Chúng ta là một thế hệ mệt mỏi, kiệt quệ và hiếm khi có niềm vui
Tâm sự của một cô gái 28 tuổi như kể cuộc đời của hàng triệu người trên khắp hành tinh. Họ kéo một vấn đề trên vai miệt mài suốt những năm tháng tươi đẹp: “Sự kiệt quệ của tuổi trẻ”....
Rhiân, 28
Tôi không nhớ lần cuối mình thực sự nghỉ ngơi là khi nào. Thật đấy, tôi không biết nghỉ ngơi ra sao nữa. Mỗi khi tôi cố gắng đọc sách hay xem tivi, trong đầu lại ngập ngụa những công việc phải làm sao đó. Tôi không thể ngừng nghĩ về điều ấy và cảm thấy tội lỗi. Sao tôi lại thư giãn chứ? Đáng nhẽ ra tôi phải đi dọn nhà, đi tập gym hay mua quà sinh nhật cho mẹ của bạn trai chứ?
Não của tôi chưa bao giờ ngừng hoạt động. Lúc nào tâm trí cũng réo gọi, nhắc tôi phải làm cái này cái kia - nhưng tôi kệ. Cứ thế, tôi trải qua tình trạng căng thẳng và trầm cảm; áp lực dồn dập khiến tôi mất ngủ.
Tôi nghĩ rằng mình là một trong số rất nhiều người trẻ cùng thế hệ đang trải qua những ngày tháng “kiệt sức của tuổi trẻ”. Chẳng có tài liệu nào ghi chép hay số liệu nào để bạn tham khảo về nó đâu nhưng tại nước Anh, 74% người trẻ luôn cảm thấy căng thẳng và không thể đối mặt. Nghiên cứu đó cũng chỉ ra rằng 49% người trẻ tuổi từ 18-24 từng gặp vấn đề căng thẳng nói rằng việc so sánh bản thân với người khác là một nguyên nhân chính cho vấn đề tâm lý của họ, cao hơn hẳn ở các nhóm tuổi khác. Sự kiệt quệ tinh thần này thực sự hiện hữu và nó khiến người trẻ luôn mệt mỏi cả về thể chất và cảm xúc.
Những đề cập đầu tiên về việc người trẻ ngày càng rơi vào tình trạng kiệt sức xuất hiện trên tờ Buzzfeed bởi cây bút Anne Helen Petersen. Trong bài viết của mình, cô chỉ ra rằng ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân ngày càng mờ mịt; nhiều người không còn cảm thấy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống nữa. Chúng ta gần như sống “toàn thời gian” trên mạng và lúc nào cũng phải túc trực ở đó; có thể email công việc sẽ tới, tin nhắn từ ai đó hay tình yêu cuộc đời xuất hiện. Bài báo đó ngay lập tức đã gây được tiếng vang với nhiều lượt bình luận.
Anne Helen tin rằng một trong những dấu hiệu rõ nhất khi bạn trải qua tình trạng kiệt sức là việc bạn không thể làm những việc vặt, kể cả đi tới ngân hàng hay trả lại một món đồ không ưng ý khi mua trên mạng.
“Mấy thứ này đâu có gì khó làm”, Anna chia sẻ. “Cũng không phải tôi lười biếng gì cả nhưng khi gặp phải mấy việc tầm thường đó, những thứ yếu trong danh sách ưu tiên khi nó không giúp công việc hay cuộc sống của tôi trở nên dễ dàng hơn, tôi sẽ né tránh. Càng cố giải quyết tình trạng đó thì tôi càng thấy bản thân mệt mỏi và kiệt sức. Đây không phải vấn đề mang tính tạm thời mà là một “triệu chứng” của cả thế hệ”.
Điều Anne nói, tôi thực sự thấu hiểu.
“Dù sự nghiệp của tôi vẫn đang lên, đời sống cá nhân của tôi như một đống hỗn độn”.
Tôi dành nhiều ưu tiên cho công việc và vì vậy, áp lực phải nỗ lực hơn luôn đè nặng trên vai. Để bạn dễ hình dung, tôi luôn trả lời email vào mọi lúc, lết về nhà vào lúc tối khuya mà vẫn phải mang laptop. Công việc diễn ra suôn sẻ như ý tôi nhưng cuộc sống của bản thân thật tệ hại. Danh sách việc cần làm của tôi cứ kéo dài mãi mãi, tôi còn liệt kê danh sách việc cần làm cho mỗi phòng trong nhà và đặt lịch dọn dẹp cho từng phòng một.
Danh sách cuộc hẹn cần gặp cũng dài đằng đẵng và cả danh sách mua sắm tôi biết là mình sẽ không bao giờ mua được nửa chỗ đó, ví dụ như nguyên liệu để nấu ăn trưa nhằm tiết kiệm tiền ăn trong tuần. Tôi thường gửi mail nhắc nhở bản thân một tối trước khi bắt đầu làm việc. Vì thế, khi mở máy tính ra, nó luôn hiện ra trên đầu mail.
Đó là cách để tôi kiểm soát mớ bòng bong cuộc đời mình. Tuy nhiên, khi không thể hoàn thành được những công việc đã đề ra cho bản thân, tôi thường thấy choáng ngợp. Chẳng còn cách nào khác, tôi cố lờ đi việc mọi thứ đang không ổn và lại càng trì trệ hơn. Một vòng tròn luẩn quẩn thực sự.
Việc lên danh sách dường như chưa đủ khi tôi còn chia cuộc đời mình thành nhiều “ngăn”: Công việc, các mối quan hệ, những người bạn và gia đình. Tôi muốn dành thời gian cho mỗi người ngang nhau nhưng điều đó là không thể vì tôi không có nhiều thời gian. Dần dà, tôi thấy áp lực, tội lỗi và luôn luôn mệt mỏi.
Cuộc đời tôi cứ ngập vùi trong những điều đó và không thấy được một lối thoát.
Tôi thường nhận nhiều phần việc hơn về mình nhưng đều làm đúng hạn. Đổi lại cho sự chăm chỉ đó là cuộc sống bị ảnh hưởng; tôi thường phải hủy các cuộc hẹn vào phút trót và khiến bạn bè tức giận, thất vọng.
Cuộc đời tôi cứ ngập vùi trong những điều đó và không thấy được một lối thoát. Đây chính là triệu chứng chính những người trẻ kiệt quệ gặp phải, theo nhà tâm lý trị liệu người Anh Beverley Hills. Dù vấn đề này chưa được nghiên cứu y khoa cụ thể, Hills nói rằng cô đã thấy ở nhiều bệnh nhân mình gặp.
“Bạn có thể thấy căng thẳng, mất ngủ, luôn nghi ngờ bản thân, hoài nghi. Bạn thấy mình trống rỗng và luôn nghĩ “Làm sao tôi có thể thành công khi chẳng có đủ thời gian và năng lượng?”. Vài bệnh nhân sẽ kiệt quệ về cảm xúc, luôn cảm thấy thất vọng, giận dữ hay gặp phải nỗi đau về thể chất, luôn thấy khó chịu và uể oải”.
Cô tin rằng sự kiệt sức có thể bắt nguồn từ “áp lực quá lớn từ phụ huynh, từ sự nghiệp và toàn xã hội”. Mọi thứ được tô vẽ, trầm trọng hóa hơn bởi mạng xã hội khi chúng ta luôn gặp phải áp lực phải sống một cuộc đời hoàn hảo. Tư tưởng đó khiến người trẻ sợ thất bại và cũng sợ luôn cả thành công: “Nếu đạt được thành công rồi, làm sao tôi có thể giữ được thành công đó? Thà không có gì còn hơn”.
Với những trường hợp cực đoan, Beverley cho biết nhiều người còn có suy nghĩ muốn tự tử. Chính vì vậy, những người đang gặp phải tình trạng kiệt quệ cần tìm kiếm hỗ trợ y tế khẩn cấp.
Đối với bản thân, một trong những điều khó khăn nhất của tình trạng kiệt sức là việc tôi không cảm thấy mình “được phép” mệt mỏi. Tôi không nghĩ mình đã làm đủ để được nghỉ ngơi. Tôi luôn so sánh bản thân với mẹ - một bà mẹ đơn thân làm tới haiba công việc để nuôi dưỡng tôi và anh chị em tại Wales. Tôi luôn nghĩ rằng “Làm sao mẹ có thể làm hàng tá công việc, nấu ăn cho chúng tôi, dọn dẹp giặt giũ quần áo sạch sẽ và không bao giờ phàn nàn?”. Tôi thấy thật tệ hại nếu cứ than vãn.
Nhưng rõ ràng, mọi thứ đã thay đổi với thế hệ chúng tôi. Trên khắp hành tinh, thế hệ trẻ đang “truyền tay” nhau chủ nghĩa hết mình vì công việc, rằng “bình thường” không bao giờ là đủ; chúng ta luôn muốn vươn tới đỉnh cao. Mỗi người luôn cố phô bày cuộc sống trên mạng xã hội để cả thế giới trầm trồ. Mẹ tôi chẳng cần chứng minh với ai những điều bà đang làm để chúng tôi có được cuộc sống hạnh phúc, có đồ chơi hay máy tính. Bà cảm thông với vấn đề của tôi và không ngừng lo lắng nhưng đôi khi, nói chuyện với mẹ khiến tôi thấy tệ hơn bởi vì tôi không ngừng so sánh bản thân với mẹ.
Cuộc sống trở nên mệt nhoài khi lúc nào cũng phải tỏ ra luôn luôn năng động và khỏe mạnh, cực kỳ thời thượng và hiểu biết mọi điều.
Một hình mẫu thành công trong sự nghiệp mới đã thay đổi thế hệ chúng tôi rất nhiều. Thời của mẹ tôi, kiếm được một công việc với mức lương ổn là được nhưng hiện tại, chúng tôi cần có một công việc lương tốt nhưng lại phải thú vị, đúng với đam mê bản thân. Nó cũng giống như việc khỏe mạnh vậy. Mẹ tôi thì cho rằng ăn đủ ba bữa cân bằng, mặc quần áo sạch sẽ là đủ nhưng sống ở thời đại này, bạn cần đi tập gym vào lúc 5h sáng, đi chạy sau giờ làm, ăn rau cải xoăn thật nhiều và chăm sóc da mọi lúc mới đủ. Cuộc sống trở nên mệt nhoài khi lúc nào cũng phải tỏ ra luôn luôn năng động và khỏe mạnh, cực kỳ thời thượng và hiểu biết mọi điều.
Năm ngoái, tôi thấy thật tệ và cảm tưởng như mình đã ngã quỵ. Suốt vài tháng ròng, tôi gần như kiệt sức với danh sách việc cần làm dài dằng dặc còn tôi thì không thể đối mặt. Tôi không có động lực ra khỏi giường hay làm những việc đơn giản nhất. Áp lực liên tục, tôi không còn cảm thấy là chính mình. Tôi hay cáu kỉnh với bạn trai; trong tôi chẳng còn chút cảm xúc nào khi mọi thứ còn lại chỉ để cố gắng lết qua ngày. Anh ấy lo lắng khi tôi không còn là chính mình. Tệ hơn, cơ thể tôi cũng có dấu hiệu suy nhược: Da tôi lên đầy mụn và tôi mắc cả chứng rosacea (chứng bệnh khiến da mặt sưng đỏ, có mụn nhỏ chứa mủ).
Tôi liên tục toát mồ hôi vì lúc nào cũng lo lắng, nghĩ về ngày mai sẽ ra sao. Cuối cùng, tôi đã phải đi gặp bác sĩ và kể với ông về tình trạng của mình. Bác sĩ nói rằng triệu chứng lo lắng và cơn trầm cảm trở nên trầm trọng hơn vì kiệt sức. Tôi cần nghỉ ngơi một thời gian để ổn định tinh thần. Chẩn đoán của ông không khiến tôi quá ngạc nhiên nhưng cái suy nghĩ cuối cùng mình cũng được phép nghỉ ngơi khiến tôi nhẹ nhõm.
Tôi dành thời gian vài tuần để nghỉ ngơi, không làm gì cả. Danh sách việc cần làm vẫn réo trong đầu và tôi nghĩ mình có thể tận dụng thời gian nghỉ ngơi này để tranh thủ làm. Nhưng tôi đã quá mệt và chỉ ngủ thôi. Cuối cùng, thời gian nghỉ ngơi ấy đã có tác dụng. Tuy nhiên, sự kiệt quệ đó vẫn lởn vởn đến vài năm sau. Tôi phải gặp bác sĩ tâm lý - và giờ một nỗi căng thẳng mới lại ập tới khi tôi phải tìm ai đó với mức phí phải chăng thôi.
Tôi cũng đọc nhiều sách hướng dẫn làm sao để giảm căng thẳng. Gần đây, tôi luôn muốn cãi nhau với bạn trai nhưng một phần trong tôi nói rằng mình không thực sự muốn vậy. Vì thế, tôi phải tìm cách để truyền tải cảm xúc của bản thân, như viết lách chẳng hạn.
Dành thời gian với bạn bè và tâm sự với mọi người là cách tôi đã làm vì tôi biết rằng, có nhiều người cũng cảm thấy như vậy. Năm ngoái, tôi đã dành nhiều thời gian ở nhà để cố gắng hoàn thành mọi việc; đi chơi hay uống bia với bạn bè từng là điều khiến tôi thấy tiếc thời gian. Tuy nhiên, việc ở bên cạnh mọi người thực sự giúp tôi rất nhiều vì khi ấy, tôi biết mình không cô đơn và không phải vướng bận quá nhiều.
Nhiều người có thể cho rằng đây là vấn đề mà người trẻ thổi phồng lên. Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi và thế hệ chúng tôi cũng cần thích ứng. Tôi hiểu nỗi vất vả của bố mẹ và ông bà, nhưng cuộc sống của chúng tôi cũng không dễ dàng gì, theo một cách khác mà thôi. Nếu những thế hệ trước biết được điều tôi phải trải qua bây giờ, họ sẽ không coi chúng tôi là những đứa lười biếng hay quan trọng hóa vấn đề. Chúng tôi chỉ đang cố gắng làm tốt nhất có thể và bạn biết đấy, đôi khi mọi thứ trông có vẻ dễ dàng nhưng thực sự khó khăn hơn rất nhiều.
Theo BBC
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Bài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])