Kẻ đại náo cũng cần một trật tự

11:03 SA @ Thứ Sáu - 12 Tháng Chín, 2014
Hệ thống là một cái toàn bộ mới mẻ, hoàn toàn khác và nhiều hơn các bộ phận hay các tiểu–hệ thống của nó. Trong khi đó, nồi nước là một hệ thống mở: nó trao đổi năng lượng (nhiệt) lẫn chất liệu (hơi nước) với môi trường chung quanh. Không có nhiệt, nó không bao giờ sôi. Không thoát hơi, nó sẽ… nổ tung, như số phận thường gặp của những hệ thống đóng, khép kín. Sự sống, xã hội, tư duy đều là những hệ thống, vì thế, cần có tư duy… hệ thống!

Triết học và tư duy hệ thống

Triết học thường được xem là nghệ thuật của tư duy hệ thống, thậm chí, không hiếm khi được hiểu là việc “nghĩ ra” những hệ thống. Thật ra, tư duy nào ít nhiều cũng mang tính hệ thống, bởi nó là sự nối kết những tư tưởng. Triết học, có chăng, chỉ làm việc ấy một cách triệt để hơn, về chất hay về lượng. Ý muốn ấy thường thể hiện ở hai phương diện: phê phán những trật tự hay những hệ thống hiện tồn và đặt câu hỏi về trật tự hay hệ thống mới của cái toàn bộ. Triết gia hiếm khi vừa lòng với những trật tự hay những hệ thống sẵn có. Với họ, chúng chỉ là những cái vô trật tự chưa được nhận ra mà thôi. Là tư duy về cái toàn thể, triết học ít quan tâm đến những trật tự đặc thù, bộ phận mà luôn đi tìm cái trật tự bao quát, phổ quát, và nhiều khi tưởng rằng mình đã tìm được!

Nỗ lực tìm ra hay tạo ra một trật tự tinh thần không chỉ để thoả mãn nhu cầu trí tuệ mà còn là một nhu cầu “hiện sinh”. Bất kỳ ai, dù là một kẻ “đại náo”, cũng cần một “trật tự” nào đó trong cuộc sống. Do đó, nếu tư duy là sắp đặt trật tự, và triết học là sắp đặt trật tự cơ bản, nghĩa là trật tự vượt ra khỏi hiện tượng và có tính nguyên tắc (Tư duy nguyên tắc), thì nó luôn có xu hướng là một tư duy có hệ thống. Ở bình diện lý thuyết, triết học chống lại sự hỗn loạn của nhận thức, tức, ít nhiều phải có tính hệ thống trong thao tác khẳng định, xây dựng lẫn phủ định, phê phán. Triết học có tính hệ thống về nguyên tắc, đồng thời có tính nguyên tắc một cách hệ thống!

Trật tự hay hệ thống được suy tưởng bằng nhiều cách khác nhau và được tạo ra bằng nhiều bước. Phân biệt những cái khác nhau, tập hợp lại những cái thuộc về nhau (theo những tiêu chuẩn hay nguyên tắc nhất định), rồi sắp xếp chúng lại theo trật tự tiếp diễn hoặc theo trật tự phụ thuộc. Từ đó, ta có được những trật tự hàng ngang và hàng dọc, theo chuỗi hay theo thứ bậc, có tính phức hợp ít hay nhiều, và ta gọi những trật tự bên trên và bên dưới ấy là những hệ thống. Những hệ thống ấy (của tư duy hoặc của sự vật) có thể rất khác nhau, nhưng đều là những cái toàn bộ được sắp xếp dựa theo những nguyên tắc hay những yếu tố chủ đạo nào đó.

Một hệ thống tuyệt đối?

Vấn đề gay go nảy sinh khi một hệ thống như thế được suy ra bằng con đường diễn dịch, tức từ một số hay thậm chí từ một nguyên tắc duy nhất. Nếu toán học vẫn thường diễn dịch một cách “vô hại” từ những tiên đề, thì phải chăng triết học – như là việc nghĩ ra những hệ thống được diễn dịch – có thể hồn nhiên suy ra toàn bộ thực tại từ một nguyên tắc duy nhất? Triết học cố đi tìm một “công thức duy nhất” cho vũ trụ? Một trật tự tuyệt đối – nếu có – ắt phải được suy ra từ bản thân một cái tuyệt đối. Nếu làm được điều ấy, triết học trở thành… cái biết tuyệt đối. Thế nhưng (lại “nhưng”!), một nguyên tắc tuyệt đối như thế liệu có thể chứa đựng sẵn mọi nội dung có thể có, dù chưa được giải thích? Thêm nữa, một nguyên tắc tuyệt đối thì không chỉ tuyệt đối về nội dung mà còn phải tuyệt đối sáng tỏ để ai cũng nhận thức được. Trong thực tế, một sự hiển nhiên tuyệt đối không được mọi người thấy là hiển nhiên thì chỉ là một khẳng quyết giáo điều, và càng nguy hại hơn khi dùng nó để chê trách người khác là dốt nát, vô tri. Trong chừng mực đó, mọi hệ thống tuyệt đối đều tiềm tàng tính “khủng bố”! Như con mắt không thể nhìn thấy chính mình, mọi hệ thống tự xưng là tuyệt đối đều khó có khả năng tự phê phán. Hơn thế, chúng dễ dẫn đến sự mù quáng vì bỏ quên thực tại hoặc cưỡng bức nó vào trong khuôn khổ của hệ thống. Nếu ta chỉ có thể nhìn cái toàn bộ từ nhãn quan của cái tôi hữu hạn thì mọi hệ thống tuyệt đối chỉ có thể được duy trì bằng sự cuồng tín và sự… thiếu tử tế.

Thấy cây và thấy rừng

Không thể phủ nhận rằng một hệ thống tuyệt đối là có thể suy tưởng được, thậm chí, là một sự tất yếu của tư duy. Nhưng, không phải vì thế mà nó trở nên khả thi như có thể xây nên một toà nhà tiền chế, chìa khoá trao tay. Vậy phải chăng ta đành rút ra kết luận “thực dụng” rằng cần tạm gác lại tham vọng về một trật tự tối hậu? Không ai trong chúng ta có đủ thời gian để chờ đợi một hệ thống hoàn chỉnh cả, dù tư duy triết học bao giờ cũng mong muốn là một tư duy “lôgíc”, “có phương pháp”, “có hệ thống”. Nếu có những người thấy cây không thấy rừng thì việc thấy rừng mà không thấy cây cũng không hẳn là tri thức mà có khi chỉ làm cho mình thêm mù mịt. Triết học, xét về ý tưởng và mục đích, là nỗ lực hệ thống hoá, tức là một sự sắp xếp trật tự toàn diện. Nhưng, trong thực hành, nó bao giờ cũng là một thành tựu tạm thời, không hoàn chỉnh và không kết thúc. Chân thật và dung hoà hơn khi ta cố đi sâu vào những nhận thức bộ phận, đồng thời thu lượm và giữ vững một cái nhìn toàn bộ. Một trật tự tất yếu nào đó tự nó sẽ mang lại cho ta. Tư duy có hệ thống (nhưng không tự trói mình trong hệ thống) mở ra không gian cho tính chất thứ ba của tư duy triết học: tư duy tự do.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tư duy khoa học

    27/10/2015Tư duy khoa học là giai đoạn cao, trình độ cao của quá trình nhận thức, được thực hiện thông qua một hệ thống các thao tác tư duy nhất định trong đầu óc của các nhà khoa học (hoặc những người đang sử dụng các tri thức khoa học và vận dụng đúng đắn những yêu cầu của tư duy khoa học) với sự giúp đỡ của một hệ thống “công cụ" tư duy khoa học nhằm "nhào nặn các tri thức tiền đề, xây dựng thành những tri thức khoa học mới...
  • Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy

    26/03/2014GS. TSKH. Phan Đình DiệuThế kỷ 20 vừa đi qua và những thành tựu khoa học to lớn mà loài người đạt được trong thế kỷ đó đã làm đảo lộn nhiều hiểu biết vốn có của chúng ta về những vấn đề cơ bản như không gian và thời gian, vật chất và vũ trụ, sự sống và con người, rồi tiếp đến là kinh tế và xã hội... Từ những hiểu biết mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau dần dần đã hình thành một quan điểm mới, một tư duy mới về thiên nhiên cũng như về xã hội của chúng ta...
  • Tư duy hệ thống

    25/04/2006Ngô Trung ViệtNhân loại đã thành công qua thời gian trong việc chinh phục thế giới vật lý và trong việc phát triển tri thức khoa học bằng việc chấp thuận phương pháp phân tích để hiểu vấn đề. Phương pháp này gồm bẻ vấn đề thành các cấu phận, nghiên cứu từng phần cô lập và rồi rút ra kết luận về cái toàn thể. Loại tư duy tuyến tính và máy móc này đang ngày một trở nên không hiệu quả khi đề cập tới các vấn đề hiện đại...
  • Tư duy hệ thống: Quản lý hỗn độn và phức hợp

    27/09/2005Cái mới trong khoa học quản lý là quản lý tình thế hỗn độn và phức hợp, trên cơ sở quán triệt tư duy hệ thống. Nhà khoa học quản lý Jamshid Gharajedaghi cung cấp cho các nhà tổ chức và quản lý, cho giới kinh doanh và đông đảo độc giả những kiến thức cần thiết về tư duy hệ thống, bao gồm triết học hệ thống, các lý thuyết hệ thống và phương pháp luận hệ thống, đồng thời trình bày những ứng dụng cụ thể các lý thuyết nói trên vào việc nghiên cứu và thiết kế một số dự án ở các công ty và các cơ quan chính phủ nhiêu nước, mà bản thân tác giả đã tham gia và có vai trò tư vấn chủ chốt...
  • Khởi đầu xây dựng một Thế giới quan mới

    26/04/2003Bùi Quang Minh ([email protected])Khoa học công nghệ đương đại sẽ cung cấp tư liệu mới, phương pháp tư duy mới làm cơ sở cho việc xây dựng “lâu đài” triết học của thế kỷ 21 định hướng cho con người hiện đại rõ ràng và đúng đắn hơn...
  • 12 nguyên tắc cơ bản của phương pháp hệ thống

    28/04/2003Đây là những đặc điểm cốt yếu của cách tư duy hệ thống giúp chúng ta nhìn các đối tượng một cách toàn thể, mang tính hệ thống và các mối liên hệ...
  • xem toàn bộ