Bí ẩn đằng sau hai cuốn “Hành trình về Phương Đông”
Vừa qua, cộng đồng mạng bình luận sôi nổi về việc có hai cuốn “Hành trình về Phương Đông” nhưng nội dung hoàn toàn khác nhau. Một cuốn do Nguyên Phong phóng tác và viết lại vào năm 1975 từ tác phẩm gốc “Journey to the East” của Baird T.Spalding, do NXB Adyar (Ấn Độ) ấn hành năm 1924. Cuốn sau rất dày do Huy Hoàng mua bản quyền từ “Life anh teaching of the Master of the far East” của Baird T.Spalding, gồm 6 tập, in năm 1986, do Anlebooks dịch, NXB Devorss & Company - Hoa Kỳ ấn hành.
Hai tựa tiếng Anh đã khác nhau, nhưng do sự nhập nhèm của dịch giả Anlebooks mà nhiều người nhầm tưởng bộ ra sau là “toàn tập”, nên cố mua cho trọn bộ. Đến khi cầm lên đọc mới tá hỏa: Cuốn sau chả liên quan gì đến cuốn “Hành trình về Phương Đông” rất nổi tiếng của Nguyên Phong.
Nội dung hoàn toàn khác nhau
Nếu như cuốn “Hành trình về Phương Đông” của Nguyên Phong dẫn dắt người đọc đến với thế giới của những trải nghiệm khoa học về năng lượng, tâm linh, thiền định, chữa bệnh, dưỡng sinh, yoga và các triết lý Phật giáo của các bậc tu sĩ Ấn Độ đắc đạo truyền lại, thì cuốn sau do Anlebooks dịch lại nói về thế giới vô hình, thuyết lượng tử, ý thức nhị nguyên, tập trung về Đức Chúa trời, chúa Jesus và Thượng đế. Do cách dịch quá bám sát bản gốc, chưa thoát ý, nên không ít người đọc bị lạc vào mê hồn trận của từ ngữ, rất khó hiểu và gọi cuốn sau là “bản dịch trời ơi”. Trong khi đó, “văn phong cuốn “Hành trình về Phương Đông” do Nguyên Phong dịch dễ hiểu, lôi cuốn, gần gũi, không triết lý cao siêu mặc dù nói rất sâu về khía cạnh tâm linh và tôn giáo”.
Một độc giả am hiểu khác, sau khi biết được có sự nhầm lẫn tai hại này, đã khẳng định: “Tôi từng đọc một số chương trong cuốn “Hành trình về phương Đông” do Nguyên Phong dịch và thậm chí cũng đã đọc nguyên tác bằng tiếng Anh. Và tôi lấy làm lạ khi thấy hai cuốn sách này gần như là khác nhau hoàn toàn, nếu tính đến từng câu chữ, từng chương sách. Thậm chí, tên sách của cuốn “Life and teachings of the Masters of the Far East” (tạm dịch: Cuộc sống và các giáo huấn của các vị thầy miền Viễn Đông) lại đặt đúng như tên sách “Hành trình về phương Đông” mà Nguyên Phong đã đặt hơn 30 năm trước, làm rất nhiều người bối rối và không biết phân biệt làm sao...”.
Khi có người hỏi nhân duyên nào tìm ra tập sách này để dịch và phổ biến như thế, dịch giả Nguyên Phong đã trả lời trên một tờ báo lúc đó: “Tình cờ tôi nhặt được cuốn sách trong thư viện. Cuốn sách cũ quá, nhưng bỗng nhiên tôi không muốn buông ra, bèn mượn cuốn sách này đem về đọc chơi. Nhưng lạ thay, suốt đêm ấy cuốn sách đã hoàn toàn chinh phục tôi, tôi đọc một mạch, rồi đọc lại. Những điều nói trong cuốn sách như vẽ ra cho tôi một vùng trời vừa huyền bí, vừa trong sáng, lại vừa như khơi dậy từ sâu thẳm của tôi niềm tự hào của nền triết học Đông Phương”.
Vì tác phẩm phóng tác “Hành trình về phương Đông” của tác giả Nguyên Phong quá xuất sắc và khác biệt so với bất kỳ bản gốc nào, nên vào năm 2009, NXB BookSurge Publishing tại New York cùng hai dịch giả Poven Leace và Biện Giang đã liên hệ xin phép Nguyên Phong để dịch ngược sang tiếng Anh với tựa “Journey to the East” với tên Nguyên Phong ở ngoài bìa ở vị trí như một tác giả. Cuốn sách tiếng Anh này đang song song phát hành cùng với tác phẩm “Life and Teaching of The Master of the Far East” của NXB Devorss & Company là NXB mà công ty Huy Hoàng mua bản quyền. Điều này khẳng định là hai cuốn sách này hoàn toàn khác nhau.
Nhân vật bí ẩn lộ diện
Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách có số phận khá ly kỳ. Trong phần tái bản mới có ghi: “Xuất bản lần đầu ở Ấn Độ năm 1924, “Hành trình về phương Đông” đã gây tranh cãi không chỉ ở nước Anh mà ngay cả ở Châu Âu và Mỹ. Sau đó, vì tự ái và sĩ diện, Chính phủ Anh cấm phát hành cuốn sách này ở Anh Quốc, rồi Chiến tranh Thế giới thứ hai xảy ra, cuốn sách không còn được tái bản nữa và thất lạc”.
Có người cho rằng, rất có thể, chính Nguyên Phong là tác giả của cuốn sách. Vì một lý do nào đó, ông đã không thừa nhận điều này. Thế nên mới có sự “biến mất” bí ẩn của tác giả, NXB (đóng cửa) và ngay cả nguyên tác cũng không lưu lại ở bất cứ thư viện lớn nào trên thế giới.
Vậy, Nguyên Phong là ai mà độc giả hâm mộ đến như vậy? Một con người cực kỳ khiêm tốn, một học giả của nhiều đầu sách dịch giá trị, nhưng đặc biệt - cái tên Nguyên Phong chỉ là bút danh. Ông là giáo sư John Vũ (tên thật là Vũ Văn Du). Các tác phẩm do ông dịch đã được First News - Trí Việt xuất bản ở VN gồm: “Ngọc sáng trong hoa sen”, “Bên rặng Tuyết Sơn”, “Hoa trôi trên sóng nước”, “Minh triết trong đời sống”, “Đường mây qua xứ tuyết”…
Khi bức màn bí mật về nhân vật Nguyên Phong được vén lên, thật bất ngờ, đó là một con người kiệt xuất. GS John Vũ - Nguyên Phong là một trong những nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ. Hiện nay, Giáo sư kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu phần mềm của ĐH Carnegie Mellon và là nghiên cứu viên kĩ thuật và kĩ sư trưởng Công nghệ thông tin tại Boeing. Trong 15 năm làm việc ở Boeing, ông từng tham gia vào chương trình phần mềm hỗ trợ cho máy bay Boeing 777 và là nhà vô địch về cải tiến qui trình ở Boeing...
Ông từng giữ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Boeing. Ông đã từ chối nhận nhiều giải thưởng rất uy tín của Mỹ và từ chối các cuộc phỏng vấn của các hãng thông tấn uy tín. Ông nhận lời thỉnh giảng và nói chuyện với sinh viên nhiểu trường đại học lớn trên thế giới.
Giáo sư John Vũ, chuyên gia hàng đầu của ngành công nghệ phần mềm thế giới, người chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, tâm huyết của mình với các thế hệ người học trên blog http://science-technology.vn, người thầy được nhiều thế hệ kính trọng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn