Bàn thờ tổ tiên - Đôi điều nhân nghĩa
“Tết tết tết tết đến rồi…Tết đến trong tim mọi người…”
Không khí tết đang tràn ngập đường phố, từ thành thị đến nông thôn, khiến người dân Việt ta ai cũng náo nức, háo hức đếm ngược từng ngày.
Tết đang gõ cửa từng nhà.
Cứ hễ mỗi dịp tết đến, người Việt, không kể trong nước và ngoài nước, đều trang hoàng nhà cửa, sắm sửa mọi vật dụng cần thiết và lau chùi dọn dẹp bàn thờ sao cho sạch đẹp, tinh tươm và ấm cúng để dâng lên Tổ tiên tấm lòng thơm thảo của con cháu trong nhà.
Tục thờ cúng Tổ tiên có từ khởi thủy và biến thiên theo thời gian, mỗi nơi mỗi khác, mỗi nhà mỗi cảnh, có nhà thì 1 bàn thờ chung, gộp cả Phật, thánh thần, quan thần linh Táo quân, thổ địa, gia tiên vào chung một lư hương to. Nhà thì có tới 3 lư hương, được bài trí ngang hàng, bên trái (từ ngoài nhìn vào) là lư hương thờ ông hoàng, ông mãnh, bà Tổ cô, bên phải thờ gia tiên nhiều đời, lư ở giữa thờ các vị thần linh, thổ công thổ địa. Nhà thì rạch ròi phải có đủ 3 bàn thờ: Một bàn thờ Phật, một bàn thờ gia tiên, một bàn thờ thần tài để riêng, gần cửa để đón phúc – lộc – thọ vô nhà.
Chuyện đúng sai miễn bàn vì người Việt thờ đa thần, tùy theo tâm thức nên cũng có sự khác biệt ít nhiều, nhưng việc thờ cúng Tổ tiên luôn được trú trọng để tâm hàng đầu. Tuần rằm mùng một nhất khoát phải có đồ lễ, mặn nhạt đều có đủ, thành kính dâng lên những người đã khuất.
Sẽ có nhiều người hỏi, kích cỡ bàn thờ to nhỏ thế nào, cao thấp ra làm sao thì phù hợp? Xin nói trước, ở đây không có chỗ cho việc xem bói toán. Lấy thước Lỗ ban mà đo cao thấp rộng dài chỉ là giải pháp trấn an gia chủ. Cốt lõi của sự thờ cúng “Tiên tổ” không nằm ở hình thức mà nằm ở Tâm hiếu đạo của con cháu đời đời.
Hài hòa là điều đáng phải bàn. Người Việt ta vốn ưa sự hòa, nào là: “Gia hòa vạn sự hưng”, “trời đất giao hòa”, “thiên – địa – nhân hòa hợp”…Vậy nên, mua sắm, bày biện trên bàn thờ gia tiên phải phù hợp với không gian ngôi nhà của mình, đừng to quá mà kệch cỡm, đừng nhỏ quá mà úi xùi. Giờ nhiều nhà có điều kiện, gia chủ có thừa tiền để trang hoàng nơi thờ tự thật sự là hoành tráng. Họ có thể khoe mẽ và hãnh tiến với thế gian chứ thực tình, chỉ dăm ba câu trò chuyện biết ngay người này đang cố học giả làm sang, chẳng hiểu gì về lễ nghĩa.
Sự linh thiêng và cách biểu đạt giữa hai cõi giới hữu hình và vô hình dường như không có mấy điểm chung. Người đã khuất, gọi chung là Tiên tổ khi đã thác thân, chỉ tồn tại dưới dạng thể sóng, vi tế nhưng lại nhạy cảm vô cùng. Linh hồn (hương linh, chân linh…) thanh nhẹ của họ chỉ hợp với sự thanh khiết, nhẹ nhàng và ứng với những giá trị đạo đức, nhân nghĩa ngàn đời của Tiên tổ. Họ không còn thân xác để thọ dụng những đồ tế lễ mà con cháu bày vẽ dâng cúng nhưng họ hoàn toàn có thể thị hiện để chứng tâm cho tấm lòng thơm thảo của con cháu hoặc trách phạt con cháu nếu họ vô lễ, làm bậy. Tần sóng năng lượng thanh nhẹ thích ứng với mùi dịu êm của hương thơm tỏa ra từ thanh bông hoa quả và mùi hương trầm (thảo mộc) tự nhiên khi ta thắp lên. Tiên tổ coi trọng giá trị thuộc về đạo đức, tinh thần trong khi người trần lại đặt nặng về mặt hình thức. Tiên tổ coi trọng gia hòa, đoàn kết nội bộ trong khi người trần gian lại xem trọng vật chất, có chỗ anh em còn tranh giành nhà cửa, đùn đẩy trách nhiệm thờ cúng, chém giết lẫn nhau, đối xử với cha mẹ chẳng khác người dưng nước lã, thậm chí còn xua đuổi cha mẹ mình đến nhà tế bần cho rảnh nợ. Ấy vậy mà khi bố mẹ mình chết đi thì họ khóc lấy khóc để, cỗ bàn thừa mứa. Nên biết, mâm cỗ đầy không nói cho ta biết người con ấy đã thực sự thành tâm hay chưa. Vẻ bề ngoài thường hay đánh lừa người khác.
Tâm linh được hiểu một cách vắn tắt là nếu tâm người chủ nhang mà thực lòng thành kính hướng đến Tổ tiên thì sẽ được linh ứng.
Có người lại hỏi, vậy phải đặt bàn thờ ở chỗ nào trong nhà mới là phù hợp?Đây là câu hỏi thú vị nhưng thực tiễn cũng dở khóc dở cười.
Trong những ngôi nhà truyền thống xưa kia (đình, chùa, miếu, đền, nhà ba gian, năm gian hai chái…), bàn thờ luôn hiện diện ở vị trí trang trọng nhất, cao ráo và sạch sẽ nhất. Đó là linh hồn của ngôi nhà và cũng là nơi trú ngụ của cõi giới linh thiêng. Ngày nay thì đã khác xưa nhiều. Đất chật, người đông, bàn thờ thường được bài trí ở tầng cao nhất vì họ cho rằng đó là nơi cao ráo, sạch sẽ, ít ồn ào lại kín đáo. Kể ra thì cũng chẳng thể trách được vì thời thế khác rồi, đất làm gì có mà bày vẽ, nhưng nực cười là ở chỗ nhận thức của người đời đã bị méo mó đi nhiều.
Xưa kia, cứ hễ con cháu đi đâu về mà có mua đồng quà tấm bánh thì việc đầu tiên là họ dâng lên Tiên tổ sau đó mới thụ lộc. Hay như khách đến chơi nhà, nếu có mang theo quà biếu, họ cũng làm một việc Lễ nghĩa là dâng món quà ấy lên bàn thờ gia tiên để các cụ nhà mình chứng tâm. Nay họ quy ước ngầm là chỉ dâng đồ thờ cúng vào ngày rằm, mùng một âm lịch, thảng hoặc họ mới bao sái bàn thờ và dâng hương vì bàn thờ đã bị đặt lên vị trí cao nhất trong nhà, đi lại bất tiện. Và đương nhiên, hương lạnh khói tàn là điều dễ hiểu.
Xưa kia, nơi thờ cúng linh thiêng cũng là nơi gia chủ kê chiếc phản vuông vức, hoặc bộ tràng kỷ để ngồi tiếp khách, nơi để bày mâm cơm cả nhà cùng ăn và cũng chính từ nơi đây, những câu chuyện nhân nghĩa, gia huấn ca – những lời răn dạy của người cha người mẹ với thế hệ con cái, những điều tử tế được thốt ra từ những cái miệng ngọc miệng hoa trước sự chứng giám của Tổ tiên và có lẽ vì sự linh thiêng của bàn thờ Việt mà con cháu ghét sự giả dối, sợ những thói hư tật xấu, không dám ăn cắp, gian lận của ai. Họ sống thật với lòng mình, nhân ái với mọi người.
Kính sợ Tổ tiên là bài học nằm lòng.
Trong khi đó ngày nay, vì khuất mắt trông coi, phòng tiếp khách vắng bóng bàn thờ gia tiên nên họ tha hồ cho sự giả dối hoành hành, từ buôn gian bán lận đến mua quan bán tước. Không có sự bỉ ổi, vô liêm sỉ nào không được phơi bày. Ngôi nhà bỗng trở thành nơi chứa chấp những mưu mô xảo quyệt, bày mưu tính kế. Ở cơ quan họ không dám sống thật vì sợ bị mếch lòng đồng nghiệp, cấp trên. Ra ngoài đường nhìn thấy những cảnh ngang tai trái mắt nhưng phải phớt lờ, tỉnh bơ vì đó không phải là chuyện của mình. Về đến nhà, người chồng với người vợ đã mấy ai sống thật với nhau. Sự giả dối đã len lỏi đến tận đầu giường vì ở đó, chiếc điện thoại ẩn chứa những dòng trí trá chưa kịp bị xóa.
Xã hội đảo điên ngày nay đang nói hộ chúng ta điều đó.
Câu chuyện trên liệu có liên quan gì đến sự hiện diện của bàn thờ Tổ tiên. Tôi tin là có.
Phải chăng chủ nghĩa VÔ THẦN mà hệ lụy của nó là sự đập phá hàng loạt các đình, chùa, miếu mạo, thậm chí là bàn thờ Tổ tiên trong lịch sử nửa cuối thế kỷ 20 là hồi chuông báo tử cho sự băng hoại và tha hóa khó bề cứu chữa về mặt đạo đức tinh thần của người dân Việt Nam chúng ta???
Các quý vị liệu có chung niềm trăn trở?
Hà Nội, ngày 04/01/2018
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015