Chùm thơ di cảo chưa từng công bố của Chế Lan Viên

08:39 CH @ Chủ Nhật - 20 Tháng Năm, 2012
Khi đọc thơ Chế Lan Viên hay khi suy ngẫm về con đường sáng tạo thi ca của ông, tôi thường hình dung về thi sỹ Chế Lan Viên khi Điêu Tàn xuất hiện. Đó là sự xuất hiện với những bước đi và tiếng gầm đầy uy lực của sư tử trong cánh rừng thi ca hiện đại Việt Nam. Và khi ông rời khỏi thế gian này thì những bước đi và tiếng gầm kia trong Di Cảo một lần nữa lại dội vang...

Rất khó có thể tìm thấy hình ảnh tương tự của một thi sỹ Việt Nam khác lần đầu tiên xuất hiện như thế. Và hình như càng khó hơn để kiếm tìm một hình ảnh tương tự của các nhà thơ ở thời đại chúng ta trong những bước đi cuối cùng trên trang viết trước khi rời bỏ thế gian.

Ngay trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời với tuổi tác và bệnh tật, Chế Lan Viên vẫn là một thi sỹ hiếm hoi có khả năng minh triết đến phút cuối cùng, có khả năng chứa đựng những dày vò và đau đớn của thời đại và có khả năng quyền lực hóa ngôn từ.

Khi nghĩ về Chế Lan Viên, tôi thường nghĩ về sự khởi đầu và sự kết thúc của ông. Sự khởi đầu đó là Điêu Tàn và sự kết thúc đó là Di Cảo.

Đây là hai giai đoạn tách rời nhau và cách xa nhau hàng chục năm, nhưng hai đoạn đó lại mang một tinh thần thống nhất và chuyển động với một nghịp điệu kỳ vĩ trong tinh thần sáng tạo của ông.

Và nếu hai giai đoạn ấy là một dòng chảy không tác rời thì chân dung ông sẽ là một chân dung mà những người yêu thi ca không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới phải ngắm nhìn với một con mắt khác hơn.

Nghệ Thuật Mới số Một xin trân trọng được giới thiệu một số bài thơ chưa từng công bố trong Di Cảo của ông cùng với hai truyện ngắn dể thêm một lần nữa được tôn vinh sự sáng tạo của ông và thêm một lần nữa tưởng nhớ ông.

Chùm thơ di cảo chưa từng công bố của Chế Lan Viên

Vòng lửa

Những vòng lửa sỉ nhục con sư tử
Lại gặp con không bỏ cuộc
Những con đương đầu
Những vòng lửa như thác ghềnh bi kịch
Những Vũ Môn lửa thách thức
Chia hai cuộc đời đẳng cấp
Thậm chí rạch đôi nòi giống
Từ đây
Muốn nhảy qua vòng lửa ở ngoài
Đầu tiên phải nhảy qua cái vòng sợ hãi ở nội tâm sư tử
Cái vòng để lại
Từ triệu năm chủng loại
Giam cầm con sư tử cứ là sư tử mãi
Không hóa thân
Giờ trước mắt là anti sư tử
Cái vòng hiểm trở
Sư tử có thể Hamlet phân vân do dự
Có thể thay đổi số mệnh, thay đổi đời, chớp mắt
Trước và sau cái vòng hỏa ngục
Cái vòng phản phúc
Cái vòng thăng hoa
Cái vòng bức xúc
Một bên là về uống trăng cùng con cái bên bờ suối
Ăn miếng thịt nai con ngon miệng
Rồi ngủ
Một bên là nhảy qua vòng lửa
Cháy vèo bộ lông hùng hổ
Tiêu sinh mệnh và uy danh một đời
Không phải chỉ là sư tử, là thơ
Mà phải đẩy cái nghề thơ, nghề sư tử đến được
Truyền thống để lai sư tử
Anh đưa lên sư tử nhảy vòng
Truyền thống chỉ là nhảy vòng
Anh cho vòng lửa
Rồi vòng kép vòng đơn
100 độ hay 2.000 độ
Hay qua một rừng cháy đỏ
Hay nhảy qua hỏa diệm sơn
Hay nhảy qua vòng, liền thấy đến Vũ Môn
Cùng với cá
Húc đầu vào đá
Hóa nên rồng
Con đường thơ tiến không cùng
Vấn đề là làm thơ, anh làm lịch sử thơ nhân thể.

(1987 - Mới ở dạng phác thảo, rút từ tập NHÁP 5)

Lý do

Ôi lý do gì vậy?
Một tiếng gà trưa gáy
Làm ta vượt thời gian
Trở về lại Tam Quan
Nghe tiếng gà trưa ấy
Ba mươi năm rồi đấy
Từ buổi trưa vàng cháy
Từ bóng râm rặng dừa
Từ xao xác tiếng gà
Từ con tàu băng qua
Dưới màu xanh trưa ấy…

Ôi, lòng ta nước chảy!
Ôi, thời gian sông sâu!
Ôi, lý do gì vậy?
Có lý do gì đâu!

(Những năm 70 - Mới ở dạng phác thảo, rút từ sổ tay Thơ)

Hầm rượu nho

Rượu nho uống dưới hầm
Lấy từ thùng năm trước
Hầm rượu mờ khói thuốc
Bên ngoài tươi nắng xuân
Môi son và hạnh phúc
Xui nhớ lại quê nhà
Xuống hầm đêm bom dội
Con rúc vào tay cha.

(Những năm 70 - Mới ở dạng phác thảo, rút từ sổ tay Thơ)

Tương quan

Rặng vải bên sông
Trái đã ướm hồng
Chỉ chờ một tiếng chim tu hú hót
Tất cả sẵn rồi
Chỉ còn chờ một tiếng chim thôi.

Tiếng chim đã ở giữa hầu chim sắp xổ
Chỉ còn chờ vải chín muồi, vải đỏ
Tiếng chim rơi.

Tương quan giữa thơ với đời là vậy đó
Khi hè đến
Thì tưng bừng sắc đỏ
Và vườn cây tu hú hót liên hồi.

(21/5/1975 - Mới ở dạng phác thảo, rút từ sổ tay Thơ)

Xuân trong bom

Không đồng nhất mình với bom, cây cháy lại đâm chồi
Mùa xuân trong bom, mùa xuân kỳ dị
So với mùa xuân, cây có hình ác quỷ
Nhưng so với cơn bom, cây lại như người.

(Những năm 70 - Mới ở dạng phác thảo, rút từ sổ tay Thơ)

Xe cháy

Tiếng bom im rồi. Lửa cũng tắt rồi
Trận ác liệt chìm vào rừng xanh đang khỏa lại
Chỉ xác chiếc Zim nằm rất yên lành
Lá rừng vào buồng lái
Vô-lăng hoa rừng leo quanh.
Chiếc xe không trở về miền Bắc nữa
Cũng không ra kịp chiến trường, đến nơi lịch sử
Chết dọc Trường Sơn
Nhưng đêm đêm nhìn đồng đội hành quân
Biết mình cũng đã đi qua nửa đường nhiệm vụ.

(Những năm 70 - Mới ở dạng phác thảo, rút từ sổ tay Thơ)

Hai tên

Mỗi người miền Bắc có một danh hiệu thứ hai của mình đánh giặc ở
miền Nam
Cái tên vay mượn ấy đã đổ máu ra để sống cuộc đời thật nhất
Cái tên giả khắc rỡ ràng trên mộ chí bằng tôn
Cái tên thật khắc chìm chôn dưới đất.

(Những năm 70 - Mới ở dạng phác thảo, rút từ sổ tay Thơ)


Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tại sao trên báo chí lại thưa vắng các bài điểm sách?

    13/01/2018Vương Trí NhànMột mặt trong tâm thức của nhiều người, văn chương là một cái gì ghê lắm, danh giá để đời, tên tuổi đi vào lịch sử. Mặt khác thông tin trên mặt báo về văn học lại nghèo nàn nhạt nhẽo. "Kính nhi viễn chi", người ta lảng tránh. Trong sự thông tin kém cỏi như vậy, riêng phần đọc sách vì không màu mỡ riêu cua câu khách được tí nào, nên càng bị ghẻ lạnh.
  • Chúng ta chưa có con ngựa văn hóa để cưỡi

    09/07/2017Nguyễn Trần BạtHiện tượng bùng nổ do những trạng thái phát triển mới về tự do không phải là hiện tượng chỉ có ở Việt Nam. Thời kỳ Phục hưng, thời kỳ Khai sáng là những thời kỳ làm bùng nổ rất nhiều tài năng. Những trạng thái bùng nổ tinh thần tạo ra sự bùng nổ các tài năng là một hiện tượng có thật. Ở Việt Nam cũng có nhiều lúc như vậy....
  • 35 năm "Mèo con đi học"

    04/02/2011Mai KhanhNhiều đứa trẻ thế hệ 8x, 9x nhớ bài này, trước hết vì nó... dễ thuộc, vì nằm trong sách Tập đọc lớp 1 mà tôi thuộc lòng khi học lớp 1 (1985), tức 10 năm sau khi bài thơ ra đời...
  • Hoàng Ngọc Hiến như tôi đã biết…

    25/01/2011Phan Hồng GiangĐời người trôi qua thật nhanh. Mới ngày nào chiều chiều còn mải mê chạy theo trái bóng cùng bạn bè và anh Hiến trên bãi cỏ đồi Lênin bên dòng sông Maxcơva đến nay đã gần nửa thế kỷ. Lúc ấy cả cuộc đời gần như còn mở ra phía trước chúng tôi và bây giờ là… sắp khép lại! Dạo đó chúng tôi ở lứa tuổi 20, còn anh Hiến ngoài 30. Và hôm nay - mừng anh thượng thọ 80!
  • Chế Lan Viên hùng biện

    06/01/2011Tường DuyKhông chỉ thu hút bạn đọc trên trang giấy, Chế Lan Viên còn thể hiện sức hấp dẫn đặc biệt của mình trong các buổi trò chuyện, tranh luận học thuật. Và về mặt này, ông quả là rất có lợi thế so với một số nhà văn, nhà thơ cùng thời...
  • Chế Lan Viên: Thi sĩ tài hoa và sâu nặng ân tình

    16/12/2010Thiên LinhMặc dù Chế Lan Viên đã giã biệt cõi đời hơn hai mươi năm nhưng đến nay thơ ông vẫn còn nóng hổi trong đời sống văn học Việt Nam...
  • Từ nguồn cội văn chương

    06/11/2006PGS, TS Trần Thị TrâmỞ Việt Nam, thời nào cũng vậy, luôn có một đội ngũ rất đông những người từ địa hạt văn chương đi làm báo và tiềm lực văn chương quý báu đã giúp cho nhiều người trong số họ trở thành những nhà báo giỏi. Tác giả PhanThịVàngAnh cũng không nằm ngoài quy luật đó...
  • Báo động tình trạng học văn của học sinh

    26/08/2003"Thân thể người lái đò rất tráng lệ; Nguyễn Tuân rất hung bạo..." là những câu trong bài thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua. Nhiều giáo viên chấm văn nhận xét, mỗi năm bài làm của học sinh lại kém hơn một chút. Có những lỗi sai không thể chấp nhận được, có những bài thi giám khảo không sao đọc được, có những câu văn của học sinh, giám khảo ôm bụng cười tới năm phút sau mới chấm tiếp được...
  • xem toàn bộ