Ai là tác giả Bauxite Tây Nguyên?

10:09 SA @ Thứ Tư - 03 Tháng Mười Một, 2010
Tôi rất mừng là sự phản ứng có phần khá quyết liệt của dư luận vừa qua đã minh chứng cho một không khí dân chủ theo đúng chủ trương mà Đảng đã đề ra. Tôi mong muốn rất đơn giản là Quốc hội có ý kiến dứt khoát về vấn đề này đồng thời có giải thích rõ ràng với cử tri cả nước. Nếu tiếp tục làm thì tại sao và nếu dừng thì cũng tại sao? Tôi sợ nhất sự không rành mạch và thiếu rõ ràng.


- Thưa TS. Chu Hảo, Bản kiến nghị của ông và 15 chính khách, nhà khoa học và nhân sĩ trí thức đã nhận được nhiều sự ủng hộ. Theo ông, vì sao vậy?

Kiến nghị của chúng tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ của nhân dân. Theo tôi, có hai nguyên nhân. Một là sự tin cậy, khích lệ của nhân dân đối với các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học khi họ nói lên sự thật khách quan trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm. Nếu không có sự tin cậy, đã không có sự đồng tình cao như vậy. Thứ hai, nó đã chứng tỏ dư luận xã hội đang ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tham gia ý kiến vào những vấn đề hệ trọng của đất nước. Tôi được biết hai ngày qua, báo Dân trí đã tổ chức thăm dò ý kiến bạn đọc và tại thời điểm hiện tại (15h30 ngày 29/10), đã có gần 50 ngàn lượt người tham gia. Trong đó có tới 91% số người đồng tình với chúng tôi. Con số này đã phản ánh đúng tâm trạng thật của đa số những người quan tâm đến Dự án Bauxite Tây Nguyên và rất có ý nghĩa.

- Công nghệ của bauxite Tây Nguyên giống như công nghệ của Hungary (công nghệ ướt). Phải chăng sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ của Hungary đã tác động đến việc không đồng tình của các ông?

Không đợi đến khi có sự kiện vỡ hồ chứa ở Hunggari mà ngay từ ngày đầu Dự án này được triển khai, đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình từ các nhà khoa học, tướng lĩnh, lão thành cách mạng và người dân. Tiếc thay những ý kiến tâm huyết đó lại không được những người có trách nhiệm lắng nghe. Thảm họa ở Hungary vừa qua đã cảnh tỉnh và khơi gợi ý thức của nhân dân đối với vận mệnh quốc gia nói chung, đối với Tây Nguyên (nơi được coi là mái nhà của Việt Nam và các nước Đông Dương) nói riêng.

Trong các khảo sát độc lập của nhiều nhóm nhà khoa học, họ đã đưa ra một tổng kết khá ngắn gọn là về cơ bản, rừng ở Tây Nguyên đã tàn phá xong. Vấn đề cần thiết của ta hiện nay là trồng lại rừng thì ngược lại, tiếp tục triển khai các dự án phá rừng mà điển hình là Dự án Bauxite này.

- Nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường và chủ đầu tư đã cam kết bảo vệ môi trường và hoàn thổ sau khi khai thác?

Tôi hoài nghi điều đó bởi tại các mỏ than ở Quảng Ninh, nơi có các yếu tố thuận lợi hơn nhiều mà họ còn không thành công thì huống hồ với bùn đỏ ở Tây Nguyên, đó là điều hết sức viển vông.

- Tại sao ông lại có suy nghĩ bi quan như vậy?

Tôi không bi quan hay cảm tính mà các phân tích khoa học đã nói lên điều đó. Vùng Tây Nguyên có lượng mưa rất lớn, trung bình hàng năm khoảng 2.000 – 3.000mm. Với lượng mưa lớn như thế, hồ chứa chất thải độc hại khó có thể đảm bảo sẽ không bị tràn. Rồi vấn đề thẩm thấu. Ai có thể khẳng định lớp nhựa lót nền chống thấm là vĩnh cửu? Bùn đỏ có tính ăn mòn rất cao và theo tôi được biết, cho đến thời điểm này chưa có bất cứ cơ sở sản xuất nhựa chống thấm nào trên thế giới dám cam kết sản phẩm của họ là vĩnh cửu nên rất mong nhà đầu tư dự án cho biết thương hiệu của sản phẩm được dùng vào việc này.

Theo thông tin từ các kỹ sư Việt Nam tham gia làm hồ chứa nước ngọt của Dự án (không phải hồ bùn đỏ), thì việc thi công hồ chứa bùn đỏ được làm rất ẩu, bỏ qua cả khâu thăm dò địa chất thẩm định nền móng.

Do thông tin chưa được kiểm định nên tôi rất mong các cơ quan kiểm chứng để làm sáng tỏ thông tin này.

- Nhìn từ góc độ kinh tế, ông đánh giá như thế nào?

Gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã có các công trình nghiên cứu khá tỉ mỉ và khoa học đối với Dự án này. Mặc dù những con số về kinh tế do TKV cung cấp rất hạn chế nhưng dựa trên số liệu từ nhiều nguồn, các chuyên gia đã tính toán và khẳng định không hiệu quả hay nói cách khác là không có lãi.

- Nhưng với một dự án lớn như thế này thì không thể chỉ là các bài toán kinh tế thông thường, thưa ông?

Đúng là như vậy. Có thể có những dự án tạm thời thì không có lãi, thậm chí chấp nhận lỗ nhưng về tổng thể lâu dài thì phải mang lại lợi nhuận nhiều mặt, tức là có thể tính bằng tiền nhưng cũng có thể lợi nhuận được tính bởi động lực của nó cho các dự án khác. Rất tiếc là đối với cả 2 góc độ trên, Dự án đều cho một đáp số bằng không. TKV cho rằng có lãi còn các chuyên gia kinh tế lại bảo lỗ.

- Tại sao cùng một bài toán nhưng lại cho hai kết quả trái ngược nhau, thưa ông?

Qua phân tích của các bên, tôi cho rằng TKV đã mắc phải hai sai sót nghiêm trọng. Thứ nhất là họ không tính giá thành con đường vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm vào giá thành sản phẩm. Nó giống như anh xây một cái nhà nhưng lại không tính chi phí cho ngõ đi. Đáng lưu ý là con đường này dài hàng trăm km, đi qua các địa hình hiểm trở và chủ yếu để phục vụ riêng cho dự án này. Thứ hai là khi tính toán, các nhà xây dựng Dự án không tính đến sự biến động của thị trường đối với sản phẩm nhôm. Đó là chưa kể sau sự cố ở Hungary, đề phòng bất trắc, họ sẽ phải chi một khoản kinh phí rất lớn để gia cố cho công trình và điều đó càng đẩy giá thành lên cao.

- Xin lỗi cho tôi hỏi thẳng. Tại sao các ông im lặng, không phản ánh điều này ngay từ khi Dự án mới triển khai mà để đến tận hôm nay mới làm việc này?

Không phải chúng tôi im lặng. Ngay từ năm 2009, khi Dự án bắt đầu triển khai, Liên hiệp Các hội Khoa học – Kỹ thuật chúng tôi đã kiến nghị trong đó đề nghị chuyển nhà máy xuống gần bờ biển và nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược toàn vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, việc đánh giá môi trường vẫn chưa được triển khai. Hậu quả là không chỉ có Dự án Bauxite mà các dự án khác của Tây Nguyên cũng không có dữ liệu để triển khai cho phù hợp.

Đối với an ninh, quốc phòng cũng thế. Cách đây một năm, chúng tôi đã có những phân tích khá đầy đủ nhưng cho đến nay, TKV vẫn chưa làm gì để có thể làm mọi người yên lòng. Trong khi đó, ở tất cả các văn kiện của Đảng đều chú trọng việc phát triển kinh tế phải gắn liền với an ninh, quốc phòng. Về an ninh, quốc phòng, nếu nơi khác cần quan tâm một thì Tây Nguyên, với vị trí nóc nhà Đông Dương điều này cần quan tâm gấp 3 – 4 lần.

- Dù đã được chính Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết về độ an toàn nhưng người dân vẫn hoài nghi. Từng nhiều năm là thành viên của Chính phủ, ông nghĩ gì về điều này?

Tôi nghĩ là cần khách quan và không nên suy diễn quá rộng. Trong trường hợp này, nên nhìn nhận đây là ý kiến của người dân trước một sự việc cụ thể của một Bộ trưởng cụ thể. Những phản ứng vừa qua của dư luận còn có nguyên nhân từ sự lắng nghe của một số quan chức đối với ý kiến của người dân. Trong khi nói là lắng nghe nhưng vẫn đẩy nhanh tiến độ thì đâu phải là lắng nghe thật sự? Tuy nhiên, tôi rất mừng là sự phản ứng có phần khá quyết liệt của dư luận vừa qua đã minh chứng cho một không khí dân chủ theo đúng chủ trương mà Đảng đã đề ra.

- Là một cử tri, ông chờ đợi gì ở Quốc hội trong sự việc này, thưa Tiến sĩ?

Tôi mong muốn rất đơn giản là Quốc hội có ý kiến dứt khoát về vấn đề này đồng thời có giải thích rõ ràng với cử tri cả nước. Nếu tiếp tục làm thì tại sao và nếu dừng thì cũng tại sao? Tôi sợ nhất sự không rành mạch và thiếu rõ ràng.

- Hiện nay dự án đã triển khai và nếu dừng lại, chúng ta sẽ mất những khoản tiền rất lớn…?

Ở đây lại là bài toán khác. Giả sử nếu dừng lại, chúng ta có thể mất hàng trăm triệu USD nhưng nếu không dừng lại, khi sự cố xảy ra chúng ta sẽ mất hàng trăm tỉ USD. Trước tình hình hiện nay, chúng ta không có quyền lựa chọn phương án tốt nhất mà bắt buộc phải lựa chọn phương án ít xấu nhất.

- Một câu hỏi không mới nhưng luôn là mối quan tâm của mọi người. Nếu Dự án bị dừng, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Đương nhiên ai là tác giả của Dự án thì người đó phải chịu trách nhiệm và khi Quốc hội quyết định dừng thì Quốc hội sẽ có trách nhiệm chỉ ra tác giả để thông báo với cử tri.

- Ông có tin rằng Đảng, Nhà nước và gần nhất là tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ hành xử hợp với ý nguyện của nhân dân không?

Một nhà nước được Đảng chủ trương xây dựng, điều hành trên nền tảng dân chủ và pháp quyền thì ý nguyện của nhân dân là tối thượng. Nhất là khi ý nguyện đó lại dựa trên kết quả nghiên cứu, phân tích khách quan, khoa học, trên tinh thần xây dựng thì chắc chắn phải là quyết định cuối cùng.

- Xin cám ơn ông!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bauxite và Vinashin

    30/10/2010Nguyễn Vạn PhúGiữa hai dự án bauxite ở Tây Nguyên và Vinashin có điểm gì chung?
  • “Bom bùn đỏ treo cao”

    27/10/2010Thanh ThảoVụ Vinashin còn chưa được làm sáng rõ cho ra ngô ra khoai, thì việc Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) triển khai dự án khai thác bauxite ở Nhân Cơ và Tân Rai đang thực sự gây bức xúc trong dư luận nhân dân cả nước về rất nhiều mặt...

  • Việc nước: từ bôxit tới Vinashin

    25/10/2010Tân DânThật mới mẻ với truyền thống sinh hoạt chính trị dựa trên sự nhất trí, bản kiến nghị dừng triển khai dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên của nhiều nhân sĩ trong nước không những đã không bị ngăn chặn mà còn được người đại diện Chính phủ tuyên bố “còn có ý kiến thì còn tiếp tục nghe”...
  • Từ tai hoạ bùn đỏ ở Hungary, nghĩ tới bôxít Tây Nguyên

    08/10/2010TS. Nguyễn Quang ANgày 4.10.2010, đập hồ chứa bùn đỏ tại mỏ khai thác và chế biến bôxít ở Ajka, Hungary đã bị vỡ. Gần 1 triệu m3 bùn đỏ đã tràn xuống phủ một diện tích 40km2 và làm tan hoang nhiều khu dân cư...