Tủ sách của GS Ngô Bảo Châu: 'Cánh cửa mở rộng' phải hài hước và điên rồ hơn
Cánh cửa mở rộng là một tủ sách đáng đọc nhưng không hẳn dễ đọc, có lẽ hút độc giả hơn nhờ tên GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt – nhóm sáng lập – in trên bìa mỗi cuốn sách. Nhà văn Phan Việt chia sẻ với TT&VH Cuối tuần về những thay đổi mà chị muốn mang đến cho tủ sách: dễ đọc hơn và rộng mở hơn.
Hôm nay (1/8) tại Thư viện Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt sẽ có buổi nói chuyện về tủ sách Cánh cửa mở rộngvới các bạn đọc quan tâm.
* Sau 2 năm ra đời, theo đánh giá của chị, tủ sách Cánh cửa mở rộng đã “mở” được đến đâu so với nguyện vọng ban đầu của chị và GS Châu?
- Từ đầu, chúng tôi đã biết làm một cuốn sách mất công lắm cho nên trong mấy năm đầu tủ sách chỉ có kế hoạch in 20 đến 30 đầu sách. Đến thời điểm này, tôi thấy mừng là tủ sách vẫn đều đặn ra sách 2 lần mỗi năm, vào tháng 3 và tháng 11. Mỗi cuốn sách đều có chất lượng chấp nhận được, và sách nào cũng đã tái bản. Vậy là mừng rồi.
* Phần lời giới thiệu sách thường ký tên “Ngô Bảo Châu và Phan Việt”, nhóm thực hiện đã soạn như thế nào?
- Có cuốn anh Châu viết, có cuốn tôi viết; thường thì viết xong chúng tôi gửi cho nhau đọc để nhận xét và chỉnh sửa nếu cần. Có cuốn, như cuốn Khởi sinh của cô độc của Paul Auster mà chúng tôi sẽ ra vào 1/8 này thì là anh Châu viết. Lúc đầu, chúng tôi cũng định người nào viết thì người đó ký nhưng về sau thì nghĩ là không cần thiết, đây là tủ sách chung; nên ký chung với tư cách tủ sách.
* Công việc của chị với tủ sách hàng năm diễn ra như thế nào?
- Tôi và anh Châu làm những việc giống hệt nhau: giới thiệu sách cho NXB Trẻ để họ thẩm định bản thảo xem khả năng xuất bản thế nào, đã có ai mua bản quyền chưa. Sau đó, nếu được thì họ mua bản quyền, tôi giúp tìm người dịch, đọc góp ý, chỉnh sửa bản dịch và viết giới thiệu. Dạo gần đây anh Châu chăm giới thiệu sách hơn tôi vì tôi bận viết cho xong bộ Bất hạnh là một tài sản. Bù lại, tôi chăm làm một số việc hậu cần, ví dụ tìm người dịch, phê bình tổng quan bản dịch, chỉnh tên cho từng cuốn sách, thúc giục để ra sách đúng tiến độ.
Bìa của 14 cuốn sách trong tủ sách Cánh cửa mở rộng.
* Sách văn học chiếm số lượng lớn trong tủ sách và có nhiều tác phẩm kinh điển. Chẳng hạn, cuốn Xác thịt về đâu đứng thứ 12 trong 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của Modern Library, nhưng nhìn chung chưa gây tiếng vang lắm ở Việt Nam. Nếu so sánh, một tiểu thuyết khác không thuộc Cánh cửa mở rộng là Lolita, đứng thứ 4 trong danh sách của Modern Library, khi ra mắt bản dịch, đơn vị xuất bản giới thiệu khá rầm rộ nên cuốn sách được độc giả Việt Nam chú ý, thu hút dư luận nhiều chiều. Chị nghĩ sao?
- Tôi cũng nghĩ là nếu làm khéo thì mỗi đầu sách, mỗi đợt xuất bản phải được chú ý hơn nhiều. Biết thế nhưng khâu xuất bản, phát hành không phải là phần mà tôi và anh Châu muốn can thiệp.
