Đọc sách là niềm vui
Thứ 6 ngày 4/8/2017 tôi đến thăm trường tiểu học Stanmore Public School, theo nguyện vọng của cháu tôi là mời cả mẹ và bà đến dự buổi diễu hành ( Book banare) trong tuần lễ sách ( Book Week) của trường tổ chức.
Đến nơi thấy một không khí vui vẻ, học sinh mặc đủ sắc màu theo các nhân vật mà các cháu yêu thích trong các câu chuyện. Nhân vật được tái hiện nhiều vô kể, từ truyện cổ tích đến chuyện viễn tưởng, rồi các con vật quen thuộc, các lùm cây, hoa trái…đều được các cháu lựa chọn để biến tấu thành trang phục khoác vào người trông thật ngộ nghĩnh. Học sinh các lớp học từ vỡ lòng đến lớp 6 đều có những trang phục riêng ít khi trùng nhau. Dẫn chương trình diễu hành có cả giáo viên và học sinh. Các em thành thạo dẫn chương trình, tiến hành phỏng vấn những cá nhân tiêu biểu ở các lớp. Nội dung phỏng vấn là, vì sao các em thích đọc truyện, các nhân vật của câu chuyện được bố mẹ giúp để tạo trang phục như thế nào…
Các khối, lớp được tập trung đúng nơi qui định. Hội trường, nơi tập trung học sinh chỉ có mái che và trải thảm cho các em ngồi để chuẩn bị diễu hành và xem diễu hành. Bao quanh khu vực học là ghế ngồi cho các vị phụ huynh, nếu không đủ ghế thì họ đứng xem các con diễu hành.
Úc là đất nước đa dân tộc, da đen, da vàng, da trắng…Các em vui vẻ bên nhau với những nụ cười, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát.
Cả hội trường im lặng theo dõi cuộc chơi của các em. Khối lớp 2 được diễu hành đầu tiên rồi lần lượt đến các khối do nhà trường sắp xếp.
Tôi có ấn tượng nhất là một em khoác vào người khối hình cây xanh xòe rộng tán. Diễu đi diễu lại hai lần, không biết em có thấy vướng víu và nặng nề không. Bố mẹ em thật giỏi khi tạo hình cây xanh độc đáo này. Nước Úc tươi xanh, chỗ nào cũng có công viên, chỗ nào cũng có cây xanh. Bảo vệ cây xanh là nghĩa vụ hang đầu của người Úc. Muốn trồng cây gì trước cửa nhà phải được nhà chức trách qui định, muốn phá bỏ cây trồng phải có lý do và phải xin phép. Trong cuộc diễu hành có rất nhiều loại hình cây xanh được tạo dáng trong trang phục. Các chú thỏ, chú gấu, hổ, hươu, các nàng tiên, các hoàng tử và công chúa…được các em tái hiện bằng những trang phục vừa nhí nhảnh vừa nghiêm túc. Những học sinh ở nhiều lớp có chung một trang phục của nhân vật chính trong truyện Harry Potter. Khi MC gọi tất cả những em mặc trang phục Harry lên tập trung thì thấy số học sinh này rất đông. Ta có thể biết tác phẩm Harry Potter được học sinh đọc thích thú như thế nào, không chỉ các em lớn tuổi mà các em nhỏ tuổi cũng đã tiếp cận với với tác phẩm bán chạy nhất thế giới này .
Xen kẽ với việc các khối, lớp diễu hành là những phỏng vấn của người dẫn chương trình. Các em rất thành thạo khi làm việc. Bởi, từ lớp vỡ lòng các em đã được tiếp cận với việc làm diễn giả, diễn giả ở lớp học của mình rồi đến việc diễn giả trước đông đảo học sinh của trường có các bậc phụ huynh dự. Các em được chọn lên diễn thuyết rất hồ hởi còn những em chưa được lên thì có ước muốn cố gắng để thành diễn giả. Học sinh được giáo dục để phát huy năng lực cá nhân, biết giao tiếp trong các quan hệ xã hội một cách tự tin.
Cuộc diễu hành thực hiện trong một giờ. Các bậc phụ huynh thích thú theo dõi, họ quay video và chụp ảnh, vỗ tay tán thưởng khi các lớp diễu hành đi qua chỗ mình. Nhìn những khuôn mặt sáng ngời, vui sướng khi diễu hành, tôi nghĩ, thế giới thần tiên qua các câu chuyện cổ tích đã làm phong phú trí tưởng tượng của trẻ thơ, tâm hồn các em tỏa sáng, vui tươi. Các hoàng tử, các công chúa, các phù thủy, kẻ ác và người tốt…từ các câu chuyện được các em tái hiện lại trong buổi diễu hành thật sinh động, đáng yêu. Tuổi thần tiên sẽ nhớ mãi những buổi diễu hành, các em là những nhân vật trong các câu chuyện. Sách và các câu truyện càng thêm hấp dẫn, thổi hồn vào trẻ thơ.
Sau khi buổi diễu hành kết thúc, các bậc phụ huynh vào thư viện cho con lựa chọn những cuốn sách để cha mẹ mua cho chúng. Thư viện trường bao giờ cũng có nguồn cung cấp sách đọc phù hợp với các lớp học và lứa tuổi của các em. Thư viện là nơi thu hút học sinh đến chơi và tìm sách đọc.
Tôi được biết, ngay từ lớp vỡ lòng ( tương đương với lớp 1 ở Việt Nam) ngày nào các cháu cũng phải đọc ít nhất một câu chuyện, sách do thư viện nhà trường cung cấp cho mượn về nhà, có định ngày trả. Các cháu có thể tự đọc, nhưng phần lớn bố hoặc mẹ ngồi cạnh con để nghe con đọc. Cháu tôi thường đọc hai câu chuyện cháu thích . Đọc xong cháu đưa cho bố mẹ ký tên xác nhận. Có hôm tôi ngồi nghe cháu đọc, đọc xong, cháu nói, bà ký vào đây vì bà nghe cháu đọc. Tôi ký và thấy, thật thú vị, đọc sách đã thành nếp sống thường xuyên của học sinh.
Tôi nhẩm tính, mỗi ngày các cháu đọc ít nhất một câu chuyện thì một năm, 365 ngày các cháu sẽ biết hàng trăm câu chuyện ( có thể trừ đi những ngày các cháu đi chơi, du lịch, nghỉ ốm…). Các cháu mê chuyện thì số chuyện các cháu đọc càng nhiều. Chỉ riêng tiểu học , 6 năm , các cháu đã tiếp xúc với bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu cuốn sách ? Hầu hết các cháu đọc theo qui định của trường, có những cháu tự tìm những câu chuyện mà mình thích khi cùng bố mẹ đi mua sách. Ở các hội chợ, có đủ các loại hàng hóa nhưng hội chợ nào cũng có một quầy bán sách. Trẻ em đi chợ cùng bố mẹ thường hay vào để mua sách đọc, sách cũ, sách mới đều có. Những sách hay, nhiều người đọc, hàng năm có hạ giá, bán rất rẻ nhằm khuyến khích người lớn và trẻ em đọc. Có những cuốn sách do các cháu mới học lớp 2, lớp 3 sáng tác, được các nhà xuất bản in ấn và phổ biến đến các trường tiểu học. Các cháu xem thích thú và tập viết, tập sáng tác. Cháu tôi cũng có một File riêng để tự sáng tác những chủ đề cháu thích.
Từ hồi cháu tôi học lớp vỡ lòng ( tương đương với lớp 1 ở Việt Nam), khi đã biết mặt chữ ở năm cuối của trường mẫu giáo, sau hai hoặc ba tháng nhà trường đã có sách để cháu mang về tiếp xúc, lúc chưa biết nhiều chữ thì cha mẹ đọc, cháu tập đánh vần các truyện rất ngắn in chữ to, và sẽ đọc dần dần khi biết nhiều chữ hơn.
Ở trường, trong chương trình học bao giờ cũng có giờ đọc chuyện. Cô giáo ngồi ghế thấp, cầm cuốn sách hướng về học sinh, giọng đọc rất truyền cảm, hấp dẫn. Học sinh ngồi ở thảm, quay quần bên cô, say sưa lắng nghe cô đọc. Trong quá trình đọc giáo viên đưa ra rất nhiều câu hỏi, các cháu sôi nổi trình bày các ý kiến của mình. Câu nào của học sinh cũng được giáo viên tán đồng rồi giải thích cặn kẽ thêm nội dung các câu chuyện.
Những qui định của giáo viên đối với học sinh khi đọc sách ở nhà được thông báo cho phụ huynh cùng phối hợp để thực hiện. Có trường phụ huynh còn tham gia đọc sách cho các em ở giờ đọc sách.
Những quyển sách đọc cho các em được in rất đẹp, đủ các loại, như sách xếp hình (puzzle), sách nổi (pop-up), sách dán (sticker), sách hỗ trợ âm thanh ( audio)…Nội dung các cuốn sách đa dạng, sách cổ tích, sách viễn tưởng, sách về thế giới tự nhiên, sách về tôn giáo…Trường nào cũng có thư viện lớn, các em rất thích vào đây để chơi và tìm sách đọc. Các sách cho học sinh đọc bao giờ cũng có phần hướng dẫn kỹ năng đọc ở trang bìa trước hay sau cuốn sách. Học sinh còn được hướng dẫn tư duy đọc sách qua thẻ chắn sách( đánh dấu chỗ đang đọc dở), trên thẻ gợi ý nhân vật chính là ai, bối cảnh câu chuyện là gì, câu chuyện có mục đích gì và còn cho các em dự đoán câu chuyện sẽ diễn biến ra sao, nếu em là nhân vật đó em sẽ hành động như thế nào…
Sách luôn luôn giúp các em hiểu biết tự nhiên và xã hội, tưởng tượng được những gì các em yêu thích. Ngay từ lớp vỡ lòng các em đã biết sử dụng Internet làm toán, học tiếng Anh ở nhà, các phần mềm có trang Web riêng do nhà trường cài đặt. Việc định hướng đọc sách và sử dụng Internet cho học sinh ở nhà được giáo viên và phụ huynh kết hợp chặt chẽ nhằm quản lý tốt cách học và phát triển tư duy độc lập cho các em.
Nếp đọc sách song hành suốt cuộc đời của những người Úc. Tôi từng đi trên các chuyến tàu , thấy, rất nhiều người Úc có những cuốn sách trên tay. Họ đọc khi chờ đợi tàu đến, đọc sách trên tàu khi tàu đi, có thể là do công việc, có thể là do thói quen không bỏ phí thời gian thừa, nhưng tôi chắc, đọc sách là nếp sống thường nhật của người Úc bởi từ nhỏ họ đã có thói quen đọc sách.
Sách là người thày gần gũi nhất giúp con người tri thức, sự hiểu biết và giúp con người tự hoàn thiện nhân cách. Nhìn công dân của một nước thích đọc sách ta có thể hiểu được mặt bằng dân trí của họ.
Một đất nước có nền giáo dục tốt như Úc đã sản sinh ra nhiều nhà khoa học nổi tiếng, được giải Nobel và tạo nên mặt bằng dân trí cao, giúp cho xã hội phát triển không ngừng. Úc đứng thứ 8 trong 20 quốc gia đáng sống nhất thế giới năm 2017 (Bảo Hạnh- Theo Daily Mail- Báomới.com ngày 8/3/2017)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015