Bồi dưỡng tri thức

Nguyễn Hiến Lê dịch
02:10 CH @ Thứ Sáu - 29 Tháng Sáu, 2018

Tôi không biết sau này bạn sẽ lựa nghề gì? Bạn có vẻ có khiếu về văn chương cũng như về khoa học, có khiếu về luật học cũng như về Chính trị. Bạn có thể lựa ngành công chức cũng như ngành xí nghiệp tư, lựa chọn ngành nghiên cứu cũng như ngành hoạt động. Dù bạn quyết định muốn làm gì thì cũng cần có một tri thức căn bản. Đó là một nấc đầu trong cái kim tự tháp của bạn. Vậy chúng ta bàn về điểm đó nhé?

Người ta bảo tôi rằng bạn đã học giỏi: vậy thì nhất định là về sử ký, văn chương bạn biết cũng nhiều bằng một học sinh khá, nghĩa là chưa được bao nhiêu. Bạn biết các thi sĩ nhờ đọc các tập thi tuyển, biết các sử gia nhờ học sách giáo khoa. Có tri thức không phải là mỗi môn biết một chút; cũng không phải là biết nhiều về một đầu đề duy nhất; có trí thức là biết kỹ vài danh sĩ, dùng tác phẩm của họ mà dinh dưỡng bồi bổ tinh thần. Tôi muốn chỉ cho bạn những bực thầy, ít thôi, mà suốt đời bạn sẽ không rời. Tôi muốn rằng bạn sẽ đọc đi đọc lại họ hoài. Tôi muốn rằng bạn biết rõ tư tưởng của họ cũng bằng tư tưởng của bạn, nhớ kỹ tác phẩm của họ cũng bằng hồi ký của bạn.

Thực là một độc giả của Balzac thì muốn kiếm một đoạn nào, chẳng hạn đoạn kể cuộc gặp gỡ đầu tiên của Rastignac và Vautrin, có thể mở ngay đúng các trang trong cuốn có đoạn đó được. Như vậy cần phải làm “quen” với tác giả từ lâu và không ai có thì giờ đâu đọc tất cả cái đám đông tác giả theo lối đó được. Phải lựa chọn. Do gặp gỡ và do thị hiếu mà bạn sẽ lựa chọn lần lần. Nhiệm vụ của tôi chỉ là giới thiệu với bạn vài món ăn tinh thần mà tôi cho là lành mạnh. Có thứ hợp với bạn, có thứ không. Bạn sẽ lựa lấy. Nào, chúng ta bắt đầu bằng các tác giả Hi Lạp. Tôi nghĩ rằng bạn yêu Homère, Eschyle, Sophocle, Aristophane. Gide tự hỏi: "Có cuốn gì đọc chán hơn Iliade được không? Nhưng Iliade đọc đâu có chán mà Odyssée lại càng chả chán tí nào. Plutarque là một nguồn gương danh nhân cho con người mọi thế kỷ. Chúng ta sẽ đặt ông ta bên cạnh Homère trong tủ sách nhỏ, được quí mến của ta. Bên cạnh một Platon. Và dù bạn tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, thì nhất định bạn cũng phải có một bộ kinh Cựu Ước và một bộ kinh Tân Ước, cả hai đều vĩ đại . Rồi Epictèle, Marc Aurèle, Sénèque nữa. Tôi tìm được trong ba nhà đó một luân lý hùng tráng. Nếu bạn giỏi tiếng La Tinh thì đọc vài thi sĩ: Virgile, Horace, Juvénal, tác giả các bi ca. Dịch ra thì ma lực của thơ họ biến mất. Homère chịu sự chuyển biến (1) đó, và Tacite, nếu khéo dịch sẽ còn giữ được trong bản tiếng Pháp dịch sẽ còn giữ được trong bản tiếng Pháp đức tính giản lược cổ điển cao quí của ông được.

Bấy giờ tôi nhảy qua nhiều thế kỷ, Rabelais sẽ làm cho trí óc bạn bạo dạn lên, uyển chuyển hơn nhưng chưa bằng Montaigne. Nếu phải hạn chế, suốt thời gian từ thời thượng cổ tới thế kỷ XVI chỉ lựa ba tác giả thôi thì tôi sẽ giữ lại Homère, Plutarque và Montaigne. Alain tự đặt qui tắc này (và tôi đã theo ông) là mỗi năm đọc lại một thi hào. Vậy chúng ta để một năm đọc Villon, một năm đọc Ronsard, một năm đọc Du Bellay. Như vậy là đủ cho thế kỷ XVI. Về thế kỷ XVII, sự lựa chọn không mệt nhọc gì cho lắm. Tác phẩm nào cũng đẹp.

Nhưng vì cần có những cuốn làm bầu bạn, nên tôi giới thiệu những tập Mémoires của Cardinal de Retz và của Saint Simon, văn chương mẫu mực đấy; kịch của Corneille sẽ dạy cho bạn lòng danh dự, nếu cần; kịch của Molière dạy cho bạn đức khôn khéo; tập Oraisons Funèbres của Bossuet là những khúc tấu đại phong cầm, và bạn đừng nên quên tập Fables của La Fontaine. Thêm một năm nữa cho thi sĩ Racine, mà suốt đời, bạn nên đi coi kịch của ông diễn trên sân khấu.

Qua thế kỷ XVIII, tôi sẽ giữ lại Montesquieu. Cuốn l’Esprit des lois sẽ là một trong số bầu bạn của bạn. Bạn sẽ đọc Candide của Voltaire như đọc một bài thơ trường thiên. Lựa của Diderot ít đoản văn: Le Songe d’AL EMBERT, La Lettre sur les aveugles, Le neveu de Rameau; không thể nào thông minh và viết hay hơn ông ta. Chúng ta cũng dành một năm cho thi sĩ Marivaux. Vấn đề Rousseau rắc rối đây. Chúng ta giải quyết cách này: Sắp tập Confessions vào hàng bầu bạn của ta. Còn cuốn Emile và cuốn Nouvelle Héloise, tôi đã đọc hai lần trong đời tôi: một lần vì bắt buộc, thời đó tôi học thi Cử nhân; một lần vì tò mò, vào hồi tôi trên dưới năm chục tuổi. Tôi cho như vậy đủ rồi.

Bây giờ tới thế kỷ XIX. Phong phú quá, tôi thấy lúng túng. Chúng ta đừng quên dự định của chúng ta là gây một tủ sách nhỏ Mémoires d’Outre tombe sẽ không bao giờ rời bạn rồi. Có nhiều đoạn tập đó xứng đáng với Retz và Saint Simon, mặc dầu là quá du dương. Đặt ở bên cạnh những tác phẩm đó tập Mémorial de Saint-Hélène. Đọc Napoléon ta học được nhiều về bản chất con người, về quyền hành và cả về bút pháp nữa. Về Stendhal và Balzac tôi sẽ ngoan cố, không nhượng bộ bạn đâu. Phải đọc hết và tuổi nào cũng đọc. Từ trên sáu chục năm nay tôi cống với hai tiểu thuyết gia đó, lần nào đọc lại tôi cũng tìm ra được những cái đẹp mới. Stendhal sẽ đề nghị với bạn một lối sống danh dự, hơi ngông cuồng, nhưng tuyệt thú. Balzac sẽ chỉ cho bạn tất cả mọi cách sống, từ những cách xấu xa nhất tới những lối cao đẹp nhất. ông ta se thảo gơ từng bộ phận của xa hội cho bạn coi. Xa hội Pháp không thay đổi bao nhiêu từ hồi ông nhận xét nó cho tới nay; vì nó trải qua nhiều cuộc xáo trộn lớn lao, cho nên xã hội đó ngày nay giống xã hội trong La Comédie humaine hơn là giống cái thời hơi nhạt nhẽo, tầm thường ở cuối thế kỷ XIX. (2)

Chateaubriand, Balzac, Stendhal là ba ngọn cao nhất. Vượt lên cả dãy trường sơn. Sainte Beuve ư? Như Balzac đã nói, đọc tiểu sử những tác giả vô danh của ông, tôi cũng thích thích, nhưng con người đó không đáng tin cậy hẳn và phán đoán sai các người đồng thời. Flaubert? Thiếu thiên tài, chỉ có chút tài hoa và nhờ chịu khó mà viết được mấy cuốn đẹp Madame BavaryL’Education sentimentale. George Sand? Nên đọc L’histoire de ma vie và phần đầu tiểu thuyết Consuelo. Tới Hugo chúng ta lại tìm được một đỉnh cao nữa. Có những kẻ ngu xuẩn bảo bạn rằng ông ấy không thông minh . Bạn đọc Choses vues và bộ Les Miserables của ông đi rồi sẽ phán đoán. Ông cũng sẽ là một thi sĩ bầu bạn của chúng ta. Từ hồi trẻ cho tới khi xuống mồ, ông là bực thầy về cách dùng từ ngữ Pháp, một bậc kỳ tài trong việc tạo tiết điệu cho câu thơ, là thi sĩ của những tình cảm bình dị, chất phác và lâu bền. Baudelaire Mallarmé, Valéry, Verlaine mà người ta đem ra để so sánh với ông, đều ngưỡng mộ và bắt chước ông. Trong thánh điện của bạn, bạn nên đặt bốn thi sĩ đó ngồi chung với ông. Và Rimbaud nữa, để đọc trong những lúc lòng bạn sùng sục chỉ muốn phản kháng. Bạn sẽ gặp những lúc như vậy đấy. Alain đã bảo chúng ta: "Kẻ nào hồi hai chục tuổi mà không nổi loạn, thì hồi ba mươi tuổi không còn đủ nghị lực để làm một chú cai cứu hỏa nữa".

Kịch của Musset vẫn là những kịch có tính cách Shakespeare nhất của Pháp: tập Lettres de Dupuis et Cotonet đọc cũng thích, nhiều bài thơ của ông đã làm cho tôi xúc động hồi thiếu niên, nhưng một lần nữa, chúng ta phải lựa chọn và tôi lựa Hugo cho bạn. Alain khinh Taine và Renan, cho họ là "hạng thấp kém trong văn học". Tôi không nghiêm khắc như vậy. Bạn có thể đọc Origines de la France contemporaine(3) và Drames phisolophiques.(4) Một văn sĩ nữa bị Alain đả kích: Mérimée nhưng tôi cho rằng ông đứng trên lập trường chính trị hơn là trên lập trường văn học mà phán đoán Mérimée; ông không tha cho Mérimée cái tội làm Thượng nghị sĩ dưới trào Đệ nhị Đế chính. Sự thực thì bề ngoài lãnh đạm của Mérimée đã che đậy tánh e lệ mà ông cho ngồi lên đùi mình hồi còn nhỏ, đã làm cho ông quên những lỗi lắm của chế độ đó. Tành lạnh lùng do e lệ của ông, không khác tánh Stendhal bao nhiêu. Bạn nên đọc Carmen, Le Vase étrusque, La double méprise của ông; bạn sẽ thấy như tôi, có lúc muốn đọc lại.

Lại thêm một ngọn núi cao nữa ở chân trời. Ở phía sau những ngọn đồi vừa vừa (mà thời trẻ tôi ưa ngao du) của France và Barrès, nổi lên ngọn chót vót của Marcel Proust. Càng vĩ đại như Balzac, ông làm cho ta chú ý tới, không phải vì bức tranh xã hội của ông (vũ trụ của ông nhỏ), mà vì những phân tích ký tính, tình cảm và sáng tác nghệ thuật của ông những phân tích đó tuyệt diệu, vô song. Bộ À la recherche du temps perdu là một bài thơ trường thiên về thời gian, cái thời gian mà người ta chỉ tìm lại được dưới hình thức nghệ thuật. Marcel Proust sẽ được đặt vào cái điện nhỏ của bạn cùng với Valéry và Alain, hai người đồng thời của ông. Bạn biết rằng Alain hồi xưa là thầy học tôi. Tôi muốn rằng ông cũng thành thầy học của bạn, trong các tác phẩm của ông gồm ba cuốn loại La Pléiade (của nhà Gallimard), bạn có thể học được đủ thứ: một luân lý, một triết lý, bản chất của mỹ thuật. bản chất của tôn giáo. Mới đầu bạn thấy văn ông khó đọc: khúc mắc, thiếu liên lạc. Cứ kiên nhẫn, bạn sẽ thấy vẻ đẹp của nó. Tôi đã nhờ Alain mà hiểu được Platon, Aristote, Kinh, Descartes, Hegel, Anguste Comte. Ông đã xô tôi vào Balzac tôi cũng xô bạn vào Alain; món quà quí nhất mà tôi có thể tặng bạn đấy.

Còn lại Bergson và Claudel. Bạn thử coi xem có thích món ăn tinh thần đó không mà trước kia tôi đã thường dùng.

Nhất là còn lại những văn hào ngoại quốc của ta nữa chứ. Bạn không thể không đọc Shakespeare được (nguồn thần thoại cho toàn thể nhân loại, cũng như Homère đấy), cũng không thể không đọc Lope de Vega. Swift Dickens, Edgar Poe, Goethe vĩ đại, rồi Dante, Cervantès. Sau cùng các tác giả Nga, cũng cần thiết để bạn tiếp xúc một cách thần diệu với đời sống. Không có gì hơn được những tiểu thuyết hay nhất của Tolstoi: Guerre et Paix(5)A'nna Karénine, La mort d’Ivan Illitch(6) Tôi vẫn cho rằng giáo lý của ông có phần giả tạo; nhưng cây bút tiểu thuyết của ông thì tuyệt. Theo tôi ông hơn Dostoievsky nhiều (Nhưng ở đây, có lẽ do tính tình không hợp mà tôi phán đoán lầm chăng). Ở bên Tolstoi, bạn nên đặt một tuyển tập truyện ngắn và những kịch của Tchékov. Không văn sĩ nào gần gũi với lòng tôi hơn Tchékov. Tôi muốn rằng bạn cũng tán thưởng ông ấy. Bạn nên lựa thêm Les âmes mortescủa Gogol; Dimitri Roudine, Père et enfant, Fumée (7)của Tourgueniev và vài truyện ngắn của Pouchkine. Còn Joyce? Kafka? Bạn cứ đọc thử đi xem có phải là món ăn tinh thần hợp với bạn không.

Đó là một chương trình để bạn đọc suốt đời được (Tôi không kể các tác giả hiện đại mà bạn sẽ lựa lấy). Có lẽ bạn bảo tôi: chương trình đó nặng quá. Tôi còn phải đọc những sách báo kỹ thuật cần cho môn học, cho nghề của tôi nữa, thì giờ đâu mà đọc hết cả bấy nhiêu tác phẩm? Vậy thì tôi sẽ khuyên bạn lập một tủ sách nhỏ vậy, thu lại còn bẩy tác giả thôi: Homère, Montaigne, Shakespeare, Balzac, Tolstoi, Proust, Alain. Ngày nào mà bạn biết rõ những tác giả đó, tôi muốn nói biết tới chi tiết, thì bạn là một người rất có học thức rồi.

Nhưng cái kiến thức văn học đó chưa đủ, phải thêm cái kiến thức khoa học dù cái nghề của bạn cơ hồ không cần dùng tới nó. "Ai không phải là hình học gia thì xin đừng vô đây." (8) Và ai không phải là vật lý gia, hóa học gia sinh vật học gia thì cũng xin đừng vô đây.(9) Cuốn Introduction â la méthode expérimentale của Claude Bernard là một chìa khóa của thế giới hiện đại . Đối với loài người, mọi sự đều thay đổi cả, lần thứ nhất vào cái thời người ta tìm ra được phép lý luận toán học, rồi lần thứ nhì vào cái thời người ta hiểu rằng lý luận phải căn cứ vào sự kiện. Tôi không đòi bạn phải đọc và hiểu các nhà chuyên môn của mọi ngành vật lý và nhân bản; tôi chỉ xin bạn theo dõi để hiểu biết phương pháp cùng những công trình khảo cứu của họ. Nếu bạn không biết các nhà bác học và những bí mật của họ thì làm sao các bạn có thể điều khiển một xưởng, một châu thành, một xứ.

Làm sao bạn có thể hiểu được thế giới hiện đại nếu bạn vì không học mà gạt bỏ cái công lao và cái vinh dự của nó tức sự tìm tòi khoa học? Ionesco có lần đã nói rằng vệ tinh nhân tạo Telstar vô cùng quan trọng hơn những hình ảnh mà nó truyền lại cho tất cả các dân tộc. Aldous Huxley bảo không thể chấp nhận được một người tri thức mà lại nghĩ rằng cần phải biết một tác phẩm của Shakespeare chứ không cần biết luật thứ nhì (l0) của môn nhiệt lực học. Tôi không cho rằng trong xã hội chúng ta, khoa học được tôn trọng tới nỗi nó diệt nghệ thuật và văn học. Khoa học cho con người một quyền năng mỗi ngày mỗi lớn để chế ngự ngoại giới ; Văn học giúp con người làm chủ được nội giới. Cả hai việc đó đều cần thiết. Một nhà bác học trong lòng rối bời vì một xung đột tình cảm làm sao trí óc có thể đủ sáng suốt, tự do để tập trung vào một công việc nghiên cứu, nếu ông ta không thể thỉnh thoảng mở cái nắp hơi nghệ thuật? Trong những trường khoa học danh tiếng nhất ở Mỹ (như Caltech Massachusetts Institute of TechnoIogy), người ta mở rộng hoài phần chương trình dành cho Sử ký và Văn học. Cái thế giới không sống thực, vô tri, thế giới của các phần tử chứa sự bí mật của năng lực; cái thế giới sống thực, thế giới của tình cảm, chứa bí mật của sự quân bình cho tâm hồn cá nhân. Tôi xin bạn làm một nhà khoa học mê văn học, hoặc làm một nhà văn học thích tìm hiểu khoa học.

Bấy nhiêu, đã đủ công việc cho bạn làm rồi đẩy. Bây giờ chúng ta xét tới thì giờ nhàn rỗi của bạn.


(l) Tức việc dịch ra một ngôn ngữ khác.
(2) Lời khen đó là vinh dự lớn lao nhất của một tiểu thuyết gia. Balzac miêu tả xã hội Pháp ở thế kỷ XIX mà tiên tri, biết được nó sẽ biến chuyển ra sao trong thế kỷ XX.
(3) Của Taine
(4) Của Reman
(5)Bản dịch Chiến tranh và Hòa bình của Nguyễn Hiến Lê, Lá Bối, Sài Gòn, 1968.
(6) Có bản dịch của Vũ Đình Lưu (Thời Mới).
(7)Xem bản dịch của Nguyên Hiến Lê, NXB Văn nghệ TP.HCM 2000 (BT)
(8) Của Platon.
(9) Tác giả muốn bảo phải biết qua những môn đó thì mới có kiến thức.
(10) Luật về tính cách tương đương (équivalence) (lao động) (travail) và nhiệt (chaleur)

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giá trị lao động và giá trị tri thức

    01/05/2017Trần Quân Tuyền (GS, TS Viện khoa học xã hội Trung Quốc)Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra sự phân tích và luận chứng khoa học để, một mặt, phê phán quan điểm của phương Tây cho rằng lý luận giá trị lao động của C.Mác đã không ý nghĩa, mặt khác chứng minh một cách thuyết phục lý luận giá trị thặng dư của C.Mác không hề lỗi thời, mất tác dụng...
  • Tâm đàm về cái Sự học, Tri thức và Trí thức

    01/05/2018Nguyễn Tất ThịnhNgày xưa, người có trình độ như ông Giáo Thứ (trong Sống Mòn của Nam Cao) có thể được xem là Trí thức. Nói chúng họ có vẻ như là người học rộng biết nhiều, và có trình độ được đào tạo cao hơn mặt bằng chung, thuộc tầng lớp được xã hội gọi là ‘Thày’, như Thày Giáo, Thày cãi, Thày thuốc…
  • Tri thức và trí thức

    25/03/2016GS. Nguyễn Ngọc LanhTrong xu hướng tiến hóa của xã hội, vai trò của tri thức và trí thức ngày càng quan trọng hơn. Bài viết thứ hai của Giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh trong chủ đề thảo luận "Trí thức Việt Nam" phân tích một số nhận thức về vai trò của tri thức.
  • Giá của tri thức

    28/01/2016GS, TSKH Vũ Đình Cự“Tri thức, bao gồm cả tri thức về phát triển là hàng hóa công cộng toàn cầu” (J.Stiglitz), nhưng các quốc gia giàu có đang sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để ngăn cản sự truyền bá tri thức cho sự phát triển chung cứu thế giới...
  • Văn minh luận

    21/10/2009Phạm QuỳnhVăn minh là đối với dã man. Chữ “văn minh” là một chữ mới. Tuy trong kinh Dịch đã có câu, nhưng dùng theo nghĩa mới để dịch chữ Tây civilisation thời mới bắt đầu tự người Nhật Bản. Người Nhật dùng trước (đọc là bunmei), người Tàu theo sau, rồi người ta bắt chước, ngày nay thành một chữ rất thông dụng.
  • Các hệ thống triết học hiện đại

    25/08/2009William S. Sahakan & Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchTrong cuộc đời, một số triết gia danh tiếng đã thay đổi quan điểm triết học, chuyển từ trường phái này sang trường phái khác; một số còn có khả năng đại diện cho nhiều trường phái triết học khác nhau...
  • Triết lý siêu hình

    22/08/2009William S. Sahakan & Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchThuật ngữ siêu hình học (metaphysics) vốn xuất phát từ cụm từ Hy Lạp "meta ta Phusika" (hàm nghĩa phía sau, hay vượt ra khỏi, giới vật chất tự nhiên). Siêu hình học là bộ môn nghiên cứu Thực Tại Tối Hậu, về những gì vượt lên trên hiện tượng vật chất....
  • Tính tất yếu của tư duy phức hợp

    25/07/2009Phạm Khiêm ÍchTư duy phức hợp do Edgar Morin khởi xướng. Nhưng xét đến cùng thì đây là sản phẩm của cả một chặng đường phát triển lịch sử, văn hóa, văn minh nhân loại. Nó thể hiện một tổng thể các quan niệm mới, tầm nhìn mới, khám phá mới, suy tư mới và mong ước của tác giả "tìm kiếm sự thống nhất giữa khoa học và lý thuyết về tính phức hợp nhân bản ở trình độ rất cao".
  • Jean Francois Lyotard với thực tại luận và tri thức luận

    07/05/2009Trần Quang TháiMặc dù còn mang tính võ đoán và chưa thật sự thuyết phục khi đồng nhất các học thuyết triết học phổ quát với các đại tự sự, quy mọi tri thức về các phát ngôn ngôn ngữ, xoá nhoà ranh giới phân biệt có tính bản thể giữa khoa học với truyện kể, song có thể nói, J.F.Lyotard đã đưa ra những kiến giải mới về vấn đề tri thức và cách tiếp cận đối với thực tại trong hoàn cảnh xã hội hậu hiện đại.
  • Bàn thêm về cấu trúc của tri thức khoa học

    08/05/2007Trần Hồng LưuHầu hết các nhà khoa học đều thừa nhận tri thức khoa học bao gồm trithức: kinh nghiệm và tri thứclý luận.Trong đó tri thức kinh nghiệmlà trình độ thấp,còn tri thức lý luậnlà trình độ caocủa tri thức khoa học.
  • Tri thức về tri thức

    01/03/2006Phạm Khiêm ÍchVấn đề tri thức cũng lâu đời như chính con người. Thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, con người không thể sống được nếu không có tri thức. Đúng như Francis Bacon nói, tri thức là sức mạnh, là quyền lực của con người. Và những bước tiến khổng lồ về tri thức chỉ có thể thực hiện được trong sự thử thách khắc nghiệt của thực tiễn và sự tự nhận thức lại rất nghiêm khắc của con người...
  • Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới

    22/12/2005Kiều MinhSáng nay (19/12) tại Hà Nội, NXB Tri thức vừa công bố 3 tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản trong Tủ sách tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Gồm cuốn: Những cuộc đời song hành của Plutarque; Bàn về tự do của John Stuart Mill và Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein...
  • Tri thức là gì?

    06/07/2005Phan Đình Diệu, Đại học Quốc gia Hà NộiThế giới đang chuyển biến tới một nền “kinh tế tri thức”, một “xã hội tri thức”, và với xu thế toàn cầu hoá hiện nay, điều đó cũng tác động rất lớn đến các nước đang phát triển như nước ta với không khi ít các cơ hội và đầy rẫy những thách thức. Nhưng, tri thức là gì? làm sao để có được sự giàu có tri thức tạo cơ sở cho một nền kinh tế và xã hội tri thức giàu có trong tương lai?...
  • Đổi mới giáo dục hướng tới một xã hội tri thức trong thế kỷ 21

    04/05/2003(Tuổi Trẻ CN) Tại hội nghị giáo giới ASEAN lần 19 vừa được tổ chức ở Hà Nội từ ngày 5 đến 8.12, tham luận của GSTS Phan Đình Diệu với tựa đề "Đổi mới giáo dục hướng tới một xã hội tri thức trong thế kỷ 21" đã gây sự chú ý đặc biệt. Trích đăng.
  • xem toàn bộ