Chuyện hài hước từ những cái cây ở ban công
Vụ việc ở Đà Lạt người ta đã đánh trốc gốc một cây mai cổ thụ nhiều tuổi nhất được coi là một ông Hoàng hoa mai khiến nhà báo Nguyễn Quang Thiều đau xót. Những hành động tàn phá cây xanh trong các công viên, trên phố, tại các khu rừng... để phục vụ cho cái lợi ích nhỏ nhoi của một số ít cá nhân là thiếu văn hoá, hay là dốt nát? Để có câu trả lời, mời đọc bài viết của nhà báo Nguyễn Quang Thiều.
Hầu hết trên ban công của mỗi ngôi nhà trong thành phố đều có những chậu cây. Chúng ta trồng những chậu cây trên ban công nhà mình để có màu xanh, để chống lại những cơn bão bụi, để chống lại cái nóng hầm hập của mùa hè và để ngắm nhìn nữa.
Vào ngày nghỉ cuối tuần, chúng ta ra tận ngoại thành hoặc bãi sông để lấy đất phù sa. Rồi chúng ta hì hục mồ hôi, mồ kê vác tải đất lên tận ban công tầng 2 tầng 3 và có khi tầng 5. Rồi chúng ta mua cây. Rồi chúng ta trồng. Sáng dậy chúng ta tưới cây dù có thể đến công sở chậm. Chẳng có gì quan trọng. Thiếu gì lý do với lãnh đạo về việc đi làm chậm của mình. Chiều về, chúng ta tưới cho cây trước rồi mới tắm cho mình. Đêm khuya đi ngủ, có người còn tưới cho cây một lần nữa. Khi xa nhà nhiều ngày trở về, nếu thấy cái cây vàng lá hay có vẻ thiếu nước, chúng ta xót xa, than thở và trách móc những người ở nhà không chăm sóc cái cây.
Quả là chúng ta đối xử với những cái cây trên ban công nhà mình như chăm sóc một sinh linh. Sự thật đúng là thế. Nhưng có một sự thật khác nữa. Một sự thật nực cười và thật tồi tệ. Đó là trong khi chúng chăm sóc thái quá những cái cây trên ban công nhà mình thì chúng ta lại thi nhau tàn phá những cái cây khác. Chúng ta tàn phá những cái cây trên phố, quanh hồ nước, trong công viên, cạnh những khu di tích văn hoá hay lịch sử... cho đến phá cả những khu rừng nguyên sinh hàng ngàn hécta.
Ngay cả những bãi cỏ đẹp trong thành phố mà hết thập kỷ này đến thập kỷ khác chúng ta cứ phải để lù lù một cái biển như một lời van: "Xin đừng dẫm lên cỏ" nhưng chúng ta cứ vô tư dày xéo lên. Cỏ ấy có ở trên ban công nhà mình đâu mà phải gìn giữ. Chúng ta lại thay hết cái biển này đến cái biển khác: "Xin đừng ngắt hoa" nhưng chúng ta cứ ngắt đấy. Hoa đó có phải ở trên ban công nhà mình đâu mà không ngắt. Với những cái biển có dòng chữ ở nước khác: Xin (hãy)... thì tôi coi đó là lời nhắc nhở hoặc là mệnh lệnh. Nhưng ở nước ta thì tôi thấy đó là lời van xin. Thế mà van xin mãi chúng ta cũng chẳng tha cho. Chúng ta thật tồi tệ và đáng hổ thẹn.
Mấy hôm vừa rồi, tôi vừa đọc trên báo thấy ở Đà Lạt người ta đã đánh trốc gốc một cây mai cổ thụ nhiều tuổi nhất được coi là một ông Hoàng hoa mai. Những người có trách nhiệm ở đó giải thích vì cây mai đó nằm trong khu vực của một công trình sắp xây dựng. Hành động đó là vô cảm, thiếu văn hoá hay là dốt nát? Tôi nghĩ bạn đọc đã có câu trả lời.
Nếu họ phải xây dựng một công trình gì đó thì việc đầu tiên họ phải tìm cách bảo vệ cây mai kia trong khu vực xây dựng. Nếu không họ phải di chuyển cây mai ấy đến một nơi an toàn và chăm sóc nó. Quả thực tôi không hiểu được điều này. Nhưng ngẫm cho kỹ thì thấy chẳng có gì khó hiểu với những điều khó hiểu đang xảy ra ở xứ sở này.
Một lần đi trên một đường phố ở Boston - Mỹ, tôi nhìn thấy người ta đóng hộp gỗ quanh những gốc cây. Tôi nghĩ mãi không biết họ làm thế để làm gì bèn hỏi một người bạn Mỹ. Người bạn nói họ bảo vệ những cái cây vì chuẩn bị sửa chữa con đường. Họ sợ khi sửa đường vô tình làm hư hại những cái cây. Nghe vậy, tôi thực sự vừa thấy ngớ ngẩn vừa thấy xẩu hổ vì câu hỏi của mình.
Có nước, ở những khu chim làm tổ nhiều, người ta phải chăng những tấm lưới mềm dưới những vòm cây để những con chim non mùa sinh nở có rơi khỏi tổ cũng không bị trọng thương. Còn chúng ta đang sống với lối sống gì thì ai cũng biết. Trong khi chúng ta bỏ ra hàng có khi đến hàng triệu đồng để sở hữu một con chim trong lồng treo ở ban công và chăm sóc nó hơn cả một người con có hiếu chăm sóc cha mẹ thì chúng ta lại lăm lăm súng hơi săn lùng bắn giết những con chim trong những vòm cây.
Từ ngoài ban công bước vào, chúng ta thấy chính chúng ta hoặc bò rạp mình hoặc thuê những người giúp việc lau sàn nhà lát bằng những viên đá đắt tiền và không cho người khác đi giày dép vào nhà. Tôi đã chứng kiến một ông tỏ ra giận dữ khi mẹ mình đi dép từ ngoài sân vào nhà. Nhưng trong lúc ấy, chúng ta lại ngang nhiên đổ rác tuỳ tiện ra phố và tè bậy cả những nơi công cộng.
Bây giờ, quá nhiều gia đình chúng ta tìm mua đủ loại máy lọc nước cho gia đình nhưng lại công khai làm ô nhiễm nặng nề những hồ nước, những con sông... Rồi chúng ta lại lấy nước từ những hồ, những sông ấy vào bể chứa nhà mình rồi lại lùng sục những trang quảng cáo trên báo, trên các trang Web để tìm mua những thứ máy móc với hy vọng giúp chúng ta tạo ra những nguồn nước tinh khiết. Đây là sự hài hước hay là sự đần độn của con người(?).
Chúng ta đang sống một lối sống ích kỷ, vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết. Chúng lầm tưởng những cái cây trên ban công, những sàn nhà sạch bóng, những bình nước dùng trong gia đình tinh khiết... sẽ cứu được chúng ta còn "thiên hạ" có làm sao cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cá nhân chúng ta. Lối sống này đã trở thành một căn bệnh trầm kha của chúng ta. Lối sống này đang lây truyền ra toàn xã hội. Lây truyền đến độ chúng ta hung hăng và trắng trợn nhổ tung gốc một cái cây đẹp như thế, lấp cả một hồ nước như thế, xoá một phần lớn công viên như thế... để xây những khu kinh doanh.
Lây truyền đến độ có những nhà máy của chúng ta giết chết cả một con sông và đe doạ sự sống của cư dân đôi bờ, nhưng lại nộp hồ sơ để hòng giành giải những sản phẩm tốt. Những giải thưởng này không vì lợi ích của con người và trái đất. Nó gián tiếp hay trực tiếp phục vụ những lợi ích kinh doanh của chúng ta mà thôi. Hãy nhớ rằng: cả một cơ thể đầy bệnh tật thì đừng mong một ngón tay không bệnh tật. Đấy là sự hài hước hay là sự ngu dốt của con người.
Tất cả những hành động đó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, từ sự vô cảm, từ thói ích kỷ hợm hĩnh của chúng ta. Chúng ta tưởng rằng chặt một cái cây, lấp một hồ nước, đầu độc một con sông, tàn phá một cánh rừng... chẳng hề ảnh hưởng gì tới cái cây trên ban công hay bình nước trong bếp nhà chúng ta. Nhưng khi chúng ta yên trí ngủ say trong ngôi nhà của mình với lòng tin rằng đó là một pháo đài bất khả xâm phạm mà chúng ta hì hục xây dựng và trang bị suốt một đời người thì linh hồn của những cái cây đã chết, linh hồn của những hồ nước bị lấp, linh hồn của những con sông bị đầu độc... đêm đêm trở về bay trên giấc ngủ chúng ta và nói: Các người đang tàn lụi và đang trở thành những kẻ điên rồ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh