Sự kết nối thơ thiền xưa và nay

09:24 SA @ Thứ Sáu - 30 Tháng Giêng, 2009

Trong xã hội hiện đại, con người dường như bị cuốn theo những lo toan, bộn bề của cuộc sống thường nhật. Nhưng không vì lý do đó mà họ đánh mất cảm xúc của mình. Ẩn sâu trong tâm hồn mỗi cá nhân vẫn là "chất nghệ sĩ" mãnh liệt và khi bắt gặp nguồn cảm hứng thì họ có thể làm nên những áng thơ.

Bởi vậy, "Thi Vân Yên Tử" ra đời là kết quả của sự rung động, thăng hoa cảm xúc trước vẻ đẹp cuốn hút của miền đất Phật. Bằng tấm lòng chân thành, tác giả Hoàng Quang Thuận không chỉ viết cho mình mà còn viết cho người, cho đời. Tập thơ như một làn gió mát trong lành, tinh khiết từ tâm hồn thổi đến tâm hồn, mở ra những cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.

Sự tĩnh tâm để hướng vọng về cõi Thiền là cảm xúc chung của mỗi người khi tiếp nhận "Thi Vân Yên Tử". Đó còn là sự liên tưởng đến những vần thơ Thiền trong quá khứ. Bởi lẽ, Phật giáo đã tồn tại song hành và gắn liền với dân tộc Việt Nam hơn 20 thế kỷ.

Qua kinh nghiệm giác ngộ triết lý của đạo Phật và được gạn lọc qua nhiều tầng vỉa của ngôn ngữ thi ca Việt Nam, thơ Thiền đối với kho tàng văn hóa dân tộc đã biểu hiện một sắc thái độc đáo, riêng biệt.

Từ thế kỷ thứ IX chúng ta đã có tác phẩm của Thiền sư Khuông Việt, đến thế kỷ thứ X lại có thơ thiền của Thiền sư Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Huệ Sinh, Mãn Giác, sang thế kỷ thứ XI, XII, Thiền sư Đạo Hạnh, Không Lộ, Diệu Nhân, Huyền Quang… cũng sáng tác nhiều bài thơ Thiền để đời.

Tiếp đó, các Thiền sư phái Trúc Lâm: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chân Nguyên trong các thế kỷ từ XIII đến XVI nối tiếp phát triển thơ Thiền lưu lại hậu thế.

Thơ Thiền còn được gọi là Kệ và dùng để tụng, ngợi ca nhằm khẳng định giáo lý, kinh nghiệm, truyền tâm pháp cho đệ tử. Hiện nay, các nhà nghiên cứu gọi chung thơ nhà chùa là thơ Thiền nhưng quan niệm về thơ Thiền lại khác nhau.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh, thơ Thiền về hình thức chịu ảnh hưởng Phật giáo, còn nội dung bàn về sinh, tử, vô, hữu, tâm, phật… và mang những rung động thơ ca có tính trần thế. Theo Bùi Công Tuấn, "Thơ Thiền là tư tưởng. Cốt lõi tư tưởng thơ Thiền là giáo lý Phật giáo".

Với Giáo sư Trần Đình Sử thì "thơ Thiền đang còn là một bí ẩn" và phải có ba tính chất: truyền đạt được cách cảm nhận thế giới của Thiền học, bộc lộ được vẻ đẹp của tâm hồn và là thơ của tầng lớp tăng lữ cao cấp, tầng lớp trí thức đặc biệt.

Mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau về thơ Thiền nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ cho rằng mọi quan niệm nhận thức thơ Thiền đều xuất phát từ tiêu chí nội dung phản ánh của nó: "Từ việc biểu đạt một nội dung xác định, thơ Thiền lựa chọn cho mình những đề tài, chủ đề phản ánh riêng. Nó không đề cập tới cuộc sống nói chung mà đề cập tới một phạm vi nhất định của cuộc sống có ảnh hưởng Phật giáo. Nó không bộc lộ thái độ của tất cả mọi người nói chung trước cuộc sống mà là thái độ của những con người ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo với cuộc sống hiện thực".

Bìa tập thơ "Thi Vân Yên Tử".

Hôm nay đây, đọc những vần thơ của Hoàng Quang Thuận trong "Thi Vân Yên Tử" ta cảm nhận rõ một con người tuy hình đồng không xuất gia nhưng tâm niệm lại xuất gia. Khi tâm hồn chìm đắm, lắng sâu vào cõi Chân Như thì lúc ấy cốt nhiên cảm xúc sẽ làm chủ và ngự trị. Đó mới là điều trọng yếu làm nên thành công của tập thơ.

Tác giả nhập tâm cùng gió đại ngàn, tiếng chuông chùa, tiếng chim… và thả hồn phiêu lãng với tùng già, hoa đại, ánh trăng… để bắt đầu cuộc hành trình đi vào quá khứ. Vì thế, mỗi bài thơ đều có hình ảnh và dư vị của thơ Thiền xưa.

Tìm về thơ Thiền xưa cũng có nghĩa là đến với văn học Phật giáo. Thực ra văn học Phật giáo "không hình thành một dòng văn thơ riêng biệt, dù trong một giai đoạn hay suốt chiều dài lịch sử văn học nước nhà" nhưng những đóng góp quan trọng của nó đối với văn học Việt Nam nói chung và với cuộc sống của con người nói riêng là điều không thể phủ nhận.

Xuyên suốt trong tiến trình tồn tại, thơ Thiền đã bao quát một dung lượng rộng lớn trong việc thể hiện triết lý của Đạo phật và tâm hồn, tình cảm của con người. Đó là sự ca ngợi con người siêu việt, thăng hoa vào linh không bằng đốn ngộ, đồng thời cũng biểu hiện ý thức về sự hiện hữu của con người theo quan điểm triết học Phật giáo.

Những quan điểm ấy giúp con người có thái độ điềm nhiên trước cái chết, trước sự tàn phai biến ảo của cuộc đời. Vì vậy, thơ Thiền đã đem đến những tâm hồn yêu đời, vui sống chan hòa giữa chốn đồng quê, sống có trách nhiệm với khát vọng tiêu dao.

Đó chính là giá trị nhân bản sâu sắc mà các tác giả Thiền sư - thi sĩ gửi gắm tạo nên bóng dáng con người với những phẩm chất tốt đẹp, có ý chí, nghị lực và niềm tin mãnh liệt vào bản thân, có trái tim yêu thương, biết rung động sâu xa, tinh tế trước vẻ đẹp của từng nhành cây, ngọn cỏ.

Phải chăng các nhà sư xưa thường trụ trì nơi thâm sơn yên tĩnh nên họ dễ hòa hợp với thiên nhiên, coi thiên nhiên như một phương giải thoát? Biểu tượng thiên nhiên được xem như là các tín hiệu thẩm mỹ đã cho thấy tâm hồn các thiền sư - thi nhân hướng về thiên nhiên thanh sạch, đồng thời góp phần hóa giải các nội dung giáo lý vốn quy phạm, khô khan.

Ngoài xu thế tu chứng, giải thoát bằng cách hướng về thiên nhiên, để lòng thanh thản hòa hợp với rừng suối, tiếng chim, trăng thanh gió mát… thì chính các thiền sư lại đạt đạo ngay trong cuộc sống thường ngày. Hoàng Quang Thuận cũng đồng điệu với người xưa trong cảm hứng sáng tác và làm nên những bài thơ đầy rung cảm khi đến với thiên nhiên, đến với Yên Tử - miền đất Phật linh thiêng bao đời của người Việt:

Đất Phật cõi thiêng đầy bí ẩn

Danh sơn Yên Tử Trúc Thiền Lâm

Ta muốn về đây nơi cảnh cũ

Yên Trung thủy mặc nước trong ngần

(Suối tắm)

Tại đây, tác giả với mạch cảm xúc dạt dào đã trở thành một nhà hướng dẫn giới thuyết cho chúng ta về thiên nhiên và con người Yên Tử. Nhưng lời giới thuyết đó không khô khan mà được kiến tạo bởi những vần thơ trầm tĩnh, đưa đến bao cảm xúc trong lòng người đọc.

Đến với "Thi Vân Yên Tử" ta như lạc vào một thế giới trong lành, và tương cảm cùng với niềm hoài cổ của tác giả. Đó là sự hoài niệm về quá khứ, về những chặng đường khổ hạnh để tu thành Phật của vua Trần Nhân Tông. Trong 143 bài thơ thì Hoàng Quang Thuận đã dành một phần lớn để viết về vua Trần Nhân Tông với một tình cảm thành kính. Có lẽ, cách sống "tốt đời đẹp đạo" của ông Tổ phái Trúc Lâm đã tạo nên ấn tượng sâu sắc trong tâm tưởng tác giả và trở thành mạch ngầm chắp cánh cho những suy tư, liên tưởng:

Dùng tâm quy tụ được nhân tâm

Hưng thịnh triều Trần được lòng dân

Trọng người nhân hiếu tôn hiền sĩ

Đạo Phật thịnh hưng nhất đời Trần

(Lòng dân)

Vì thế mà Hoàng Quang Thuận phát hiện ra sự thân thuộc, hòa nhập ngay chính giữa thiên nhiên và con người Yên Tử. Chốn thiêng liêng này dường như có một phép mầu nhiệm kỳ giúp con người rũ bỏ hết bụi trần và tĩnh tâm giao cảm với vạn vật.

Với Thiền, ngôn ngữ là một chướng ngại hơn là một phương tiện tối ưu. Các thiền sư chỉ dùng nó trong trường hợp bất đắc dĩ để nói pháp, để khai ngộ cho đệ tử. Khi đó, ngôn ngữ xuất hiện với ý chỉ phải siêu xuất chính nó trong tâm thức người tiếp nhận. Hoàng Quang Thuận không phải một thiền sư mà là một nhà khoa học nhưng bằng tâm hồn và tình cảm nhân sinh đã viết nên những vần thơ đậm chất Thiền.

"Thi Vân Yên Tử" không chỉ viết về thiên nhiên đơn thuần mà qua đó để ca ngợi những tấm lòng cao thượng yêu nước, thương dân. Hoàng Quang Thuận đi sâu vào cảnh trí và xuất phát từ những tích xưa để nói lên quan niệm triết lý về cuộc sống, về tình yêu và lòng từ bi bác ái đối với đồng loại. Tất cả đều hướng đến sự bao dung nhằm làm cho cuộc sống của con người trở nên trong sạch hơn, tốt đẹp hơn.

Chính tác giả đã cảm nhận sâu sắc "sự khuây khỏa trong cảnh núi thiên nhiên" và tìm thấy niềm an ủi, thanh tịnh, giải thoát. Thơ Thiền xưa, vang vọng về như tiếng gió ngàn, như tiếng chuông ngân, ngân mãi vào tâm hồn, lắng đọng những gì thanh cao nhất, đẹp đẽ nhất của cuộc đời, của tình người. "Thi Vân Yên Tử" đã là điểm gặp gỡ, hòa chung với thơ Thiền xưa trong việc chuyển tải giá trị nhân văn cao cả.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà thơ Lê Đạt và Tình U75

    20/03/2008Hữu ViệtTuổi 80 “lão tướng” Lê Đạt lại tiếp tục lên đường vào trận thơ mới có tên gọi “U75 từ tình” (NXB Phụ Nữ, 2007). Có lẽ để giúp bạn đọc khỏi phải vắt óc đoán trận chữ rất biến hóa của mình ngay từ cách đặt tên tập thơ, ông đã dành phần phi lộ để định nghĩa từ tình...
  • Thiền và cuộc sống: Định nghĩa về mạnh khỏe

    07/01/2007OSHOOsho theo chuyên đề “từ thiền đến thuốc” hay là “Cách (của) thiền hỗ trợ cho mạnh khỏe thể chất và tâm lý”. Thiền sư Osho đã đi vào cõi vĩnh hằng. Sau khi ông qua đời, trên bia mộ của thiền sư, người ta đã khắc vào một dòng chữ: người này đã đi qua trái đất mấy chục năm…
  • Thiền và tâm lý học

    18/08/2006Nguyễn Chu PhácThiền học luôn luôn quan niệm mọi vật là không, thân xác, tâm tưởng và mọi sự vật đều là không. Chỉ có không là hiện hữu, tồn tại mãi mãi. Nếu tinh thần và sự sống (sinh mạng) của chúng ta trở thành hư không hoàn toàn trong tọa thiền, thì chúng ta có thể thâm nhập vào mọi sự vật...
  • Yếu tính của thơ

    29/06/2006Hầu hết chúng ta ngày nay đều đồng nhất thơ với văn vần. Đối với chúng ta, một bài thơ là một trước tác được sắp xếp theo các dòng chữ có một mẫu hình xác định về nhịp điệu, và bày tỏ những cảm tưởng và ấn tượng cá nhân. Chúng ta phân biệt thơ với văn xuôi, là loại ngôn ngữ của hành ngôn và trước tác thông thường. ...
  • Thơ là giọng, là phong cách của tư tưởng

    07/04/2006Thiếu chúng ta, thế giới vẫn hoàn chỉnh. Một sự thật không thể khoan thứ. Nhà thơ đáp lại bằng cách nổi loạn, muốn chứng tỏ rằng không phải thế. Do lòng tự đại bị tổn thương, niềm tự hào ương ngạnh hoặc nhu cầu tuyệt vọng, nhà thơ kinh niên tranh cãi với sự thật, và một điều kinh ngạc xảy ra: một sự thật khác được tạo nên, giống như một thành tố mới có phần đối nghịch với điều không thể khoan thứ.
  • Thiền học hay là triết lý của sự im lặng

    04/01/2006Nguyễn Đức ĐànChữ Thiền, Thiền học vốn từ chữ Thiền tông mà ra. Theo truyền thống của trường phái Zen, Buddha có một loại bài giảng bí truyền, từ đời này qua đời khác mà không cần có văn bản viết. Phật truyền riêng cho một môn sinh nào đó, môn sinh ấy là truyền riêng cho môn sinh của mình...
  • Thiền phật giáo nguyên lý và một số phạm trù cơ bản

    23/12/2005TS. Hoàng Thị ThơPhân tích quan niệm của Thiền Phật giáo về quá trình nhận thức, và cùng với nó là quá trình giải thoát, tác giả muốn chỉ ra thế mạnh cũng như hạn chế của những quá trình mang tính hướng nội và cá thể này. Vì vậy, có thể lý giải được sự lan toả đang rất thành công của Thiền Phật giáo trên thế giới hiện nay...
  • Lược khảo tư tưởng Thiền trúc lâm Việt Nam

    11/11/2005Nguyễn Hùng HậuCùng với khuynh hướng tìm về cội nguồn, việc nghiên cứu thiền Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái Việt Nam, do người Việt Nam tạo dựng và phát triển - là một vấn đề cần thiết và cấp bách. Thông qua việc nghiên cứu một trường phái Phật giáo Việt Nam sẽ phần nào giúp chúng ta hiểu tổ tiên chúng ta hơn, hiểu con người Việt Nam trong lịch sử hơn...
  • Thơ hay là cái chết của thời gian

    28/09/2005Ngô Tự LậpVề thơ như là một tổ chức ngôn ngữ quái đản. Tiểu luận Thơ là gì là một bài viết rất đặc trưng cho phong cách của ông Phan Ngọc: nhiều tâm huyết nhưng cũng nhiều võ đoán. Suốt bài viết với giọng cực kỳ tự tin này lấp lánh đây đó những nhận xét sâu sắc bên cạnh những từ ngữ và thuật ngữ cố tình lạ tai gây cảm giác khó chịu: “Quái đản”, tính thao tác”, “sự thức nhận”… (Tôi xếp vào loại này cả những từ to tát không cần thiết khác như vượt gộp", "thao tác luận"... rất nhiều trong các bài viết của ông). Mặc dù thú vị, bài viết này, theo tôi, có nhiều điểm chưa thích đáng, cả trong các nhận định lẫn trong thao tác khoa học.
  • Thơ là gì ?

    30/09/2005Phan NgọcTrong quá trình xây dựng bộ "Phong cách học cấu trúc tiếng Việt", tôi bắt buộc phải định nghĩa lại các khái niệm, bởi vì các khái niệm trước đây về phong cách học là dựa trên nhận thức cảm tính về cái đã có, còn công trình của tôi mang tính thao tác, phải tìm cái lý do, cái sở dĩ của các hiện tượng đã được xem là hiển nhiên....
  • xem toàn bộ

Nội dung khác