Gaddafi: mộng và thực
Đã có một thời đại tá Gaddafi là hiện thân của niềm hi vọng và hãnh diện của dân chúng Libya. Nhưng vì sao giờ đây ông trở thành sự thất vọng?
Tất cả bắt đầu vào ngày 1-9-1969 khi Phong trào các sĩ quan tự do liên bang, do viên đại úy trẻ tên Muammar Gaddafi lãnh đạo, bất ngờ lật đổ nhà vua Idriss đệ nhất lúc đó đang đi trị bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ và thiết lập Hội đồng chỉ huy cách mạng. Vị vua bị lật đổ là cháu đích tôn của tu hội Sanussi thành lập năm 1916, lên ngôi từ năm 1951 khi Libya vừa được trao trả độc lập.
Mộng lớn của viên đại tá "thời thượng"
Tên gọi của nhóm sĩ quan đảo chính do đại úy Gaddafi cầm đầu - Phong trào các sĩ quan tự do liên bang - phản ánh một mộng mơ sẽ gắn chặt với ông này: thành lập một liên bang mà Libya là hạt nhân. Chỉ ba tháng sau cuộc đảo chính, tức tháng 12-1969, Libya đã nêu đề xuất liên bang với Sudan và Ai Cập. Trong vòng 20 năm, Libya của ông Gaddafi đã ký đến tám dự án liên bang với các nước Ả Rập hay châu Phi, song tất cả đều chết từ trong trứng nước! Giấc mơ đó rất “Libya” (tức “châu Phi”) trong ý nghĩa của một trong những từ nguyên của chữ Libya, là tên gọi khu vực sau này gọi là châu Phi cho đến thế kỷ thứ hai trước công nguyên trong ngôn ngữ Hi Lạp cổ đại.
Mộng lớn của đại úy tự phong đại tá Gaddafi tiếp tục năm 1973 với việc chiếm lĩnh dải Aouzou ở miền bắc Cộng hòa Chad lúc đó đang trong nội chiến (1). Gần đây nhất, năm 2009, nhân được bầu làm chủ tịch luân phiên của châu Phi, ông Gaddafi đã đòi thành lập “Hiệp chủng quốc châu Phi”. Ông đã khiến các lãnh đạo khác chết khiếp khi đòi gọi ông là “Vua của các vua châu Phi” (Roi des rois d’Afrique - L’Express 3-2-2009).
Mộng lớn đúng với tác phong viên sĩ quan tên Gaddafi là rất “thời thượng” của những năm 1960! Thập niên 1960 là thập niên mà ở châu Âu rộ lên nhóm “các viên đại tá” tại Hi Lạp nổi lên cầm quyền. Nếu ở Hi Lạp năm 1967 có đại tá Yeóryos Papadópoulos lật đổ vua Constantin đệ nhị, thì hai năm sau đến lượt đại tá Gaddafi lật đổ một ông vua khác ở bên kia bờ Địa Trung Hải. Trào lưu triệt hạ những “di tích cuối cùng” của chế độ quân chủ cầm quyền ở châu Âu nổi tiếng song song với trào lưu độc lập dân tộc ở châu Phi! Còn nhớ những năm đầu 1970 ấy, đại tá Gaddafi còn “ấn định thời trang” với bộ quân phục bằng vải da beo rất nổi hình, nổi dáng!
Tháng 9-1976, đại tá Gaddafi tự khẳng định bằng “quyển sách xanh”. Qua đó ông vừa bác bỏ chủ nghĩa mác xít vừa bác bỏ chủ nghĩa tư bản. Ông Gaddafi chọn tựa đề là “quyển sách xanh” để đối nghịch với “quyển sách đỏ” của ông Mao Trạch Đông trong cuộc cách mạng văn hóa trước đó chục năm. Thật ra, cái nhìn của ông Gaddafi cũng trong quỹ đạo một lý thuyết thời thượng trước đó gọi là lý thuyết đồng quy (théorie de la convegence), theo đó chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản sẽ cùng tự điều chỉnh để tồn tại, mà một trong những tác giả tiên phong là Jean-Francois Revel với tác phẩm Ni Marx, ni Jésus: De la seconde révolution américaine à la seconde révolution mondiale (Phi Mác, phi Giêsu: từ cuộc cách mạng Mỹ đến cuộc cách mạng thế giới thứ nhì), xuất bản lần thứ nhất năm 1970 (2). Với “quyển sách xanh”, đại tá Gaddafi đề ra điều gọi là “lý thuyết thứ ba về toàn cầu” (La troisième théorie universelle) (3) và tự nhận mình là “nhà hướng dẫn cuộc cách mạng” (le Guide de la révolution).
Năm sau, 1977, đại tá Gaddafi bổ sung khái niệm “Jamahiriya” (tạm dịch “Dân quốc” tức “Nhà nước của quần chúng”). Bởi thế tên nước đầy đủ của Libya là “Đại dân quốc nhân dân xã hội chủ nghĩa Ả Rập Libya” (Great Socialist People’s Libyan Arab Jamahiriya) với cơ cấu gồm đại hội quốc dân, các ủy ban nhân dân và ủy ban cách mạng. Tiếc là tất cả thiết chế này đều không qua phổ thông đầu phiếu.
Nếu nhớ rằng Libya trước khi được trao trả độc lập năm 1951 đã là thuộc địa của Ý suốt 40 năm, trước đó bị đế quốc Thổ Ottoman chiếm đóng. Việc đại tá Gaddafi vừa nổi lên cầm quyền đã ra lệnh đóng cửa các căn cứ Anh, Mỹ, quốc hữu hóa một phần các công ty dầu hỏa nước ngoài, đưa tài nguyên dầu hỏa về công khố quốc gia Libya cho thấy ông đã làm nức lòng dân chúng Libya đến đâu. Thậm chí tên tuổi ông vang dội rất nhiều bên kia bờ Địa Trung Hải trong những năm đầu thập niên 1970 như một thần tượng trẻ, tuổi mới xấp xỉ 30.
Những người chống đối ông Gaddafi cầu nguyện trên quảng trường thành phố Zawiyah, cách thủ đô Tripoli 50km về phía tây
“Chọc giận" thiên hạ
“Thừa thắng xông lên”, đại tá Gaddafi ngày càng tỏ ra là một thủ lĩnh chống phương Tây, ngang ngửa với giáo chủ Khomeiny mới lên ngôi năm 1979 ở Iran. Tình báo Libya vươn tay ra xa đến nỗi ngày 15-4-1986, không quân Mỹ tấn công các dinh thự của ông tại thủ đô Tripoli và Benghazi khiến 44 người chết để trả đũa một vụ nổ bom 10 ngày trước đó trong một vũ trường ở Tây Berlin mà binh sĩ Mỹ hay lui tới khiến 2 lính Mỹ cùng 1 cô gái Thổ Nhĩ Kỳ chết, 260 người bị thương.
Có phải Mỹ đã nóng vội trả đũa lầm? Không, năm 2004, tổ chức từ thiện mang tên Foundation Gaddafi đã dàn xếp với Chính phủ Đức một thỏa hiệp bồi thường 1 triệu USD cho gia đình cô gái nạn nhân người Thổ Nhĩ Kỳ, 350.000 USD cho mỗi người trong số 11 nạn nhân bị thương tật đến 80%, 188.000 USD cho mỗi người trong số 157 người bị thương khác, 700.000 USD cho chủ nhân vũ trường... Tổng cộng bồi thường đến 35 triệu USD. Ngược lại, không thấy ai đền bù gì cho số nạn nhân của vụ không kích trả đũa! Vụ nổ này chưa “ầm ĩ chết người” bằng hai vụ nổ máy bay khác: một chiếc của Hãng hàng không PanAm (Mỹ) nổ bên trên ngôi làng Lockerbie (Scotland) năm 1988 khiến 270 người chết, Libya đền 2,7 tỉ USD; một chiếc của Hãng hàng không Pháp UTA bị nổ rơi tại Niger năm 1989, 170 người chết, đền 170 triệu USD (4).
Các vụ ra tay này nhằm “cạnh tranh” với thế lực của Iran do lẽ ông Gaddafi tuy là Hồi giáo song lại là Hồi giáo thế tục nên kỵ xu hướng Hồi giáo chính thống Shiite, nhất là việc giới tăng lữ nắm quyền ở Iran có thể lây lan sang Libya. Bởi thế sau này khi ông đã xin lỗi Mỹ và châu Âu, thề thốt từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, được gỡ danh hiệu “Nhà nước khủng bố”, nối lại bang giao với Mỹ và EU, ngoại trưởng Mỹ thời tổng thống Bush, bà Condolezza Rice, đã hoan hỉ sang thăm Libya vào ngày 5-9-2008 với mong mỏi Libya sẽ là đối trọng với sự bành trướng có thể có của Iran cũng như chống khủng bố Al-Qaeda tại khu vực Bắc Phi. Việc ông Gaddafi đột ngột từ bỏ tham vọng vũ khí hủy diệt hàng loạt năm 2003 có phần do ông ngại “noi gương” ông Saddam Hussein năm ấy bị quân đội Mỹ lật đổ.
Không lấy làm lạ tại sao Iran nay lại “tố khổ” ông Gaddafi: “Trong hơn 41 năm cầm quyền, ông Gaddafi đã hành động sai lầm và phi logic. Nếu Gaddafi còn có thêm quyền lực, ông ta còn dám hành động dã man hơn bất cứ kẻ độc tài nào. Vậy tại sao phương Tây lại “làm ăn” với con người ấy và còn bán vũ khí cho ông ta?” (5).
Một người lính Libya trung thành với ông Gaddafi canh gác tại một địa điểm nằm giữa thủ đô Tripoli và thành phố Zawiyah ngày 27-2 - Ảnh: Reuters
Thực tế Libya
Ngày 17-2, nổi loạn bùng nổ ở thủ đô Tripoli, nhanh chóng lan ra các tỉnh. Ông Gaddafi đổ lỗi do Al-Qaeda và Osama Bin Laden giật dây. 26 năm sau vụ nổi loạn đầu tiên năm 1984 ở doanh trại Aziziya tại thủ đô Tripoli do Mặt trận cứu nguy dân tộc Libya tiến hành, ông Gaddafi đâu có ngờ rằng dân chúng các tỉnh miền đông Libya đã “chia tay” chóng vánh đến thế. Chẳng qua ông đã cai trị không công bằng lắm: ông thuộc nhóm dân Berbère, coi nhẹ một số nhóm dân không hẳn là thiểu số như nhóm Warfallah, tiếc thay nhóm này lại đông đến 1 triệu dân, tức 1/6 dân số Libya. Thành ra khi có dịp, dân Warfallah bèn nổi loạn, các thành phố Tobrouk và Benghazi nhanh chóng ra khỏi quyền hành của ông Gaddafi. Tất nhiên, ngoài Al-Qaeda còn có những thế lực nào khác cổ vũ, chưa thấy ông Gaddafi tri hô.
Trong khi chờ đợi, có thể nhìn vào vài dữ kiện kinh tế - xã hội. Ở một nước dân số khoảng 6,4 triệu người, có nền kinh tế khá thịnh vượng nhờ dầu hỏa, GDP/đầu người lên đến 9.714 USD (năm 2009), trong đó sản lượng nông nghiệp chỉ góp được 2% GDP trong khi nông thôn chiếm đến 1/4 dân số, tức 1,43 triệu người (6), rõ ràng phần lớn dân chúng nông thôn không thể sống no đủ. Có khi còn không bằng dân chúng một số nước, có cả Ấn Độ, Trung Quốc... tha phương cầu thực sang Libya làm việc trong những lĩnh vực mà người Libya “trung bình” chê không làm, như xây dựng chẳng hạn. Vấn đề ở chỗ: những ai phải “chết gí” ở nông thôn?
Nghèo khó không làm người dân bất mãn cho bằng sự “chết gí” trong cảnh khó nghèo đó, trong khi người khác cứ ăn trên ngồi trốc. Càng nguy hiểm khi sự nghèo khó “ba đời” đó lại khu trú ở một số nhóm dân tộc bị chê là thiểu số.
__________
(1) la Libye sous Mouammar Kadhafi (Nouvelobs.com avec AFP)
(2) http://chezrevel.net/ni-marx-ni-jesus/
(3) http://www.pcn-ncp.com/Livrevert.htm
(4) “Attentat de Berlin”, http://www.vitaminedz.com/attentat-de-berlin
(5) http://www.tehrantimes.com/index_View.asp?code=236511
(6) http://data.worldbank.org/indicator, Libya
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá