Bàn về 2 chữ Ý THỨC
Danh từ Ý thứctên tiếng Anh là: Consciousnessvới nghĩa để chỉ trạng thái tỉnh táo hay tất cả những tư tưởng, suy nghĩ, cảm nhận của một người hay một số người ý thức. Như vậy có thể hiểu rằng Ý thức hoàn toàn mang tính chủ động, chủ quan của một cá nhân hay một tập thể con người.
Thực tế thì Ý thức luôn đứng trước một cụm từ như: Ý thức trách nhiệm, Ý thức xã hội, Ý thức công dân, Ý thức trách nhiệm với cha mẹ và con cái, Ý thức chấp hành pháp luật…
Quan sát cuộc sống chúng ta thấy, hàng ngày có rất nhiều người: vứt xả rác bừa bãi, đi xe ngược chiều, vượt đèn đỏ, đánh chửi nhau, phóng uế bừa bãi…..được cho là vô ý thức, thiếu ý thức.
Như đã trình bầy ở trên và theo quan điểm cá nhân thì đây không phải là những hành động vô ý thức hay thiếu ý thức mà là có và có thừa ý thức.
Ta dễ dàng nhận thấy rằng: ở những nơi có ghi bảng cấm đổ rác, cấm phóng uế thì ngay dưới đấy là đống rác to tướng hoặc thường xuyên “vũng nước”, tại ngã tư đường nếu có cảnh sát giao thông thì không thấy ai vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều cả, đang đánh nhau mà thấy có công an đến là tự động chạy biến mất…..còn và còn nhiều những ví dụ tương tự đang xẩy ra hàng ngày hàng giờ, và hình như xuất hiện ở rất nhiều nơi?
Suy rộng ra: vẫn những con người ấy mà cho đi du lịch Singapore chẳng hạn, thì chắc chắn là không dám “ có thừa ý thức” như thế, bởi vì họ không đủ can đảm làm và không đủ tiền nộp phạt ( của đau con xót mà!).
Vậy có thể thấy rằng ý thức của những con người ấy là khá cao, chỉ có điều họ đã cố tình hành động thiếu ý thức mà thôi.
Thử đi tìm nguyên nhân của việc “ có thừa ý thức”. Theo tôi có một số nguyên nhân như:
- Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lại bị ảnh hưởng sâu sắc của chế độ phong kiến thống trị.
- Công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước kéo dài suốt nhiều năm liền.
- Việc giáo dục Ý thức chưa được quan tâm đúng mức và nặng về lý thuyết, giáo điều.
Hai nguyên nhân đầu thì chắc ai cũng biết, tôi xin được đi vào nguyên nhân cuối cùng đó là: Việc giáo dục Ý thức chưa được quan tâm đúng mức và nặng về lý thuyết, giáo điều.
Chúng ta điều biết, nói đến ý thức nghĩa là nói đến con người vì chỉ có con người mới có ý thức, mà con người là tổng thể của các mối quan hệ trong xã hội, là động lực thúc đẩy sự tồn tại và phát triển của xã hội, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Việc giáo dục, trong đó có giáo dục ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội, thế giới tự nhiên…..là điều vô cùng quan trọng, mang tính chất sống còn đến sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Người xưa có câu: “ Dạy con từ thuở còn thơ,…”, việc giáo dục ý thức cũng đòi hỏi chúng ta phải bắt đầu từ rất sớm. Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu về việc người Mẹ khi mang thai cần ăn, uống, vận động như thế nào, nghe nhạc gì…..để có những ảnh hưởng tích cực đến thai nhi.
Giáo dục cơ bản bao gồm 2 phần : Lý thuyết và Thực hành. Phần thực hành được xem là những sự vật, hiện tượng, những công việc cụ thể hay nói nôm na là người thật, việc thật. Xét ở khía cạnh giáo dục ý thức, tôi thấy yếu tố “ Người thật, việc thật” là quan trọng hơn. Người thật, việc thật ở đây chỉ những bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy, những người đi trước phải luôn là tấm gương về ý thức trách nhiệm trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày để con em mình và các thế hệ sau noi theo.
Con người ta sinh ra và lớn lên đều chịu sự tác động của giáo dục. Đó là giáo dục gia đình ( ông, bà, cha, mẹ…) và giáo dục xã hội ( trường, lớp…). Bằng những nhận thức ban đầu do quan sát, tiếp xúc cùng với sự giáo dục dần dần con người ta mới hình thành được ý thức.
Hai khái niệm "nhận thức" và "ý thức" là cụ thể hoá những việc từ đơn giản cho đến phức tạp. Từ nhận thức đến ý thức là cả một quá trình phát triển về tư duy, quá trình tác động của các giá trị tư tưởng, quá trình hấp thụ những giá trị về tinh thần của thế giới quan, bắt đầu từ cảm nhận..... nhận biết..... ý thức..... và hành động.
Việc thiếu quan tâm đến giáo dục, trong đó có giáo dục ý thức đã và sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp, băng hoại của đạo đức con người. Những ngày đầu tháng 11, nhìn cảnh người dân thủ đô Hà Nội vật lộn với cơn “ Đại hồng thủy”, ai trong chúng ta không thấy chạnh lòng, nhưng điều làm cho chúng ta thật sự đau lòng, là việc có một số người đã lợi dụng tình cảnh khó khăn đó để bắt chẹt những người trong cơn hoạn nạn bằng cách làm tiền trắng trợn, tăng giá vô tội vạ. Liệu những đồng tiền bất nhân, bất nghĩa đó có làm cho họ khá giả lên chăng?
Những con người đó đã hành động hoàn toàn có ý thức, họ đã cố tình quên ( hay chưa được nghe?) những câu ca dao từ xưa để lại: “ Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “ Lá lành đùm lá rách” và còn biết bao câu ca dao, tục ngữ mang nặng tình người khác nữa.
Giáo dục ý thức trách nhiệm để sống và làm việc là một khâu rất quan trọng trong công cuộc trồng người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người”, việc giáo dục ý thức cho con người cần phải có thời gian dài, với sự tham gia của mọi người, mọi nhà, thuộc mọi thành phần và tầng lớp xã hội khác nhau.
Nhưng trước hết, mỗi một “người lớn” chúng ta hãy tự kiểm tra, xem xét lại bản thân mình, hãy kiên quyết đấu tranh và phê phán những hành vi “có thừa ý thức”, xứng đáng là tấm gương sáng về ý thức trách nhiệm trong cuộc sống để cho các thế hệ con cháu học tập và noi theo.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý