghiên cứu có tham luận gửi đến Đại Hội nhưng không đến dự được
1. Trần Hải Minh. “Deleuzianism và toàn cầu hóa đương đại” (Deleuzianism Deleuzianism and Contemporary Globalisation)
2. Trần Tuấn Phong. “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết và Dân chủ: Đoàn kết để xây dựng nền Cộng hòa cho nhân dân là chủ và làm chủ” (Ho Chi Minh Thought on Great Solidarity and Democracy: Solidarity to Build a Republic For the People to Be Masters and Exercise Their Mastership).
4.Ủy ban điều hành Liên đoàn các Hội Triết học thế giới (FISP) khóa 2018-2023
Trong những ngày cuối Đại hội, Liên đoàn các Hội Triết học thế giới đã họp bầu ra Ủy ban điều hành (The Steering Committee of FISP) cho khóa mới và lựa chọn địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ XXV vào năm 2023.
Ủy viên Ủy ban điều hành Liên đoàn quốc tế các Hội triết học khoá mới 2018-2023 được bầu ngày 16/8/2018 gồm 39 thành viên. Nhà triết học người Italy Luca Maria Scarantino đượcbầu làm Chủ tịch Liên đoàn. Phó Chủ tịch Liên đoàn là GS. Tu Weiming (Trung Quốc), GS. Noriko Hashimoto(Nhật Bản). Tổng Thư ký Liên đoàn là GS. Suwanna Satha-Anand (Thái Lan).
GS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, lần thứ bađược bầu vào Ủy ban điều hành của Liên đoàn các Hội Triết học thế giới. Đây là một trong số ít đại biểu của các quốc gia châu Á được bầu vào tổ chức Quốc tế lớn nhất này của giới triết học và của các Hội Triết học thế giới, đặc biệt lại là khi Việt Nam chưa có Hội Triết học.
Phiên họp đầu tiên của Ủy ban điều hành củaFISP khóa 2018-2023 đã được tổ chức vào 14:00 ngày 18/8/2018. Australia, một trong số nhiều nước đăng cai tổ chức Đại hội triết học quốc tế lần thứ XXV đã được bầu chọn là quốc gia sẽ diễn ra Đại hội triết học quốc tế lần tới vào năm 2023.
5. Lời kết
Một tuần hoạt động đầy ấn tượng của giới triết học toàn cầu trong khuôn khổ Đại hội XXIV đã trôi qua.
Theo đánh giá của nhiều người tham dự, không giống như Đại hội Paris năm 1938, Varna năm 1973, hay Montreal năm 1983, Đại hội lần này không xuất hiện những tư tưởng kiệt xuất hay những đột phá ấn tượng tiềm ẩn khả năng dẫn tới làm thay đổi tư duy nhân loại. Không có những dự báo quá ảm đạm hay tươi sáng về tương lai nhân loại. Cũng không có những nhắc nhở hay cảnh báo nào về thái độ của các chính phủ. Nhìn chung đây là một trong số các Đại hội tương đối bình lặng. Có lẽ phải một thời gian sau nữa, những tư tưởng xuất sắc được công bố mới có đủ điều kiện để đi vào các trung tâm học thuật hay thấm vào tư duy của các học phái. Điều này không nằm ngoài dòng chảy chung của triết học thời đại ngày nay - Từ nửa sau thế kỷ XX, những nhà tư tưởng lớn như Socrates hay Aristotle, Kant, Hegel hay Marx của các thế kỷ trước, hoặc như Jean Paul Sartre hay Teilhard de Chardin, Bertrand Russell hay Sigmund Freudcủa thế kỷ XX,vẫnchưa thấy xuất hiện.
Là nước chủ nhà, với chủ đề “Học để làm người”, Trung Quốc đã cố gắng rất nhiều để tư tưởng triết học truyền thống Trung Quốc có ảnh hưởng lớn hơn hoặc đối thoại được với các dòng triết học khác. Nhưng có vẻ số người quan tâm đến kiểu học để trở thành “người quân tử” chỉ là số nhỏ các quốc gia ít nhiều có văn hóa Nho giáo. Dẫu sao triết học Trung Hoa truyền thống vẫn không phải là dòng “Yêu mến sự thông thái” như Philo-sophia có cội nguồn từ các nhà thông thái Hy Lạp. Tư tưởng “Quân tử thành dĩ đạt nhân” - (Người quân tử thành đạt cần làm cho người khác thành đạt, mà Bộ trưởng Giáo dục Chen Baosheng đã nhấn mạnh hôm Khai mạc), rõ ràng không thể mở rộng sang áp dụng cho các chính phủ. Dễ hiểu là tại sao nhiều phiên họp rất vắng người đến nghe. Không khí Đại hội trong truyền thông đại chúng ở Bắc Kinh thật ra cũng khá mờ nhạt. Đại lễ đường Nhân dân trên quảng trường Thiên An Môn ngay hôm khai mạc cũng không thấy có cờ, khẩu hiệu hoặc logo, như thường thấy ở các sự kiện lớn trên đất Trung Quốc. Các hoạt động bên lề Đại hội hay quảng cáo, giới thiệu… cũng hầu như không có. Rất ít người Bắc Kinh biết về sự kiện này.
Tuy vậy, Đại hội XXIV cũng không có gì sơ suất hoặc có vấn đề gì đáng ngại. An ninh tốt, thời tiết đẹp, Bắc Kinh thân thiện và tương đối thanh bình, mặc dù không khí chính trị ở Bắc Đới Hà, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và vụ dược phẩm Vaccine giả đã khiến cả Trung Quốc nóng lên trong những ngày Đại hội, nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến không khí Đại hội.
Với tính cách là diễn đàn lớn nhất của giới triết học và của các Hội Triết học thế giới - nơi gặp gỡ, chia sẻ, hợp tác, công bố những tư tưởng triết học mới nhất của các trường phái, các nhà tư tưởng, các tổ chức nghiên cứu triết học… lớn nhỏ trên toàn cầu, Đại hội XXIV về cơ bản đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Các nhà triết học khắp các châu lục lại hẹn nhau gặp gỡ tại Đại hội XXV ở xứ sở Kangaroo, Australia năm 2023. Chẳng ai quên, lịch sử các kỳ Đại hội với 119 năm đã trôi qua, hai lần không tổ chức được Đại hội, là những lúc chiến tranh đã lan ra khắp các quốc gia trên toàn thế giới.
Ghi chú:
[1]Xem:第二十四届世界哲学大会首次在中国召开-天天快报. http://kuaibao.qq.com/s/20180814A0SQOB00?refer=spider//世界哲学大会首次在中国举办哲人共议“学以成人http://culture.ifeng.com/a/20180813/59790292_0.shtml
[2]Xem:“学以成人”,为什么121个国家6000多名哲学家都关注这个话题. http://www.thecover.cn/news/1037139.“Hòa nhi bất đồng” là tư tưởng Khổng tử trong câu “Quân từ hòa nhi bất đồng” – Người quân tử hòa hợp nhưng vẫn giữ sự khác biệt. “Thành dĩ đạt nhân” cũng là tư tưởng Khổng tử trong câu “Quân tử thành dĩ đạt nhân”- Người quân tử thành đạt cần làm cho người khác thành đạt. “Tự nhiên vô vi” - đề cao sự vô vi của tự nhiên, tư tưởng kết hợp giữa Nho gia và Đạo gia, ý nói đừng làm gì trái tự nhiên (Giải thích của GS. Lê Văn Toan).
[3] 99 tiểu ban: 1. Aesthetics and philosophies of art (Mỹ học và triết học nghệ thuật). 2. African philosophy (Triết học Phi châu). 3. Africana philosophy (Triết học Phi châu ở ngoài châu Phi). 4. Ancient Greek philosophy (Triết học Hy lạp cổ Đại): I. Presocratic philosophy (Giai đoạn Tiền Socrate); II. Classical Greek philosophy (Triết học Hy Lạp cổ điển); III. Hellenistic philosophy (Triết học giai đoạn Hy Lạp hoá); IV.Neo-Platonic philosophy (Triết học giai đoạn Tân Platon). 5. Bioethics (Đạo đức sinh học). 6. Buddhist philosophy (Triết học Phật giáo). 7. Business ethics (Đạo đức kinh doanh). 8. Byzantine philosophy (Triết học Bizantin). 9. Chinese philosophy (triết học Trung Hoa): I.Pre-Qin philosophy (Triết học Tiên Tần). II.Philosophy from Han to Qing (Triết học giai đoạn Hán – Thanh). III. Modern Chinese philosophy (Triết học Trung Quốc cận đại). IV.Contemporary Chinese philosophy (Triết học Trung Quốc hiện đại).10. Christian philosophy (Triết học Kyto giáo). 11. Comparative philosophy (Triết học so sánh). 12. Conceptual history (Lịch sử khái niệm). 13. Confucian philosophy (Triết học Nho giáo). 14. Contemporary philosophy (Triết học hiện đại). 15. Contemporary philosophies in China (Triết học hiện đại ở Trung Quốc).16. Cosmopolitanism (Vũ trụ học). 17. Daoist philosophy (Triết học Đạo gia). 18. East Asian and South-East Asian philosophies (Triết học Đông Á và Đông Nam Á). 19. Environmental philosophy (Triết học môi trường). 20. Ethics (Đạo đức học). 21. Ethics in research (Đạo đức trong nghiên cứu). 22. Existential Philosophy (Triết học Hiện sinh). 23. Experimental Philosophy (Triết học Kinh nghiệm). 24. History of Analytic Philosophy (Lịch sử Triết học Phân tích). 25. History of philosophy (Lịch sử triết học). 26. Humanism and post-humanism (Chủ nghĩa nhân đạo và hậu - nhân dạo). 27. Human rights (Quyền con người). 28. Indian philosophies (Triết học Ấn Độ). 29. Intercultural philosophy (Triết học Liên văn hóa). 30. Islamic philosophy (Triết học Islam). 31. Jewish philosophy (Triết học Do Thái). 32. Latin-American philosophy (Triết học Mỹ Latinh). 33. Logic (Logic học). 34. Marxist philosophy (Triết học mácxít). 35. Medical ethics (Đạo đức y học). 36. Medieval philosophy (Triết học Trung cổ). 37. Metaphilosophy (Siêu Triết lý). 38. Metaphysics (Siêu hình học). 39. Mystical traditions in philosophy (Truyền thống huyền bí và triết học). 40. Moral psychology (Tâm lý học đạo đức). 41. Ontology (Bản thể luận). 42. Phenomenology (Hiện tượng học). 43. Philosophical anthropology (Nhân học triết học). 44. Philosophical counseling and therapy (Tư vấn và trị liệu triết học). 45. Philosophical hermeneutics (Chú giải học triết học, còn gọi là “Thông diễn học triết học”). 46. Philosophical issues about race (Các vấn đề triết học về chủng tộc). 47. Philosophy and cinema (Triết học và điện ảnh). 48. Philosophy and linguistics (Triết học và ngôn ngữ học). 49. Philosophy and literature (Triết học và Văn học). 50. Philosophy and popular culture (Triết học và văn hóa đại chúng). 51. Philosophy and oral traditions (Triết học và truyền thống truyền miệng). 52. Philosophy and psychoanalysis (Triết học và Phân tâm học). 53. Philosophy at the margins (Triết học cận biên). 54. Philosophy for children (Triết học trẻ em). 55. Philosophy of action (Triết học hành vi). 56. Philosophy of architecture (Triết học trong Kiến trúc). 57. Philosophy of argumentation (Triết học của tranh biện). 58. Philosophy of artificial intelligence (Triết học của Trí tuệ nhân tạo). 59. Philosophy of cognitive neurosciences (Triết học về Khoa học thần kinh). 60. Philosophy of communication (Triết học truyền thông). 61. Triết học văn hóa (Philosophy of Culture). 62. Philosophy of death (Triết học về cái chết). 63. Philosophy of development (Triết học phát triển). 64. Philosophy of economics (Triết học kinh tế). 65. Philosophy of Education (Triết học giáo dục). 66. Philosophy of family (Triết học gia đình). 67. Philosophy of food (Triết học ẩm thực). 68. Philosophy of gender (Triết học về giới). 69. Philosophy of globalization (Triết học về toàn cầu hóa). 70. Philosophy of history (Triết học lịch sử). 71. Philosophy of indigenous cultures (triết học về văn hóa bản địa). 72. Philosophy of information and digital culture (Triết học về thông tin và văn hóa số). 73. Philosophy of language (Triết học ngôn ngữ). 74. Philosophy of law (Triết học pháp quyền). 75. Philosophy of liberation (Triết học về tự do). 76. Philosophy of logic (Triết học về logic). 77. Philosophy of mathematics (Triết học của toán học). 78. Philosophy of mind (Triết học trí tuệ). 79. Philosophy of music (Triết học âm nhạc). 80. Philosophy of nature (Triết học về tự nhiên). 81. Philosophy of physics (Triết học của vật lý). 82. Philosophy of religion (Triết học tôn giáo). 83. Philosophy of science (Triết học của khoa học). 84. Philosophy of sex and love (triết học về Sex và tình yêu). 85. Philosophy of sport (Triết học thể thao). 86. Philosophy of technology (Triết học công nghệ). 87. Philosophy of the axial age (Triết học của thời đại bản lề). 88. Philosophy of the body (Triết học cơ thể). 89. Philosophy of the human and social sciences (Triết học của khoa học xã hội và con người). 90. Philosophy of the life sciences (Triết học của khoa học về sự sống). 91. Philosophy of values (Triết học giá trị). 92. Political philosophy (triết học chính trị). 93. Postmodernism (chủ nghĩa hậu hiện đại). 94. Renaissance and early modern philosophy (Triết học Phục hưng và hiện đại sơ kỳ). 95. Russian philosophy (Triết học Nga). 96. Social philosophy (triết học xã hội). 97. Sociology of philosophy (Xã hội học của triết học). 98. Teaching philosophy (Triết học giảng dạy). 99. Theories of knowledge and epistemology (Tri thức luận và nhận thức luận).
[4] Xem:http://wcp2018.pku.edu.cn/yw/Programme/SectionsforContributedPapers/index.htm
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015