Chúng ta đang bị chìm trong nền Văn hóa do mình tạo ra?
Tôi vẫn thường viết, nói về quan điểm của mình :
- Văn hóa phải như bệ phóng hướng đất nước tới phát triển
- Văn hóa bản thân nó phải là căn cốt làm nên những giá trị văn minh
- Văn hóa phải là động lực thúc đẩy khai mở và hội nhập tích cực
- Văn hóa tự nó là suối nguồn cho nhân sinh đẹp của mọi người
- Văn hóa phải là thứ cho mỗi con người tìm thấy giải pháp tốt ở chính mình
- …..
Đất nước chúng ta đã mở cửa, đã hội nhập, đã ngoại giao và thương mại với nhiều nước hơn toàn bộ lịch sử đã từng của chính mình trong suốt hơn mấy ngàn năm…. Chúng ta đã tiếp nhận và sử dụng vô vàn hàng hóa dịch vụ mà Thế giới phát minh ra phục vụ đời sống tiến bộ…bản thân nền kinh tế Việt cũng đã làm ra những thứ đó... Nhưng càng ngày càng hình thành trong đất nước này những ‘thứ văn hóa không giống ai’ , càng ngày có vẻ càng nảy nòi ra những biến tướng đáng sợ từ cái có vẻ như là ‘văn hóa’ hoặc được khoác áo văn hóa….
Văn hóa, hoặc những điều được ‘khoác áo văn hóa’ bản thân nó có ý nghĩa và tác dụng phổ biến rộng trong cộng đồng những nếp nghĩ, phong tục, tập quán….tự nhiên đến mức người ta không bình luận về những gì đã làm, những gì phát sinh bởi từ văn hóa… Bởi vậy nếu Văn hóa sản sinh ra những điều xấu ( ngược với ý nghĩa của 5 điều tôi viết trên ) thì đúng là rất tai hại, sẽ nhấn chìm nhân dân và đất nước mình sâu hơn vào những định kiến sai, nhưng hủ tục đen, nhân sinh quan quái dị…
Sao các ngươi giờ lắm bệnh tật mới thế?
Trong bài viết ngắn ngủi này, tôi chỉ nêu vài điều liên quan đến cuộc sống lao động và làm ăn của chúng ta với các doanh nghiệp… khi mà những khó khăn kinh tế còn chồng chất, những kinh nghiệm xưa cũ đã thất bại, những giải pháp và chính sách mới chưa hình thành…. Và đúng ra trí năng vốn dồi dào của nhân dân nước Việt phải dành ưu tiên cho việc tìm kiếm con đường tương tai với cách thức mới hay hơn, hiệu quả hơn để vượt khó đi lên… Phải khơi thông các dòng chảy kinh tế và gia tăng sản xuất các giá trị văn minh mà mưu cầu phát triển… thì đằng này…đâu đâu cũng sinh ra những thứ ‘văn hóa’, đúng hơn là bị một ‘lực văn hóa’ làm con người và xã hội u mê hơn, xa rời văn minh hơn, tụt hậu hơn, sai lầm hơn trong giải pháp sống, lao động và làm ăn… Thứ văn hóa đó thật đáng sợ, khi tôi biết vô vàn trí thức cao, những doanh nhân giỏi giang, những sinh viên sáng láng, những học gỉa lương chính…cùng nhận thức được hiểm nguy của ‘thứ văn hóa’ đó mà báo động xã hội, đấu tranh bài trừ nó…thế mà không được, không thuyết phục được ngay cả những người thân hay bạn bè vốn rất kính quý mình…rồi không ít họ cũng như muôn người : hoặc chấp nhận nó hoặc tham gia vào cách của nó
- Nào là ma chay cũng giỗ ! Nào là hội hè hiếu hỉ …
- Nào là bói toán lên đồng ! Nào là vàng mã uế tạp tham sân si…
- Nào là tuổi xung, mệnh khắc ! Nào là đẻ ra bao nhiêu khái niệm tâm linh vu vơ…
- Nào là ngày Một, hôm rằm không chi tiền ! Nào là tháng ‘cô hồn; không giao dịch…
- Nào là sờ đầu rùa để thi đỗ cao ! Nào là đi Chùa đề mong đầy phúc lộc….
…Nhiều vô kể xiết...
Tính hiểm nguy của ‘ văn hóa’ như vậy làm cho con người không sống Thực, không làm Thực, không nghĩ Thực, không phấn đấu Thực, không tin Thực…. chỉ mọc lên vô vàn cái Giả, điều Vờ, sự Ngu, thứ Mê….
Tôi đã nêu lên khái niệm 'Hố đen Văn hóa' : Là những ‘khoảng tối’ trong tập tục, được một số thế lực có ảnh hưởng xã hội, có sức chi phối cộng đồng, lợi dụng khai thác, thổi phồng thành tín điều, dùng những thủ thuật mê hoặc, phổ biến vào xã hội bằng những khái niệm mơ hồ và sinh ra tập tục mới …làm nhân sinh quan thêm u mê tiêu cực, làm hư hoại năng lực quản trị , làm biến thái quái dị các cách ứng xử xã hội, vô hiệu cách hoạt động chính thống của TC ….đến mức nó có khả năng hút vào đó bao nhiêu thứ hay ho khác còn lại, nghiền nát chúng…giống như ‘hố đen Vũ trụ’ vậy ….
Cho nên Văn hóa đích thực ngoài năm điều tôi viết trên, trước hết phải là thứ cho từng người trong xã hội nhận chân ra giá trị thực, ca ngợi được điều tốt, tôn vinh được sự hay…theo nghĩa mỗi người trải nghiệm và chứng thực được trong thực tiễn cuộc sống của chính mình và với quan hệ cộng đồng…trong sống, lao động, làm ăn, phấn đấu…. là bộ lọc trong tinh thần chúng ta để loại bỏ cặn bã từ nhận biết đến tâm thức và từ đó khơi nguồn động năng hướng Thượng từ mình và hòa với Người…
Văn hóa bại hoại (rất nguy hiểm hơn khi quan sát động thái, cách phản ứng của nhóm lớn cộng đồng, hơn là biểu hiện xấu của cá biệt ở đâu cũng có thể có), 10 nhận dạng :
- Nó im lặng với cái sai
- Nó ăn theo những điều xấu
- Nó a dua với cuồng mê
- Nó chấp nhận sự hư hỏng
- Nó mất khả năng phê phán thói tật
- Nó cuốn chìm lương tri
- Nó phủ định tiến bộ
- Nó rủ nhau đục ruỗng mọi giá trị
- Nó lan nhiễm vô hiệu nỗ lực cải cách
- Nó bất lực bảo vệ chính điều hay còn lại của Nó
Cho nên, tôi trích câu của nhà văn hóa Nguyễn An Ninh : ‘…Văn hóa là Tâm hồn của một Dân tộc…Nếu Dân tộc nào có nền Văn hóa cao thượng, Thực trị, nuôi dưỡng được Lương Chính mới nắm được trong tay vận mệnh xứng đáng rạng danh của mình với Năm Châu bốn Biển, mới có thể độc lập tự do thực sự về tinh thần và khí chất…’
Và tôi viết thêm : Một Dân tộc, một Quốc gia sở hữu được một nền tảng Văn hóa với Năm Điều tôi nêu ở trên thì tự thoát ra khỏi hủ lậu, không sợ thiếu thốn và Thiên Địa tai, chẳng ngại muôn thách thức từ bên ngoài, không lo dân số nhiều hay ít, không có điều oán trách quá khứ, nhưng ai cũng là ‘nhân kiệt’ đích thực ở chỗ: Họ là từng ngôi sao chiếu sáng, phát tỏa năng lượng tinh thần sạch, cống hiến cho sự văn minh tiến bộ của Đất nước và Nhân loại… Tất cả cùng được hân hoan về hiện tại lành mạnh và tương lai xã hội tươi đẹp mà mình là nhân tố chính, xứng đáng trong đó…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015