Chấn hưng văn hóa mang tới niềm hy vọng
Tôi đã theo dõi khá kỹ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ ba vào tháng 11-2021 với các phát biểu và thông điệp ở đó và trong lòng dấy lên một niềm hy vọng.
Từ Đổi mới kinh tế lần 1, chúng ta đã nói tới Đổi mới tiếp tục lần 2 và lần 3 để đạt được thành tích đáng tự hào là quy mô nền kinh tế tăng gấp 10 lần. Cải cách thể chế tập trung vào bộ máy và thủ tục hành chính cũng đã mang đến kết quả là sự hài lòng ngày càng được ghi nhận của cả người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 toàn cầu đã đổ bộ vào đất nước như một cơn bão lớn để làm lộ ra khá nhiều điểm yếu không thể xem nhẹ, từ quản trị quốc gia đến sự bấp bênh của một nền kinh tế quốc dân phụ thuộc vào chuỗi cung ứng, vốn nước ngoài và nguồn lao động thôn quê, và trên tất cả là các vấn nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn còn tiếp diễn nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, để ước mơ về Việt Nam hùng cường như nỗi khắc khoải bao năm của cả một dân tộc từng chịu biết bao đau thương sẽ thành hiện thực, điều gì buộc phải và còn có thể làm? Đó phải chăng chính là chấn hưng văn hóa?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một tiêu chí và cũng là chân lý: Văn hóa còn là dân tộc còn. Nói ở tầm ấy, văn hóa không chỉ là các dấu hiệu về những giá trị tốt đẹp được kết tinh thành bản sắc. Mà hơn thế, văn hóa là tất cả, là lối nghĩ, lối sống, cách hành động và ứng xử của mỗi con người là cá nhân, từng cộng đồng và cả dân tộc. Vậy, chấn hưng văn hóa chính là sự thay đổi mang tính căn bản và gốc rễ, sẽ mang tới niềm hy vọng lớn về một Tổ quốc không chỉ giàu mạnh mà còn công bằng, dân chủ, văn minh trong tương lai.
Nhưng vì vậy, chấn hưng văn hóa, tức thay đổi và phát triển nó, cũng sẽ là khó nhất. Cho nên từ các thông điệp của Hội nghị văn hóa toàn quốc, càng và càng nhiều hơn các câu hỏi được đặt ra: Chúng ta bắt đầu từ đâu, phải làm gì và như thế nào?
Những ngày cuối năm, tôi để ý một cuộc tranh luận rất lành mạnh và bổ ích trên các diễn đàn của trí thức nước nhà về câu chuyện giáo dục. Câu hỏi và đề xuất của Giáo sư Trần Ngọc Thêm đưa ra: nên chăng hãy bỏ đi khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học săn” trong các nhà trường, đã gặt hái được cả sự vỗ tay tán thưởng lẫn nhiều “gạch đá”. Rất nhiều ý kiến, tiếc rằng, chỉ xoay quanh chuyện chữ nghĩa mà không đặt chủ đề vào một bối cảnh lớn hơn và cần bàn luận nghiêm túc là chấn hưng văn hóa. Văn hóa vốn là căn bản và gốc rễ của nhân cách thì tại sao không bắt đầu từ giáo dục? Nền giáo dục nước ta đã loay hoay quá lâu với các câu hỏi sơ khai về mục tiêu và triết lý dạy và học mà không thể đi đến hồi kết. Vậy thì hãy trở lại đi bước đơn giản hơn bằng chính khẩu hiệu này.
Tôi thuộc nhóm những người ủng hộ ý tưởng của Giáo sư Trần Ngọc Thêm với cách lý giải riêng của mình. Ai cũng hiểu về bản chất, “Lễ” đi sâu là sự phục tùng và tuân thủ, còn “Văn” mở rộng bao gồm kiến thức và tri thức. Tư tưởng này của Khổng Tử đã phát huy tác dụng của nó qua hàng ngàn năm, tạo nên các trật tự thể chế và xã hội ổn định, từ bộ máy nhà nước đến từng tế bào gia đình. Đi qua giáo dục với phương châm ấy, mỗi con người cá nhân sẽ trở thành gì nếu không phải là người tốt , người giỏi, người tài nhưng trong giới hạn biết tuân thủ và phục tùng những gì đã được sắp đặt, cho dù phẩm chất này là quan trọng và không thể thiếu. Chữ “Lễ”, do đó, không sai nhưng cái sai là đặt nó lên hàng đầu. Có người biện hộ rằng học Lễ là học làm người, nên điều đó phải tiên quyết trước mọi kiến thức và tri thức.
Có thật vậy không?
Con người sinh ra chưa có kiến thức và tri thức mà phải qua giáo dục mới có điều ấy. Nhưng để biết Lễ thì có thể không cần. Lễ như là phục tùng và tuân thủ thì không cần dạy mà có thể áp đặt để buộc phải theo. Vậy thì sự áp đặt ấy, một khi đến trước rồi, liệu có còn tạo cho mỗi cá nhân không gian tự do rộng mở để tiếp thu kiến thức, trau dồi tri thức, có năng lực và bản lĩnh để quyết định hành động và phán xét được hay không? Mà trên hết, khả năng tự quyết định và phán xét mới là dấu hiệu của sự trưởng thành như triết gia vĩ đại Immanuel Kant đã từng khẳng định.
Sẽ không có gì đúng hơn khi chúng ta tôn trọng tính khác biệt và đa dạng của con người, đó là sự đa dạng về lối nghĩ, lối sống và cách hành xử. Một xã hội của sự đa dạng là xã hội phát triển đi tới văn minh. Chỉ trên nền tảng như vậy, chữ Lễ mới phát huy tác dụng đích thực và tích cực Của nó đối với đời sống.
Cũng có ý kiến cho rằng một người biết Lễ là biểu hiện có đạo đức, tức tiêu chuẩn làm người. Nhưng đạo đức không thể được suy diễn giản đơn như thế. Đạo là đường còn Đức là lẽ phải. Đạo đức là con đường đi tới lẽ phải. Ta sinh ra chưa biết mình là ai, cái đích lẽ phải là gì và con đường để đi tới đó như thế nào mà đã buộc phải biết nghe và tuân theo những gì đã có được người khác áp đặt thì ta sẽ là gì? Tất cả những câu hỏi này là cả một hệ thống kiến thức và tri thức khổng lồ về nhân sinh và vũ trụ, mà thiếu nó thì phải chăng và rất có thể chữ Lễ vẫn đạt được nhưng tuyệt nhiên làm Người thì không.
Cái khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, xét theo cách hiểu như vậy, đối với tôi chưa bao giờ đúng cả. Ít nhất đối với mỗi đứa trẻ khi đến trường, cái khẩu hiệu kia như nhiều cái khẩu hiệu khác đã đè nặng lên tâm trí nó, thậm chí còn đeo đẳng và ám ảnh mãi cả sau khi ra trường. Cho nên, việc đầu tiên nên làm để chấn hưng văn hóa trong giáo dục trong nhà trường chính là sự giải phóng bằng cách bỏ đi tất cả các khẩu hiệu, tức bắt đầu thay đổi cái “văn hóa khẩu hiệu”, hơn là cứ tiếp tục bàn mãi về ý nghĩa, nội dung hãy tìm cách sửa chữa nó.
Trở lại với tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc. Trước đó, tôi từng nghe và tâm đắc với những lời sau đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với văn hóa, không có sự cao thấp, chỉ có sự đa dạng”. Tôi thấy đó là cả trí tuệ và tính nhân văn. Nếu văn hóa kết tinh trong từng con người cá nhân thì suy ra, không có sự cao thấp giữa những con người mà chỉ có sự đa dạng của từng cá nhân. Sẽ không có gì đúng hơn khi chúng ta tôn trọng tính khác biệt và đa dạng của con người, đó là sự đa dạng về lối nghĩ, lối sống và cách hành xử. Một xã hội của sự đa dạng là xã hội phát triển đi tới văn minh. Chỉ trên nền tảng như vậy, chữ Lễ mới phát huy tác dụng đích thực và tích cực của nó đối với đời sống. Đó là mỗi cá nhân luôn luôn được tự do hành động nhưng trước hết phải tôn trọng quyền tương tự của người khác và tất cả mọi người phải cùng tôn trọng các quy tắc được thỏa thuận chung là pháp luật.
Bước vào năm mới với đất nước Việt Nam là bước vào một kỷ nguyên mới. Chấn hưng văn hóa không phải là tiếp tục đo đếm những thay đổi vẫn diễn ra đều đặn qua từng năm tháng mà đòi hỏi sự đột phá từ cội rễ trong tư duy và hành động. Đổi mới giờ đây chính là sáng tạo và dám nghĩ, dám làm như Đảng kêu gọi. Để kết thúc bài này, tôi chợt nhớ đến câu nói hay của ai đó: Đi chậm, đi nhanh không quan trọng miễn là đi đúng đường để đến trúng đích. Chấn hưng văn hóa cần sự kiên nhẫn và không thể đi nhanh. Sự nghiệp “trồng người” có thể cần tới cả trăm năm nhưng nếu bắt đầu gieo hạt giống tốt, chúng ta sẽ mang đến ngay được niềm hy vọng cho cả dân tộc, để có sức mạnh trên con đường đi tới.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)