“Cánh cửa mở rộng là tủ sách đáng đọc, nhưng cũng khá kén độc giả, chính điều đó tạo nên sự đa dạng và cho độc giả quyền lựa chọn. Độc giả ở đây không chỉ là một thế hệ hôm nay. Cuốn sách có giá trị thì mãi sau này người ta vẫn sẽ tìm đọc. Với tủ sách này, NXB không đặt ra tiêu chí bán chạy, mà đặt ra tiêu chí: hay và bán được. 2 tiêu chí cũng có tác động đến nhau, nhưng nếu phải chọn một trong hai thì chúng tôi chọn: hay” - Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ
* Nhóm chủ trương bộ Cánh cửa mở rộng có băn khoăn nhiều đến yếu tố thị trường không?
- Chúng tôi có nghĩ đến chứ vì một tủ sách ít nhất phải tự nuôi sống được nó thì mới duy trì được lâu dài. Vả lại thành công thương mại cũng là bằng chứng về chất lượng của tủ sách, nó sẽ khích lệ nhóm làm sách. Bản thân tôi là người viết sách, nói gì đi nữa thì mình cũng vẫn nhìn số lượng sách bán như một chỉ dấu, ít nhất là cho việc mình tiếp cận độc giả của mình tới đâu. Có điều, như tôi nói ở trên, phần thương mại là phần việc của NXB Trẻ.
* Trong bộ sách có những tên tuổi văn học như John Steinbeck, Philip Roth, Thomas Mann… có lẽ nên được giới thiệu “đậm đà” hơn với bạn đọc Việt Nam. Nếu có thể thay đổi điều gì đó ở bộ sách, chị sẽ làm gì?
- Tôi muốn in một số sách dễ đọc, hài hước, điên rồ một tí. Tôi cũng muốn in một số sách văn học kinh điển chưa được in ở Việt Nam và một số sách khoa học xã hội mà với cá nhân tôi là đã thay đổi tư duy của tôi rất nhiều. Nhưng có những cuốn chúng tôi giới thiệu và NXB Trẻ thấy là khó có thể làm được ở thời điểm hiện tại nên cũng chưa làm.
* Sắp tới, chị và GS Ngô Bảo Châu có kế hoạch gì mới với tủ sách?
- Mùa Hè này, chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội và có thời gian bàn kỹ hơn. Về cơ bản, chúng tôi sẽ mời thêm một vài người tham gia nhóm chủ trương của tủ sách để mở rộng việc giới thiệu. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng thay đổi cách viết lời giới thiệu và PR sách. Cho tới nay, chúng tôi thường viết giới thiệu tương đối ngắn vì, như với cá nhân tôi, tôi hay cảm thấy cuốn sách tự nó hoàn chỉnh, đưa lời của mình vào tự nhiên thừa thãi. Nhưng có lẽ nếu chúng tôi viết kỹ hơn về tác giả, tác phẩm và nhất là lý do vì sao chọn cuốn sách đó thì cũng là một cách giao lưu với bạn đọc, để cuốn sách đến với bạn đọc dễ hơn. Ngoài ra thì phía NXB Trẻ chắc cũng sẽ thay đổi cách làm PR cho tủ sách.
Danh mục sách trong tủ sách Cánh cửa mở rộng hiện nay
- Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils (Selma Lagerlof - Hoàng Thiếu Sơn dịch)
- Phải trái đúng sai (Michael Sandel - Hồ Đắc Phương)
- Chuyện của chúng ta bắt đầu (Tobias Wolff - Phan Việt)
- Rene Leys - Người tình trẻ trong Tử Cấm Thành (Victor Segalen - Quế Sơn)
- Thợ cơ khí toán học (Mark Levi - Huy Nguyễn)
- Chết ở Venice (Thomas Mann - Nguyễn Hồng Vân)
- Thị trấn Tortilla Flat (John Steinbeck - Lâm Vũ Thao)
- Con đường da cam (David Zierler - Bùi Phương Thảo)
- Zazie trong tàu điện ngầm (Raymond Queneau - Cẩm Thơ)
- Alain nói về hạnh phúc (Emile Chartlier - Hồ Thanh Vân, Cao Việt Dũng, Nguyễn Long)
- Xác thịt về đâu (Samuel Butler - Thái Hòa)
- Báo ứng (Philip Roth - Hà Nguyễn, Sao Mai)
- Nơi dòng sông chảy qua (Norman Maclean - Nam An)
- Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ (John Steinbeck - Tuấn Việt)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn