"Bùi Giáng điên vì ông quá tỉnh"

09:16 SA @ Thứ Sáu - 22 Tháng Giêng, 2010

Chàng "trung niên thi sĩ" ra đi đã lâu nhưng đây đó vẫn còn những giai thoại. Hình ảnh một "thi sĩ lập dị" vẫn không phai mờ trong lòng nhiều độc giả. Nhiếp ảnh gia Lâm Ngọc Duy kể về "niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời" khi gặp Bùi Giáng.

Giấc mơ thành hiện thực

Vì hoàn cảnh nhưng cũng là một cơ duyên, năm 1980 ông Duy rời Đà Lạt xuống Sài Gòn, đem theo đứa con gái nhỏ sống vất vưởng dọc vỉa hè. Hai cha con tứ cố vô thân, không nhà cửa, hằng ngày ông Duy phải đi chụp ảnh dạo dọc đường phố Sài Gòn tìm miếng cơm, bát cháo lay lắt sống qua ngày.

Một thời gian sau, ông Duy may mắn gặp được nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh. Hai người trở thành bạn thân, từ đó ông Duy thuê phòng trọ và được nhận vào làm trong Ảnh Viện Đống Đa trên đường Trương Minh Giảng.

Thi sĩ Bùi Giáng (Ảnh: Lâm Ngọc Duy)

Một hôm ông đi qua bùng binh Trương Minh Giảng, thấy một ông già đang nhảy múa, xung quanh con nít vây xúm rất đông. Cũng hiếu kì nên ông chạy lại xem, ngó chừng dung mạo thấy giống Bùi Giáng được nghe qua lời kể của bạn bè, ông Duy liền hỏi: "Xin lỗi! Có phải ngài là Bùi Giáng không?". Ông già nhướng mắt nhìn và hỏi lại: "Sao anh biết ta?". "Dạ, con là độc giả của ngài đây, hâm mộ ngài đã từ lâu nay mới được gặp, thật là một cơ duyên!".

Bùi Giáng rẽ đám trẻ con ra, cầm tay ông Duy kéo vào một con hẻm nhỏ trên đường Trương Minh Giảng. Tại đó hai người chuyện trò và Bùi Giáng đã chép thơ lên vỏ bao thuốc lá tặng ông Duy. Bài thơ chỉ có một câu: "Chép lời bờ cỏ ra hoa".

Nhìn câu thơ mà ông Duy vui mừng khôn tả, thấy thơ lạ nên ông Duy hỏi: "Thơ ngài quả là siêu phàm, con không hiểu được ý thơ?", nghe Bùi Giáng giải thích ông Duy lại càng kính nể và vui mừng hơn (nhưng vì lí do cá nhân nên ông Duy không kể lại lời giải thích của Bùi Giáng).

Theo dòng ký ức

Lâm Ngọc Duy (Ảnh: NLĐ)

Nghe Bùi Giáng giải nghĩa câu thơ xong, ông Duy chở "ngài" trên xe đạp dạo quanh Sài Gòn". Lúc nào bên mình ngài cũng có bầu rượu và túi thơ như thế. Và cứ khoảng 200 mét, Bùi Giáng lại bắt ông Duy dừng lại, tạt vào lề đường làm mấy hớp rượu rồi mới chịu đi tiếp. Đến ngã ba, ngã tư có khi ngài lại xuống đường làm cảnh sát giao thông, chỉ đường cho xe cộ đi lại! - ông Duy kể".

Sau cả ngày "du ngoạn" Bùi Giáng cho ông Duy địa chỉ nhà và dặn: "Anh muốn tìm ta thì đến đường Lê Quang Định, cứ hỏi nhà của ông già điên thì ai cũng biết, đến mà thấy ta bệnh thì ghé chơi, còn ta khỏe thì im lặng mà về, ta không tiếp" (những lúc bệnh là lúc ông ca hát, nhảy múa, làm cảnh sát...). Chiều tối ấy, hai người từ giã nhau ra về, ông Duy còn vui mừng lắm khi kể với chúng tôi ngày kỷ niệm đó.

Cách ít lâu sau, ông Duy có đến tìm nhà Bùi Giáng mấy lần, nhưng không lần nào gặp được. Người ta bảo: "Hôm nào ông cũng đi từ lúc 3 giờ sáng, có khi cả nửa tháng mới về nhà". Rồi một bận ông Duy đi sớm. Lần đó ông mang theo bộ tách trà nhỏ với hai cái bánh pía và gặp được ngài trong một quán cà phê ở cuối con hẻm. Thấy ông Duy, Bùi Giáng lên tiếng hỏi: "Sao anh biết ta ở đây?", "Dạ, con đi tìm ngài mấy bữa nay mà không gặp, hôm nay đi không ngờ lại tìm được ngài".

Tại quán cà phê đó, ông Duy pha trà mời, Bùi Giáng cúi xuống rồi đưa tay cao quá đầu nhận trà một cách lễ phép, còn húp cả những giọt trà rơi xuống bàn. Cử chỉ của thi sĩ Bùi Giáng làm ông Duy nhớ mãi không quên. Bộ tách trà uống cùng Bùi Giáng hôm đó, đến bây giờ ông Duy vẫn giữ và trân trọng.

Rời quán cà phê, hai người dắt nhau qua chùa Liên Ứng, tại đây ông Duy đã chụp những bức ảnh đầu tiên về Bùi Giáng.

Ngài lại làm thơ tặng ông Duy. Bài thơ không đề có đoạn viết: "Tăng thanh đầu ngọn yêu đào/Hắc phong hải ngoại tự trào hoàng hôn/Chẻ hai mảnh giấy vô hồn/Lầm sương lạc tuyết là cồn điếu tang/Còn nguyên phố thị hội đàm/Với trăng châu thổ muôn vàn dưới kia". Phía dưới có ghi "Thân tặng Lâm Ngọc Duy, người bạn Quảng Ngãi (tôi bạn Quảng Nam), kí tên Bùi Giáng".

Vào cuối câu chuyện, Bùi Giáng đề nghị: "Anh đưa ta về thăm nhà anh, ta ở lại một đêm mai đi chơi tiếp". Ông Duy ở trọ trong căn nhà lá nhỏ, chỉ có một chiếc giường, đêm hôm ấy ông Duy mời thi sĩ lên giường ngủ. Bùi Giáng không chịu: "Ta nằm dưới đất quen rồi, anh để ta ở đây thoải mái hơn".

Bùi Giáng tiếp: "Anh có làm thơ không? Cho ta coi?". Đọc xong, Bùi Giáng khen hay và nói: "Hay anh in chung với ta một tập đi?", ông Duy khiêm nhường trả lời: "Tôi chỉ đáng xách dép cho ngài sao lại ngồi chung chiếu với ngài được".

Hai lần gặp "một đời" nhớ!

Thi sĩ Bùi Giáng (Ảnh: Lâm Ngọc Duy)

Sau đêm đó, Lâm Ngọc Duy không được gặp lại cho đến khi Bùi Giáng qua đời. Thế nhưng những kí ức về thi sĩ Bùi Giáng đến nay và suốt đời sẽ còn in đậm trong tâm trí ông. Những bài thơ ghi trên giấy vụn, những tách trà xưa uống chung nhau, những bức hình Bùi Giáng, những tập thơ, truyện dịch của Bùi Giáng đến nay ông Duy vẫn còn lưu giữ, tất cả được ép, được đóng khung và trưng trong tư gia một cách trang trọng.

Ai đó có dịp qua Đức Trọng (Lâm Đồng) nhớ ghé nhà Lâm Ngọc Duy. Một căn nhà gỗ nhỏ nép giữa vườn cây cảnh và hoa, hằng tháng ở đây vẫn có những đêm thơ, hằng năm vẫn có những lần giỗ Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn và đặc biệt là được nghe ông kể về những kỉ niệm của ông với "Trung niên thi sĩ", "Trịnh nhạc sĩ".

Cuối cuộc trò chuyện, chúng tôi hỏi ông Duy về những nhận xét riêng của ông đối với Bùi Giáng (về cuộc đời, con người cũng như thơ của ông), ông Duy trả lời: "Ngài là một Bồ Tát nghệ Sĩ, người ta cứ nói là Bùi Giáng điên, nhưng tối thấy ngài không điên, họ nói vậy vì họ không biết, Bùi Giáng điên vì ông quá tỉnh!".

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những đoản khúc Lê Đạt

    15/12/2018Nhà phê bình Phạm Xuân NguyênNgười “phu chữ” Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong “bộ tứ” nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn – Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần. Cả bốn ông rồi ra đều được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật...
  • Trần Dần, một thi trình sạch (I)

    26/08/2017Đỗ Lai ThúyTôi thích Thơ thời sự, theo sát cái hồi hộp, lo lắng của Đảng tôi, dân tôi, triệu triệu quả tim dân chúng và quân đội, chiến sĩ và cán bộ, lãnh tụ và quần chúng. Tôi lại cũng thích Thơ không thời sự, Thơ bao trùm đất nước và thời gian, Thơ ăn lấn sang mọi thế kỷ, và Thơ nhập cả vào cái biện chứng bao la của sự vật. – Trần Dần
  • Độc thoại Trần Dần

    19/01/2010Khánh PhươngNgay từ thuở cùng Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương viết tuyên ngôn Tượng trưng, Trần Dần đã mặc nhiên khảng khái công bố quan niệm, thơ bỏ qua những biểu hiện đơn nghĩa của sự vật, sự kiện, đời sống, mà muốn dung hợp tất cả biểu hiện hiện thực trong cõi tương hợp của cảm giác, biến nó thành không gian rộng lớn tiếp biến kỳ ảo của những biểu tượng tiềm thức. Như vậy cũng có nghĩa, nhà thơ không được quyền sao chép ngay cả những cảm xúc dễ dãi của bản thân.
  • Bùi Văn Nam Sơn: Kẻ lữ hành theo chân các triết gia

    23/07/2009Hải Miên thực hiện“Đối với nước ta, công cuộc tu thư ngày càng bức thiết để nhanh chóng lấp khoảng trống về học thuật, bù lại những quãng thời gian và cơ hội đã bị bỏ lỡ, nhằm tiếp cận một cách toàn diện hơn, chính xác hơn các trào lưu tư tưởng và thành tựu khoa học trên thế giới. Việc dịch sách kinh điển là con đường ngắn nhất trong việc tiếp phát văn hóa”.
  • Thơ, thay đổi để tồn tại

    13/03/2009InrasaraMỗi trường phái mới bằng mỗi thử nghiệm hay mỗi bước chuyển đều có sự thất bại hay thất thố bên cạnh bật lên các đại biểu xuất sắc của nó. Nhà phê bình không thể dùng tiêu chí thẩm mĩ này để đánh giá sáng tác thuộc hệ mĩ học khác. Càng không đánh giá sáng tác thuộc mĩ học mới qua những sản phẩm kém cỏi được. Nhà tư tưởng chỉ có thể bị vượt qua khi phần vô ngôn của tư tưởng ông ta được khai mở trọn vẹn, - Heidegger nói thế. Một trào lưu văn nghệ chỉ có thể bị vượt bỏ khi chính tác phẩm đại biểu xuất sắc của nó bị vượt qua. Vượt qua, không phải người đọc không còn thưởng thức nó nữa, mà là: người viết hết còn sáng tác theo vết mòn của nó!
  • Trần Dần, một hành trình thi sạch (II)

    12/12/2008Đỗ Lai ThúyTrần Dần có đủ bản lĩnh để tiếp nhận mọi thách đố bên ngoài. Và hình như số phận cũng ưu ái ông bằng những thách đố, vì chỉ có như thế thì ông mới có cơ hội để thực hiện những hành động sáng tạo mới
  • Trò chuyện với nhà thơ Lão Thực

    09/12/2006Vũ Ngọc TiếnCó một thời ấu trĩ, hễ ai nhắc đến Hiện sinh còn bị chuốc vạ vào thân, đã kìm hãm sự phát triển văn học Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX. Đáng tiếc, bước vào đổi mới, có một số người, để tỏ ra mình cấp tiến hơn các bạn viết, đã cố gồng cây bút lên cho có vẻ Hiện sinh, mà có khi Hiện sinh là gì họ còn chưa hiểu hết, sách Hiện sinh chắc gì đã đọc cho nghiêm túc. Ngược lại, có không ít người lại tỏ ra dị ứng, ác cảm với Hiện sinh. Triết học nào lập ra cũng vì con người, hướng dẫn con người đi tìm đến cội nguồn của hạnh phúc...
  • xem toàn bộ