Bàn về sự thành công
Người có được địa vị và danh tiếng xã hội, hoặc tất cả những người làm nên gia sản lớn không hẳn đều hạnh phúc. Vậy thì tựu chung thành công của con người là gì?
Thành công ở một trường nghĩa sâu sắc
Thời chúng tôi, ngay từ nhỏ đã được dạy phải tự lập nghiệp. Khi chưa biết gì, tôi đã nghĩ dù thế nào cũng phải lập được nghiệp riêng của mình. Tôi đã cho rằng, lập nghiệp có nghĩa là lập thân và thành danh. Đó chính là thành công.
Tôi đã làm kinh doanh suốt một thời gian dài. Trong số những người tôi đã gặp hồi đó, có người nghĩ rằng: "Một khi đã kinh doanh, thì càng mở rộng được quy mô càng tốt. Điều đó không những mang lại danh tiếng, mà còn gắn liền với lợi nhuận. Đó là hình mẫu của người thành đạt ". Từng có lúc bản thân tôi cũng đã nghĩ như vậy.
Có lẽ đó cũng là một hình ảnh của sự thành công. Nếu cùng kinh doanh như nhau, người ta sẽ muốn làm vui lòng những mối hàng quen của mình, muốn trở thành doanh nghiệp lớn mạnh nhất ở khu vực đó và cuối cùng là trở thành lớn nhất Nhật Bản, lớn nhất thế giới. Rõ ràng đó sẽ là một trong những sự khích lệ lớn lao. Nhưng chỉ như vậy thì không phải đã là thành công. Không biết từ bao giờ tôi đã nghĩ, thành công của một con người không phải là một thứ bị bó hẹp, có thể đo được như địa vị xã hội, danh tiếng hay tài sản, mà có ý nghĩa rộng lớn hơn, sâu sắc hơn.
Phát huy triệt để năng khiếu
Cũng như mỗi người có một gương mặt khác nhau, con người lại được trời ban cho những năng khiếu hay đặc điểm riêng khác nhau. Trên thế giới có năm tỷ người, thì khi sinh ra ai cũng đều có những đặc điểm khác nhau. Ngay cả tính cách, những nét bẩm sinh hay tài năng cũng không ai giống ai. Tùy mỗi người mà sẽ khác nhau. Có câu thành ngữ nói rằng: Trời không cho ai nhiều hơn hai tài năng. Nếu đảo ngược lại, tôi nghĩ câu nói này sẽ có nghĩa là: Nhất định trời sẽ ban cho mỗi người một khả năng nhất định.
Như vậy, con người được trời ban cho năng khiếu và đặc điểm riêng, hay nói cách khác con người đã được gắn cho vận mệnh để trăm người trăm vẻ, tất cả đều có cách sống khác nhau và làm những công việc khác nhau. Có thể có người được ban cho năng khiếu thích hợp với việc trở thành một chính trị gia, lại có những người là học giả, kỹ sư hay thương nhân. Tôi nghĩ, rất cả mọi người đều được trời ban cho những sứ mệnh khác nhau, được sắp sẵn cho những tài năng khác nhau.
Thành công chính là việc phát huy năng khiếu trời ban cho mình. Đó là lối sống đúng đắn nhất với tư cách một con người. Cùng với việc bản thân mình hài lòng, thành quả công việc cũng được nâng cao, mà còn làm cho những người xung quanh vui mừng. Với ý nghĩa đó, đây mới có thể gọi là "Thành công của một con người".
Đương nhiên, quan niệm về thành công của mỗi người là khác nhau. Có thể một người sẽ cho việc mình trở thành bộ trưởng và làm tròn nhiệm vụ trên cương vị đó là thành công, nhưng có thể có người lại lấy việc trở thành cầu thủ bóng chày và hoạt động tích cực trên sân bóng làm thành công. Tức là, địa vị xã hội, danh tiếng hay tài sản không phải là tiêu chuẩn của thành công. Tôi nghĩ, việc có phát huy được năng khiếu của mình hay không mới là tiêu chuẩn đánh giá thành công.
Trở về với vóc dáng tự nhiên
Tôi nghĩ, cùng là con người với nhau, nhưng chỉ khi phát huy hết năng khiếu và những điều mang trong mình thì mới có thể cảm thấy được ý nghĩa cuộc sống và hạnh phúc thực sự. Tức là, thành công với tư cách một con người sẽ mang đến hạnh phúc thực sự của một con người. Nếu chỉ nghĩ đến việc giành địa vị xã hội, danh tiếng và tài sản là thành công duy nhất, thì sẽ phải miễn cưỡng nỗ lực, có khi làm thui chột cả tài năng, cá tính riêng của mình. Hơn nữa, nếu như không thể giành được những thứ đó, thì tự nhiên sẽ mặc cảm và đánh mất ý nghĩa cuộc sống.
Dù có nỗ lực đến thế nào thì tất cả mọi người vẫn không thể trở thành thủ tướng. Tất cả mọi người cũng không thể trở thành giám đốc hay những nhà tư sản lớn. Nhưng theo tôi, niềm vui, niềm hạnh phúc được sống đúng với khả năng của mình thì tất cả mọi người đều có thể có được. Hơn nữa, nhờ thiên tính của mỗi người được phát huy mà sẽ sinh ra sự phong phú và sắc thái cho cuộc sống chung của nhân loại. Có thể ví đó như cảnh trăm hoa đua nở một cách sống động.
Trăm hoa đua nở chính là hình ảnh vốn có của tự nhiên. Trên cánh đồng, những bông hoa đua nhau khoe sắc. Những bông hoa đó, hoa Tampopo thì là Tampopo1, hoa Sumire2 thì là hoa Sumire, tất cả đều đơm ra những bông hoa của chính mình. Và tất cả đều hài hòa một cách sống động. Thật là tuyệt vời! Con người thường bị chi phối bởi điều gì đó mà quên đi hình ảnh vốn có trong tự nhiên này. Có lẽ sự bất hạnh sẽ sinh ra chính từ đó. Sống một cuộc sống mà ở đó phát huy được những gì mình có là điều quan trọng. Dù chỉ là một lần tôi cũng muốn bây giờ mình có thể đạt đến ý nghĩ rằng, trong cuộc đời này mình đã thành công với tư cách một con người.
1)Tampopo là một loại cỏ, có hoa màu vàng nở vào mùa xuân và thuộc họ cúc. Cây Tampopo thường phân bố ở các vùng ôn đới, á nhiệt đới và mọc ở những nơi có nhiều ánh sáng như trên núi đồi hoặc ven đường.
2)Sumire cũng là một loài cỏ hoa, thường mọc ở những nơi có nhiều ánh sáng như núi đồi. Cây có chiều cao khoảng từ 10 cm đến 20 cm, toàn thân có bao phủ bởi những chiếc lông mỏng. Lá cây dài khoảng 3-5 cm, hình tam giác và có đường diềm. Hoa thường nở vào mùa xuân, có nhiều màu như vàng, tím hồng, tím nhạt...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh