Đạo đức kinh doanh

01:50 CH @ Chủ Nhật - 08 Tháng Giêng, 2006

Chẳng phải vô cớ mà khoảng 15 năm nay một ngạn ngữ Ấn Độ được lưu truyền trong giới doanh nghiệp ở các nước phát triển: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tư cách, gieo tư cách gặt số phận”. Điều này hàm ý: Sự tồn vong của doanh nghiệp không chỉ đến từ chất lượng của bản thân các sản phẩm - dịch vụ cung ứng mà còn chủ yếu từ phong cách kinh doanh của doanh nghiệp. Tóm gọn: Hành vi kinh doanh thể hiện tư cách của doanh nghiệp, và chính tư cách ấy tác động trực tiếp đến thành bại của tổ chức! Đạo đức kinh doanh, trong chiều hướng ấy, trở thành một nhân tố chiến lược trong việc phát triển doanh nghiệp.

Muốn “vị lợi” phải “vị nhân”

Điều này trái với cách tiếp cận của kinh tế học “cổ điển” vốn cho rằng mục đích duy nhất của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận, vì thế vấn đề đạo đức - theo nghĩa “vị nhân bất vị lợi” - không thể đặt ra trong kinh doanh: Bản thân hoạt động doanh nghiệp là “phi đạo đức”, trong nghĩa đạo đức không phải là phạm trù quan tâm của doanh nghiệp (vì nó không mang ích lợi thiết thực cho doanh nghiệp, chứ không phải có ý rằng doanh nghiệp là thực thể “vô đạo đức”).

Luận điểm trên hiển lộ giới hạn của nó khi nhiều nhà kinh tế học đã xác minh rõ bản thân doanh nghiệp là một thiết chế xã hội mang tính tổ chức cộng đồng vận hành bởi các động cơ thoát thai từ những quyền lợi thuộc nhiều lĩnh vực của các thành viên liên quan. Và cộng đồng ấy, muốn đáp ứng một cách hiệu quả lý do tồn tại của nó - nghĩa là sản sinh lợi nhuận cần thiết cho việc tái tạo mở rộng doanh nghiệp - lại phải nhìn nhận là thành phần nội bộ cũng như các đối tác bên ngoài của nó không chỉ đơn thuần là những tác nhân kinh tế mà còn đồng thời là những thành viên của một hợp quần xã hội. Nói gọn, theo nhiều lý thuyết mới trong kinh tế học, doanh nghiệp muốn đạt đến mức tối đa mục tiêu của nó là “vị lợi” thì chí ít phải biết thế nào là “vị nhân”!

Hoạt động của doanh nghiệp, theo đó, muốn có hiệu năng tối ưu, phải được chu toàn trong sự tổng hòa những hành vi chiến lược bao gồm chủ yếu ba cấp độ trách nhiệm mà giới chuyên ngành gọi là bổn phận kinh tế, luân lý và đạo đức.

