Bàn về Đảng Chính trị
Trong sách “Chính Đảng và Chính Trị Hoa Kỳ – Parties and Politics in America” (1960) Clinton Rossister nhận định rằng chính trị đã cứu vãn nền kinh tế Hoa Kỳ trong cuộc đại khủng hỏang vào năm 1930: “Tổ chức cuối cùng đã bẻ gãy được chính sách nô lệ và chủ nghĩa địa phương ở Hoa Kỳ là chính đảng. Người Hoa Kỳ đã nhận của đảng chính trị những giúp đỡ đầu tiên về tự do, công bằng và tình huynh đệ, cũng như với phương thức thích hợp nhất, các đảng chính trị đã và đang biến cải những hy vọng và thất vọng vô hình, thành những đề nghị có thể hiểu được, có thể bàn cãi được được, để được dân chúng chấp nhận và trở thành hiện thực,”(tr. 100) (1*). Những điều này chứng tỏ tầm mức quan trọng của đảng chính trị trong thời đại kỹ nghệ (Industrial Revolution) của nhân loại, cũng như đối với hiện tình của dân tộc Việt Nam ngày nay.
Trong nội bộ đảng chính trị cũng có hai cánh tả hữu, đối lập và xây dựng để thành viên bất đồng ý kiến nhập sang cánh khác mà sinh hoạt, không có chuyện bỏ đảng vì thiếu lối thoát. Đảng đối lập đóng một vai trò trong việc ngăn cản sự qúa đà hoặc chuyên chế của đảng cầm quyền, là đại biểu cho những ý kiến khác biệt, và là động cơ thúc đẩy đảng cầm quyền cố gắng sửa sai. Tuy nhiên trong thực tế, đối lập cũng luôn tìm cách soi mói và chỉ trích đảng cầm quyền để mong kiếm phiếu, nhưng chính vì thế mà họat động xã hội được thăng tiến. Hơn nữa, đảng đối lập mà không có thực lực chính trị tương xứng với đảng cầm quyền thì giấc mộng tham chính chẳng bao giờ thành công.
A. Chính Đảng Thế Giới
Đọc cuốn “Dân chủ và Giáo dục: Giới thiệu các Triết học Giáo dục – Democracy and Education: An Introduction to the Philosophy of Education” triết gia Hoa Kỳ John Dewey (1859-1952) nhận xét về đảng chính trị: “Mỗi cá nhân chỉ tìm thấy được sự an toàn và được bảo vệ, mà đây là tiền đề cho sự tự do, khi họ tập họp lại với nhau. Và rồi những tập hợp này, để bảo toàn sự hữu hiệu của chúng, giới hạn trở lại tự do của các cá nhân trong đó… Bây giờ, chúng ta có một hình thức tổ chức giáp xác với những cá thể yếu đuối bên trong và chiếc vỏ cứng bên ngoài.” Và ông định nghĩa, “Một đảng chính trị tân thời là tập hợp của những người có triết lý, lý tưởng, mục tiêu, hay ý nguyện tương đồng.” (2*)
Người ta cho rằng, đảng chính trị cũng giống như ban âm nhạc hay hội túc cầu… Tuy nhiên đảng có tham vọng lớn hơn, đó là lập chính quyền và giành lấy chính quyền. Chỉ khi nào đảng có được chính quyền trong tay, thì lúc đó đảng mới thực hiện được mục tiêu, lý tưởng của mình… hoặc tối thiểu đảng cũng phải giành được số ghế trong Quốc Hội thì mới phát huy được khả năng hiện thực của đảng. Căn cứ theo kết qủa họat động, và tùy thuộc tham vọng của đảng, mà người ta có định nghĩa đảng đó theo như cơ cấu, danh xưng, lý thuyết hay chủ trương hoạt động.
I. Khuynh Hướng Chính Trị
Trong chính đảng, cho dù có cùng mục tiêu, lý tưởng, quyền lợi… nhưng khuynh hướng đảng viên cũng có nhiều khác biệt. Từ dị biệt đảng phân ra nhiều cánh, từ cực tả đến cực hữu, như cánh cực tả (radical), cánh trung tả (liberal), cánh trung hữu (conservative), cánh cực hữu (reactionary). Và giữa các cánh tả hữu, lại còn nhiều khuynh hướng cực đoan hơn, như trung lập, trung tả…
1. Cánh Cực Tả
- Muốn có những thay đổi cực đoan.
- Có khuynh hướng xử dụng bạo lực và phương thức bất hợp pháp để đạt được mục đích.
- Luôn chống đối và theo cách phê bình khắc nghiệt đối với trật tự xã hội đương thời.
- Không bị ràng buộc bởi truyền thống nào.
2. Cánh Trung Tả
- Ủng hộ những thay đổi lớn nếu thay đổi này được thực hiện bằng phương thức hợp pháp.
- Muốn có đổi mới hơn là cứ giữ nguyên sự việc đang diễn biến.
- Có khuynh hướng đi tìm sự tự do một cách tối đa.
- Chấp nhận có mức độ xáo trộn trật tự xã hội để đổi lấy sự tự do cá nhân.
- Nhấn mạnh đến sự xứng đáng làm người.
- Thành viên trong cánh trung tả thường lạc quan và tin tưởng vào bản chất tự nhiên của con người.
3. Cánh Trung Hữu
- Ủng hộ những thay đổi vừa phải, chậm từ từ.
- Quan tâm đến sự bảo toàn trật tự căn bản trong xã hội.
- Cho tới những thay đổi chỉ nên có tính cách hoán đổi, chớ không hủy bỏ hoàn toàn cái cũ.
- Rất yêu nước, tuân hành mệnh lệnh của thượng cấp, chấp hành trật tự và luật pháp.
- Nhìn nhận con người là chưa hoàn hảo và cần sự giám thị.
4. Cánh Cực Hữu
- Những thành viên thuộc cánh cực hữu thường chống đối những thay đổi chính sách xã hội một cách cực đoan mù quáng.
- Bảo vệ những địa vị xã hội.
- Sẵn sàng dùng phương thức bất hợp pháp để đạt mục tiêu.
II. Sinh Hoạt Chính Ðảng
Các đảng chính trị luôn phải đấu tranh trong những cuộc tranh cử, bầu cử để có thể nắm được chính quyền và giữ chính quyền. Những quốc gia như Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Úc Ðại Lợi – các đảng chính trị tổ chức và sinh hoạt theo ba cấp, từ cấp quốc gia, cấp tiểu bang hay tỉnh, và cấp địa phương (quận). Song hành với tổ chức hành chính quốc gia, đảng chính trị cũng tổ chức và sinh hoạt ở khu vực bầu cử.
Ðảng chính trị là nhu cầu quan trọng và cần thiết cho chính thể dân chủ. Trong thể chế chính trị dân chủ đảng chính trị là Ðại Biểu Dân Chủ, công dân chọn người đại diện cho mình từ đảng chính trị vào chính quyền để làm luật và thực thi luật. Và công dân chọn người đại diện cho mình từ đảng chính trị vào các ghế trong chính quyền để tranh luận, mổ xẻ các vấn đề quốc gia một cách công khai, ích quốc lợi dân. Bởi thế đảng chính trị hoạt động với những công tác định sẵn:
- Chọn ứng cử viên vào điều hành văn phòng công quyền.
- Phụ giúp tổ chức guồng máy chính quyền.
- Làm đối lập với đảng cầm quyền.
- Gây qũy để vận động tranh cử cho những cuộc bầu cử sắp tới.
- Đảng luôn thông báo đến cử tri của mình về những chương trình hoạt động, những khó khăn mà chính phủ đang gặp phải, cũng như đưa ra tranh luận để tìm ra phương thức giải quyết
III. Hệ Thống Chính Ðảng
Đảng chính trị thường xử dụng cơ quan ngôn luận báo chí, truyền thanh truyền hình làm phương tiện thông tin phổ biến chương trình hoạt động của đảng. Sở dĩ phải rộng đường dư luận vì đảng cầm quyền còn hy vọng tái đắc cử, hoặc đảng đối lập khai thác và phê bình yếu điểm của chính quyền, tạo ra điểm thắng cho đảng mình trong kỳ tranh cử sắp tới. Thông thường chính đảng đơn giản hóa các vấn đề phức tạp của quốc gia, nhằm làm sao cho cử tri dễ dàng chọn lựa. Muốn đắc cử, ứng viên đưa ra điểm nóng mà đa số cử tri chú ý, đồng thời cũng là yếu điểm mà đảng cầm quyền lơ đãng và ít giải quyết.
1. Ðộc Ðảng
Các lãnh tụ độc tài rất hoan hỉ và ưa thích phương thức cai trị độc đảng, họ chấp nhận ma giáo “muôn năm trường thọ, nhất thống giang hồ.” (Tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung). Ðảng độc quyền về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, giáo dục, xã hội… Tuy cũng tổ chức bầu cử rầm rộ, nhưng mục đích gây phấn chấn nội bộ và đề cao đảng viên với đại chúng… đã bao lãnh tụ giải thích chương trình họat động của đảng tràng giang đại hải và hứa hẹn đủ thứ, nhưng tòan dân đã mỏi mòn chờ trông.
Như tại Việt Nam hiện nay, xin hỏi phổ thông đầu phiếu là gì, khi sinh hoạt chính trị bị cướp khỏi tầm tay người dân, chỉ còn hoạt động một chiều: đảng cử dân bầu?
Dân tộc ta được hưởng gì, khi phổ thông đầu phiếu biến thành phương tiện tranh đoạt dành đặc quyền cho cán bộ có chủ trương thủ đoạn, mạnh được yếu thua?
Dân tộc ta chọn lựa được gì, khi mà khu vực bầu phiếu phân chia theo tiêu chuẩn lợi ích cho đảng cầm quyền?
Dân tộc ta bầu người đại diện cho mình. Nhưng xin hỏi, đại đa số cử tri đã không biết mục tiêu thực sự của các ứng cử viên; lại nữa, dân biểu tranh đấu cho nguyện vọng người dân địa phương nhưng lại không được quyền phát biểu trái với đường lối chủ trương của đảng cầm quyền.
Và rồi dân biểu thay mặt dân, nhưng sau ngày đắc cử họ không còn thuộc thành phần đại chúng hay dân tộc, mà lại gia nhập vào nhóm đặc quyền hưởng nhiều đặc lợi suốt đời.
Ðang khi còn tranh đấu, còn vận động thì họ quảng cáo rầm rộ với nhiều chương trình tân tiến, vì dân vì nước… nhưng lấy gì bảo đảm cho rằng họ thực thi? Nhìn lại những ngày bầu cử trong lịch sử, lá phiếu cũng được vận động qua đặc ân tạm bợ và lời hứa hẹn mị dân, mị cán bộ…. Dân tộc ta sẽ thực sự được gì?
Ngoài ra chế độ dân chủ như ở Mễ Tây Cơ cũng là hình thức độc đảng, đảng Cách Mạng (Partido Revolucionario) chẳng thua kém gì đảng độc tài Cộng Sản. Ðảng này kiểm soát chính quyền từ năm 1920 và thắng tất cả các ghế ở cấp tiểu bang hay thành phố lớn; đang khi các đảng phái nhỏ không thể cạnh tranh nổi với đảng cầm quyền. Hậu qủa của nạn độc tài chính trị đã dẫn tới cảnh dân đói nước nghèo!
Ðộc đảng dẫn đến quyền lực tuyệt đối, là nguyên nhân tạo ra tai họa cho dân tộc. Ðó cũng là điều chúng ta cần tránh, đừng để vướng mắc sai lầm tái diễn.
2. Ða Ðảng
Các quốc gia như Pháp, Ý, Nhật Bản, Tích Lan… đa đảng. Những nước này thường có bốn năm đảng chính trị mạnh, và nhiều đảng nhỏ. Mỗi đảng lại có một chính sách riêng về kinh tế xã hội. Một hai đảng “tả khuynh” thì chủ trương Tự Do, Cấp Tiến. Một hai đảng “trung dung” có chủ trương Dung Hòa, Trung Lập. Một hai đảng “hữu khuynh” lại chủ trương Bảo Thủ.
Quốc gia đa đảng thì khó có một đảng nào thắng bầu cử để giữ chính quyền, cho nên phải có hai đảng liên minh thành lập nội các. Khi hai đảng không đồng ý với chính sách hay chương trình hoạt động chung, thì liên minh tan rã và thường kéo theo sự xụp đổ chính quyền. Nhìn chung, hệ thống đa đảng thường làm cho chính quyền yếu hơn hệ thống lưỡng đảng.
3. Lưỡng Ðảng
Hệ thống lưỡng đảng đã thành hình ở những quốc gia dùng Anh ngữ, dù rằng có nhiều đảng nhỏ nhưng chỉ quy tụ nơi hai đảng chính. Anh Quốc có đảng Bảo Thủ (Conservative) và Lao Ðộng (Labor). Hoa Kỳ có đảng Cộng Hòa (Republican) và Dân Chủ (Democratic). Gia Nã Ðại có đảng Bảo Thủ Tiến Bộ (Progressive Conservative) và Tự Do (Liberal) (3*). Hay Úc Ðại Lợi có những đảng chính trị nhỏ nhưng một trong hai đảng lớn giữ chính quyền. Thông thường, dân chúng vùng kỹ nghệ bỏ phiếu cho đảng Tự Do, vùng nông nghiệp thì bỏ phiếu cho đảng Bảo Thủ. Mặc dù trong nước có hai đảng nhưng mỗi đảng lại kiểm soát một vùng, và cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng mình.
IV. Chính Ðảng Hoa Kỳ
Năm 1787 các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ về họp tại Philadelphia soạn thảo Hiến Pháp, tuy không đề cập đến đảng chính trị, nhưng George Washington chủ tọa Hội Nghị Lập Hiến thống nhất 13 tiểu bang, và có nhiều lãnh tụ đảng phái chống đối xảy ra. Dù có bất đồng chính kiến, nhưng vì quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội của người Hoa Kỳ đã buộc mọi người phải ngồi lại để thành lập tổ chức chính trị.
Một nhóm người gọi là Nhóm Liên Bang (Federalists) ủng hộ chính phủ Liên Bang mạnh. Những người chống đối được gọi là Nhóm Chống Liên Bang. Đây là hai tổ chức chính trị đã hình thành trước khi Washington trở thành tổng thống vào năm 1789. Sau đó hai nhóm này phát triển thành hai đảng chính trị đầu tiên của Hoa Kỳ: Ðảng Liên Bang (Federalist Party) và Ðảng Dân Chủ Cộng Hòa (Democratic Republican Party). Ðảng Liên Bang lãnh đạo bởi Alexander Hamilton muốn có chính quyền trung ương mạnh. Ðảng Dân Chủ Cộng Hòa lãnh đạo bởi Thomas Jefferson ủng hộ chính quyền trung ương yếu.
Sau cuộc Bầu Cử Tổng Thống năm 1816, lưỡng đảng không giữ được sự thống nhất, một trong những nhóm của đảng Dân Chủ Cộng Hòa do Andrew Jackson lãnh đạo, tới khoảng năm 1830, nhóm này tách ra gọi là người Dân Chủ.
1. Ðảng Dân Chủ
Ðảng Dân Chủ là đảng kỳ cựu nhất hoạt động tại Hoa Kỳ. Có sử gia cho rằng Ðảng Dân Chủ bắt đầu vào những năm 1790 với Thomas Jefferson, nhưng đa số lại quả quyết nguồn gốc của Ðảng Dân Chủ bắt đầu sau chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 1824, và Andrew Jackson thắng cử vào năm 1828.
Từ năm 1828 đến 1860, Ðảng Dân Chủ thắng tất cả các cuộc tranh cử tổng thống, mặc dù trong đảng có những bất đồng về các vấn đề như nô lệ, thuế khóa… và gặp nhiều khó khăn về nội bộ. Tới năm 1832 thì có nhiều nhóm chống đối lại Tổng Thống Jackson và thành lập Ðảng Tự Do (Whig Party), nhưng Ðảng Tự Do không thống nhất và phát triển đủ mạnh để dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ.
Cho tới thập niên 1850 Ðảng Dân Chủ chia rẽ vì một số người chống đối, hoặc ủng hộ sự kéo dài chế độ nô lệ. Năm 1860 đảng này đề cử người tranh cử tổng thống, nhưng không thắng được ứng cử viên của Ðảng Cộng Hòa Abraham Lincoln, và vì thế mà Hoa Kỳ lâm cảnh nội chiến vào năm 1861 đến năm 1865.
Từ 1860 đến 1932, Ðảng Cộng Hòa đổ lỗi cho Ðảng Dân Chủ gây ra cuộc nội chiến Civil War. Ngược lại, Ðảng Dân Chủ đổ lỗi cho Ðảng Cộng Hòa gây ra cuộc đại khủng hoảng kinh tế vào năm 1930. Tóm lại, Ðảng Dân Chủ giữ ghế tổng thống từ năm 1933 cho tới 1953 và kiểm soát luôn lưỡng viện quốc hội.
2. Ðảng Cộng Hòa
Ðảng Cộng Hòa khởi đầu bằng những loạt biểu tình chống Nô Lệ tại miền Trung Tây Hoa Kỳ vào năm 1854. Vào thời kỳ này Ðảng Tự Do tan rã, và nhiều đảng viên Tự Do cũng như Dân Chủ ở miền Bắc Hoa Kỳ chống đối sự kéo dài chế độ Nô Lệ. Ðảng Cộng Hòa là đại diện cho quan điểm này nên đã kết nạp đảng viên một cách nhanh chóng. Ứng cử viên tổng thống của Ðảng Cộng Hòa đầu tiên ra tranh cử là John C. Fremont dù bị thất cử nhưng đã chiếm được 11 tiểu bang miền Bắc.
Và từ năm 1860 khi Abraham Lincoln đắc cử cho đến 1928, Ðảng Cộng Hòa thắng 14 trên 18 cuộc tranh cử tổng thống. Chính sách của đảng đáp ứng nhiều nhóm gồm nông gia, kỹ nghệ và thương gia. Vụ bêu xấu tiền bạc của Tổng Thống Ulysses S. Grant vào năm 1879, và trước đó, nền kinh tế bấp bênh đã gần làm hỏng cuộc vận động tranh cử năm 1876.
Năm 1912 Tổng Thống William Howard Taft là lãnh tụ đã gây chia rẽ Ðảng Cộng Hòa. Nhóm Cộng Hòa Tiến Bộ chọn Theodore Roosevelt làm Tổng Thống từ 1901 đến 1909, tiếp đến là cuộc tranh cử, và nhóm Bảo Thủ Cộng Hòa lại chọn Ông William Howard Taft tái tranh cử tại đại hội đảng tổ chức vào năm 1912. Ông Theodore Roosevelt ly khai với Ðảng Cộng Hòa để thành lập Ðảng Cấp Tiến (Progressive Party). Sự chia rẽ trong nội bộ đã làm cho Ðảng Cộng Hòa thất cử.
Trong Ðệ Nhị Thế Chiến (1939-45) Ðảng Cộng Hòa lại chứng tỏ cho dân chúng Hoa Kỳ thấy được dấu hiệu phục hồi sinh lực của đảng. Năm 1946, đảng thắng cử ở Lưỡng Viện Quốc Hội lần đầu tiên kể từ năm 1928. Cho tới năm 1952 Dwight D. Eisenhower đắc cử tổng thống và mang lại chiến thắng vẻ vang cho Ðảng Cộng Hòa sau 24 năm mất ghế. Năm 1956 Tổng Thống Eisenhower tái đắc cử nhưng ông chỉ chiếm được đa số ở Quốc Hội có hai năm đầu trong tám năm làm tổng thống của ông.
3. Các Chính Ðảng Khác
Tại Hoa Kỳ cũng có nhiều đảng chính trị khác như Tự Do Cộng Hòa (Liberal Republicans, 1872), Cấp Tiến (Progressives, 1912), Kim Dân Chủ (Gold Democrats, 1896), Xã Hội (Socialists, 1901), Công Xã (Socialists Workers, 1938)… Nhưng các đảng này chưa bao giờ thắng cử tổng thống. Những khi tư tưởng của các đảng nhỏ này vừa đề ra và được đại chúng ủng hộ, thì ngay lập tức cả hai đảng lớn Dân Chủ và Cộng Hòa đều thay đổi đường lối nhằm đáp ứng kịp thời lòng dân. Nhiều tiểu bang Hoa Kỳ ủng hộ mạnh cho một đảng, và đảng này kiểm soát tiểu bang. Từ cuộc Nội Chiến đến năm 1960 đảng Dân Chủ kiểm soát các tiểu bang miền Nam, Cộng Hòa kiểm soát các tiểu bang miền Trung Tây.
V. Chính Ðảng Úc Ðại Lợi
Nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa của triết gia John Dewey, “Một đảng chính trị tân thời là tập hợp của những người có triết lý, lý tưởng, mục tiêu, hay ý nguyện tương đồng,” thì Úc Ðại Lợi từ năm 1972 đến 1976, chỉ trong 4 năm hoạt động đã có trên 60 đảng chính trị. Và như thế, nhìn lại số tổ chức đảng phái của người Việt Nam sau năm 1975 tới nay, ở quốc nội cũng như hải ngọai, sĩ số còn quá ít với tổ chức đảng phái của người Úc Đại Lợi. Bởi thế, việc tổ chức chính trị càng nhiều càng tốt, vì nó giúp cho đại chúng dễ dàng thanh lọc và chọn lựa; chớ chẳng phải rằng có nhiều tổ chức là biểu hiện của sự chia rẽ như nhiều người lầm tưởng.
Thực tế, những đảng chính trị có khả năng đưa đảng viên vào lập pháp chỉ gồm có Ðảng Lao Ðộng (Labor Party), Ðảng Tự Do (Liberal Party), Ðảng Quốc Gia (National Party), Ðảng Dân Chủ (Democrats)… Và theo nhiều nhà phân tích, thì Úc Ðại Lợi không phải thuộc hệ thống đa đảng mà là “lưỡng đảng,” bao gồm khối lưỡng đảng (Labor vs non-labor) và khối tứ đảng (Labor, Liberal, National, Democrats).
1. Ðảng Lao Ðộng (The Australian Labor Party, ALP)
a. Nguồn Gốc
Ðảng Lao Ðộng là đảng lâu đời nhất của Úc Ðại Lợi. Vào thập niên 1890 nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra, nhân công ở New South Wales và Queensland đã đình công dưới sự điều động của Liên Ðoàn Công Nhân (Labor Leagues). Và các cuộc đấu tranh này đạt được nhiều thành qủa hơn những cuộc đấu tranh chỉ mang tính cách Nghiệp Ðoàn (Union) như tại Victoria và South Australia.
Dân chúng Úc Ðại Lợi cho rằng hình thức tổ chức Liên Ðoàn Công Nhân đã gần gũi với thợ thuyền và có kỷ luật của một đảng phái rõ ràng hơn. Và những cuộc đình công trong công nghiệp đã chẳng mang lại những cải cách theo ý muốn của đại đa số người dân lao động. Biện pháp duy nhất để tạo ra những cải cách là phải thay đổi các điều luật thông qua Quốc Hội. Vì thế New South Wales và Queensland đã hình thành Ðảng Lao Ðộng để tranh cử vào thập niên 1890, và sau đó khi Liên Bang được thành lập thì Ðảng Lao Ðộng của cấp liên bang cũng được ra đời.
b. Chủ Trương
Nguyên Tắc Căn Bản của Ðảng Lao Ðộng bao gồm 3 điều:
- Thành viên trong quốc hội phải tuân theo đường lối của đảng.
- Caucus, tức là buổi họp các thành viên của đảng nằm trong quốc hội, sẽ có quyết định ảnh hưởng đến tất cả các đảng viên trong quốc hội.
- Vai trò của Ðảng Lao Ðộng là liên tục tìm kiếm sự cải cách và bình đẳng trong xã hội.
Ðảng Lao Ðộng đã trải qua 3 cuộc biến động lớn:
- Cuộc biến động đầu tiên vào năm 1916, khi chủ trương tổng hợp động viên được Caucus tán thành, nhưng hầu hết thành viên trong Ðảng Lao Ðộng không tán tành. Kết quả dẫn đưa đến việc thủ tướng, thủ hiến và các vị lãnh tụ đảng trong Caucus phải mất chức.
- Năm 1939 có sự bất đồng ý kiến trong đảng Lao Ðộng về việc đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế.
- Cho tới năm 1955, Ðảng Lao Ðộng bị tách ra làm hai vì bất đồng chính kiến trên khuynh hướng phải chấp nhận Cộng Sản hay không. Không riêng gì Việt Nam, mà cả thế giới đã có kinh nghiệm sống, thừa nhận và kết luận rằng Chế Độ Cộng Sản là không tưởng, là huyền hoặc và lỗi thời.
c. Cơ Cấu Tổ Chức
Ðảng Lao Ðộng chia làm 3 cấp cấu trúc: chi bộ nghiệp đoàn được thừa nhận, tiểu bang, và liên bang.
Các chi bộ được thành lập trên căn bản địa lý với nhiệm vụ vận động bầu cử và gây qũy. Ðảng viên địa phương có quyền tuyển chọn các đại diện tranh cử vào các chức vụ dân cử nếu người đó hội đủ hai điều kiện: có chân trong một chi bộ, và đã gia nhập chi bộ trên 6 tháng.
Các nghiệp đoàn đóng đảng phí cho Ban Thường Vụ Tiểu Bang (State Executive) và cử người đại diện vào các đại hội đảng cấp tiểu bang. Tại Queensland, nghiệp đoàn có quyền cử đại biểu trực tiếp với ban thường vụ, nhưng ở các tiểu bang khác thì nghiệp đoàn phải thông qua cuộc tuyển chọn đại biểu ở vùng bầu cử (Electorate).
Ban thường vụ tiểu bang gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch, thư ký, phụ tá thư ký, thủ qũy, tổng ủy viên, các phối trí viên tiểu bang, ủy viên truyền thông và chủ tọa của các công ty. Ngoài ra tại đại hội đảng tiểu bang, người ta còn bầu ra thành viên ủy ban hành chánh, ban tranh tụng, cử tri đoàn trung ương, đại biểu đại hội quốc gia và ban thường vụ cấp liên bang. Ðại hội thường niên cấp tiểu bang quyết định đường lối, tổ chức và bầu ra ban thường vụ cho năm tới.
Ở cấp liên bang số đại biểu của các tiểu bang đều bằng nhau. Ban thường vụ liên bang nhóm họp 2 hoặc 3 lần trong năm, gồm có 2 đại biểu của mỗi tiểu bang. Ðại hội đảng cấp liên bang nhóm họp mỗi năm 2 lần và mỗi tiểu bang có 6 đại biểu. Tất cả các quyết định tối hậu đều do ban thường vụ đảng cấp liên bang quyết định thông qua một đại hội đảng. Ban thường vụ có nhiệm vụ giữ liên lạc mật thiết với các đảng viên trong quốc hội.
d. Trung Tâm Quyền Lực
- Caucus, gồm các đảng viên có chân trong quốc hội, có quyền quyết định chiến thuật tổng quát và bầu ra hội đồng nội các; Caucus bầu ra lãnh tụ đảng và lãnh tụ có quyền đặt ra các bộ trong nội các.
- Ðại hội và ban thường vụ đề ra chủ trương chung và xác định ứng viên tranh cử.
- Các chi bộ địa phương và nghiệp đoàn tuyển chọn ứng viên tranh cử và vận động cư tri ủng hộ cho các ứng viên này. Nghiệp đoàn ở Úc Ðại Lợi được hiểu là các công đoàn lao động, thương mại, tài chánh xin gia nhập đảng và được đảng thừa nhận (Affiliated Unions).
e. Mối Quan Hệ Đảng
- Nguyên thủy, do bất tín nhiệm các chính trị gia vào thời thập niên 1890, đảng đưa người vào chính quyền, rồi xảy ra nhiều vụ cán bộ đảng xé lẻ vào năm 1894… thành viên buộc phải tuyên thệ và tuân theo quyết định chung. Năm 1916 xảy ra vụ lật đổ đảng khi Caucus chung quyết “động viên,” là quyết định đi ngược lại nguyện vọng của đảng và nghiệp đoàn.
- Nhưng cho tới nay chính quyền Lao Ðộng luôn luôn tuân theo đường lối của Ðảng.
g. Tài Chính Tranh Cử
Ở Sydney là nơi mà Ðảng Lao Ðộng thường giành được chính quyền thì giai đoạn tranh cử trong nội bộ đảng có khi quan trọng hơn cả giai đoạn bầu cử phổ thông.
- Ứng cử viên phải là đảng viên của chi bộ liên hệ đến cuộc tranh cử, hay là thành viên của một nghiệp đoàn đã được thừa nhận hơn 3 năm liên tiếp, ngoại trừ trường hợp có sự can thiệp đặc biệt của ủy ban hành chánh. Cuộc bầu cử chia làm hai phần:
- 50% giá trị tùy thuộc vào cử tri đoàn trung ương. Ðoàn gồm có 42 phiếu ở Queensland, 1 phiếu của chủ tịch đảng tiểu bang, 1 phiếu của người lãnh đạo cấp chính quyền mà ứng viên muốn tranh cử vào vì người này phải thuộc là người Queensland, 24 phiếu từ đại biểu nghiệp đoàn, và 16 phiếu từ đại biểu được chọn từ đại hội đảng tiểu bang.
- 50% còn lại sẽ là quyết định của đảng viên các chi bộ trong vùng liên hệ.
h. Chi Bộ (Branch)
Cứ có 7 đảng viên sinh hoạt trong một vùng bầu cử thì chính thức thành lập ra một chi bộ đảng mới.
- Ðảng viên. Công dân phải hội đủ các điều kiện: trên 15 tuổi; nộp đơn gia nhập đảng; đóng đảng phí [$52.00, $37.00 hay là $13.00…] tùy theo mức thu nhập của mỗi cá nhân, và không được có chân trong đảng Phát Xít và Cộng Sản.
Ðể có quyền bầu cử nội bộ, đảng viên phải đăng ký vào một chi bộ, làm thành viên của chi bộ trên 6 tháng thì mới có quyền.
i. Các Nhánh của Ðảng
- Thanh Niên Lao Ðộng Úc Ðại Lợi (Australian Young Labor – AYL) đảng viên từ 15 đến 26 tuổi.
- Hội Phụ Nữ Lao Ðộng (Labor Women’s Organisation – LWO) dành cho nữ đảng viên.
2. Ðảng Tự Do (Liberal Party)
Ðảng Tự Do là đảng trẻ trung nhất trong hàng ngũ chính đảng của Úc Ðại Lợi, nhưng lại là đảng có nhiều quyền lực và kế tục truyền thống chính trị lâu đời trong dân chúng của quốc gia này.
a. Nguồn Gốc
Cơn khủng hoảng Caucus của Ðảng Lao Ðộng xảy ra vào năm 1931 đã làm cho đảng này tan rã, và phân chia thành ra ba nhóm. Một trong số nhóm ấy do Joseph Aloysius Lyons lãnh đạo sát nhập vào Nhóm Người Quốc Gia (Nationalists) và thành lập ra đảng mới có danh xưng Úc Ðại Lợi Thống Nhất (United Australia Party). Và trong cuộc tranh cử phổ thông đầu phiếu đầu tiên năm đó, Ðảng Úc Ðại Lợi Thống Nhất thắng cử vẻ vang. Nhưng sau thời gian cầm quyền, đảng này càng ngày lại càng bị yếu thế bởi cấu trúc lỏng lẻo, không đáp ứng kịp nhu cầu nhân tâm và tình hình thực tế. Mặc dầu đảng mang danh nghĩa đại diện ở cấp liên bang, nhưng tại nhiều tiểu bang đảng này lại không có đại diện. Thứ rồi ở một số tiểu bang, đảng viên lại hoạt động không mang danh nghĩa Ðảng Úc Ðại Lợi Thống Nhất mà tuyên xưng thuộc về Nhóm Người Quốc Gia.
Tới tháng 8 năm 1944 trong cuộc trưng cầu dân ý về việc chính quyền liên bang có thẩm quyền trên các mặt kinh tế và xã hội hay không… Robert Gordon Menzies nhân dịp tấn công Ðảng Úc Ðại Lợi Thống Nhất, đứng lên kêu gọi thành lập Ðảng Tự Do (Liberal Party). Menzies lập luận rằng theo cuộc trưng cầu dân ý đã chứng minh đất nước Úc Ðại Lợi phát triển là theo đường hướng với nếp sống tự do. Hơn nữa, người dân hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền Tự Do Dân Chủ đương thời, mà họ không chấp nhận chủ trương Xã Hội Chủ Nghĩa.
Menzies quả quyết rằng hệ thống Tự Do Dân Chủ đưa dân nước Úc Ðại Lợi tiến tới phồn thịnh trong tương lai, và vào năm 1945 ông chính thức thành lập Ðảng Tự Do. Ông kêu gọi các thành phần trong Ðảng Úc Ðại Lợi Thống Nhất, và những ai muốn có khuynh hướng sống tự do dân chủ thì hãy gia nhập Ðảng Tự Do. Trong thời gian thành lập này Ðảng Nhân Dân Queensland (Queensland’s People Party) sát nhập vào Ðảng Tự Do tạo ra thế kết hợp đầu tiên, nhưng lại giữ nguyên cơ chế tự trị của tiểu bang, và điều này trở thành nguyên tắc chủ yếu trong sinh hoạt của Ðảng Tự Do.
Ðảng Tự Do biết uyển chuyển khi phải đương đầu với những vấn đề chính trị phức tạp, và tranh thủ nhân tâm. Tự Do nhấn mạnh đến tự do cá nhân, khuyến khích cá nhân tìm lối sống riêng sao cho phù hợp với sự tự do của mình mà mình mong muốn. Thành thử Ðảng Tự Do đã đề ra chính sách ủng hộ các công ty tư nhân, và đảng coi lợi ích của các công ty tư nhân này là phần thưởng cố gắng, hay nỗ lực cá nhân mà ra, mà có.
b. Chủ Trương
Ðảng Tự Do vốn chủ trương chống lại Xã Hội Chủ Nghĩa, không đồng ý với Ðảng Lao Ðộng về quyền kiểm soát rộng rãi của chính quyền Lao Động trong việc phát triển cuộc sống và công ăn việc làm của người dân. Tự Do cương quyết không xử dụng ngân sách quốc gia cho các vấn đề y tế hay an sinh xã hội.
Ví dụ, Tự Do xóa bỏ Medibank, một hình thức bảo hiểm y tế của chính phủ rất cồng kềnh và tốn kém nhiều ngân sách quốc gia do chính quyền Lao Ðộng thành lập; và đang khi Ðảng Tự Do lại khuyến khích dân chúng mua bảo hiểm tư.
c. Cơ Cấu Tổ Chức
Mạng lưới tổ chức của Ðảng Tự Do, nhìn chung cũng tương tợ như Ðảng Xã Hội, cũng có những chi bộ địa phương làm hạ tầng cơ sở, và đảng bộ trong mỗi tiểu bang. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Ðảng Tự Do và Ðảng Lao Ðộng là quyền lực của đảng viên trong Quốc Hội. Các thành viên Tự Do có quyền tự quyết những vấn đề về chuyên biệt mà nhiều khi có quyết định đi ngược lại chung quyết của Ðảng Tự Do đề ra. Nhưng trong những trường hợp nếu có, thì Ðảng Tự Do cũng đành miễn cưỡng mà chịu chấp nhận, chớ không phê bác.
Ngay trong Quốc Hội, Caucus của Tự Do là những người nằm trong Quốc Hội, nhưng nhiệm vụ của những đảng viên này chỉ bầu ra lãnh tụ, rồi sau đó lãnh tụ này tự ý chỉ định nội các, chớ không do đảng chỉ định.
Tự Do với phương châm là “đảng lãnh đạo tự nhiên.” Ðiều này có nghĩa là đảng không có đoàn thể chính thức ủng hộ cho đảng như những nghiệp đoàn trong Ðảng Lao Ðộng. Và Ðảng Tự Do có sự ủng hộ ngầm của các giới thương gia doanh nhân.
3. Ðảng Nông Thôn Quốc Gia (The National Country Party)
Nông Thôn Quốc Gia là đảng phát triển trong thời Ðệ Nhất Thế Chiến, được sự ủng hộ của các tổ chức nông gia, vì họ cần có tiếng nói trong Quốc Hội để bênh vực cho quyền lợi của người nông thôn. Năm 1923 Ðảng Nông Thôn Quốc Gia trở thành đồng minh với Ðảng Quốc Gia (The Nationalist Party). Ðó là giai đoạn khởi thủy nền tảng liên đảng được tạo ra để chống lại Ðảng Lao Ðộng (Anti-Labor) ở cấp tiểu bang và liên bang.
Nông Thôn Quốc Gia chú trọng đến những quyết định liên quan tới đời sống kỹ nghệ ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, đảng này lại chiếm được nhiều ghế hơn là mức độ mà giới truyền thông vẫn thường suy đoán, vì họ chỉ dựa trên thống kê.
Thế mạnh của Ðảng Nông Thôn Quốc Gia là đảng đứng trên quan điểm và lập trường “đoàn kết - thẳng thắn.” Tuy nhiên từ ngày thành lập tới nay, Nông Thôn Quốc Gia phải đương đầu với hai vấn đề lớn. Thứ nhất, sau Ðệ Nhất Thế Chiến, dân số Úc Ðại Lợi tăng trưởng gấp ba lần, phần lớn lại bỏ nông thôn vốn có đời sống lam lũ mà tụ tập về chốn phồn hoa đô hội sẵn có công ăn việc làm; từ đó, tỷ lệ phiếu của vùng nông thôn đã bị giảm sút. Thứ hai, Ðảng Tự Do – một đối thủ đồng minh của liên đảng đang dần dà tiến vào giành ghế với Ðảng Nông Thôn Quốc Gia trong vùng nông thôn với khuynh hướng tự do.
4. Các Đảng Phái Khác
Các đảng nhỏ khác thường đấu tranh cho một vấn đề tương đối nhỏ hẹp. Do đó, mỗi khi có vấn đề không còn tồn tại thì các đảng nhỏ này phải vất vả để duy trì sự tồn vong của họ. Thứ đến họ cũng không có những nguồn tài trợ dồi dào như chính đảng lớn, và họ không có đại diện trong Quốc Hội thì cũng ít được giới truyền thông báo chí nhắc tới.
5. Ðảng Dân Chủ Lao Ðộng (The Democratic Labor Party)
Ðảng Dân Chủ Lao Ðộng là mảnh vụn vỡ ra từ Ðảng Lao Ðộng năm 1955, khi họ bất đồng chính kiến với người Cộng Sản. Sự kiện Dân Chủ Lao Ðộng tách rời ra cũng làm ảnh hưởng đến Ðảng Tự Do trong việc thay đổi bầu cử, đẩy mạnh phong trào chống Ðảng Cộng sản trong vùng Châu Á.
Vào thời kỳ đầu năm 1970, Tự Do đạt đến cực điểm trong chính trị, chiếm 5 ghế trong thượng viện liên bang. Nhưng tới năm 1974 Tự Do lại bị thất bại vì không còn giữ được ghế nào rồi dẫn tới việc ngưng hoạt động của đảng vào năm 1978.
6. Ðảng Người Úc Dân Chủ (The Australian Democrats)
Donal Leslie Chipp, cựu thành viên của Ðảng Tự Do, đứng ra thành lập Ðảng Người Úc Dân Chủ vào năm 1977. Ðường lối của đảng là trung dung giữa hai phe Lao Ðộng và Tự Do. Chỉ trong 9 tháng đầu hoạt động đảng đã thâu nhận được 120 thành viên, chiếm được 2 ghế Nghị Sĩ. Tuy nhiên tới nay đảng này cũng gặp nhiều khó khăn về tài chánh.
VI. Nhiệm Vụ Chính Ðảng
Ở những nước độc đảng (Cộng Sản, Hồi Giáo), đảng viên ứng cử được chọn vào ghế trong chính quyền, họ giữ các chức vụ quan trọng nhằm bảo vệ đặc quyền đặc lợi của họ mà họ đang cai trị. Ðương nhiên bầu cử của họ phải thắng với tỷ lệ 100%, hoặc 95% vì không có đối thủ cạnh tranh. Nhưng quốc gia đa đảng/lưỡng đảng, mỗi đảng tranh cử tại nhiều địa phương với nhiều chức vụ ở những cấp độ khác nhau. Bởi thế cử tri có cơ hội chọn ứng viên tranh cử, và người nào nhiều phiếu thì đắc cử.
Vào thời mới lập quốc ở Hoa Kỳ, các lãnh tụ chọn người vào ghế chính quyền bằng những phiên họp của các ủy viên gọi là Caucus. Nhưng hình thức này trở thành không phù hợp lòng dân, vì có nhiều ứng cử viên của các đảng phái khác bị thất lợi trong cuộc xây dựng và phát triển công quyền. Hơn nữa, một người hay một nhóm nhỏ cũng có thể kiểm soát Caucus để đạt đến mục đích cá nhân. Vì thế từ năm 1840 tới nay thể thức đại hội chọn ứng cử viên đã trở thành phổ quát. Theo thể thức này, đảng viên sẽ chọn ứng viên đại diện cho mình qua kỳ đại hội. Nhưng rồi lãnh tụ đảng và guồng máy đảng đã kiểm soát được đại hội. Nhiều đại biểu bầu phiếu lại thực hiện theo chỉ thị, hoặc được mua chuộc. Ðại hội tới nay vẫn còn tổ chức tại một số tiểu bang Hoa Kỳ để chọn ứng viên cấp tiểu bang, cấp địa phương, hoặc thảo luận những công tác nội bộ.
Hai đảng chính trị quan trọng là Dân Chủ và Cộng Hòa tổ chức những đại hội toàn đảng mỗi bốn năm một lần, để chọn ứng viên tổng thống và phó tổng thống. Bắt đầu những thập niên 1900 nhiều tiểu bang đã thay thế đại hội đảng bằng phiếu sơ cấp để chọn ứng cử viên, cũng như muốn tránh sự kiểm soát của đảng vào các ứng cử viên. Bởi thế các tiểu bang ở Hoa Kỳ ngày nay tổ chức công khai hay nội bộ bầu cử sơ cấp. Trong cuộc bầu cử công khai, mỗi cử tri nhận phiếu ứng cử viên của các đảng. Tại thùng phiếu, cử tri chọn phiếu của ứng cử viên mà mình đã tuyển. Và trong cuộc bầu cử nội bộ, cử tri thường chỉ chọn phiếu ứng cử viên của đảng mình.
1. Tập quyền - tản quyền
Những nước có hệ thống tập quyền như Anh, Pháp, Ý… thì chính phủ trung ương nắm giữ nhiều quyền hành kể cả quyền kiểm soát các địa phương. Nhưng những nước có hệ thống liên bang như Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Úc Ðại Lợi… thì quyền hành được phân ra giữa trung ương, và tiểu bang, hay tỉnh bang.
Những nước có thể chế trung ương tập quyền, các đảng chính trị tập trung để được quyền kiểm soát, tổ chức chính quyền trung ương, và các chính đảng cũng tổ chức và hoạt động theo cấp độ này. Và những nước có thể chế chính trị tản quyền, thì các chính đảng cũng phải hoạt động và tổ chức sao cho phù hợp với thể chế như tổng thống hay đại nghị.
2. Thể Chế Tổng Thống
Hiến Pháp Hoa Kỳ ấn định sự phân quyền giữa hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Tổng thống không phải là đại biểu quốc hội, và cũng không phải là người của nội các, mà tổng thống được chọn qua cuộc phổ thông đầu phiếu. Trong Quốc Hội, thượng viện với các thượng nghị sĩ là tiếng nói của người dân, và hạ viện với các dân biểu là tiếng nói của chính quyền.
3. Thể Chế Đại Nghị
Thể chế dân chủ đại nghị như Anh Quốc thì người lãnh đạo là thủ tướng. Thủ tướng phải là đại biểu quốc hội và thường là lãnh tụ của đảng có đa số ghế tại hạ viện. Thủ tướng chọn thành phần nội các là những lãnh tụ các cấp của đảng có đa số ghế tại quốc hội. Anh Quốc là nước mà thủ tướng và chính phủ là những người có cả quyền lập pháp và hành pháp. Họ là nhân viên của lập pháp và chịu trách nhiệm việc thi hành luật. Nếu chương trình của thủ tướng không được quốc hội chấp thuận thì đảng đối lập yêu cầu tổ chức tuyển cử. Và dân bỏ phiếu lưu giữ chính phủ, hoặc là cho phép đảng đối lập có cơ hội thành lập tân chính phủ.
Mỗi đảng ở thượng viện và hạ viện đều chọn lãnh tụ tại mỗi viện (floor leader) và phụ tá (whip). Lãnh tụ đảng tại mỗi viện hướng dẫn đảng viên trong việc thảo luận và đề nghị dự luật. Người phụ tá giúp cho lãnh tụ biết ý kiến của đảng viên trong các vấn đề.
4. Ðối Lập
Những nước dân chủ thì đảng hoặc những đảng thất cử có nhiệm vụ phê bình các chương trình, các kế hoạch của đảng cầm quyền. Ở Pháp, Ý, và những nước có nhiều đảng, thì các đảng đối lập có nhiều quan điểm chính trị khác biệt nhau, từ quân chủ cho chí cộng sản. Nước lưỡng đảng thì đảng đối lập được thống nhất. Nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ cũng ít khi xảy ra như thế, vì một số thành viên đảng lại ủng hộ chương trình của chính phủ dù trái với chủ trương đường lối của lãnh tụ đảng họ.
5. Gây quỹ
Chiến dịch vận động gây qũy tranh cử rất quan trọng đối với các nước dân chủ. Chiến dịch rất tốn kém nhưng các đảng phải chi tiêu để được đắc cử. Chính đảng của Hoa Kỳ phải chi tiêu cho chiến dịch tranh cử tất nhiên nhiều hơn ở các quốc gia khác, một phần vì chiến dịch dài, và tốn kém hàng triệu Mỹ kim cho cuộc vận động tranh cử thượng nghị sĩ, và nhiều triệu cho cuộc vận động tranh cử tổng thống.
B. Chính Đảng Việt Nam
Qua phần trình bày đại cương đảng chính trị của những quốc gia Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, Anh Quốc… chúng ta thấy rằng, chính đảng được nhiều đoàn thể và hiệp hội kết hợp để tạo thành tụ lực và làm nên sức sống của tổ chức đảng (Party Organization) trên tiến trình đấu tranh chính trị. Các đoàn thể hiệp hội tuy có mục tiêu chính trị, nhưng khả năng hoạt động của mỗi tổ chức lớn, nhỏ lại khác biệt. Các tổ chức này có thể ủng hộ một chính sách, hay ảnh hưởng bởi đường hướng hoạt động của một chính đảng nhưng lại hoạt động đơn thuần về một phương diện xã hội, tôn giáo, văn hóa, giáo dục hoặc kinh tế… Và cũng từ đó chính sách của một chính đảng đề ra để thực hiện công cuộc tổ chức chính là con người. Việc kiểm soát con người và kiểm soát công tác trở thành mấu chốt quyết định thành công hay thất bại trong hoạt động của một chính đảng.
Vì thế, việc giải quyết đúng đắn về một hệ thống tổ chức chính trị, tức là chúng ta giải đáp thông suốt những vấn đề của con người:
- Phải làm gì?
- Có bao nhiêu việc?
- Cần biết cái gì?
- Tuân theo qui định gì?
- Trực thuộc ai?
- Có trách nhiệm và quyền hạn đến đâu?
- Liên hệ với người và đại phận khác như thế nào?
- Do ai bổ nhiệm, hay bãi miễn?
Ngày xưa, khi nhóm người bất bình với chính quyền thì họ tập hợp nhau lại để mưu tính việc tuyển quân mộ lính mà khởi nghĩa, mà thực thi lý tưởng, nguyện vọng của mình. Nhưng ngày nay, để tránh chiến tranh, người thanh niên muốn thực hiện lý tưởng phục vụ quốc gia dân tộc thì cần tham gia hay thành lập chính đảng, từ đó tìm cách đại diện cho dân, ứng cử vào quốc hội, và đấu tranh nghị trường.
Ngày trước chính trị gia xuất thân là những trí thức đào tạo trong triều đình, tu viện, hay môn phái võ thuật. Thế nhưng qua tiến trình phát triển xã hội, người trí thức thời nay được đào tạo trong trường đại học của ngành giáo dục trở thành những chuyên viên, và những người này họp nhau thành hội thành đảng. Bởi vì những lời kêu gọi hay đòi hỏi nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí hay tự do tín ngưỡng… đều vô hiệu khi không có Lưỡng Đảng trong một thể chế tự do chính trị. Và chỉ khi chúng ta có đảng thứ hai đủ mạnh, có khả năng tranh đấu chính trị với đảng cầm quyền thì lúc đó người dân mới thực sự có tự do dân chủ và nhân quyền.
Xây dựng một chính đảng, trước hết chúng ta cần đề cập đến việc thành lập và phát triển đơn vị tổ chức địa phương nơi mình đang cư ngụ, thường gọi Quận Bộ (District) vì là nơi liên quan mật thiết chính đảng với đại chúng, nghe ý dân và đáp ứng nguyện vọng của dân. Quận bộ là cơ quan lãnh đạo đảng bộ để hướng dẫn dân chúng sinh hoạt chính trị, thành lập những Hội Đoàn và Câu Lạc Bộ để thu hút thanh niên nam nữ vào hoạt động chính trị. Quận bộ cũng là trường huấn luyện và đào tạo cán bộ đảng viên, thông thường các nhân tài của đảng sản sinh từ quận bộ rồi trưởng thành trong công tác lãnh đạo và quản trị tổ chức.
Cán bộ đảng viên là người tự nguyện nhận lãnh và hoàn thành công tác tổ chức tại quận bộ sao cho phù hợp trình độ nhận thức, khả năng chuyên môn, và sở trường của chính mình. Cán bộ đảng viên là người:
- Biết điều mình nói, muốn nói, và việc mình làm trong tổ chức một cách rõ ràng mạch lạc.
- Hiểu điều mình trình bày một cách sâu sắc, và tin tưởng vững vàng vào sự nghiên cứu (research), sự hiểu biết của chính mình.
- Thực hiện điều hiểu biết nói trên.
- Sống thực với điều hiểu biết của mình, chứ không lý thuyết suông.
- Ứng dụng điều hiểu biết của mình vào cuộc sống bản thân và xã hội.
C. Ðảng Chính Trị Việt
Nhìn lại đảng phái chính trị của người Việt Nam phải thừa nhận rằng dân tộc ta chưa có một đảng chính trị đúng nghĩa để “sinh hoạt tự do dân chủ”. Trước hết vì thiếu triết lý dân tộc, thiếu nguyên lý tổng hợp, thiếu tôn chỉ hay hệ thống tư tưởng chỉ đạo một cách “sống động hiện thực”… Hơn nữa, tôn chỉ hay chủ thuyết lại cần phải giải thích rộng rãi… cho nên đã tự gò bó, mâu thuẫn quyền lợi, kình chống lẫn nhau trong nội bộ đảng. Và từ đó các chính đảng đã không theo kịp trào lưu tiến hóa chung của nhân loại; đảng CSVN là một ví dụ điển hình.
Ðảng chính trị mà chúng ta mong muốn sớm có hôm nay, thì đảng đó không nên đóng khung trong một tôn chỉ hay một chủ thuyết nào, mà cần ứng dụng bằng những chính sách chính trị thực tế, và tránh nạn giáo điều. Muốn được như thế, chúng ta kết hợp sao cho hài hòa giữa hai hệ thống tư tưởng của dân tộc và nhân loại, rút tỉa tinh hoa văn hóa Tiên Rồng đưa vào quốc sách chính trị thì Việt Nam mới có cơ may thành công.
Chúng ta biết rằng, trong thể chế chính trị Tự Do Dân Chủ phải có hai đơn vị bình đẳng trong một cơ cấu sinh hoạt, cầm quyền và đối lập. Từ đó, chúng ta có quyền chọn lựa những ứng cử viên đại diện cho mình vào chính quyền để hoạt động xây dựng, kiến thiết quốc gia. Và những ai muốn “gánh vác sơn hà,” thì họ mới có cơ hội để tự do thực hiện những điều kiện như sau:
1. Chọn đảng chính trị để gia nhập.
2. Chọn đơn vị địa phương thích hợp để cho mình sinh hoạt.
3. Ðệ đơn xin ứng cử.
4. Tiến thân trong đảng và tiến lên trong những đơn vị bầu cử từ địa phương tới những cấp lớn hơn, hay trung ương.
5. Ðắc cử thành lãnh tụ khối dân cử của đảng.
6. Và vận động tranh cử để đảng có đa số phiếu trong quốc hội, rồi từ đó mà có chính quyền và giữ chính quyền.
Ðộng lực thúc đẩy các người thanh niên hăng hái gia nhập đảng chính trị là do khả năng. Vì khi thanh niên có khả năng chính trị thì họ mới chu toàn được nhiệm vụ, và khi có nhiệm vụ thì ắt sinh ra quyền lợi. Quyền lợi chính trị lại là phương tiện để giúp người thanh niên đó thực hiện lý tưởng, hoài bão giúp dân cứu nước mà mình hằng tâm mưu cầu. Phải có phương pháp tổ chức thực tiễn theo đà phát triển của xã hội như phân công phân nhiệm… thì đảng chính trị mới gặt hái được thành quả và xã hội mới tránh được nạn công thần.
Bằng ngược lại, đảng độc tài trong các nước chậm tiến thì thường đặt tình cảm làm động lực thúc đẩy cho tổ chức… rồi mới xét tính đến quyền lợi, lý tưởng, và khả năng của thành viên. Bởi thế, quyền lực thường bị rơi vào tay những kẻ bất tài vô đức, mặc tình thao túng chính trị… làm băng hoại xã hội, đưa dân nước lâm cảnh nghèo đói bần cùng.
Ngày nay, dân tộc ta muốn tồn tại, muốn sống còn thì Chính Sách Dựng Đảng là điều kiện tiên quyết. Vì chỉ có đảng chính trị mới là cơ cấu tổ chức chặt chẽ trong công cuộc dựng nước, dựng người. Ðảng chính trị phải có đủ quyền lực đối lập, tức là phải là tổ chức của dân và do dân. Ðảng phải có cán bộ nòng cốt hoạt động trong dân, tổ chức dân và lãnh đạo dân; bằng không thì chỉ là “đảng cuội”, và hao tiền tốn của bằng việc làm vô tích sự. Đảng chính trị cũng không thể bỗng nhiên mà có, và lại càng không thể có do ngoại nhân tạo ra mà thành. Nói khác đi đảng chính trị chỉ có khi có những người cưu mang tâm huyết của Tổ Tiên Việt để thực thi đại cuộc Cách Mạng Tiên Rồng.
Đảng chính trị đặt căn cứ trên nền tảng triết thuyết dân tộc. Từ cơ sở tư tưởng đó, chúng ta phát huy và xác định phương hướng, mục đích, mục tiêu, và nhiệm vụ hoạt động trong từng thời kỳ bao gồm từ việc tổ chức kín, tổ chức bán công khai, hoặc tổ chức công khai. Về mặt công tác hoạt động, đảng chính trị phân công phân nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên, sao cho công tác vừa song hành với chương trình hợp đồng, đồng bộ của tổ chức, và lại vừa phù hợp với khả năng nhiệm vụ của mỗi người.
Đảng chính trị không phải là tổng hợp tài năng cá nhân, mà là một tập thể sinh hoạt có tổ chức, có hệ thống, có nguyên tắc, có quy luật phát triển riêng của hệ tư tưởng chỉ đạo và định hướng. Sức mạnh của đảng không phải cấp số cộng mà là cấp số nhân, và tình cảm tập thể cũng là cấp số nhân. Sức mạnh cũng như tình cảm tập thể thường đưa những người cán bộ đảng viên hoạt động trở thành danh tiếng. Giải quyết đúng đắn hệ thống tổ chức, tức là chúng ta giải quyết vấn đề cán bộ, và xin nhớ rằng, đảng chỉ vững mạnh nếu có lãnh đạo thừa kế.
Tóm lại, đảng chính trị phải tùy thuộc thực tế hiện hữu mà chúng ta tổ chức sao cho linh động, biến hóa toàn vẹn và hữu hiệu.
D. Kết Luận
1. Theo quan niệm tổ chức của Ðông phương, chúng ta thường dựa trên nền tảng Vì Nghĩa. Chúng ta ngồi lại với nhau vì thấy việc chung phải làm, và vì tình nghĩa với nhau mà làm việc chung, việc nghĩa. Bởi thế mới có những người Tụ Nghĩa, Kết Nghĩa rồi có Nghĩa Sĩ, Nghĩa Quân… Tất cả đều căn cứ trên động lực tinh thần, tấm lòng đối với việc chung, việc nước phải làm, với Quê Hương Dân Tộc hay ít ra vì nặng nợ ơn nghĩa với nhau.
Vì vậy mục đích của việc kết tụ là “đền ơn đáp nghĩa” hoặc làm ơn làm nghĩa… Với hình thức tổ chức của Ðông phương rất thích hợp với Tình Người, nhưng nặng phần chủ quan, lỏng lẻo, và nhẹ phần công tác. Do đó không khai thác và ứng dụng triệt để những điều kiện thành công khách quan, đây là điểm yếu trong công cuộc tổ chức đã thường dẫn đến thất bại của nhiều chính đảng hoạt động trên quê hương Việt Nam.
2. Ngược lại, theo quan niệm Tây phương, nền tảng tổ chức là “hợp tác” và cùng nhau làm việc chung, việc nước. Nhưng mục tiêu của tổ chức là “hữu hiệu” họ làm sao cho hoàn thành công tác trước mắt; tiếp đến mục đích của tổ chức là “hưởng lợi” mọi người đều có lợi và càng lợi nhiều thì càng tốt, bởi có lợi thì con người mới thích tham gia.
Do chủ trương “hợp tác sao cho hữu hiệu để hưởng lợi” đã phát sinh ra hình thức tổ chức mà ngày nay người ta mệnh danh là “dân chủ.” Hình thức này dựa trên nguyên tắc “đa số thắng thiểu số” và trên phương thức “bầu cử với nhiệm kỳ”. Hình thức tổ chức này thành công trong việc xử dụng tài sức và vật dụng để phát triển. Tuy nhiên, vì hạn hẹp vào “lợi” cho nên hình thức tổ chức chỉ thích ứng trong phương diện “có lợi” mà thôi.
Vì chủ đích hưởng lợi, nên hình thức tổ chức thường rơi vào tệ trạng với những nguy cơ man trá, thủ đoạn để thành công. Tóm lại, với chủ trương “đa số thắng thiểu số” của người Tây phương thì “mạnh được yếu thua” và “ai thắng thì có công lý” cho nên thường trở thành hình thức hợp pháp giúp cho nhóm người mạnh đàn áp kẻ yếu, nhóm người có quyền lực áp bức bóc lột kẻ thế cô… Bởi thế chúng ta phải cẩn thận và đề ra cơ chế thích đáng nhằm ngăn ngừa nạn độc tài, đã từng đưa đất nước chúng ta xuống vực thẳm nghèo nàn và chậm tiến.
Phạm Văn Bản
__________________________________________
Ghi chú:
(1*) Rossiter, Clinton, Parties and politics in America, Ithaca, N.Y., Cornell University Press, 1960.
(2*) John Dewey, Democracy and Education: An Introduction to the Philosophy of Education, New York, Macmillan, 1916, 1944.
(3*) Chính đảng Gia Nã Đại:
• Canada's New Democratic Party/Nouveau Parti démocratique du Canada, NDP/NPD
• Liberal Party of Canada/Parti Libéral du Canada, LPC/PLC
• Conservative Party of Canada/Parti conservateur du Canada
• Bloc Québécois, BQ
• Animal Alliance Environment Voters Party of Canada, AAEV
• Canadian Action Party/Parti Action Canadienne, CAP/PAC
• Christian Heritage Party of Canada/Parti de l'Héritage Chrétien du Canada, CHP/PHC
• Communist Party of Canada/Parti communiste du Canada, CPP/PCC
• Communist Party of Canada (Marxist-Leninist)/ Parti communiste du Canada (marxiste-léniniste), CPP(M-L)/PCC(M-L)
• First Peoples National Party of Canada, FPNP
• Freedom Party of Canada/Parti de la Liberté du Canada, FP/PL
• Green Party of Canada/Parti vert du Canada, GPC/PVC
• Grey Party of Canada
• Libertarian Party/Parti Libertarien
• Marijuana Party/Parti Marijuana, MJP/PMJ
• Parti Populaire des Putes, PPP
• Progressive Canadian Party/Parti Progressiste-Canadien, PC Party/Parti PC
• Rhinoceros Party of Canada
• Western Block Party, WBP
• Western Canada Concept, WCC
Tuy nhiên, hai trong 4 đảng lớn là đảng Tự do (Liberal Party of Canada) và đảng Bảo thủ (Conservative Party of Canada) thường nắm chính quyền liên bang. Tại quốc hội Canada hiện nay có dân biểu của hai đảng vừa kể và của các đảng Tân Dân chủ (Canada's New Democratic Party), Khối Québecois (Bloc Québécois, BQ) và 1 dân biểu độc lập. Tại mười tỉnh bang (province) và ba lãnh địa (territory), chính phủ cũng thường do đảng lớn nắm quyền British Columbia, Ontario, Quebec: đảng Tự do; Alberta, New Brunswick, Nova Scotia, New Foundland, Prince Edward Island: đảng Bảo thủ; Manitoba, Saskatchewan: đảng Tân Dân chủ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý