Bản chất đa dạng của văn hóa

01:49 CH @ Thứ Hai - 16 Tháng Chín, 2013

Hiện nay theo thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương cũng như Trung ương đang nhìn lại việc thực hiện 15 năm Nghị quyết trung ương 5 khóa 8 (1998), đánh giá các thành công và bất cập để rút kinh nghiệm.

Tôi muốn nêu một nhận xét riêng. Nhìn chung, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân nói chung được tăng lên, internet mở thêm không gian cho đời sống tinh thần, một bộ phận nông thôn có diện mạo mới, nhiều di sản được tôn vinh, nhiều lễ hội được tổ chức hầu như liên tục, nhưng nhìn sâu vào xã hội thì ai ai cũng thấy văn hóa Việt Nam đang xuống cấp nghiêm trọng, mà còn đe dọa đi tới khủng hoảng. Trong xã hội sự phân hóa gay gắt chưa từng có, chủ nghĩa cá nhân cực đoan hoành hành, lợi ích nhóm chi phối đời sống xã hội, các di tích văn hóa liên tục bị xâm hại, môi trường thiên nhiên bị phá hoại, quan hệ người với người phổ biến là lãnh cảm. Trong xã hội, cái xấu, cái ác lên ngôi. Hình ảnh Việt Nam có nhiều điều phản cảm trong mắt bạn bè quốc tế. Văn hóa như thế có thể nói chẳng những chưa phù hợp với tiêu chí tiên tiến, mà cũng chưa đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể nói về cơ bản, văn hóa Việt Nam thiếu hẳn sự đa dạng.

Sở dĩ thế là vì theo tôi, nghị quyết mang tính chất công thức, áp đặt, xa rời thực tế. Ở đây có nhiều điều cần được suy nghĩ, tuy nhiên ở đây tôi chỉ xin nêu một điểm. Điểm 3 trong 5 quan điểm lãnh đạo văn hóa của Đảng ghi: “Nền vǎn hóa Việt Nam là nền vǎn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.” Đa dạng về dân tộc, sắc tộc là đúng , nhưng đó chỉ là một nội dung quan trọng của đa dạng văn hóa. Bên trong văn hóa mỗi dân tộc cũng đa dạng. Ở đây chưa nói gì về đa dạng xã hội, về tôn giáo, tư tưởng, về các khuynh hướng tư tưởng, các trường phái, các trào lưu văn học nghệ thuật, các phong cách cá nhân. Mà không nói đến các phương diện đa dạng này thì chúng ta khó tránh việc xây dựng một nền văn hóa đơn nhất, đơn điệu theo mô hình xã hội chủ nghĩa của mình, do mình nghĩ ra, hạn chế sự đa dạng vốn có của nó. Nghị quyết cũng khẳng định sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, mà toàn dân là một thể rất đa dạng, không đơn nhất.

Năm 1995 Unesco công bố báo cáo về Tính đa dạng về sức sáng tạo của chúng ta, trong đó đề xuất quan điểm phát triển đa nguyên văn hóa, nhấn mạnh giao lưu đối thoại là nền tảng của cộng sinh. Theo Báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 15/5/2003 cho biết ngày 3/11/2002, Đại hội đồng UNESCO đã ra Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hoá, 188 nước tham dự đã kí, khẳng định, đối với nhân loại tính đa dạng văn hóa cũng giống như tính đa dạng trong giới tự nhiên là một điều kiện không thể thiếu để duy trì sự cân bằng của sự sống. Tính đa dạng là di sản chung của loài người. Ngày 9 tháng 12 năm 2005 Ủy ban Unesco Liên hiệp quốc lại họp đại hội lần thứ 33 kí Công ước bảo hộ và xúc tiến các hình thức biểu hiện văn hóa đa dạng, gọi tắt là Công ước về đa dạng văn hóa. (Convention on the Protection and Promotion of the Diversity of Cultural Expressions ). Các văn kiện ấy đều nói lên tầm quan trọng của đa dạng văn hóa xét từ nhiều góc độ.

Không biết nước Việt Nam ta có tham gia kí kết các văn kiện ấy không, vì chúng tôi chưa tiếp xúc được với văn bản có các chữ kí ấy. Theo trích dẫn của tài liệu trên, ông F.Moyor, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, nêu định nghĩa văn hóa được nhiều nước chấp nhận là: “Văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động đó hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu, những yếu tố các đặc tính riêng của dân tộc”. “Văn hoá nên được xem là một tập hợp các đặc điểm nổi bật về mặt tinh thần, vật chất, trí thức và tình cảm của xã hội hay một nhóm xã hội, và ngoài văn chương và nghệ thuật thì văn hoá còn bao gồm lối sống, cách thức cùng chung sống, các hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng”. “Đa dạng văn hoá hết sức cần thiết đối với nhân loại, tương tự như sự cần thiết của đa dạng sinh học đối với thiên nhiên”. “Bảo vệ đa dạng văn hoá là điều thiết yếu về mặt đạo đức và không thể tách rời sự tôn trọng phẩm giá con người”. “Các quyền về văn hoá được coi là bộ phận không tách rời của các quyền con người và là sự đảm bảo cho đa dạng văn hoá”. “Mọi người đều được quyền tiếp cận với đa dạng văn hoá” “Di sản dưới mọi hình thức phải được bảo vệ, phát huy và chuyển giao cho các thế hệ tương lai như là một hồ sơ lưu giữ kinh nghiệm và khát vọng của con người, nhằm khuyến khích tính sáng tạo ở mọi hình thức đa dạng của nó và thúc đẩy sự đối thoại thực sự giữa các nền văn hoá”. Các tư tưởng ấy cho thấy, trong xã hội hiện đại quan niệm giá trị của mọi người có xu thế đa nguyên hóa, các loại văn hóa tiêu biểu cho nhu cầu lợi ích của các quần thể khác nhau, vì thế mà văn hóa phát triển có diện mạo đa dạng. Các cá thể, các tầng lớp khác nhau, đoàn thể khác nhau, các lứa tuổi khác nhau cũng có các nhu cầu văn hóa khác nhau. Tính đa dạng văn hóa có hai tầng bậc, một là đa dạng trên phạm vi thế giới, đó là đa dạng về văn hóa các dân tộc. Hai là trong phạm vi một dân tộc văn hóa cũng đa dạng, không chỉ đa dạng về sắc tộc, mà đa dạng về các hình thức biểu hiện đa dạng theo các loại chủ thể. Văn hóa ngoại biên của các quần thể dân cư là biểu hiện nổi bất của tính đa dạng và hình thức biểu hiện trong một nền văn hóa dân tộc.

Có một câu hỏi thường được nêu ra là vì sao chúng ta chưa có các tác giả văn học, các học giả có tầm cỡ khu vực và thế giới? Trong khi đó nhiều người Việt lập nghiệp ở nước ngoài thì lại có khả năng trở thành tác giả lớn như Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Trịnh Xuân Thuận, Ngô Bảo Châu? Có thể nghĩ rằng những người đó, nếu ở trong nước chẳng những thiếu điều kiện cho các giải pháp lớn, thiếu không gian học thuật để cùng sáng tạo, mà về nghệ thuật, chắc chắn sẽ bị phê bình thế này thế nọ, không sát với hiện thực, không thể hiện nhân vật chính diện của thời đại ta. Có thể nghĩ rằng ở trong nước, chúng ta quen “suy nghĩ trong những điều đảng nghĩ”, các ý nghĩ khác đều bị coi là ngoài luồng, phi chính thống. Do vậy chỉ có Đảng là tác giả duy nhất, còn những người khác buộc phải ở vào địa vị, nói theo, nói dựa những điều đảng nghĩ thì mới có lí do tồn tại. Và như vậy là sẽ tự nguyện từ bỏ quyền trở thành tác giả của mình. Một đất nước mà về văn hóa chỉ có một tác giả thì tất nhiên là khó tránh nghèo nàn đơn điệu rồi. Tất nhiên văn học ta vẫn có nhiều người viết văn tài hoa, nhưng đó chủ yếu là hình thức, họ không có tư tưởng thật sự đặc sắc và bút pháp thực sự mới mẻ, hoặc nếu có thì không được thừa nhận. Tài năng của họ vì nhiều lí do mà không được đẩy lên tột độ, tột đỉnh. Nhà văn Nguyên Ngọc trong một bài báo ngắn gần đây nhắc lại lời của ông Trần Độ có nói, muốn có nhà văn lớn thì phải có trường phái mới. Đó quả thật là một tư tưởng sáng tỏ. Chùng nào chúng ta chưa thừa nhận sự đa dạng nhiều mặt của văn hóa như là bản sắc của nó, thì văn học chúng ta khó có đổi thay về chất. Một đặc điểm của các tác giả lớn là họ muốn đi con đường mới, con đường khác, con đường riêng so với con đường đã biết, mà một điều như thế rất khó khó thực hiện ở Việt Nam.

Coi trọng và bảo hộ sự đa dạng văn hóa thì phải thừa nhận văn hóa ngoại biên. Một quốc gia mà chỉ thừa nhận có văn hóa chủ lưu, đánh mất sự đa dạng văn hóa thì cũng có nghĩa là đánh mất năng lực sáng tạo mới của nền văn hóa. Một nền văn hóa đơn nhất, đơn điệu là không thích hợp với sự sinh tồn, phát triển của xã hội hiện đại. Mong rằng nhân dịp tổng kết này các nhà lãnh đạo của đất nước cần kịp thời rút ra kinh nghiệm cần thiết.

Hà Nội, ngày 15 tháng 7, bổ sung ngày 15 tháng 8 năm 2013

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: