Lượng đổi chất không đổi

02:39 CH @ Thứ Tư - 06 Tháng Bảy, 2005

Bát nháo đầu vào

Dư luận ngày càng quan ngại về kỷ luật phòng thi, về tính nghiêm túc của các kỳ thi tuyển. Buồn thay, mối quan ngại đó không loại trừ thi tuyển học viên cao học. Việc sử dụng tài liệu trong phong thi, việc quay cóp, thi hộ... ngày càng phổ biến và đáng ngại hơn là đang có xu hướng được xem là...bình thường. Kể lại về kỳ thi tuyển sinh đại học 2005 mới đây, nhiều sĩ tử không nén nổi bức xúc. Ở nhiều phòng thi, giám thị dường như đã thoả hiệp hay cảm thông với thí sinh khi để họ ngang nhiên sử dụng tài liệu, chỉ nhắc nhở chiếu lệ trước khi có thanh tra đi kiểm tra (có tác dụng báo động thì đúng hơn) hay lúc gần hết giờ. Thậm chí, ở môn thi Anh Văn (môn điều kiện) giám thị còn “lưu ý” anh chị em bảo nhau làm bài, người biết giúp đỡ người không, đừng sử dụng tài liệu lộn xộn quá, để thanh tra bắt mà phiền.

Không chỉ thiếu nghiêm túc trong phòng thi, nhiều vụ gian lận thi cử đã bị phanh phui trong thời gian qua (chạy đầu vào, thi hộ...) đang minh chứng cho một thực trạng hết sức đáng báo động. Tôi được biết, có một số cơ sở đào tạo còn cho học viên “nợ đầu vào”, nghĩa là cứ đi học rồi khi có điều kiện sẽ được thi đầu vào sau. Hiện tượng đó cũng giống như việc thanh niên nam nữ ăn ở với nhau có con rồi cưới sau vậy. Thật đúng là không thể tưởng tượng nổi.

Nghiên cứu phất phơ

Sau kỳ thi tuyển như đã đề cập ở trên, các học viên bắt tay vào sự học mà ở bậc sau đại học được gọi một cách mỹ miều là “nghiên cứu”. Gọi thì vậy, nhưng thực tế cũng không khác gì nhiều về chất so với việc học ở bậc đại học, vẫn những môn học cũ, cách thức truyền thụ và tiếp nhận kiến thức cũ, có khác chăng là người học ít thời gian học hơn và lười học hơn.

Tham khảo nội dung chương trình đào tạo thạc sỹ (khối xã hội) ở một số trường đại học, học viện, chúng tôi thấy phần lớn đều là những môn đã được học ở bậc đại học, chỉ có một vài môn mới như: Phương pháp nghiên cứu khoa học, Tâm lý học... Nhiều môn học chưa biên soạn được giáo trình giảng dậy riêng hoặc mới chỉ sơ sài ở dạng để cương, nhất là những trường mới được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học.

Một đặc điểm nổi bật của đào tạo sau đại học hiện nay là phần lớn học viên theo học ngoài giờ hành chính (buổi tối hoặc thứ bảy, chủ nhật). Cá biệt có lớp học hoàn toàn vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Mặt khác, phần đông học viên cao học là cán bộ tại chức, sau thời gian làm việc căng thẳng, bận rộn ở nhiệm sở thì việc họ cố gắng để có mặt đều ở lớp đã là rất...đáng quý rồi. Đó là chưa kể đến chuyện học hộ, điểm danh hộ và nhiều nhiều cái “hộ” nữa, mà có kể cũng chẳng hết.

Phương pháp truyền thụ và tiếp nhận kiến thức “vũ như cẩn” tức phổ biến là “thầy đọc,, trò chép” còn “chép” để làm gì thì bất biết! Việc học viên tự học, tự nghiên cứu thêm các tài liện tham khảo có vẻ như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Còn thi ư? Quay cóp, làm bài tập thể... sinh viên có “trò” gì thì các học viên cao học cũng có “chiêu” đó và kết cục là “ai cũng qua cả”, chính xác hơn là “học hay không thì điểm cũng cao như nhau”. Đó là chưa kể đến những tiêu cực “ngầm” trong thi cử (chạy điểm, thi hộ...) mà báo chí đã đề cập nhiều.

Đầu ra...quá dễ

Có người nói đùa đã học cao học là chắc chắn thành thạc sỹ. Đùa mà thật, vì quả thực tôi chưa thấy có ai sau 2-3 năm học cao học mà không được nhận bằng thạc sỹ cả. Có chăng là chậm 1-2 năm do chưa thu xếp được thời gian để làm luận văn tốt nghiệp. Không những thế, kết quả bảo vệ luận văn thường rất cao, nhất là đối với khối xã hội, dưới 9 điểm là hiếm, 9,5 là bình thường, trên 9,5 là vô khối, còn 10 thì cũng khá nhiều. Hình như ai cũng ngại và thấy áy náy nếu cho điểm thấp!(?). Việc đánh giá luận văn thạc sỹ phần nhiều mang tính hình thức, chiếu lệ. Hội đồng được thành lập trước buổi bảo vệ thường chỉ 2-3 tuần và thường thì một hội đồng không chỉ đánh giá cho một luận văn. Như vậy, liệu rằng các luận văn có được thẩm định, đánh giá một cách kỹ lưỡng không?

Thử hỏi trong số hàng ngàn thạc sỹ được công nhận mỗi năm có bao nhiêu người có những đóng góp thực sự cho nền khoa học nước nhà cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn? Đại đa số các đề tài luận văn thạc sỹ khối xã hội có giá trị ứng dụng rất thấp, phần lớn được bảo vệ xong là đưa vào lưu trữ, may ra thì có giá trị tham khảo cho các lớp kế sau... Nhiều học viên sau 2-3 năm học nhận bằng thạc sỹ chỉ để cho oai, cái danh xưng MA được thêm vào trước các tên riêng hầu như chẳng gắn với một mức ý nghĩa nào.

Rốt cuộc là sau 2-3 năm học hao tổn không ít về thời gian, tiền bạc (của cá nhân cũng như của xã hội) nhưng lợi ích mang lại (cho cá nhân cũng như xã hội) thì quá thấp. Đơn cử đối với khối kinh tế, tính trung bình sau khi kết thúc một cua đào tạo thạc sỹ một cá nhân (và cả cơ quan cử cá nhân đó đi học nữa) phải bỏ ra khoảng 20-25 triệu đồng, tương ứng Nhà nước cũng mất đi chừng đó cho một chỉ tiêu đào tạo. Tổng cộng là 50 triệu đồng cho một “cái bằng” thạc sỹ. Mỗi năm cả nước có hàng ngàn thạc sỹ tốt nghiệp , vị chi cả xã hội đã tiêu tốn tới hàng trăm tỷ đồng. Liệu rằng đó có phải là một sự đánh đổi hiệu quả?

Thử đi tìm nguyên nhân

Xã hội ta có truyền thống “trọng” bằng cấp, tiếc thay, giờ đây đang có xu hướng chuyển thành “chuộng bằng cấp”. Không ít người coi việc trang bị bằng cấp như là một phương tiện để giữ “ghế” để “thăng quan tiến chức”. Và từ đó, học giả, bằng giả, mua bán bằng cấp... đã và đang trở thành một vấn nạn.

Ở nhiều cơ quan, nhất là các cơ quan Nhà nước, việc đề bạt cán bộ còn nặng về bằng cấp, chưa thực sự quan tâm đến năng lực. Chính vì vậy, người ta có bằng cấp cao hơn thường được coi như có ưu thế hơn trong cuộc cạnh tranh thăng tiến, đây cũng là một lý do làm tăng sức ép đối với cuộc chạy đua lấy bằng sau đại học. Coi trọng và sử dụng người có bằng cấp là cần thiết nhưng điều quan trọng là bằng cấp phải đi liền với trình độ, với thực tài, nều chỉ “hữu danh vô thực” thì hết sức nguy hại.
Một lý do nữa là trong những năm gần đây, đào tạo sau đại học có xu hướng “mở” hơn. Mỗi năm lại có thêm hàng chục cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học, chỉ tiêu đạo tạo hàng năm luôn tăng. Số bằng thạc sỹ, tiến sỹ được trao hàng năm tăng với tốc độ chóng mặt. Các cơ sở đào tạo gần như theo một quy trình khép kín, được chủ động hoàn toàn về thi tuyển, đánh giá, cấp bằng. Với sự bùng nổ về quy mô như hiện nay thì sự sụt giảm về chất lượng đào tạo là điều khó tránh khỏi.

Và giải pháp

Để có thể cải thiện chất lượng đào tạo sau đại học, cần có sự cải cách mạnh mẽ và sâu sắc.

Thứ nhất, cần xem xét lại về quy mô đào tạo. Tôi nhớ là có lần một quan chực của Bộ giáo dục và Đào tạo có phát biểu trên báo chí rằng, số lượng thạc sỹ của Việt Nam nếu so sánh vơi các nước trong khu vực còn khá khiêm tốn nhưng nếu suy nghĩ như vậy để tìm cách tăng nhanh số lượng đào tạo sau đại học như một vài năm trở lại đây thì có lẽ không ổn. Trong điều kiện hiện nay của nước ta, việc mở rộng quy mô đào tạo một cách ồ ạt là chưa phù hợp. Hơn nữa, chỉ tiêu số lượng thuần tuý chưa đủ để nói lên điều gì cả.

Thứ hai, phải có sự quản lý, đánh giá, giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước và xã hội đối với các “đầu vào” của thí sinh (thành tích công tác, điểm thi vào, thời gian theo học thực tế...). Mặt khác, cần phải xiết chặt “đầu ra” bằng những quy định về chất như: nghiên cứu phải được ít nhất một đơn vị (doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội, đơn vị hành chính sự nghiệp,...) đăng ký ứng dụng; hoặc phải có bài viết đăng trên tạp chí nghiên cứu chuyên ngành (hiện quy định này chỉ áp dụng với bậc nghiên cứu sinh); luận văn tốt nghiệp phỉa có sự đánh giá về giá trị ứng dụng thực tiễn. Phải tư duy một cách đúng đắn rằng không nhất thiết 100% học viên cao học phải thành thạc sỹ. Bên cạnh việc giao quyền chủ động cho các cơ sở đào tạo, phải tăng cường kiểm tra để đảm bảo quá trình đào tạo được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Thứ ba, phải tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu. Theo chúng tôi, cần chuyển phương pháp giảng dạy truyền thống hiện nay sang phương pháp ‘Giảng dạy tích cực” mà cơ bản là chuyển từ “độc thoại” sang “hội thoại”, tăng cường thảo luận theo nhóm, thuyết trình, người học được khuyến khích và buộc phải bộc lộ chính kiến, quan điểm của mình. Để đánh giá việc hấp thụ kiến thức ở mỗi môn học cũng không nhất thiết phải qua thi cử có thể thay thế bằng viết bài luận, nghiên cứu tình huống gắn với thực tế công việc của học viên.

Thứ tư, nâng cao nhận thức của xã hội về việc đào tạo sau đại học và về bằng cấp sau đại học. Phải làm thay đổi nhận thức của xã hội về chuyện bằng cấp, bằng cấp là quan trọng nhưng cái quan trọng hơn là trình độ và năng lực thực tế, nói cách khác bằng cấp phải đi đôi với giá trị thực. Việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không nhất thiết phải dựa trên bằng cấp. Các cơ quan Nhà nước cần phải làm gương trước trong việc tuyển dụng cán bộ dựa vào kiến thức và khả năng thực tế.

Thay lời kết

Giáo dục Việt Nam đúng là một chủ đề “Hót”. Có quá nhiều vấn đề bức xúc.Mới gần đây thội, dư luận cũng đang xôn xao về “một bài văn lạ” của một em học sinh lớp 11. Hành động trên (hãy khoan bàn về vấn đề nhận thức, tính đúng sai của hành động đó) lại giòng thêm một hồi chuông về những bất cập trong việc dạy và học hiện nay. Làm thế nào để “người trẻ” đừng đánh mất niềm tin, không phải cảm thấy thất vọng và hụt hẫng? Trách nhiệm thuộc về các “nhà quản lý” và hơn nữa là trách nhiệm của toàn xã hội.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: