Công nghệ sẽ biến đổi giáo dục
“Công nghệ sẽ biến đổi giáo dục” là nội dung một nghiên cứu mới nhất do các chuyên gia về kinh tế và giáo dục Bộ Thương mại Mỹ thực hiện nhằm giúp các nhà tuyển dụng hình dung được những tác động của các công nghệ mới tới công tác giáo dục và đào tạo, trên cơ sở đó xây dựng các kế hoạch cần thiết. Wiliam Stalley, Giáo sư, Giám đốc Phòng nghiên cứu lượng tử của Hãng Hewlett-Packard cho biết: “Tương lai của giáo dục = Công nghệ+Giáo viên”.
1.Xu hướng thay đổi tất yếu
Internet và IT đang làm thay đổi mọi mặt của cuộc sống. Nhờ có các công nghệ này, chúng ta đang sống, mua, bán, làm việc, quản lý và giao thiệp theo những phương thức mới. Các tổ chức đang nghiên cứu áp dụng những công nghệ Internet và IT để hợp lý hoá các quá trình tổ chức, tạo khả năng trao đổi thông tin kịp thời, mở rộng thị trường ra ngoài biên giới quốc gia và cung cấp các dịch vụ thích hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Những năng lực mới này không những giúp nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp, mà còn buộc các chủ doanh nghiệp phải tư duy lại về thị trường, cải tổ lại cơ cấu và các quy trình hoạt động với mục tiêu mang lại những cải thiện đáng kể về chất lượng.
Nhưng nhìn chung, các trường học vẫn nằm bên ngoài lề của cuộc cách mạng thông tin. Giáo dục là ngành duy nhất vẫn còn đang tranh luận về ích lợi của công nghệ. Đại bộ phận các trường học vẫn còn chưa thay đổi, cách thức tổ chức và phương pháp giảng dạy về cơ bản vẫn như cũ mặc dù đã tiến hành một số cuộc cải cách và tăng cường đầu tư vào mua sắm máy tính và kết nối mạng.
Vấn đề không phải ở chỗ đặt quá nhiều kỳ vọng vào công nghệ trong giáo dục, mà ở chỗ việc áp dụng còn quá khiêm tốn. Nhiều trường học chỉ đơn giản áp dụng công nghệ vào các biện pháp giảng dạy truyền thống, chứ không tìm cách sáng tạo dựa theo những khả năng mà công nghệ cho phép. Do vậy, thành quả đạt được nếu có thì cũng còn rất hạn chế.
“Tầm nhìn 2020” giúp hình dung ra cách thức mà công nghệ không những cải tiến được việc giảng dạy, mà còn thay đổi quan niệm của ta về giáo dục. Tầm nhìn này buộc mọi người phải xem xét lại những giả định truyền thống và mở rộng tầm tư duy về cách thức sử dụng công nghệ để đem lại nền giáo dục chất lượng cho từng học viên.
2. IT và giáo dục trong tương lai
Tương lai của nền giáo dục sẽ thay đổi rất nhiều bởi những tiến bộ đang diễn ra của IT. Nhưng quan trọng hơn là nó sẽ bị tác động bởi cách thức các giáo viên và học viên sử dụng IT để chuẩn bị cho việc học tập suốt đời, nhằm đối phó với những thay đổi không ngừng diễn ra. Thiên niên kỷ trước, loài người cũng như các công cụ, tiến hoá rất chậm, nhưng bước vào kỷ nguyên này, những biến đổi mang tính cách mạng liên tiếp xảy ra chỉ cách nhau một thời gian ngắn. Điều này khiến chúng ta rất khó hình dung sau vài thập kỷ nữa những công nghệ nào sẽ ra đời, và các tổ chức còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong việc dự kiến sử dụng chúng sao cho có hiệu quả. Những tiến bộ công nghệ tăng lên theo hàm số mũ đã gây ra nguy cơ lớn cho mọi người -đó là tình trạng dễ dàng bị gạt bỏ bởi dòng thác công nghệ mới và trở nên lạc hậu trước thời cuộc. Tuy nhiên, ở trong tay những giáo viên tài giỏi và tâm huyết, IT có tiềm năng rất lớn để cải thiện quá trình giáo dục. Mọi người ở bất kỳ lứa tuổi nào, nếu được tiếp cận với nó đều có thể học được cách thích ứng với hoàn cảnh thay đổi. Việc quyết định xem liệu công nghệ lấn át hay hỗ trợ những học viên tương lai thuộc trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không chỉ dừng ở người phát triển hay tiếp thị sản phẩm. Hơn bao giờ hết, cần phải có những nỗ lực chung của những người làm công việc giảng dạy và các bậc phụ huynh để đảm bảo công nghệ được sử dụng đúng đắn ở lớp học, sao cho giáo dục trở thành một bộ phận cấu thành của cuộc sống.
Những công cụ giáo dục trong tương lai
Dựa vào những tiến bộ trong thời gian qua của ngành điện tử, ta có thể dự đoán sơ bộ một số công cụ sẽ ra đời 20 năm sau:
- Những máy tính cầm tay (hoặc mang trên người) sẽ có khả năng tính toán nhanh gấp 10.000 lần so với những máy hiện nay và do vậy sẽ có năng lực xử lý dữ liệu ngang bằng với bộ não con người. Chúng sẽ là những trung tâm của các trợ tá số có khả năng lưu trữ lượng thông tin văn bản lớn hơn gấp 10 số lượng mà một người có thể đọc cả đời. Những trợ tá đó sẽ kết hợp các chức năng hiện nay của điện thoại, trình duyệt web, máy ghi và phát cả âm thanh, lẫn hình ảnh. Thông qua web vô tuyến, chúng có khả năng tải xuống các thông tin hình ảnh nhiều hơn khối lượng một người có thể xem trong cả đời.
- Các trợ tá số có khả năng đàm thoại thực sự, đáp ứng được các yêu cầu bằng lời nói và khi chưa hiểu chúng sẽ đặt thêm câu hỏi.
- Các công nghệ màn hình cũng có những tiến bộ vượt bậc. 20 năm nữa, ta có màn hình ở kính mắt để có thể thấy những hình ảnh ảo hoặc ghi được, mà người đeo sẽ lĩnh hội như một bức tranh tả thực 3 chiều rất rộng lớn. Những chiếc kính đó có khả năng gần như liên tục xếp chồng hoặc trộn lẫn những hình ảnh ảo, đo từ xa với thế giới thực.
Viễn cảnh giáo dục tương lai
Nếu chúng ta chấp nhận các dự báo này thì điều gì sẽ xảy ra với tương lai của giáo dục và học tập? Có 2 kịch bản đối lập nhau có thể dự đoán được từ những xu thế hiện nay. Kịch bản thứ nhất vẽ ra một bức tranh đen tối, nhưng hoàn toàn có khả năng xảy ra; còn kịch bản thứ 2 đề cập đến một tương lai tốt đẹp, trong đó giữa các giáo viên và công nghệ có sự phối hợp nhịp nhàng để giúp học sinh phát huy hết khả năng của mình.
Viễn cảnh đen tối
Việc áp dụng mù quáng và sử dụng không thông thạo IT ở lớp học có thể làm cho các thế hệ học sinh tương lai không có khả năng tương tác với nhau và khó đối phó với những sự việc bất ngờ xảy ra trong cuộc sống thường nhật. Suy luận từ cách thức sử dụng máy tính hiện nay ở các trường học, nơi các giáo viên không hiểu biết về công nghệ, hoặc bị nó đe doạ, ta dễ dàng thấy trước được một tương lai không mấy tốt đẹp, khi các giáo viên tiểu học lạm dụng công nghệ để bắt học sinh trật tự và ngoan ngoãn vâng lời. Bản thân học sinh cũng sẽ “nghiện” thế giới ảo mà chúng được tiếp xúc thường xuyên, thậm chí ưa thích thế giới đó hơn thế giới thực. Kịch bản này cho biết, trẻ em tương lai sẽ ít giao tiếp với nhau hơn, sự giao tiếp của chúng với thế giới cũng sẽ hạn hẹp hơn và chúng sẽ trở nên không còn thích hợp với xã hội. Điều này hoàn toàn không hề xa lạ, vì ngay bây giờ ta đã chứng kiến cảnh giới trẻ đi học về là chúi đầu vào các trò chơi điện tử hoặc tán gẫu trên mạng, chứ ít nô đùa với nhau ở các sân bãi.
Một bức tranh khác cũng hoàn toàn có thể xảy ra là các học sinh tương lai sẽ có quá ít kinh nghiệm với thực tiễn. Nếu chúng thường xuyên được hưởng các kịch bản đã được xây dựng sẵn và các mô hình ảo thì chúng không được chuẩn bị các kỹ năng để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh. Một mô hình chỉ có thể đưa vào được những hành vi mà mọi người đã hiểu và đã từng có kinh nghiệm, tuy nhiên cuộc sống bao giờ cũng phức tạp và đầy rẫy những điều mà người lập trình dù giỏi đến đâu cũng không lường hết được. Bởi vậy, người học sinh nếu được dạy dỗ bằng những giải pháp có sẵn cho từng vấn đề thì sẽ trở nên rất máy móc trong cách ứng xử.
Hơn thế nữa, nếu phần mềm giáo dục lại chỉ như một sự mở rộng thêm của các trò chơi trên máy tính hiện nay, thì học sinh sẽ có những nền tảng kiến thức đồng nhất và sẽ có những phản ứng giống nhau đối với cùng một tác động (kích thích). Cách thức sử dụng công nghệ như vậy có thể phá hoại trí sáng tạo của giới trẻ và biến chúng thành những cỗ máy chỉ biết phản ứng với những kích thích đã được chuẩn bị sẵn, chẳng hạn như những chương trình quảng cáo hoặc tuyên truyền chính trị.
Liệu điều đó có nghĩa là phải cấm trẻ em sử dụng máy tính, giống như không được hút thuốc lá hay không? Không cần như vậy và cũng không thực tế. Những máy tính năng lực cao có thể và cần phải được sử dụng để khuyến khích và nâng cao trí sáng tạo của mọi người. Tuy nhiên, các giáo viên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng cách thức áp dụng và xây dựng các giai đoạn học tập với máy tính như một cấu phần trong công tác giáo dục.
Kịch bản lạc quan
Ở kịch bản lạc quan, khi biết cách sử dụng đúng đắn các công nghệ mới ở lớp học, chúng có tiềm năng khuyến khích sự khác biệt và óc sáng tạo. Rất ít người có khả năng dùng bút vẽ để tạo ra các bức tranh lớn hoặc dùng dụng cụ âm nhạc để tấu lên những bản giao hưởng, nhưng nếu có công nghệ và phần mềm thích hợp, mọi người lại có thể dùng kỹ thuật số để tạo nên những bức tranh và âm thanh theo trí tưởng tượng của mình. Điểm này giúp mở rộng phạm vi công việc mà mỗi người có thể đảm nhận để thể hiện các khả năng của bản thân. Mấu chốt ở đây là sử dụng công nghệ như một công cụ tăng sức sáng tạo, chứ không phải là những hạn chế cứng nhắc.
Tương lai này dựa trên giả định mọi người đều có ý thức trách nhiệm xã hội cao, tham dự vào việc tạo ra phần mềm và môi trường phục vụ học tập. Để làm được điều này, mỗi người phải hiểu biết tốt hơn về công nghệ và sử dụng kiến thức đó vào việc thiết kế các công cụ để có được phương pháp sư phạm đúng đắn.
Có một câu ngạn ngữ nói rằng: “Nếu có tầm nhìn mà không có một kế hoạch đi kèm thì vẫn chỉ là mơ ước còn nếu có kế hoạch, nhưng lại không có tầm nhìn thì công việc sẽ cực nhọc, còn khi vừa có cả tầm nhìn lẫn kế hoạch thì có thể thay đổi thế giới.” Những tầm nhìn này sẽ được dùng để định hướng cho kế hoạch công nghệ giáo dục trong tương lai.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường