Chuyện về tấm bia Alexandre de Rhodes
Xem thêm:
Ngay chính vị trí tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" hiện nay, trước kia là bia tưởng niệm ghi nhớ công ơn của Alexandre de Rhodes, một trong những người có công lớn mang lại chữ viết hiện nay cho người Việt. Việc phát hiện ra tấm bia này hết sức tình cờ...
Người khởi xướng và đứng ra dựng bia là nhân sĩ Nguyễn Văn Tố (1889-1947). Cụ người làng Đông Thành (nay là phố Bát Sứ, quận Hoàng Kiếm). Học trường Thông ngôn của Pháp, ra trường cụ làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1938, cùng một số trí thức cụ lập ra Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ tạo nên một phong trào học chữ quốc ngữ rộng khắp trong cả nước. Năm 1945 cụ được cử làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ bị lính Pháp bắn chết khi nhẩy dù xuống Bắc Cạn năm 1947.
Rạp Pathé năm 1920, đối diện đền Bà Kiệu, nơi sau này đặt tấm bia Alexandre de Rhodes
.
Theo sáng kiến của cụ Nguyễn Văn Tố, nhà bia tưởng niệm ông đã được dựng cạnh đền Bà Kiệu bên Hồ Gươm. Đó là phương đình, bốn mái theo kiểu kiến trúc Phương Đông, trên nền xi măng gấp khúc 12 cạnh, có 3 lối lên 5 bậc. Bên trong nhà bia dựng tấm bia đá cao 1.70m, rộng 1.10m, dày 0.20m, trên đế bia cao 50cm. Trên mặt bia ghi tóm lược cuộc hành trình truyền giáo và công lao của ông trong việc chế tác chữ Quốc ngữ, được khắc bằng ba thứ ngôn ngữ: quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp.
Nhà bia Alexandre de Rhodes khánh thành vào 5h chiều ngày 29/5/1941. Đó là phương đình bốn mái trên nền xi măng gấp khúc 12 cạnh có ba lối lên 5 bậc. Bên trong là bia đá cao 1, 7mét, rộng 1, 1mét, dầy 0, 2 mét trên đế cao 0, 5 mét. Trên mặt bia tóm lược cuộc hành trình truyền giáo và công lao của Alexandre de Rhodes trong việc chế tác chữ quốc ngữ được khắc bằng ba thứ tiếng: Quốc ngữ, Hán và Pháp. Trong văn bia có đoạn: "Người soạn ra nhiều truyện ký đều diễn dịch ra mấy thứ tiếng, và người soạn ra quyển sách Bổn và quyển Tự vị tiếng Việt Nam, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng La tinh là những sách bằng tiếng Việt Nam dịch âm theo chữ La tinh xuất bản trước tiên nên tên người cũng được lưu truyền với cái công nghiệp phát minh ra chữ Quốc ngữ"; "...Khi phải rời bỏ xứ Việt Nam, người lấy làm tiếc nên có nói: Phần xác ta rời bỏ đất Nam với đất Bắc nhưng thực lòng ta vẫn quyến luyến, nói cho đúng, vẫn bàng hoàng với cả hai nơi và ta chắc rằng không bao giờ lòng ta lại quên hai xứ ấy".
Tuy có sự đánh giá khác nhau về ông Alexandre de Rhodes nhưng theo GS.TS. Nguyễn Duy Quý thì đã có sự thống nhất ở những điểm: Việc chế tác chữ quốc ngữ là công trình tập thể của nhiều linh mục dòng Tên người châu Âu trong đó nổi bật là vai trò của Francesco de Pina, Gaspar d'Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rohodes.
Công việc này cũng có sự cộng tác tích cực hữu hiệu của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục) mà cho đến nay chưa ai biết tên tuổi của họ. Alexandre có công lớn ở chỗ ông đã góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ quốc ngữ, đặc biệt ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn, tổ chức in ấn lần đầu cuốn Từ điển Việt - Bồ - La(trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và Phép giảng tám ngày. Xét từ góc độ ngôn ngữ, Diễn giải vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng Đàng Ngoài (in chung trong từ điển) có thể xem như công trình khảo cứu đầu tiên về ngữ pháp tiếng Việt và cuốn Phép giảng tám ngàylà tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói hàng ngày của người Việt Nam thế kỷ XVII. Chữ quốc ngữ năm 1651 của Alexandre trong Từ điển Việt - Bồ - La mặc dù đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải 121 năm sau (1772) với những cải cách quan trọng của Pigneau de Béhaine thì chữ mới có được diện mạo giống như hệ thống chữ viết hôm nay.
Một nghi lễ được tổ chức tại nhà bia với sự tham gia của học sinh HN-1941. Tư liệu: Xưa và Nay
.
Đêm ngày 9/10/1984, xe cẩu, công nhân kéo đến bia Alexandre de Rhodes rồi người ta dùng cần cẩu loại nhỏ cẩu tấm bia mang quẳng ra mép hồ xí nghiệp Cơ khí 204 (ngoài đê sông Hồng). Tấm bia nằm đó không lâu thì một ông xích lô ở ngõ Pháo Đài trong lúc đi vệ sinh phát hiện ra tấm đá to lại bằng phẳng liền gọi vợ con lại và nhờ đám bạn xích lô mang về lát chỗ rửa rau vo gạo. Nhưng được một thời gian trong gia đình ông có nhiều người đau ốm, thuốc men tốn rất nhiều tiền mà bệnh tình không lui. Đi xem, thầy phán nhà có đồ thờ cúng lạ, ông nghĩ ngay đến tấm bia. ông lại nhờ bạn bè khiêng lên xe chở ra bờ đê và hạ xuống ngay trước cửa nhà máy Nước đá. Đoạn đê này lúc đó còn là đất, cỏ dại mọc um tùm. Từ khi quẳng tấm bia đi vợ con ông hết bệnh tật ốm đau...
Ông Nguyễn Việt Minh (nhà ở tập thể của bảo tàng lịch sử phố Trần Khánh Dư), học khóa đầu tiên 4 năm rưỡi về bảo tồn bảo tàng tại trường Nghiệp vụ Bộ Văn hóa (hiện là trường Đại học Văn hóa).
Năm 1992, sau mấy năm đổi mới, Hà Nội bắt đầu chuyển mình, nhiều hộ gia đình khá lên rục rịch xây nhà, ông thuê cửa hàng mở nghề làm cửa sắt các loại. Một buổi sáng ông Minh lên chợ Đồng Xuân mua vật liệu đến đúng trước cửa nhà máy Nước đá (Phố Trần Quang Khải), ông muốn đi vệ sinh liền ghé xe vào gần bờ đê và vô tình ông thấy phiến đá phẳng bị cỏ phủ lên. Tò mò, lật đám cỏ ra và cỏ đất bám trên mặt ông giật mình vì đó là tấm bia, lại càng thót tim hơn khi đó là tấm bia Alexandre de Rhodes.
Thời kỳ Bắc thuộcT, Sĩ Nhiếp, Thái phụ Giao chỉ có công truyền bá chữ Hán cho dân Việt Nam đã được suy tôn làm Nam bang học tổ, gọi là Sĩ Vương và được nhân dân lập đền thờ, trong khi Alexan de Rhodes có công mang lại chữ viết cho cả người Việt và trở thành chữ Quốc ngữ lại nằm ngoài bờ đê, ông thấy nhói trong lòng. Từng làm việc ở Bảo tàng ông hiểu nếu mang về nhà không kín đáo có thể bị kết tội chiếm đoạt di tích cho dù nó nằm ở bờ đê. Đêm muộn ông nhờ Hùng "toét" lái xe chở về và phải thuê cửu vạn bí mật khiêng vào đặt lên chỗ cống không có nắp. Không một ai trong khu nhà ông biết. Phần tiếng Pháp trên tấm bia đã bị bào mòn, nhưng phần chữ Việt thì còn nguyên. ông có một người bạn là họa sỹ Nguyễn Quang Cậy, ông Cậy cũng biết ông Dương Trung Quốc và qua ông Cậy, ông Dương Trung Quốc có ý định đưa ba triệu đồng để lấy bia nhưng ông không đồng ý. Khi nghe tin Hội nghị Pháp ngữ tổ chức tại Hà Nội (1997), cũng biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt coi trọng di sản văn hóa nên ông nhờ người báo cáo lên Bộ Văn hóa - Thông tin. Sau đó Bộ cử người xuống và mang đi. Từ khi tình cờ phát hiện ra tấm bia đến khi giao cho cơ quan chủ quản, ông đã đi lần mò ra tấm bia bị tháo bỏ ngày nào và hành trình lưu lạc của nó...
Thế chỗ nhà bia là tượng đài Cảm tử và mọc thêm một biển quảng cáo điện tử
.
Đến năm 1993, nhân 400 năm sinh của Alexandre de Rhode. Câu lạc bộ Sử học đã tổ chức cuộc toạ đàm về Alexandre de Rhode. GS. Nguyễn Lân nhắc đến nhà bia tri ân Alexandre de Rhode bên Hồ Gươm đã bị phá bỏ do tư tưởng hẹp hòi không phù hợp với đạo đức của dân ta, một dân tộc nặng tình trọng nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Ngay trong thời kỳ Bắc thuộc, Sỹ Nhiếp, thái phụ giao Chỉ có công truyền bá chữ Hán cho dân ta, đã được suy tôn là Nam ban học tổ, gọi là Sĩ Vương và được nhân dân ta lập đến thờ. Sau Cách mạng tháng Tám, ta vẫn giữ tượng bán thân của nhà vi trùng học Pasteur ở vườn hoa trước Viện Vệ sinh Dịch tễ, trước cửa viện này có phố mang tên bác sỹ Yersin. Ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có phố mang tên các bác sĩ Yersin và Calmette; ở Nha Trang có tượng Yersin. Để sửa chữa sai lầm đa phá nhà bia kỷ niệm Alexandre de Rhode, GS. Nguyễn Lân đề nghị dựng tượng bán thân ông đặt ở vườn hoa Tao Đàn trước cửa trường Đại học Dược khoa Hà Nội
Năm 1995, nhân kỷ niệm 335 ngày mất của Alexandre de Rhodes, Trung tâm KHXH và NV đã tổ chức hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Trong bài phát biểu "Về những đóng góp của Alexandre de Rhodes" GS.TS Nguyễn Duy Quý đã kết luận:"Trước mắt, đối với Alexandre de Rhodes- như chúng ta đa có kiến nghị với chính phủ - để thiết thực ghi nhận những đóng góp của ông, chúng ta sẽ tiến hành đưa tấm bia ghi công ông trong việc điển chế hoá chữ Quốc ngữ vào khuôn viên Thư viện Quốc gia và sẽ khôi phục lại tên phố Alexandre de Rhodes ở thành phố Hồ Chí Minh"
Như vậy, công lao to lớn của Alexandre de Rhodes trong điển chế hoá chữ Quốc ngữ một lần nữa được khẳng dịnh. Tấm bia đá về Alexandre de Rhodes sau hơn 10 năm lưu lạc đã chính thức được quan tâm. Cục Bảo tồn - Bảo tàng, Bộ Văn hoá Thông tin có công văn số 531/BT-BT ngày 29/7/1997 dự định đưa tám bia đặt ở nhà tám mái Vườn hoa Canh Nông trên đường Điệnh Biên Phủ. Đến nay tấm bia đang được lưu giữ trong kho Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội
Theo GS. Vũ Khiêu, nếu dựng là nhà bia Alexandre de Rhode trên vị trí cũ, khu vực Hồ Gươn sẽ sáng lên những nét đẹp: Hoà bình (vua Lê trả gươm)- Văn hoá (Nguyễn Siêu dựng Tháp Bút)- Hữu nghị (bia Alexandre de Rhode, người có công trong chế tác chữ Quốc ngữ)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015