Các “vương triều cộng hòa” Ả Rập

09:52 SA @ Thứ Hai - 21 Tháng Hai, 2011

Làn sóng biểu tình tiếp tục lan rộng khắp thế giới Ả Rập, làm lung lay quyền lực của nhiều nhà lãnh đạo lâu năm và cắt đứt tiền đồ của con cái họ.

Được xem là người sẽ kế vị Tổng thống Hosni Mubarak, con đường quyền lực của Gamal Mubarak lẽ ra đã rất suôn sẻ nếu biến động không xảy ra.

Trong số 2 con trai của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, con cả Alaa có nhiều tai tiếng hơn, liên tục bị cáo buộc tham nhũng hoặc nhận tiền “lại quả” từ các hợp đồng nhập khẩu. Vì vậy lâu nay, người được xem là sẽ nối nghiệp ông Mubarak là người con thứ hai Gamal. Trong khối tài sản khổng lồ ước tính từ 40 - 70 tỉ USD mà gia đình Mubarak bị nghi ngờ đã tích cóp được, theo tờ The Guardian, Gamal Mubarak sở hữu khoảng 17 tỉ USD, hơn gấp đôi so với anh trai Alaa (8 tỉ USD). Ít tai tiếng hơn mà lại giàu hơn, Gamal Mubarak chiếm được niềm tin để được “phụ hoàng” đầu tư cho tương lai chính trị.

Từ thương trường đến chính trường

Gamal Mubarak, 48 tuổi, tốt nghiệp ngành quản trị doanh nghiệp tại trường American University in Cairo (AUC), một trong những đại học hàng đầu Ai Cập. Khởi nghiệp, Gamal làm việc cho Bank of America tại Cairo rồi chuyển sang chi nhánh của ngân hàng này ở London, Anh. Theo tờ Libération, trở lại Ai Cập năm 1995, nhận thấy anh trai Alaa bắt đầu sa đà vào các vụ kinh doanh lũng đoạn gây nhiều xôn xao, Gamal tìm mọi cách để giữ danh tiếng, chuẩn bị “tiến công” sang chính trường. Năm 1997, tờ Al-Sharq al-Awsat của Ả Rập Xê Út có trụ sở tại London đăng tải một bài điều tra về các hoạt động tài chính của Alaa với Gamal Mubarak và đã bị hai anh em này kiện ngược lại. Kết quả là tờ báo thua kiện và phải đóng cửa văn phòng ở Cairo.

Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak cùng vợ, bà Suzanne. Bìa phải là Gamal và ngoài cùng bên trái là vợ chồng Alaa - Ảnh: AFP

Năm 1999, Gamal Mubarak bắt đầu tham gia vào đảng cầm quyền NDP và không ngừng thăng tiến trên con đường chính trị. Tháng 2.2000, ông được bầu vào Ủy ban chính trị của NDP, và trở thành người đứng đầu cơ quan này từ năm 2002. Với vị trí này, Gamal được xem là nhân vật số hai của chính quyền Ai Cập, theo Le Figaro.

Cũng trong năm 1999, Tổng thống Syria Hafez al-Assad qua đời và được “kế vị” bởi con trai Bashar al-Assad khiến dư luận quốc tế bàn tán không ngớt về cái gọi là “quân chủ cộng hòa”. Gamal Mubarak ngay lập tức rút kinh nghiệm và tăng cường đánh bóng hình ảnh nhằm tránh việc bị đàm tiếu. Báo chí thân cận với Chính phủ Ai Cập không ngừng tiếp tay bằng cách ca ngợi Tổ chức Vì thế hệ tương lai chuyên hỗ trợ các dự án công nghệ thông tin và kinh doanh của giới trẻ do ông đứng đầu.

Dù không thừa nhận tham vọng kế vị nhưng Gamal Mubarak được sắp đặt để bước vững chãi lên từng nấc thang của quyền lực. Nhà chính trị học Moustafa Kamel al-Sayyid nhận định trên Libération: “Gamal Mubarak gần như trở thành phát ngôn viên của đảng cầm quyền, đi công du cùng cha để gặp gỡ lãnh đạo các nước. Mọi thứ, từng chút một cho thấy ông ấy đang chuẩn bị để giữ vai trò rất quan trọng”. Gamal có mặt ở khắp nơi, như đón tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong một diễn đàn ở Cairo, tham gia buổi diễu hành của NDP để chống chiến tranh Iraq, phát biểu tại các Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ… Trong một chuyến thăm Mỹ năm 2003, ông được nhiều nhân vật cao cấp của chính quyền Tổng thống George Bush đón tiếp như Phó tổng thống Dick Cheney, Ngoại trưởng Condoleezza Rice…

Tháng 8.2010, chiến dịch cổ động cho Gamal Mubarak ra tranh cử tổng thống vào năm 2011 đã được tổ chức hoành tráng tại Ai Cập. “Gamal, thần tượng của hàng triệu người Ai Cập”, bài hát vào thập niên 1950 để ca ngợi Tổng thống Gamal Abdel Nasser, được phát lại để ca ngợi… Gamal Mubarak. Tại nhiều thành phố, người dân được phát nước ngọt, cà phê miễn phí để ký tên ủng hộ “Mubarak con” ra tranh cử. Toàn bộ chi phí của chiến dịch ồn ào này nhiều khả năng do giới doanh nhân, vốn rất ủng hộ Gamal Mubarak, chi trả.

Kịch bản dựng sẵn

Nếu không xảy ra làn sóng biểu tình lật đổ ông Hosni Mubarak hôm 11.2 vừa qua thì theo báo chí Ai Cập, tương lai chính trị của xứ kim tự tháp sẽ theo đúng kịch bản đã được chuẩn bị sẵn từ trước: Mubarak cha tham gia kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 10.2011 và “đương nhiên” sẽ lại đắc cử nhiệm kỳ thứ 6. Một, hai năm sau, vì sức khỏe giảm sút ở tuổi 84, 85, ông Hosni Mubarak sẽ nhường lại chức tổng thống cho Gamal.

Tuy nhiên, nếu chưa bị lật đổ, để “tổng thống tập sự” Gamal Mubarak nắm quyền một cách êm thấm, ông Hosni Mubarak chắc chắn còn phải cải thiện cái nhìn của các tướng lĩnh quân đội về “thái tử”. Theo tài liệu của WikiLeaks, một nhà nghiên cứu chính trị Ai Cập từng nhận xét với tân Đại sứ Mỹ Margaret Scobey năm 2008: “Quân đội Ai Cập không ủng hộ Gamal Mubarak, một người mà ngay cả chương trình nghĩa vụ quân sự bắt buộc cũng chưa hoàn tất”.

Quân đội là một thể chế rất có uy tín và nắm giữ nhiều quyền lực cả kinh tế lẫn chính trị tại Ai Cập. Tất cả các tổng thống nước này kể từ khi chế độ quân chủ bị lật đổ đều xuất thân từ quân đội. Trong khi đó, gốc gác của Gamal Mubarak là từ thương trường. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu ông lên nắm quyền, Ai Cập sẽ có nhiều biến đổi về kinh tế, đặc biệt theo hướng tăng cường tư hữu hóa. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của các công ty do quân đội đầu tư. Thực tế hiện nay, chính quân đội đang nắm quyền điều hành Ai Cập trước khi thực hiện cam kết tổ chức bầu cử dân chủ trong khi số phận gia đình Mubarak vẫn đang là một bí ẩn chưa được giải đáp.

Nguồn:Thanh Niên
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những tổng thống - vua

    24/02/2014Nguyễn Ngọc HùngThế giới Ả Rập nổi tiếng với những chế độ và những “nhà cách mạng” cầm quyền suốt đời...
  • Saparmurat Atayevich Niyazov - nhà độc tài Trung Á mang dấu ấn kỳ lạ

    19/02/2011Saparmurat Niyazov, "Tổng thống suốt đời", "Người cha đáng kính của mọi người dân" của Turkmenistan từ năm 1990 - 2007, là một trong những nhà độc tài ít nổi tiếng nhất mọi thời đại nhưng lại là kẻ có đầu óc điên dại hoàn toàn...
  • Vì sao thời nay vẫn còn những kẻ độc tài?

    16/02/2011Bùi Quang MinhDưới đây là khuôn mặt của một vài nhà độc tài trong thế kỷ 20, 21 tôi được biết: Adolf Hitler, Benito Mussolini, Augusto Pinochet, Pol Pot, Ferdinand Marcos, Muhammad Suharto, Nicolae Ceauşescu, Ben Ali, Hosni Mubarak...
  • “Chống đối chính quyền là cái ác đấy!”

    27/01/2011Cảnh Chánh tổng hợpTrong năm 2009, sau khi hàng loạt phát biểu được Tân Hoa xã bình chọn là những phát biểu gây sốc trong năm, những tưởng quan chức Trung Quốc sẽ chú ý hơn lời ăn tiếng nói của mình. Nhưng tổng kết năm 2010 cho thấy chẳng có gì thay đổi...
  • Vì sao Tổng thống Tunisia bị phế truất?

    17/01/2011Tường LinhTrong 23 năm cầm cương Tunisia, Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng như cải cách kinh tế thành công và triển khai một chính sách đối ngoại mềm mỏng, có lợi cho đất nước. Chẳng ai ngờ hôm qua, 15/1, Tòa án Hiến pháp Tunisia đã quyết định bãi nhiệm Tổng thống Ben Ali, sau khi ông tạm lánh ra nước ngoài vì các cuộc bạo động nổ ra trong nước và qua đó trở thành lãnh đạo đầu tiên trong thế giới Arab mất quyền lực vì biểu tình đường phố...