Chữ Tâm trong kinh doanh

05:10 CH @ Thứ Hai - 25 Tháng Hai, 2008

Người ta bàn nhiều đến chữ tâm trong kinh doanh. Nhà văn Lê Lựu - Giám đốc Trung tâm Văn hoá doanh nhân - đưa ra tiêu chuẩn của một doanh nhân đích thực phải có đủ Tâm-Tài-Trí-Đức.

Tâm là doanh nhân cần thấm đẫm tính nhân văn cao cả. Giải Golf "Doanh nhân Việt Nam vì người nghèo", được truyền hình trực tiếp, đã vận động được hơn 62 tỉ đồng ủng hộ người nghèo.

Một số cơ quan tổ chức Cúp vàng "Doanh nhân Tâm-Tài" nhằm tôn vinh các doanh nhân vừa có tâm vừa có tài. Lần đầu, năm 2007, 113 cúp vàng "Doanh nhân Tâm Tài" đã được trao trong số 285 hồ sơ tham dự bình chọn... Quả là những việc làm có ý nghĩa.

Nhưng thế nào "thấm đẫm tính nhân văn cao cả", thế nào là có tâm trong kinh doanh vẫn còn phải bàn dài dài và có lẽ không bao giờ đủ. Hình như làm ra nhiều tiền và mang tiền đi làm việc thiện (tiêu chuẩn cho cúp "Tâm và Tài" là: doanh nhân "có vai trò và ảnh hưởng quan trọng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đơn vị mình phụ trách. Là tấm gương sáng về đạo đức. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vì cộng đồng").

Có lẽ chữ Tâm lớn nhất đối với một doanh nhân là làm ra nhiều lợi nhuận nhất cho doanh nghiệp từ hoạt động hợp pháp, giữ chữ tín, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo điều kiện cho người làm có môi trường làm việc phù hợp và có cơ hội phát huy tài năng.

Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận. Không có lợi nhuận thì lấy đâu ra mà làm từ thiện. Lợi nhuận đó phải là từ hoạt động hợp pháp, nếu làm ăn phi pháp thì bị pháp luật trừng trị và không thể lâu bền. Các tiêu chuẩn khác không mâu thuẫn với mục tiêu lợi nhuận. Giữ được chữ tín với khách hàng, bạn hàng, nhân viên, cộng đồng và nhà nước tạo nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, giữ được mối làm ăn, bạn hàng, nhân viên và điều này lại tạo cho doanh nghiệp cơ hội có thể tạo ra nhiều lợi nhuận hơn nữa.

Tạo công ăn việc làm là một trong những việc làm cao cả bậc nhất của doanh nhân. Nhiều người làm thì chi phí tăng lên, chi phí tăng thì lợi nhuận giảm, đấy là một cách suy nghĩ có vẻ hợp lý. Và như thế tạo nhiều công ăn việc làm có vẻ mâu thuẫn với mục tiêu lợi nhuận, song suy ngẫm kỹ hơn chưa chắc phải vậy. Nếu làm khéo, việc tăng số người làm có thể tăng doanh thu, tăng lợi nhuận. Đây là vấn đề khó, song không nhất thiết gây ra mâu thuẫn.

Những lúc khó khăn, chủ doanh nghiệp (hay các chủ mới) có thể phải thu hẹp quy mô, sa thải người, làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và chỉ bằng cách đó mới có thể tạo công ăn việc làm mới trong dài hạn. Việc sa thải nhân viên thường bị lên án là "nhẫn tâm", song để cải tổ doanh nghiệp có thể việc sa thải một số người là không thể tránh khỏi. Nếu lẫn lộn giữa mục tiêu hiệu quả và chữ tâm, thì có thể cả doanh nghiệp bị xoá sổ và chẳng còn việc làm nào để mà bảo vệ.

Trong những trường hợp như vậy, các hệ thống an sinh xã hội (trợ cấp thất nghiệp, quỹ đào tạo, v.v...) có thể làm cho người lao động đỡ bị lao đao. Như thế việc xây dựng các hệ thống an sinh xã hội thể hiện cái tâm của xã hội, của cộng đồng, của nhà nước. Và chính sách của Nhà nước để tạo dựng những hệ thống như vậy chính là thể hiện chữ Tâm lớn hơn.

Nếu hiểu và nhìn nhận như vậy thì khi có phải "sa thải" nhân viên trong cải tổ doanh nghiệp, người chủ cũng không nên bị lên án là "nhẫn tâm", vì cái "nhẫn tâm" ấy là cần thiết để tạo ra nhiều công ăn việc làm mới xét trên toàn cục và cái chữ "Nhẫn" này mất đi để chỉ còn lại chữ Tâm. Chắc chắn sẽ có người lên án tôi biện bạch cho "bọn tư bản", tôi chỉ xin họ suy đi nghĩ lại những hậu quả đối với doanh nghiệp và với chính những người lao động có thể tiếp tục làm việc ở đó sẽ ra sao nếu vì chữ Tâm mà nó không sa thải ai cả nên tiếp tục bị lỗ và đi đến phá sản, trước khi đưa ra lời lên án.

Tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt cho người lao động làm tăng chi phí, có vẻ ngược với mục tiêu chính là lợi nhuận, nhưng xét dài hạn đó là cách đầu tư thông minh để thu được lợi nhuận nhiều hơn vì người lao động có thể phát huy hết tài năng, yên tâm làm việc.

Đóng góp lớn nhất cho cộng đồng chính là việc doanh nghiệp góp phần vào phát triển kinh tế của đất nước, của địa phương, là thuế mà doanh nghiệp nộp, là công ăn việc làm mà doanh nghiệp tạo ra, tuy các khoản "từ thiện" là rất đáng quý, rất đáng trân trọng, song vẫn không phải là "chính", là "thường xuyên". Như thế, nếu nhà nước có khung khổ pháp lý, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, thu được nhiều lợi nhuận nhất, thì chính là cách để doanh nhân có "chữ tâm" càng lớn, càng lâu, càng bền.

Tôi nghe vài bạn nước ngoài phàn nàn về những doanh nhân Việt Nam đi xe Lexus, xe Mercedes, ăn xài sang trọng và cũng "rất hào phóng", nhưng công nhân làm việc rất cực nhọc trong môi trường bẩn thỉu và chật chội. Dẫu họ có làm tự thiện nhiều thì chắc cũng là để "đánh bóng" tên tuổi mà thôi và cách làm đó khó có thể lâu bền, cái "tâm" có vẻ to nhưng thực ra là mỏng.

Cũng có người do các quan hệ, do cánh hẩu mà thu bộn tiền và rỉnh rang làm "từ thiện" để đánh bóng thương hiệu. Lại có những kẻ làm ăn phi pháp do sợ về mặt tâm linh và có thể làm "từ thiện" để "chuộc lỗi", để cho cái tâm của họ bớt day dứt, cho đầu óc bớt căng thẳng hay để tìm cách che đậy. Những kẻ như vậy chắc chắn "tâm không chính".

Cũng lại rất nên tránh việc biến sự tôn vinh thành cơ hội kinh doanh của các nhà tổ chức (họ bán danh ["hiệu"] cho những người cần đánh bóng mình hay doanh nghiệp của mình).

Quá thiên về các khoản đóng góp, các khoản từ thiện có thể làm cho cái nhìn bị méo mó. Cách cho, cách đưa tin có khi còn quan trọng hơn. Dùng tiền của tạo lợi nhuận cho chính mình một cách hợp pháp, tạo cho người khác có công ăn việc làm, tạo cho họ có khả năng tự xoay xở, tạo điều kiện cho người dân có nhiều khả năng tự làm giàu cho chính mình. Đấy mới là có cái tâm lớn. Và người có tâm lớn thường không khoe cái tâm của mình, không khoe việc thiện mình làm.

Ngẫm thế mới thấy cái tâm trong kinh doanh đâu đơn giản. Bàn về cái tâm đâu có thể qua loa và càng không nên ồn ã.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhìn doanh nhân dưới góc độ văn hoá

    10/10/2018Vương Trí NhànNhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn chia sẻ những cảm nghĩ của mình, sau gần một tháng nghiền ngẫm bài báo của SGTT: “Đâu là những việc cần làm nếu muốn nhìn giới kinh doanh dưới góc độ văn hoá”...
  • Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội

    30/12/2007Mai Anh - Lâm Kiên“Danh tiếng thương hiệu lừng lẫy hàng chục năm trời đế tạo dựng có thể bị hủy hoại chỉ trong chốc lát chỉ vì những sự cố như xì căng đan lừa đảo vài khâu trong quy trình công nghệ, hoặc hiểm họa môi trường”...
  • Loay hoay kiếm kế sinh nhai

    09/03/2007Hoa ChiCuối tháng 11/2006, Chính phủ Nga đã ban hành Nghị định về người lao động và nhập cư, trong đó nội dung quan trọng nhất là kể từ ngày 01/4/2007 cấm người nước ngoài bán lẻ trên các chợ ở toàn nước Nga...Nghị định do Thủ tướng Mikhail Fradkov ký bắt đầu có hiệu lực một phần từ 15/01/2007 với các mặt hàng ban đầu là đồ uống có cồn, dược phẩm và có hiệu lực toàn phần kề từ ngày 01/4/2007.
  • Đạo kinh doanh cũng là đạo làm người

    02/02/2006Vốn là cán bộ đoàn, học sư phạm, tôi làm doanh nhân do… thời thế. Gọi nôm na là nghề chọn mình. Không được đào tạo bài bản, chỉ qua trường đời. Từ thực tiễn tôi có một góc nhìn riêng về đạo đức kinh doanh...
  • Tản mạn về doanh nghiệp Việt Nam

    27/01/2006TS. Lê Đăng DoanhTrong thế giới ngày nay, khi hiệu quả về thời gian trở thành thước đo rất quan trọng thì doanh nghiệp và cả xã hội phải có những thay đổi cơ bản...
  • Đưa đạo đức vào trong kinh doanh như thế nào?

    12/01/2006Ngô Minh QuânHầu hết các doanh nghiệp đều công nhận đạo đức trong kinh doanh là một vấn đề quan trọng nhưng nhiều doanh nghiệp lại tỏ ra lúng túng không biết phải làm thế nào để đưa vấn đề này vào trong các hoạt động của mình. Dựa trên kinh nghiệm từ nhiều công ty trên thế giới và kết quả các nghiên cứu khoa học, dưới đây là một số gợi ý cho việc cần làm và yếu tố cần có để thực hiện đạo đức trong doanh nghiệp
  • Đạo đức kinh doanh

    08/01/2006Tôn Thất Nguyễn ThiêmNăm 2005 đi qua cùng với sự lắng lại của nhiều vụ xì-căng-đan của một số doanh nghiệp tại TPHCM. Những bài viết trong cụm bài này chỉ nhằm mục đích khơi gợi và nhen nhóm ý tưởng xây dựng một hệ thống quy tắc đạo đức kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp.
  • Đạo đức doanh nhân Việt Nam hiện nay

    05/01/2006PGS.TS Phạm Duy ĐứcTrong bài viết này chúng tôi không đề cập vấn đề đạo đức Doanh nhân là gì? Nội dung đạo đức Doanh nhân gồm những phẩm chất nào? Các vấn đề đó đã được trình bày trong giáo trình của khoa học Quản trị kinh doanh. Ở đây, chúng tôi xin nêu một số vấn đề cơ bản về đạo đức Doanh nhân Việt Nam đặt ra hiện nay...
  • Bàn về “văn hóa doanh nhân”

    03/01/2006Dương Trung QuốcNói đến “Văn hóa doanh nhân” hay “Văn hóa doanh nghiệp” chúng ta rất dễ sa vào một xu thế đang thời thượng là dường như toàn xã hội đang đi tìm cái căn cước văn hoá của mình. Đã có văn hoá ẩm thực, văn hoá làng xã, văn hoá đô thị... nay lại có văn hóa doanh nhân...
  • Những con số dành cho doanh nhân

    21/07/2005Có thể những con số thực tế sau làm bạn liên tưởng đến hoạt động kinh doanh của mình...
  • xem toàn bộ