Tuổi trẻ là không ngủ yên
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ví tuổi trẻ như một kho báu quốc gia cần được khai thác đúng cách. SVVN đã có cuộc trò chuyện với ông...
Sinh viên đi đầu
Nguyên là một Tư lệnh nổi tiếng trong kháng chiến, ông nhận thấy những người lính sinh viên thế nào?
Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám, trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thành công, tôi nhận thấy lực lượng thanh niên (trong đó có cả sinh viên) luôn đóng vai trò xung kích. Ở chiến trường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, có rất nhiều sinh viên năm 2 - 3 xếp bút nghiên ra trận. So với tổng thể thanh niên là ít, nhưng hiệu quả lại cao vì sinh viên có dũng khí, sự sáng tạo và trí tuệ.
Số sinh viên đó, sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, nhiều người trong số họ được Nhà nước tuyển chọn cử sang Liên Xô (cũ) đào tạo. Có đồng chí trở thành tiến sĩ về làm công việc lớn, số sinh viên này rất đặc biệt vì đã được rèn luyện qua chiến tranh.
Chiến trường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh có hàng chục vạn quân, trong đó có khoảng vài nghìn sinh viên. Họ đi đâu cũng được bộ đội quý vì anh sinh viên, thanh niên đó cũng làm những công việc giống bộ đội mà lại giúp bộ đội học tập, tổ chức văn hóa, văn nghệ, nói chuyện về lịch sử (nhất là sinh viên học Sử).
Tôi rất tin tưởng vào tầng lớp sinh viên. Đây là kho báu, sức mạnh, lực lượng nhân tài của đất nước, nếu không biết bồi dưỡng, phát huy thì lãng phí vô cùng. Tôi đã từng trải qua quân ngũ, đã từng thấy giá trị của những sinh viên trên chiến trường nên càng trân trọng.
Ông cảm nhận lòng yêu nước của sinh viên hiện nay như thế nào?
Thanh niên, sinh viên hay các tầng lớp khác, ai cũng muốn quốc gia luôn bình yên để xây dựng phát triển, ai cũng muốn đất nước đủ sức lực, trí tuệ mạnh để chống lại mọi âm mưu phá hoại từ bên ngoài. Khi quốc gia hữu sự, lòng yêu nước của nhân dân trỗi dậy gấp trăm, gấp ngàn lần.
Trong nhân dân ta, lòng yêu nước càng cao thì tính cảnh giác càng lớn. Sinh viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt để đi đầu giác ngộ lòng yêu nước cao hơn, sẵn sàng đối phó với các âm mưu không có lợi cho đất nước. Ai muốn làm gì là việc của họ, mình một lòng một dạ chung sống hòa bình để phát triển đất nước.
Theo ông, sinh viên hiện nay cần có trách nhiệm gì với những nhiệm vụ mới của dân tộc?
Chúng ta thực hiện công cuộc Đổi mới từ 1986. Từ đó đến nay đã thu được những thành tựu to lớn nhưng vẫn còn một số mặt chưa được. Bây giờ ta kiên trì khắc phục những mặt chưa được, và đòi hỏi nhiều ở những người trẻ đương đại. Sau chiến tranh một thời gian ngắn, đồng bằng Nam Bộ và cả nước đã thực hiện được chương trình nông nghiệp làm tăng năng suất, từ một nước nhập khẩu gạo chúng ta thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới. Đây là một điều rất vinh dự, tự hào.
Hồi tôi còn làm Phó Thủ tướng, ta phải nhập gạo từ Philippin, Indonesia... thì giờ đây họ lại phải nhập gạo của ta. Tại sao thì mình chẳng biết được, nhưng người ta bảo ruộng đất của họ đưa đi làm sân golf... nên dân thiếu đất trồng lúa. Đồng bằng Nam Bộ được thời tiết khí hậu thuận lợi, nên đạt được năng suất cao. Đấy là đáng mừng, nhưng phải rất cảnh giác vì tình hình môi trường toàn cầu ngày càng xấu, nguồn nước sông Mê Kông ngày càng cạn kiệt.
Đồng bằng sông Cửu Long được tưới phù sa từ sông Mê Kông, nước cạn kiệt thì độ mặn tăng lên. Tất cả những việc đó mình vừa phát huy, vừa cảnh giác để khắc phục. Những sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường có thể làm những nghiên cứu khoa học chuyên ngành để khắc phục những tác động xấu đó của môi trường.
Cái nhìn bao dung
Điều vui mà ông cảm nhận khi nhìn vào giới trẻ là...?
Vô tư, không hay chấp nhặt, biết sẻ chia tình cảm, chia sẻ khó khăn. Đó là điều tôi thích nhất!
Và điều buồn là...
Bản tính của tuổi trẻ là thích mạo hiểm, thích xông pha, thích làm việc khó nên hay xảy ra những sự cố mà những người khác không hiểu được bản chất thì hay cường điệu, dẫn đến cách nghĩ về người trẻ không hay.
Ngay như tôi đây, hồi đang còn trẻ thích xông pha những nơi khó khăn, mạo hiểm. Nhưng đừng đi qua giới hạn của ưu điểm, làm người ta bực tức. Người ta có nói giới trẻ ăn chơi, đua đòi nhưng phải hiểu biết được bản chất của tuổi trẻ. Tôi luôn suy nghĩ làm sao để tuổi trẻ phát huy ưu điểm, hạn chế nhược điểm. Nếu sử dụng đúng thì tuổi trẻ phát huy rất tốt: Chiến trường Trường Sơn với 10 vạn quân chủ yếu là thanh niên (trừ cán bộ chỉ huy) mà làm nên sự nghiệp.
Tôi rất thích người trẻ vì ở đâu họ cũng tạo được cái vui: lúc ở trong rừng, lúc khó khăn, họ đều tạo được niềm vui, tạo sự lạc quan để át khó khăn. Đó là nguồn gốc của thành công.
Đa số lính ở chiến trường Trường Sơn là người trẻ, ắt hẳn ông phải hiểu tâm lý người trẻ lắm...
Có một trung đoàn công binh đóng ở trọng điểm. Có 500 người nữ, chủ yếu học hết lớp 10, có khoảng 20-30 sinh viên năm thứ 2, 3. Họ sống rất chan hòa, vui và hồn nhiên, đó là bản chất của thanh niên.
Có những chỗ nói không đúng sự thật, thanh niên nam nữ, sinh viên sống ở Trường Sơn quan hệ không lành mạnh, nhưng không phải. Cá biệt cũng có, nhưng đại đa số rất lành mạnh. Có những người yêu nhau trên rừng núi, về quê họ vẫn giữ được cho nhau để thành vợ, thành chồng. Tình cảm nam nữ là cái không thể thiếu được nhưng cần trong sáng, lành mạnh, đáng yêu.
Có những trường hợp nam nữ thân quen nhau, ông Chính ủy cảnh cáo. Tôi biết được, gọi ngay cho ông Chính ủy: Tôi nói chúng ta cũng từ thanh niên mà lên, phải hiểu tuổi trẻ. Chính ủy nói vì muốn giữ quân lệnh. Tôi nói, tình cảm quan trọng, phải giữ gìn, nên đừng vì cái nhỏ đó mà kỷ luật người ta.
Cũng như nhà thơ Phạm Tiến Duật, đi công tác thì nhà thơ say sưa viết. Đi theo đoàn quân vào Sài Gòn, ông suýt bị thi hành kỷ luật. Tôi bảo: Các anh phải rút lại kỷ luật đó, người ta là nhà thơ, say sưa vì chiến thắng, nên gọi người ta về nói chuyện, không nên thi hành kỷ luật. Thế là các ông rút kỷ luật!
Nói như vậy để thấy, phải hiểu được tuổi trẻ để có được những cái nhìn bao dung hơn.
Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe tốt!
Tướng Đồng Sĩ Nguyên (tên thật: Nguyễn Sĩ Đồng), sinh năm 1923. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng... Ông được Bác Hồ đặt lại tên là Đồng Sĩ Nguyên. …Cùng với các tướng Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đường mòn Hồ Chí Minh, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một trong những mấu chốt thành bại trong chiến tranh. Trong thời gian ông làm Tư lệnh Đoàn 559, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ, trở thành một tuyến giao thông vận tải lớn với cả hệ thống đường được giới truyền thông mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh