Sống văn minh
Làng B từ lâu đã bị chê cười là làng thiếu văn hóa nhất trong cả xã, nhất trong cả huyện và thậm chí là nhất cả tỉnh nữa. Trong làng, từ người lớn đến trẻ con, mà ngay cả người già đụng đâu là xả rác, phóng uế ra đấy, ra đường thì hở một chút là chửi thề văng tục, đụng một chút là thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Từ chủ tịch xã đến công an, ban tư pháp, nói chung là tứ chi đoàn thể đành bó tay trước tình trạng lộn xộn, phức tạp này.
Cũng vì thế mà dường như khách lạ chẳng dám bước chân đến thăm làng, chẳng muốn giao tiếp hay làm ăn gì với làng, đến dựng vợ gả chồng với người trong làng, người của những làng lân cận cũng chẳng muốn. Cả làng chỉ có một trường cấp một lèo tèo vài lớp, thầy giáo nào về đây dạy cũng chán nản chỉ muốn bỏ đi... Làng đã nghèo còn nghèo hơn, đã dốt còn dốt hơn, đã mất văn hóa còn mất văn hóa hơn...
Một ngày nọ, có một nữ sinh viên trong làng vừa tốt nghiệp trường sư phạm trên thành phố quay trở về làng (không biết là do cô quyết định mang sở học về giúp cho địa phương hay do không xin được chỗ làm trên thành phố, nhưng dẫu sao, đếm ngược đếm xuôi chỉ có cô là trường hợp duy nhất của cả làng). Thấy tình hình của làngnhư thế, cô bức xúc lắm. Cô mang hết tất cả kinh nghiệm, kiến thức học được để viết một bản gọi là “Giải pháp cải tiến văn hóa cho làng”. Nghe đâu chỉ vì để hết tâm sức cho giải pháp này mà chỉ sau một tháng trời, tóc của cô bị bạc hết một nửa.
Khi giải pháp đến tay lãnh đạo của làng, họ vừa hoan hỉ lại vừa lo âu: Hoan hỉ vì từ trước đến giờ mới có một kế hoạch đàng hoàng cụ thể... Lo âu cũng vì từ trước đến giờ dân làng đã quen với từ văn minh, văn hóa gì gì phức tạp bao giờ đâu... Nhưng vì tương lai của xã, nhất định phải áp dụng thử.
Thế là một ngày đẹp trời, trong tiếng nhạc xập xình, trống lân tưng bừng ngay tại cổng làng, một tấm biển to đùng được kéo lên, chễm chệ chiếm ngôi vị cao nhất: Làng văn hóa... và ở dưới là dòng chữ nhỏ hơn, nhỏ hơn chút xíu thôi: “Welcome to làng B...”. Đi vào trong làng, đâu đâu cũng thấy những tấm băng rôn kêu gọi giữ gìn vệ sinh, không gây gổ, không xả rác v.v... Còn nữa, biết bao nhiêu tờ rơi, tờ bướm phát đến tận nhà khuyến khích người dân đề cao ý thức xây dựng làng văn hóa... Dù là xã nghèo, nhưng vì tương lai của nền văn minh xã hội nên dù tất tần tật những chuyện trên chiếm một phần ngân sách không nhỏ (Chẳng biết có vị nào kê thêm chút đỉnh không?) nên làng cũng phải cắn răng chi trả...
Mấy ngày đầu tạm ổn, mới cắt băng đấy, mới ký biên bản cam kết thực hiện lối sống văn minh đấy nên dân làng còn ghi nhớ, chỉ được hơn tuần, cuộc sống cơm áo gạo tiền khiến người ta quên phứt những chuyện văn hóa văn minh vốn dĩ chẳng hề nằm trong ý thức...
Thế là lại xả rác, may là mới chỉ xả rác và phóng uế, bởi đâu phải chỗ nào cũng có thùng rác và nhà vệ sinh công cộng đâu (tiền chi vào băng rôn, tờ rơi, tờ bướm, áp phích hết rồi). Tiếp đến, có người thấy người kia xả rác nhắc nhở, mà đã nhắc nhở thì bẽ mặt, thế là chửi thề mà đã chửi thề thì phải đánh nhau... Chỉ được một tháng, văn hóa làng đâu lại vào đó. Nghe đâu cô giáo nọ chưa nản, cô lên lại thành phố kêu gọi bạn bè về mở thêm trường cấp hai, cấp ba. Theo cô, muốn có văn hóa thì phải có ý thức mà muốn có ý thức thì phải có giáo dục đã. Chẳng biết kế hoạch cô có khả thi và kéo dài trong bao lâu??
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005