Tắt đèn
Có một anh mù lại thăm một người bạn đến khuya mới về. Người bạn trao cho anh ta một cái đèn.
- “Tôi cần chi tới đèn, anh ơi. Đối với tôi, ánh sáng cũng như bóng tối mà thôi”, người mù buồn bã trả lời.
- “Tôi biết lắm. Anh chẳng cần đèn để dò đường đi. Nhưng có đèn anh sẽ đỡ bị người khác đâm vào anh. Vậy anh cứ cầm lấy đi”.
Người mù cầm đèn mạnh dạn bước đi. Nhưng chẳng bao lâu, có kẻ đâm thẳng vào anh ta.
- “Ô hay! Đi đứng phải coi chừng một chút chứ. Bộ ông không nhìn thấy ánh đèn của tôi sao?”.
Người lạ mặt trả lời chậm rãi:
- “Này ông bạn ơi! Đèn ông bạn đã tắt từ lâu rồi…” (*)
Lời bình của Nguyên Si:
Chắc hẳn sẽ có kẻ đa sầu đa cảm đọc chuyện này mà động mối thương tâm, trách ta sao lấy sự tàn tật của người đời mà làm trò cười cho thiên hạ. Ta xin gạt nước mắt cho người, và đáp: luân lý hay phi luân lý đều không có chỗ đứng trong chuyện Thiền.
Dĩ nhiên vẫn có những kẻ trình bày hay hiểu chuyện Thiền như những bài học luân lý, lại có kẻ khác rêu rao rằng Thiền là một hệ thống triết lý hoàn toàn phi luân lý, phi đạo đức, phi nhân bản, phi vân vân. Ta thấy thật chẳng khác chi một đằng trói buộc Thiền lại bằng một sợi dây khô cằn, cứng nhắc, một đằng ném tung Thiền lên thượng tầng không gian, để rồi nhào xuống… hố thẳm của tư tưởng. Hơn nữa, chưa thấu được lẽ Không mà đã bài bác tất cả, ta e ngại rằng thái độ đó chẳng là kiêu ngạo lắm thay!
Cho nên vấn đề luân lý hay phi luân lý thường đưa tới cố chấp hay ngạo mạn, cả hai đều trái ngược với tinh thần Thiền vậy.
Chuyện Thiền thường có giá trị biểu tượng, cho nên “mù” ở đây phải hiểu theo một nghĩa rất rộng, chẳng những bao gồm những kẻ không có mắt, mà còn gồm những kẻ “có mắt không ngươi”, những kẻ tuy giác quan đầy đủ, nhưng nhận thức vẫn sai lầm. Nói như vậy, thì câu chuyện trên xảy ra mỗi ngày, và ở mọi nơi, chẳng có chi là hiếm lắm thay!
Nhận định sai lầm đầu tiên của kẻ mù là khi được người bạn trao cho cây đèn, anh chỉ nghĩ đến một mặt của cái dụng, tức là soi đường cho anh đi. Anh quên rằng cây đèn còn có thể soi sáng anh như soi sáng một đồ vật, để kẻ khác nhìn thấy mà tránh anh. Ôi, chẳng qua là chấp ngã quá mà thôi! Kẻ ngu si luôn luôn coi mình như trung tâm của vũ trụ, như chủ đề của mọi tiếp xúc. Có biết đâu rằng mình cũng chỉ là một sự vật trong thế giới tương quan, một đối tượng cho một chủ thể khác.
Ta chợt nhớ tới mùa hè trong thư viện, thường có những kẻ cởi giày cho mát mẻ đôi chân. Chủ thể được mát mẻ, nhưng có biết đâu rằng đôi chân cũng là một đối tượng gây nhiều “khó khăn” cho những kẻ khác?
Sai lầm thứ nhì của kẻ mù là khi có cây đèn rồi, thì lại chấp chặt vào ý niệm đèn sáng, cho nên quên rằng cây đèn có thể tắt đi. Ôi! Còn gì dễ lu mờ, dễ tắt hơn ngọn đèn đang sáng tỏ? Còn gì tiêu biểu hơn cho tính vô thường của vạn vật, như trong kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa, đã có nói:
“Hãy coi thế giới biến ảo này như một ngôi sao mờ dần buổi bình minh, một chiếc bọt trên dòng sông, một ánh chớp trong đám mây hè, một ngọn đèn le lói, một bóng hình, một giấc mộng”.
Lý do của sự chấp thường là thiếu sót hai thái độ thực nghiệm và phương tiện thường được đề cao trong đạo Phật.
Thái độ thực nghiệm tức là tìm cách sống gần sự vật, để cho ý niệm của mình về sự vật phù hợp trong mỗi giây phút với sự vật. Như trong câu chuyện, nếu không nhìn thấy ánh sáng thì anh mù vẫn có thể dùng giác quan khác để biết đèn sáng hay đèn tắt, chẳng hạn như lấy tay đo nhiệt độ của cây đèn. Không có thực nghiệm thì con người sẽ chấp vào một ý niệm của mình, một ý niệm tách rời sự vật.
Thái độ phương tiện nghĩa là hiểu rõ phương tiện, và hiểu rằng phương tiện không phải là chân lý, rằng ngón tay (chỉ mặt trăng) không phải là mặt trăng. Người mù trong câu chuyện không hiểu phương-tiện-đèn là gì, không hiểu chức năng của nó. Ta lại nghĩ đến những kẻ chấp nhận chủ thuyết này nọ, mà không hề thấu hiểu rằng những chủ thuyết đó chỉ là những phương tiện cần phải được ứng dụng tùy theo hoàn cảnh.
Nhưng cái nguy hại nhất của sự mù lòa, ngu dốt, không phải do chính sự ngu dốt này mà do những bộc phát tình cảm từ đó đưa tới. Nghĩ rằng mình mù lòa đưa tới mặc cảm tự ti, sự buồn bã, chua xót, trách đời. Nghĩ rằng mình có ánh đèn che chở đưa tới thái độ ngạo mạn, hung hăng, gây gổ. Ta thấy vậy mà chép miệng than rằng: Ôi! Trên thế giới này, những kẻ trái lý, sai lầm, ngu si, đần độn nhiều lắm thay! Chỉ khác với câu chuyện trên là khi nghe nói “đèn tắt rồi”, người mù liền tỉnh ngộ, trong khi đó nói lên sự thật cho những kẻ “có mắt không ngươi” lại như chế dầu vào lửa, càng làm cho họ thêm hung hăng…
Bàn về thiên hạ mãi rồi, Nguyên Si mới vỗ đầu chợt nhớ tới mình vốn cũng là một phần của thiên hạ. Ôi! Đa tạ đức sinh thành đã đặt tên cho ta là Nguyên Si. Mỗi lần ta tự gọi tên, cũng là một lời tự nhủ: Si ơi là Si! Ngu ơi là ngu… Chân lý thì vô cùng tận mà tâm trí ta thì bé nhỏ vô cùng. Chẳng khác chi kẻ mù với một cây đèn đã tắt.
Thế rồi, từ khiêm tốn ta đi tới buồn lo, lo mãi rồi thì đi kiếm sách đọc, kiếm sách đọc thì gặp một bài thơ của Thiền sư Vạn Hạnh, ý nhị vô cùng:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy, vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”
Tạm dịch là:
“Sự vật như bóng chớp, có rồi lại không
Cây cối vào xuân thì tươi, đến thu lại khô
Mặc kệ thịnh suy xoay vần, không lo sợ gì
Thịnh suy chỉ như hạt sương trên đầu ngọn cỏ”.
Ôi! Sự vật như bóng chớp, như hạt sương, như bèo bọt. Có không hay thịnh suy chỉ là hai trạng thái của một sự vật biến chuyển, hai trạng thái do tâm ta phân biệt mà thôi.
Có chi mà lo sợ buồn rầu, có chi mà kiêu ngạo hung hăng?
Phải rồi! Anh bạn mù ơi, độc giả mù ơi! Đừng có lôi thôi nữa.
Hãy tắt đèn trên câu chuyện này đi, mà ra dòng sông nhìn bọt nước vỡ tan, ra cánh đồng nhìn hạt sương bốc theo làn gió ấm.
(*) Dịch thoát theo quyển ”101 chuyện Thiền” (“Zen flesh, Zen bones”) do Paul Reps biên soạn
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh