Con rể triết gia gặp bố vợ thầy cúng!
Mọi việc sẽ trở nên tốt hơn nếu anh không quá vụng về trong cuộc sống khi kết hôn với con gái của ông thầy cúng đã có thâm niên trong nghề.
Lần đầu tiên giáp mặt bố vợ tương lai, Trọng đã thấy gương mặt ông có điều gì ma quái. Đôi mắt lúc nào cũng lim dim như đang lên đồng, những nếp nhăn vần vũ trên mặt lúc thì như một lá bùa chi chít chữ Hán, lúc thì như những que nhang đang bốc khói nghi ngút khiến anh bất giác rùng mình.
Trọng đã muốn đánh bài chuồn ngay lúc đó nhưng nhìn sang bên, thấy người trong mộng miệng cười chúm chím, dung nhan yêu kiều, sóng tình trong anh lại dâng lên cuồn cuộn, áp đảo mọi cảm xúc khác. Thế là bỗng dưng nhà triết học có một ông bố vợ thầy cúng.
Hai con người đó ít khi gặp nhau. Người thì nói như thế là may cho họ vì sẽ tránh được những cuộc xung đột không nên có, người lại bảo như vậy không tốt vì họ sẽ không có điều kiện để hiểu nhau.
Một người hễ mở mồm ra là đầy những duy vật biện chứng, vật chất, ý thức, phạm trù nọ phạm trù kia. Một người lại không thể không bắt đầu câu chuyện bằng “Tí sửu dần mão thìn tị ngọ mùi thân dậu tuất hợi”. Nhưng cuối cùng họ vẫn có cơ hội để “choảng” nhau.
Sáng mùng 2 Tết, vợ chồng Trọng đánh xe từ thành phố về chúc Tết bố mẹ vợ. Lúc ấy, ông Thành, bố vợ của Trọng đang chắp tay lầm rầm khấn vái trong nhà, Trọng vừa vào đến ngưỡng cửa thì vô tình đánh rơi một cái “trung tiện” làm kinh động không khí thanh khiết của buổi sáng đầu năm. Coi đó là một hành động cố tình vô liêm sỉ, một sự xúc phạm không thể dung tha, ông Thành dùng luôn cây mía dựng bên cạnh ban thờ để dạy dỗ thằng con rể vô lễ.
Bị đánh đau, Trọng bỏ chạy thục mạng. Ông Thành vừa cầm gậy mía đuổi theo sau vừa quát: “Thằng duy vật láo toét, ông đánh mày! Thằng duy vật láo toét...”.
Mải đuổi nhau, hai người không biết mình đã chạy ra đến tận bờ sông. Cũng lúc này, không ai còn đủ sức để chạy tiếp. Họ ngồi vật xuống đất, cởi tung áo khoác ra mà thở.
Giữa trời đông giá rét, hai người đàn ông, một già một trẻ, mồ hôi nhễ nhại ngồi phanh ngực trước gió trời lồng lộn, khiến không ít kẻ đi qua phải tò mò ngoảnh cổ lại nhìn cho rõ.
“Con xin lỗi. Nhưng mà con xin thề là con không cố ý. Đấy chỉ là một “tai nạn” ngoài ý muốn”. Trọng vừa thở phì phò vừa cố gắng thanh minh.
Ông Thành vẩu mỏ nguýt một tiếng dài: “Anh cũng biết xin lỗi cơ đấy! Dẹp quách cái trò khổ nhục kế vớ vẩn của anh ngay đi cho tôi nhờ”.
Nghe bố vợ nói mình dùng khổ nhục kế, Trọng buồn cười quá mà không dám cười, sợ lại bị ông choảng cho mấy gậy nữa. Không hiểu sao anh chợt nghĩ ra cách làm hòa: “Bố xem tuổi con với tuổi bố có xung khắc gì không mà sao bố cứ hay nghi kỵ con thế?”.
Bố vợ Trọng hếch mặt đón gió, bấm bấm đầu ngón tay miệng lẩm bẩm: “Dần thân tị hợi tứ hành xung. Tôi với anh không thể gần nhau, hiểu chưa?”.
Trọng cười thầm mấy cái trò: “Tí tủm dần sàng” của bố vợ nhưng cái đầu triết học kia cho anh biết muốn chứng minh ông ta sai thì chỉ còn cách chung sống hòa bình với ông bố vợ nằm trong tứ hành xung với mình.
Trọng coi đó là một đề tài khoa học quan trọng cần chứng minh. Một mũi tên trúng hai đích, vừa vì khoa học vừa vì hạnh phúc gia đình.
Anh thỏ thẻ: “Thế có cách nào hóa giải xung khắc đó không bố? Bố là tài giải hạn lắm cơ mà! Con cõng bố về rồi bố giúp con nhé!”. Nói rồi chẳng cần chờ xem ông gật hay lắc, Trọng xốc bố lên lưng cõng về.
Vừa lúc ấy, “hai bà vợ” mới tìm được đến nơi, thấy cảnh con rể cõng bố vợ trên lưng thân mật chưa từng có thì nhìn nhau ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện quái quỷ gì vừa diễn ra.
Về nhà, ông Thành làm lễ giải hạn giải xung thật. Tất nhiên, ông sẽ phải cố mà yêu con rể để chứng minh phép thuật của mình cao siêu. Còn Trọng cũng phải cố chiều bố vợ để chứng minh “tứ hành xung” chỉ là điều vớ vẩn.
Chẳng biết ai đúng ai sai nhưng cuộc chiến bố vợ, con rể chấm dứt vì mỗi người biết điểm dừng đúng lúc.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý