Sau 351 năm mới tìm thấy mộ người đã khai sinh ra những mẫu tự Việt Nam
Con đường cao tốc nối Teheran với Isfahan phẳng đẹp như một dải lụa mềm vắt qua những núi đồi, cao nguyên hoang vắng đầy sỏi đá. Đường tốt, nên chỉ hơn 4 giờ, chúng tôi đến Isfahan.
Nằm trên tuyến đường giao thương chính Bắc – Nam, Đông – Tây, Isfahan từng là kinh đô của nước Ba Tư xưa. Thành phố này nổi tiếng với những kiến trúc Hồi giáo, có nhiều đại lộ, nhà thờ tuyệt đẹp. Điều này khiến thành phố được người Iran đưa vào câu thành ngữ: “Isfahan là một nửa của thế giới”.
Chúng tôi đến Isfahan vào một ngày mùa đông se lạnh nhưng tràn ánh nắng. Hỏi đường đến một nhà thờ Công giáo nào đó, chúng tôi được người dân chỉ dẫn tận tình. Điểm chúng tôi đến là nhà thờ Vank, nhà thờ thiên chúa lớn nhất Isfahan.
Qua giây phút ngạc nhiên trước đoàn khách Việt Nam, cha xứ nhà thờ nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi hồ hởi. Trước nay, hiếm có du khách Á đông nào, nhất là từ Việt Nam xa xôi tới nơi đây. Ông nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan và nói về lịch sử nhà thờ.
Nằm trong thế giới Hồi giáo, nhà thờ có kiến trúc bề ngoài đặc trưng Hồi giáo, nhưng vào bên trong, với các tranh và tượng Thánh đầy ắp khắp các bức tường, cứ ngỡ như đang ở một nhà thờ nào đó ở Roma hay Paris.
Cha xứ càng ngạc nhiên hơn khi chúng tôi hỏi về giáo sĩ Alexandre de Rhodes – người đã mất cách đây hơn 350 năm. Nhà thờ Vank có một thư viện lớn, lưu trữ nhiều tư liệu quý giá. Cha xứ nói người vào thư viện tìm kiếm. Lát sau, một thanh niên to khỏe khệ nệ mang ra một cuốn sổ dày cộp, to chừng nửa cái bàn, bìa bọc da nâu ghi chép về các giáo sĩ đã làm việc và mất tại đây. Ngạc nhiên và vui mừng tột độ, cha và chúng tôi tìm thấy dòng chữ ghi Alexandre de Rhodes mất năm 1660.
Như vậy, không nghi ngờ gì nữa, chính tại nhà thờ Vank này, cha Đắc Lộ đã sống và làm việc những năm cuối đời. Chúng tôi hỏi: “Thưa cha, liệu có thể tìm thấy mộ của Alexandre de Rhodes ở đâu không?”. Cha xứ tận tình chỉ đường cho đoàn khách đặc biệt tới Nghĩa trang Công giáo ở ngoại ô thành phố.
Phân vân tự hỏi làm sao tìm được mộ cha Đắc Lộ trong khu nghĩa trang rộng lớn này? Thật may, chúng tôi gặp được người quản trang nhiệt tình. Ông chỉ đường cho chúng tôi đến khu mộ cổ.
Chia nhau đi các ngả tìm kiếm, lần mò hồi lâu, chúng tôi reo lên khi thấy ngôi mộ có ghi rõ tên Alexandre de Rhodes. Mộ ông nằm bên cạnh hai ngôi mộ khác thành một cụm ba ngôi. Gọi là mộ, nhưng không đắp nổi như ở Việt Nam. Đó chỉ là tảng đá lớn nằm nghiêng nửa chìm, nửa nổi trên mặt đất. Dù đã trải qua mưa nắng, biến động cuộc đời hơn ba thế kỷ, chữ khắc trên tảng đá còn khá rõ nét.
Trong ánh nắng ban trưa, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước ngôi mộ, ai cũng thấy dâng lên trong lòng mình những cảm xúc bâng khuâng khó tả.
Rời Isfahan, trở về với công việc thường nhật, chúng tôi cảm thấy có đôi chút may mắn là một trong những người Việt đầu tiên tìm thấy mộ phần của cha Đắc Lộ. Thế giới nhiều khi hữu hạn, còn văn hoá và ngôn ngữ dường như vô hạn. Xin cảm ơn Cha, người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ để cả dân tộc Việt sử dụng cho tới ngày hôm nay!
Alexandre de Rhodes (15 tháng 3 năm 1591 – 5 tháng 11 năm 1660)là một nhà truyền giáo Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học người Avignon. Ông đã góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá Công giáo tại Việt Nam và việc hình thành chữ quốc ngữ. Tác phẩm ông biên soạn, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt–Bồ–La), xuất bản tại Rôma năm 1651, đã hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh.
.
.
Thuở thiếu thời
Alexandre de Rhodes sinh tại Avignon thuộc Lãnh thổ Giáo hoàng, nay ở miền nam nước Pháp, trong một gia đình khá giả. Theo một số sử liệu, ông sinh năm 1591, nhưng nhiều nguồn khác ghi năm 1593. Sau khi hoàn thành trung học tại quê nhà, ông vào Nhà Tập Dòng Tên tại Roma ngày 24 tháng 4 năm 1612, học thiên văn và toán học. Một người bạn đồng môn của ông là Johann Adam Schall von Bell sau này rất nổi tiếng tại Trung Hoa. Thời kỳ này, công cuộc truyền giáo cho các dân tộc đang trên đà phát triển nhưng cũng gặp sự kháng cự của các chính quyền sở tại. Vì thế, bên cạnh nhiệt tâm truyền giáo, còn phải kể ước muốn được đổ máu đào minh chứng cho Chúa Giêsu của các vị thừa sai tiên khởi. Gia đình ông có gốc Do Thái, tổ tiên ông từ Tây Ban Nha sang tị nạn dưới bóng Giáo hoàng vì thời ấy Avignon là đất của Giáo hoàng, nên tên ông là Alexandre de Rhodes. Tên ông được người đời sau phiên âm là A-lịch-sơn Đắc-lộ.
Truyền giáo.
Trong bối cảnh đó, Alexandre de Rhodes đã xin và được giáo sĩ cấp trên chỉ định đi truyền giáo tại Nhật Bản. Ngày 4 tháng 4 năm 1619, ông lên đường sang Nhật vào tuổi 26.
Đầu tiên, Alexandre de Rhodes cập bến tại Goa, đợi chờ cơ hội thuận tiện đặt chân lên đất Nhật Bản. Nhưng tình hình bách hại Kitô giáo dữ dội tại đây đã khiến các giáo sĩ bề trên chỉ định ông đi Trung Quốc. Ông lên tàu đi Ma Cao, nhập học Đại học Thánh Phaolô. Tại Macao ông đã ghi lại nhận xét về người Trung Hoa:
"Người Trung Hoa rất ngạc nhiên khi nhìn thấy bản đồ chúng tôi vẽ. Trung Quốc vĩ đại của họ chỉ còn là chấm nhỏ trong vũ trụ Trái Đất bao la. Trái lại, nơi bản đồ trái đất hình vuông do họ vẽ, Trung Quốc nằm chính giữa, đúng như tên gọi (Trung Quốc-nước ở giữa). Sau đó, họ vẽ biển nằm bên dưới Trung Quốc, trong đó rải rác mấy đảo nhỏ, và họ đề tên: Châu Âu, Châu Phi và Nhật Bản..."
Ông còn viết:
"Chúng ta thường tỏ ra quý chuộng những người ngoại giáo. Nhưng khi họ trở thành Kitô hữu, chúng ta không đoái hoài đến họ nữa. Thậm chí còn bắt các người theo đạo phải từ bỏ y phục địa phương. Chúng ta đâu biết rằng, đây là một đòi buộc quá khắt khe, mà ngay cả Thiên Chúa, Ngài cũng không đòi hỏi như thế. Chúng ta ngăn cản người ngoại giáo, không cho họ cơ hội dễ dàng gia nhập Giáo hội Công giáo. Riêng tôi, tôi cực lực phản đối những ai muốn bắt buộc người đàn ông Trung Hoa, khi theo đạo, phải cắt bỏ mái tóc dài họ vẫn để, y như các phụ nữ trong xứ. Làm vậy, chúng ta gây thêm khó khăn cho các nam tín hữu Trung Hoa, một khi theo Công giáo, không còn tự do đi lại trong xứ, hoặc tìm được dễ dàng công ăn việc làm. Phần tôi, tôi xin giải thích rằng, điều kiện để trở thành Kitô hữu là phải từ bỏ lầm lạc, chứ không phải cắt bỏ tóc dài..."
Tại Việt Nam.
Đầu năm 1625, Alexandre cùng với bốn cha dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản, cập bến Hội An, gần Đà Nẵng. Ông bắt đầu học tiếng Việt từ các nhà truyền giáo tới trước đó và từ một cậu bé khoảng 10, 12 tuổi. Ông viết:
Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng Latin và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thầy giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thầy và nơi Vương quốc Lào láng giềng.
Từ đó, Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Alexandre de Rhodes, nhưng cuộc đời truyền giáo của ông ở đây rất bấp bênh và trôi nổi. Trong vòng 20 năm, ông bị trục xuất đến sáu lần. Nhưng sau cả sáu lần ấy, ông đều tìm cách trở lại Việt Nam khi cơ hội cho phép.
Ông đến truyền giáo ở Đàng Trong vào năm 1625 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên và ở Đàng Ngoài vào năm 1626 dưới thời chúa Trịnh Tráng. Thời gian Alexandre de Rhodes giảng đạo tại Việt Nam cũng là thời kỳ các cha thừa sai dòng Tên hoạt động rất hăng say và hữu hiệu. Riêng Alexandre de Rhodes, ông đã truyền đạo từ Nam ra Bắc.
Ông kể lại công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài:
Khi chúng tôi vừa đến kinh đô Bắc Kỳ, tức khắc nhà vua truyền lệnh cho tôi phải xây một nhà ở và một nhà thờ thật đẹp. Dân chúng tuôn đến nghe tôi giảng đạo đông đến nỗi, tôi phải giảng đến 4 hoặc 6 lần trong một ngày. Chị vua và 17 người thân trong gia đình vua xin lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Nhiều tướng lãnh và binh sĩ cũng xin theo đạo. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là thấy các vị sư đã mau mắn từ bỏ bụt thần để theo đạo Công giáo. Tất cả đều dễ dàng chấp nhận khi tôi giải thích cho họ hiểu giáo lý đạo Công giáo rất phù hợp với lý trí và lương tâm con người. Các tín hữu Công giáo Việt Nam có Đức Tin vững chắc đến độ, không gì có thể rút Đức Tin ra khỏi lòng họ. Nhiều người phải đi bộ suốt 15 ngày đường để được xưng tội hoặc tham dự thánh lễ. Nhưng phải thành thật mà nói, tôi không thể chu toàn cách tốt đẹp mọi công tác truyền đạo này, nếu không có trợ giúp tuyệt vời của các thầy giảng. Vì nhận thấy mình là linh mục duy nhất giữa một cánh đồng truyền đạo bao la, nên tôi chọn trong số các tín hữu, những thanh niên không lập gia đình và có lòng đạo đức sâu xa cũng như có nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, để giúp tôi. Những người này công khai thề hứa sẽ dâng hiến cuộc đời để phụng sự Chúa, phục vụ Giáo hội, sẽ không lập gia đình và sẽ vâng lời các cha thừa sai đến Việt Nam truyền đạo. Hiện tại có tất cả 100 thầy giảng đang được thụ huấn trong chủng viện và được các tín hữu trang trải mọi phí tổn.
Tác giả Bùi Kha cho rằng ông có vận động Pháp đánh chiếm Việt Nam dựa vào một đoạn trích:
Tôi tưởng nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để chinh phục toàn cõi Đông phương đưa về quy phục Chúa Ki Tô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời Roma ngày 11/9/1652 sau khi tới hôn chân Đức Giáo hoàng.
Tôi chưa công bố thánh chiến chống mọi địch thù của đức tin ở Nhật, ở Trung Hoa, ở Đàng Trong, ở Đàng Ngoài và ở Ba Tư thì lập tức đã có một số đông con cái thánh Inhaxu, đầy tinh thần đã đưa thánh Phanxicô Xavie tới 300 quốc gia, các ngài đã bừng bừng ao ước vác thánh giá Thầy và đem đi cắm ở những nơi cùng kiệt cõi đất.
Tuy nhiên, có ý kiến khác chỉ ra rằng cách dùng từ ngữ trong đoạn văn trên đề cập đến việc truyền giáo và nhận xét rằng việc diễn giải thành ý đồ xâm lược là một lập trường "hận thù tôn giáo".
Ngoài ra, trong quá trình truyền đạo, Alexandre de Rhodes cũng phê phán các tôn giáo địa phương, ông cho đó là tà đạo, là bịp bợm. Alexandre de Rhodes từng phỉ báng Đức Phật Thích Ca là “thằng hay dối” trong sách Phép giảng tám ngày[6].
Năm 1645, ông bị Chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. Khi trở lại châu Âu, Alexandre de Rhodes vận dụng mọi khả năng hiểu biết về công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Á Châu, đã xin Tòa Thánh gửi các Giám mục truyền giáo đến Á Châu, để các ngài có thể truyền chức linh mục cho các thầy giảng bản xứ.
Ông mất ngày 5 tháng 11 năm 1660 ở Isfahan, Ba Tư, 15 năm sau lần cuối cùng bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Đóng góp vào chữ Quốc ngữ.
Vào năm 1651, ông cho in cuốn Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Ngoài ra một tác phẩm khác cùng tầm quan trọng do giáo sĩ Đắc Lộ soạn là cuốn Phép giảng tám ngày (tựa Latinh: Catechismus). Khác với phần tự điển ghi từ vựng, Phép giảng tám ngày là tác phẩm văn xuôi, phản ảnh văn ngữ và ghi lại cách phát âm của tiếng Việt vào thế kỷ 17.
Năm 1961, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày qua đời của Alexandre de Rhodes, nguyệt san MISSI, do các cha Dòng Tên người Pháp điều khiển, đã dành trọn số tháng 5 để tưởng niệm và ca tụng Cha Đắc Lộ, một nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ nói chung và của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng. Nguyệt san MISSI nói về công trình khai sinh chữ Quốc ngữ với tựa đề: "Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ".
Tiếp đến, tờ MISSI viết:
Khi chính thức xác định mẫu tự, bằng cách cho ra đời tại Roma nơi nhà in Vatican, quyển tự điển đầu tiên và các sách đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, cha Đắc Lộ đã giải phóng nước Việt Nam.
Thật vậy, giống như Nhật Bản và Triều Tiên, người Việt Nam luôn luôn sử dụng chữ viết của người Tàu và bị nô lệ vì chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Triều Tiên mới chế biến ra một chữ viết riêng của họ. Còn người Nhật thì, sau nhiều lần thử nghiệm, đã phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình biểu ý của người Tàu.
Trong khi đó, người Tàu của Mao Trạch Đông đang tìm cách dùng các mẫu tự La Tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công ơn của cha Đắc Lộ, đã tiến bộ trước người Tàu đến 3 thế kỷ.
Dĩ nhiên, không phải chỉ riêng mình cha Đắc Lộ khởi xướng ra chữ Quốc ngữ. Trước đó, các cha thừa sai dòng Tên người Bồ Đào Nha ở Ma Cao đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt, viết bằng các mẫu tự La Tinh rồi. Tuy nhiên, cha Đắc Lộ là người đưa công trình chế biến chữ Quốc ngữ đến chỗ kết thúc vĩnh viễn và thành công, ngay từ năm 1651, là năm mà cuốn tự điển Việt-Bồ-La ra đời. Đây cũng là năm sinh chính thức của chữ Quốc ngữ. Và cuộc khai sinh diễn ra tại Roma, nơi nhà in Vatican. Chính nơi nhà in Vatican mà Việt Nam nhận được chữ viết của mình.
Đã từ lâu đời, người Việt Nam viết bằng chữ Tàu, hoặc bằng chữ Nôm, do họ sáng chế ra. Nhưng đa số người Việt Nam không thể đọc và viết được chữ Tàu, vì theo lời cha Đắc Lộ, Tàu có đến 80 ngàn chữ viết khác nhau. Các nhà truyền giáo đầu tiên khi đến Việt Nam, đã bắt đầu dùng mẫu tự La Tinh để viết lại âm giọng mà họ nghe được từ tiếng Việt. Khi cha Đắc Lộ đến Việt Nam, đã có một số phát âm tiếng Việt được viết bằng chữ La Tinh rồi. Vì thế, có thể nói rằng, công trình sáng tạo ra chữ Quốc ngữ trước tiên là một công trình chung của các nhà thừa sai tại Việt Nam. Nhưng khi chính thức in ra công trình khảo cứu chữ viết tiếng Việt của mình, là cùng lúc, Alexandre de Rhodes đã khai sinh ra chữ viết này, ban đầu được các nhà truyền giáo sử dụng, sau đó, được toàn thể dân Việt Nam dùng và biến nó thành chữ quốc ngữ. Tất cả các nước thuộc miền Viễn Đông từ đó ước ao được có chữ viết cho quốc gia mình y như chữ Quốc ngữ này vậy.
Bản thân Alexandre de Rhodes đã viết như sau:
Khi tôi vừa đến Nam Kỳ và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai cha Emmanuel Fernandez và Buzomi, khi giảng, phải có người thông dịch lại. Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi. Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt. Kết quả các bài giảng bằng tiếng Việt lợi ích nhiều hơn các bài giảng phải có người thông dịch lại.
Nguyệt san MISSI đã ca ngợi vai trò của Alexandre de Rhodes hơi quá, vì chính họ cũng viết rõ là trước de Rhodes đã có một số nhà truyền giáo ghi lại tiếng Việt bằng chữ cái La tinh, nhưng tiếp theo đó lại tôn vinh de Rhodes là người khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, de Rhodes rõ ràng đã có công lớn trong việc hệ thống hóa việc ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái La tinh một cách đầy đủ. Nhờ cuốn từ điển Việt-Bồ-La của ông, chữ Quốc ngữ mới bắt đầu phổ biến trong cộng đồng Ki-tô giáo Việt Nam, đặt nền móng cho việc sử dụng rộng rãi sau này.
(Theo Wikipedia)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015