Bổn phận kinh tế của doanh nghiệp là sản xuất và cung ứng hàng hóa - dịch vụ để có được lợi nhuận cần thiết. Nhưng bổn phận ấy chỉ thật sự hoàn thành khi lợi nhuận được phân bổ đúng đắn cho việc phát triển doanh nghiệp và phân phối đồng thời cho tất cả các thành viên liên quan nhằm không chỉ góp phần trực tiếp vào việc mở rộng sự tái tạo vĩ mô của các thành viên ấy mà còn gián tiếp vào sự tái sinh mở rộng xã hội. Vì thế, bổn phận kinh tế phải đi liền với bổn phận luân lý của doanh nghiệp, hiểu theo “nghĩa tối thiểu” là doanh nghiệp phải tuân thủ nền luân lý xã hội được thiết chế trong những quy định pháp lý của Nhà nước. Theo “nghĩa tối đa”, bổn phận trên chỉ được cáng đáng hoàn chỉnh khi doanh nghiệp không chỉ tôn trọng pháp chế mà còn góp phần vào việc pháp điển hóa những quy tắc kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển môi trường sống của xã hội (nôm na là góp sức vào việc xây dựng một “môi trường kinh tế rộng mở cho xã hội” chứ không phải là thủ thế độc quyền trục lợi hay/và thừa cơ “luật hở thì lách”!). Bổn phận đạo đức của doanh nghiệp được minh chứng thông qua những hành vi mang tính chất “tự nguyện”, nghĩa là những hoạt động “vị nhân” không nằm trong khuôn khổ các đòi hỏi thuộc bổn phận kinh tế và luân lý. Tính chất vừa nói cũng không nằm trong các “chương trình đóng góp từ thiện của doanh nghiệp” - thực chất vốn chỉ là những “hành xử quan hệ công cộng/PR” - mà khởi nguyên được thể hiện bởi sự ràng buộc giữa doanh nghiệp với chính lương tâm của nó trong việc thực hiện các hoạt động kinh doanh đối với tất cả mọi đối tác. Thí dụ: dựa vào sự bất đối xứng thông tin trong một cơ chế kinh tế tập quyền nhằm huyễn hoặc người tiêu dùng thì doanh nghiệp có thể không vi phạm luân lý xã hội - vì pháp chế không ngăn cấm - nhưng lại là một hành vi vô đạo đức trong kinh doanh vì mang tính chất “phỉ báng lương tâm nghề nghiệp”!

“Mô hình 3c”

Chính là dựa vào đường hướng trên mà “mô hình 3C” được định hình để xét về “mức độ đạo đức” trong hành vi của doanh nghiệp. Đó là “Conformity”, nghĩa là có đúng theo những chuẩn mực và quy tắc được định chế hóa trong các lĩnh vực kinh tế và luân lý xã hội hay không. “Contribution” có mức độ cao hơn theo nghĩa có đóng góp gì trong việc tái tạo môi trường sinh thái của xã hội nói chung và của cá nhân con người nói riêng. “Consequence” nêu vấn đề theo hướng biện chứng, nghĩa là xem xét hệ quả của việc thực hiện hai “C” đầu tiên.

Nếu ở phương diện vĩ mô các phương cách tiếp cận trên đã mở hướng cho việc kết hợp tính nhân văn trong hoạt động kinh tế (và minh chứng rằng kinh tế không phải là một hành vi thuần túy tính toán “tiền vào tiền ra”), thì ở lĩnh vực vi mô, còn phải thuyết phục các nhà quản trị doanh nghiệp về lợi ích cụ thể của việc ứng dụng đạo đức trong kinh doanh.

Đó là công dụng của luận cứ “Ethics Pays” (“Đạo đức được trả công”) cơ bản như sau: thực hiện những hành vi mang tính đạo đức kinh doanh không nhất thiết luôn luôn phải có những chi phí kèm theo. Ngược lại, mọi hành vi vô đạo đức trong kinh doanh đều luôn luôn, không chóng thì chầy, chịu cái giá phải trả, và giá ấy thường là rất đắt so với cái lợi đã thu được.

Hai giải Nobel về kinh tế học năm 1994 và 2005 đánh dấu cho việc triển khai quan niệm trên: “Trạng thái cân bằng của Nash” minh chứng là trong một thị trường cạnh tranh, điểm “cân bằng tối ưu” chỉ có thể hình thành trên cơ sở của sự liên kết hoặc/và sự tin tưởng giữa các đối tác chứ không thể trên nền tảng của sự lừa dối lẫn nhau. “Lý thuyết trò chơi”, của Schelling và Aumann, xác nhận là trong cạnh tranh kinh tế nếu mỗi đối tác đều mù quáng chạy theo quyền lợi riêng tư của mình thì rốt cuộc tất cả đều bị thua thiệt nặng nề. Hơn nữa, tôn trọng luân lý xã hội và thực hiện đạo đức trong kinh doanh chính là những hành vi đầu tư vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ngược lại, vô luân và vô đạo trong kinh doanh là những hành vi triệt tiêu niềm tin và chỉ có thể là loại “đánh quả” của những tác nhân trông mong duy nhất vào việc “hạ cánh an toàn”.

Trong thời buổi mà “thương hiệu mạnh” được nhìn nhận như một công cụ tạo lợi thế cạnh tranh đặc thù cho doanh nghiệp, “niềm tin” càng trở nên cần thiết. Trong quản trị kinh doanh, khái niệm ấy có nghĩa chính xác: đó là sự “suy đoán rằng trong những sự cố, tình huống bất ngờ và đột xuất, đối tác giao dịch sẽ hành xử theo những nguyên tắc có thể chấp nhận được, nghĩa là không ngược lại với những tiên liệu trong lĩnh vực luân lý xã hội và đạo đức nhân quần”. Nói gọn, thương hiệu là hình thái thiết lập quan hệ doanh thương dựa trên một mức độ tin cậy, và cơ sở của sự tin cậy lại chính là “niềm tin vào tính luân lý và đạo đức” của doanh nghiệp. Do đó đạo đức kinh doanh trở thành nền tảng cho việc xây dựng thương hiệu “thật sự mạnh”, nghĩa là có được sự sâu đậm trong việc “chia sẻ tâm trí” với người tiêu dùng song hành với sự “chiếm lĩnh thị phần”!

Vấn đề cuối: theo xã hội học kinh tế, khi nhân viên của công ty sai phạm trong ứng xử, khuynh hướng chung vẫn cho đấy là thiếu sót thuộc về “văn hóa doanh nghiệp”. Nhưng khi lãnh đạo công ty phạm sai lầm, nhất là sai lầm có chủ đích, xu hướng đa số lại thường nhận định đấy là khiếm khuyết về “đạo đức kinh doanh”: thành quả của tổ chức phụ thuộc vào các giá trị của văn hóa công ty, trong khi thành tích của lãnh đạo lại nằm ở diện đạo đức kinh doanh. Vì thế mà trong ngành quản trị kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp thuộc vào loại “cơ chế phòng ngự” củng cố tổ chức nội bộ và đạo đức kinh doanh lại nằm ở lĩnh vực “mô thức tiến công” trong việc đối ngoại của công ty. Hiểu được điều này tất sẽ rõ vì sao chiều hướng phổ biến lại đề cao “văn hóa doanh nghiệp” mà ít nói về “đạo đức kinh doanh”: khái niệm đầu liên quan đến “thuộc hạ”, khái niệm sau chú trọng đến vai trò của “sếp”, và khi bản thân “sếp” vốn đã không “tử tế, đàng hoàng” lắm thì chẳng ai dại mà luận bàn về “đạo đức kinh doanh”!

Chiều hướng phổ biến lại đề cao “văn hóa doanh nghiệp” mà ít nói về “đạo đức kinh doanh”: khái niệm đầu liên quan đến “thuộc hạ”, khái niệm sau chú trọng đến vai trò của “sếp”, và khi bản thân “sếp” vốn đã không “tử tế, đàng hoàng” lắm thì chẳng ai dại mà luận bàn về “đạo đức kinh doanh”!

Doanh nghiệp nên tổ chức cho tất cả nhân viên cùng đóng góp xây dựng các quy tắc, tự đề ra trách nhiệm và hướng giải quyết khi xảy ra các vấn đề liên quan đến đạo đức.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đạo đức trong kinh doanh

    02/04/2018Mai Thái BìnhTheo mạng Washington Profile, ngay ở trong xã hội tư bản, những bộ phận lành mạnh của giới doanh nhân cũng cố gắng thiết lập những tiêu chí đạo đức cho các hoạt động thương mại của mình.

Nội dung khác