Cho người khác một cuốn sách để họ biết ước mơ hơn
“Anh đã xây dựng được tủ sách với trị giá ban đầu 15 triệu đồng. Bố mẹ anh rất vui lòng khi nhận trách nhiệm quản lý tủ sách ấy. Ngày khai trương, hàng xóm, láng giềng và trẻ con đến rất đông. Ai cũng vui mừng vì từ nay có thể mượn những cuốn sách yêu thích để đọc…”. Đấy là những chia sẻ của anh Nguyễn Hòa Bình quê ở Tân An, Yên Dũng, Bắc Giang, một người đã tự nỗ lực bằng những hành động cụ thể đưa sách về làng quê mình bằng việc xây dựng tủ sách dòng họ.
Nguyễn Hòa Bình sinh ra trong một gia đình thuần nông có truyền thống học hành. Còn nhớ khi còn nhỏ mỗi lần bố anh đi đâu về cũng mua sách cho anh, đó là món quà và là niềm vui bất tận của tuổi thơ mà anh có. Ở quê anh, nhiều em nhỏ mượn nhau những cuốn truyện, mà không phải ai cũng có, truyện cho thiếu nhi thiếu, truyện cho người lớn cũng thiếu, đấy là chưa kể đến những cuốn sách kiến thức phục vụ cho đời sống và sản xuất nông nghiệp. Anh ấp ủ muốn làm một điều gì đó để mang sách đến cho mọi người, tình cờ, anh đọc báo nói về chương trình tủ sách dòng họ. Khi ấy, những ước mơ, băn khoăn và ấp ủ về những cuốn sách cộng với sự gặp gỡ với chương trình tủ sách dòng họ đã giúp anh thực hiện ý tưởng làm tủ sách.
Tháng 9/2011, với sự giúp đỡ của Nhà sách Đông Tây và bạn bè, anh đã xây dựng được tủ sách với trị giá ban đầu 15 triệu đồng với 1000 đầu sách. Những ngày đầu, bố mẹ anh rất vui lòng khi nhận trách nhiệm quản lý tủ sách ấy. Ngày khai trương, hàng xóm, láng giềng và trẻ con đến rất đông. Ai cũng vui mừng vì từ nay có thể mượn những cuốn sách yêu thích để đọc.
Trong không khí làng quê thanh bình, có tiếng trẻ con gọi cửa giữa trưa để mượn sách, sau đó chúng ngồi lê la khắp sân để đọc mà lòng anh vui khó tả, có một điều gì đó của tuổi thơ anh ùa về, những ngày xa lắm, thích đọc sách và thèm sách để đọc. Điều vui nhất là từ khi xây dựng tủ sách đến nay, cụ thân sinh anh đã lưu lại được một danh sách dày những tên sách, tên người mượn vào một cuốn sổ dầy. Điều đó chứng tỏ, tủ sách được sử dụng rất tốt.
Từ khi khai trương đến nay, tủ sách đã thêm được hơn 100 đầu sách mới nữa. Bạn bè, người quen biết về việc làm tủ sách gia đình của anh cũng thường xuyên tặng cho anh những cuốn sách hay để cập nhật và làm mới tủ sách. Anh cũng hiểu rằng, nhiều người ủng hộ ý nghĩa của hành động này, tuy nhiên, để tủ sách hoạt động đúng như mong muốn lại là một câu chuyện…
Việc làm của cá nhân anh gợi lên trong mỗi chúng ta một suy nghĩ rằng: ai đó được xem như là đã thoát ly, có điều kiện tiếp xúc với nền tri thức và có điều kiện về kinh tế hơn thì hãy giúp đỡ mọi người bằng cách tạo lập các giá trị liên quan đến sách. Làm sao để những đứa trẻ có một tương lai tốt hơn, không gì hơn ngoài việc tặng những cuốn sách để sẻ chia những kinh nghiệm, nhận thực về kiến thức cuộc sống, để họ sống tốt hơn và biết ước mơ hơn. Bởi vì, một cuốn sách có thể thay đổi tương lai và cuộc đời của một con người. Tặng sách cho người khác, cộng với khả năng tự nhận thức và nỗ lực phấn đấu, sẽ nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của họ, và đó là một giá trị vĩnh viễn. Bởi vì sách có thể thay đổi nhận thức, hành vi và ước mơ của con người, cái cách mà văn hóa được truyền từ người này qua người khác…
Rất đông người đến đọc sách tại Gia đình anh Nguyễn Hòa Bình
Anh chia sẻ rằng, mỗi ngày về nhìn lại tủ sách mà mình đã tạo dựng ngày một cũ đi, thì đến một lúc nào đó, những đứa trẻ làng anh không còn hào hứng với sách nữa. Những lo lắng ấy của anh không phải là vô cớ, bởi vì tủ sách cần được cập nhật, cần được làm mới để kéo người đọc gần với sách hơn. Đó âu cũng là một nỗi lo chung, một ngày nào đó, ý thức đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trở thành mục tiêu không chỉ của mỗi người, mỗi nhà mà của cả xã hội, thì khi ấy, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Bây giờ trẻ con thành phố được sống trong môi trường rất đầy đủ vật chất, sách vở không hề thiếu, nhưng chúng lại tỏ ra hứng thú với những màn hình vi tính, iphone, ipad hơn là sách. Trong khi trẻ con nông thôn thì sách còn thiếu thốn. Trong suy nghĩ của anh, anh thấy rất quan ngại về điều đó. Trẻ con rất cần sự định hướng, định hướng trong sự quản lý sẽ cho chúng một nhận thức đúng đắn không chỉ về tầm quan trọng của việc đọc sách mà còn đọc như thế nào.
Có một ai đó đã nói rằng sách tạo nên một sự dân chủ mang tính nhân bản. Đọc sách là phương cách vừa truyền thống nhất, vừa ít chi phí nhất mà lại chuyển tại được hàm lượng văn hóa lớn nhất đến với công chúng, nhân loại. Đối tượng của sách không hề phân biệt ranh giới hay khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Việc tạo dựng một thói quen đọc sách, niềm đam mê đọc sách sẽ góp phần xóa nhòa những chênh lệch về mức sống trong xã hội, đồng thời tạo tiền đề cho một nền tảng văn hóa xã hội vững chắc. Nếu mỗi người một ít trong việc nhận thức đi đôi với hành động, để không chỉ nhân rộng tủ sách: gia đình, dòng họ, trường học..không chỉ ở nông thôn mà còn ở miền núi…thì sẽ tạo nên một môi trường đọc sách bền vững của đất nước và toàn thể mọi người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn