Cứu nước vẫn không quên đọc sách
Hôm nay, 21-4, lần đầu tiên mọi người Việt Nam hiếu học và khát khao tri thức có một ngày tôn vinh Sách. Tháng tư này cách đây 87 năm, lần đầu tiên tác phẩm Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in bằng tiếng Việt bởi chính những người thợ in Việt Nam. Một năm trước đó, chính Người trong tác phẩm Nhật ký chìm tàu đã viết trong lời mở đầu: "Độc thư bất vong cứu quốc/ Cứu quốc bất vong độc thư”, nghĩa là: "Đọc sách không quên việc cứu nước/ Cứu nước không quên việc đọc sách”. Ở chương 9 Người còn viết: "Sách là thuốc bổ tinh thần” và chương 10: " Sách là thuốc chữa tội ngu. Dân Nga ham sách nên mau thịnh cường”.
Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Ngày Sách Việt Nam cũng nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Ngày sách Việt Nam cũng được tổ chức nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Có thể nói, cuộc đời Bác là hành trình vừa đọc sách vừa tìm đường cứu nước, vừa đọc sách vừa làm cách mạng. Đọc sách nhưng không để chìm đắm trong sách trở thành một thứ "hủ nho”, "đồ gàn” mà vừa đọc sách vừa dấn thân. Nhưng cũng không phải tìm đường một cách viển vông hay hành động một cách thiếu tri thức. Bác "Tìm đường đi cho dân tộc theo đi” bằng những ngày miệt mài đọc, nghiên cứu sách vở Đông Tây để tìm ra một con người đi thích hợp nhất với dân tộc mình. Trong cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” đã ghi rõ thời gian biểu của Người ở Pháp: "làm việc buổi sáng để kiếm tiền còn buổi chiều đi đến thư viện”. Đó là những tháng ngày miệt mài đọc sách, báo ở Thư viện Paris suốt từ 9-12-1919 đến cuối năm 1923. Và ở đó Người được đọc Luận cương Lê Nin: "Lệ Bác Hồ rơi in trên chữ Lê Nin/ Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp…”
Trong trang mở đầu tác phẩm Đường Kách mệnh, Bác Hồ đã viết: "Sách này chỉ ước sao đồng bào xem rồi nghĩ lại, nghĩ lại rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết mà làm kách mệnh”. Câu nói này nhất quán với tư tưởng trước đó trong Nhật ký chìm tàu: Đọc sách để làm cách mạng, trong lúc làm cách mạng vẫn không được quên đọc sách.
Thực tế đất nước những tháng năm non trẻ và dằng dặc suốt 2 cuộc kháng chiến trường chinh cho thấy các nhà trí thức cách mạng đã đọc sách để làm cách mạng và vừa làm cách mạng vừa đọc sách. Trong rất nhiều cuốn hồi ký cách mạng, từ những lãnh đạo cấp cao của Đảng như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp …cho đến các trí thức lừng lẫy theo Bác Hồ đi kháng chiến đều đi đến đâu cũng mang sách đi theo. Trong những "bồ” hành lý gánh đi theo kháng chiến, dù ở nơi chiến khu heo hút, không bao giờ thiếu sách. Ở đó nhờ mang theo sách, các nhà trí thức – cách mạng nghiên cứu được chiến thuật quân sự, chế tạo vũ khí, bào chế thuốc kháng sinh và tìm ra các phương pháp mổ…Ở đó, nhờ đọc sách mà tìm thấy các qui luật vận động của nhân loại để huy động được lòng dân và sức dân…
Vì sao trong khi nhìn lại, ta luôn thấy Bác Hồ và các bậc tiền bối xưa kia dù ở cương vị nào cũng luôn đạt tới độ mẫu mực trong hành xử với nhân dân. Đó chính là nhờ tri thức tiếp thu từ tinh hoa văn hóa Đông Tây qua sách. Dù làm chính trị, ở cương vị quản lý, lãnh đạo hay làm chuyên môn, nghiên cứu khoa học, có một thế hệ vẫn thuộc lòng các trường phái triết học khác nhau, am hiểu lịch sử, văn học, âm nhạc, hội họa, thông thạo nhiều ngôn ngữ và tiếp cận được các nền văn minh khác…Khi đã có tri thức, làm chủ được tri thức sẽ hiểu được lẽ đời. Văn hóa được vun trồng mới tạo ra quả ngọt.
Nhân những ngày tháng tư này cũng là Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, có thể đưa ra dẫn chứng từ nghề báo. So với những phóng viên điều kiện tác nghiệp hiện đại ngày nay, một thế hệ những người làm báo xưa kia thiếu thốn đủ bề. Vậy mà đó lại là những tên tuổi lịch lãm và uyên bác. Họ không phải chỉ làm một người viết báo đưa tin mà đã đạt tới tầm vóc của trí thức. Tất cả chỉ nhờ đọc sách, thông thạo vài ngoại ngữ chỉ bằng cách tự học qua từ điển. Có một phông nền vững mới viết cho người khác đọc được.
Không có sách, không có tri thức, dân tộc còn chưa có sự thức tỉnh mà vẫn chìm trong sự mông muội bởi vì như chính Người đã nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Cho nên chỉ 6 ngày sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 8-9-1945, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 13 về việc chuyển giao các thư viện công về Bộ Giáo dục quản lý. Chưa đầy 4 tháng sau, ngày 31 tháng 1 năm 1946, Hồ Chủ tịch đã ký tiếp Sắc lệnh số 18 về việc đặt thể lệ lưu chiểu xuất bản phẩm trong cả nước. Theo Sắc lệnh 18, tất cả những ấn phẩm được in, xuất bản trên đất nước đều phải nộp về Thư viện Quốc gia và các thư viện địa phương một số bản nhất định. Đó là lý do ngày nay Thư viện Quốc gia đang lưu giữ tương đối đầy đủ về xuất bản phẩm của Việt Nam.
Chỉ có Người, rất đề cao giá trị của sách, mới nghĩ đến những sắc lệnh lưu trữ sách vào những ngày mà cái ăn còn đang thiếu và vận nước thì đang chưa yên.
"Sách này chỉ ước sao đồng bào xem rồi nghĩ lại, nghĩ lại rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết mà làm kách mệnh” – sự thật là những người Việt Nam đọc sách của Người đã thức tỉnh đứng lên đoàn kết làm cách mạng. Dẫn lại tư tưởng Hồ Chí Minh cách đây gần một thế kỷ để thấy vào lúc cả dân tộc còn chìm trong bóng tối của chính sách ngu dân, Người đã tha thiết nhận ra: Sách là thuốc bổ tinh thần và chỉ có tri thức nhân loại từ sách mới mang lại sự cường thịnh cho dân tộc. Mong mỏi của Người trong Đường Kách mệnh là sự thức tỉnh của nhân dân.
Đó mới là ý nghĩa lớn lao của việc chọn ngày 21-4 – mốc son ra đời tác phẩm Đường Kách mệnh làm Ngày Sách Việt Nam: Đọc sách để nâng cao tri thức, để thức tỉnh cùng nhau đoàn kết xây dựng một đất nước giàu mạnh, cường thịnh.
Bởi vì ngay cả ở vào lúc chúng ta tưởng đã đầy đủ hơn về vật chất, sự ngoảnh lưng với sách sẽ làm chúng ta nghèo nàn tâm hồn và thấp kém nhân cách.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn